Quốc hội thảo luận nhiều nội dung quan trọng

Ngọc Huệ (tổng hợp)
09:44, ngày 22-05-2013
TCCSĐT - Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIII, sáng 21-5, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Phòng, chống khủng bố.

Các đại biểu nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật Phòng, chống khủng bố; đồng thời tán thành với báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý của dự thảo Luật và cho rằng, dự thảo Luật đã được nghiêm túc hoàn thiện trên cơ sở những ý kiến đóng góp của đại biểu Quốc hội. Các đại biểu đề nghị làm rõ, bổ sung thêm một số vấn đề quan trọng liên quan đến những điều, khoản của dự thảo Luật Phòng, chống khủng bố.

 
 Toàn cảnh khai mạc Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIII. Ảnh: vov.vn

Thảo luận về khái niệm "khủng bố", các đại biểu Nguyễn Văn Minh (tỉnh Bắc Kạn), Nguyễn Công Hồng (tỉnh Đồng Nai), Nguyễn Minh Kha (thành phố Cần Thơ), Nguyễn Thái Học (tỉnh Phú Yên), Phạm Hồng Hương (tỉnh Hải Dương)… đồng tình như trong dự thảo Luật. Tuy nhiên, khái niệm về "khủng bố" cần bao quát hơn để bảo đảm tính toàn diện.

 

Giải thích từ ngữ “tài trợ khủng bố,” một số đại biểu Quốc hội đề nghị cần thiết kế lại khoản 2 (Điều 3) dự thảo Luật cho dễ hiểu, dễ nhận biết; đồng thời bổ sung các dạng hỗ trợ khác như: hỗ trợ tinh thần, kinh nghiệm, công cụ, phương tiện hoặc một số loại vật chất khác cho tổ chức, cá nhân khủng bố.

 

Đối với chính sách phòng, chống khủng bố (Điều 4), nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị bổ sung: chính sách khuyến khích cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia phòng, chống khủng bố; chính sách đối với người phát hiện hành vi khủng bố và người thân của họ; chính sách bảo vệ người thân thích của người tham gia phòng, chống khủng bố khi có căn cứ cho rằng những người đó bị đe dọa trả thù; chính sách khen thưởng khi cung cấp thông tin về khủng bố.

 

Về trách nhiệm, quyền hạn của người chỉ huy chống khủng bố (Điều 14), đại biểu Nguyễn Văn Minh (tỉnh Bắc Kạn), Nguyễn Anh Sơn (tỉnh Nam Định) nhất trí như trong dự thảo Luật, nhưng đề nghị cần làm rõ thẩm quyền của từng cấp để bảo đảm tính khả thi của Luật. Một số đại biểu Quốc hội cũng cho rằng, khi chưa có quyết định người chỉ huy thì người đứng đầu cơ quan trực tiếp sẽ là người chỉ huy và đối với cấp tỉnh khi chưa có quyết định người chỉ huy thì nên để trưởng công an là người chỉ huy.

 

Liên quan đến Ban Chỉ đạo phòng, chống khủng bố (Điều 9), đại biểu Nguyễn Anh Sơn (tỉnh Nam Định) và một số đại biểu Quốc hội khác cho rằng việc thành lập các ban chỉ đạo phòng, chống khủng bố hoạt động thường xuyên là cần thiết chứ không phải khi nào có vụ việc phát sinh mới thành lập. Tuy nhiên, cần bổ sung thêm thành phần ban chỉ đạo ở cấp tỉnh và vai trò thường trực của công an tỉnh.

 

Bàn về trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong phòng, chống khủng bố (Chương VII), nhiều đại biểu đề nghị làm rõ hơn vai trò của quân đội trong phòng, chống khủng bố bởi quy định như dự thảo còn chung chung, chưa đầy đủ, nhất là chức năng của bộ đội biên phòng. Bên cạnh đó cần làm rõ trách nhiệm của Bộ Tài chính, Hải quan và các bộ, ngành có liên quan trong nhiệm vụ phối hợp thực hiện phòng, chống khủng bố.

 

Góp ý trong hợp tác quốc tế về phòng, chống khủng bố (Chương VI), đại biểu Trần Đình Nhã (tỉnh Thừa Thiên - Huế) và một số đại biểu khác nhất trí như trong dự thảo Luật nhưng cần quy định chặt chẽ để bảo đảm linh hoạt.

 

Tại phiên làm việc buổi sáng ngày 21-5, các đại biểu Quốc hội đã dành nhiều thời gian thảo luận về vấn đề: các biện pháp chống khủng bố (Điều 29); xử lý tài sản liên quan đến tài trợ khủng bố và điều tra, xử lý khủng bố, tài trợ khủng bố (Điều 32, Điều 38, Điều 39)... Các đại biểu Quốc hội cũng đã góp ý về bố cục ở các chương, kỹ thuật văn bản của dự thảo Luật.

 

Kết thúc buổi làm việc sáng 21-5, thay mặt Đoàn chủ tịch, Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn cho biết: Trên cơ sở các ý kiến phát biểu tại buổi thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội để hoàn thiện dự thảo Luật; đồng thời sẽ trình Quốc hội thông qua theo chương trình tại Kỳ họp này.

 

Cũng trong buổi làm việc sáng 21-5, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang đã đọc tờ trình dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy, chữa cháy. Chủ nhiệm Ủy ban quốc phòng và an ninh của Quốc hội Nguyễn Kim Khoa trình bày báo cáo thẩm tra về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật này.

 

* Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp đã chính thức được Chính phủ trình Quốc hội ngày 20-5. Chiều 21-5, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp.

 

Điểm nhấn trong dự thảo Luật là để thực hiện chiến lược cải cách thuế năm 2020 là giảm dần mức động viên, dự thảo Luật quy định từ 1-1-2014 áp dụng mức thuế suất phổ thông là 22%; doanh nghiệp sử dụng dưới 200 lao động và có tổng doanh thu năm không quá 20 tỷ đồng được áp dụng thuế suất phổ thông 20% kể từ 1-7-2013. Từ ngày 1-1-2016 mức thuế suất phổ thông là 20% và mức thuế suất ưu đãi 20% được điều chỉnh giảm xuống còn 17%.

 

Quy định này được các đại biểu đồng tình, nhất trí cao. Theo đại biểu Trần Du Lịch (TP. Hồ Chí Minh), việc giảm dần mức thuế suất là hợp lý bởi hiện nay nhiều doanh nghiệp làm ăn thua lỗ không có tiền đóng thuế. Đại biểu nêu thực tế, tại TP. Hồ Chí Minh khi thực hiện quyết toán thuế 2012 thì chỉ có 30% doanh nghiệp đóng thuế, còn 70% doanh nghiệp lỗ, không đóng thuế. Thậm chí “một số công ty kiểm toán chúng tôi mời góp ý tại Hội thảo về Luật này còn cho rằng mức thuế 25% chỉ là danh nghĩa còn thực tế phải lên tới 27% vì nhiều khoản doanh nghiệp thực chi nhưng không được khấu trừ thuế” - đại biểu Trần Du Lịch nhấn mạnh.

 

Đại biểu Phạm Huy Hùng (đoàn Hà Nội) cũng đồng tình với quy định của dự thảo quy định áp dụng thuế suất phổ thông 20% đối với doanh nghiệp có doanh thu không quá 20 tỷ đồng/năm nhưng đề nghị bỏ quy định về số lao động.

 

Thảo luận tại tổ về Dự án Luật này, nhiều đại biểu Quốc hội Đoàn TP. Hồ Chí Minh quan tâm tới quy định khống chế chi phí quảng cáo, khuyến mãi ở mức 15%.

 

Đại biểu Nguyễn Ngọc Hòa (TP. Hồ Chí Minh) đề nghị không nên khống chế chi phí quảng cáo, khuyến mãi ở mức 15%. “Thực ra không doanh nghiệp nào chi tiền này mà không có tính toán, cân nhắc kỹ, trong tình hình cạnh tranh quyết liệt thì doanh nghiệp mới chi cho quảng cáo. Nhìn kỹ hơn thì khi doanh nghiệp quảng cáo chi sẽ thúc đẩy ngành quảng cáo phát triển” - đại biểu Nguyễn Ngọc Hòa nói.

 

Đại biểu cũng đề xuất miễn thuế đối với Quỹ tích lũy không chia của hợp tác xã để tạo điều kiện cho các hợp tác xã phát triển.

 

Tuy nhiên, đại biểu Trần Du Lịch và đại biểu Phạm văn Gòn (TP. Hồ Chí Minh) cho rằng nên khống chế mức chi phí quảng cáo, khuyến mãi. Nhưng đề nghị bổ sung vào dự thảo luật quy định về lộ trình tiến tới bỏ mức khống chế nêu trên để phù hợp với thông lệ quốc tế, tạo sức hấp dẫn của môi trường đầu tư.

 

Theo Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật thuế giá trị gia tăng, Luật này được sửa đổi, bổ sung nhằm kịp thời khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật hiện hành, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, tạo thuận lợi cho quá trình thực hiện.

 

Điểm nhấn chú ý của Dự thảo là đã tập trung sửa đổi, bổ sung một số nhóm vấn đề, trong đó đã sửa đổi, bổ sung Điều 5 Luật thuế giá trị gia tăng quy định về đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng gồm bảo hiểm về con người, bảo hiểm nông nghiệp; bảo hiểm tàu, thuyền, trang thiết bị và các dụng cụ cần thiết khác phục vụ trực tiếp đánh bắt thủy sản; dịch vụ cho vay của người nộp thuế không phải là tổ chức tín dụng, bán nợ, kinh doanh ngoại tệ; tài sản bảo đảm của khoản nợ bán ra của tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ cho Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng Việt Nam.

 

Mặt khác theo đề xuất của Chính phủ với Quốc hội, các hợp đồng bán, cho thuê, thuê mua nhà ở xã hội theo quy định sẽ được giảm 50% thuế giá trị gia tăng đầu ra từ ngày 1-7-2013 đến hết 30-6-2014. Theo tờ trình của Chính phủ, đề xuất giảm thuế giá trị gia tăng hợp đồng thuê, mua nhà ở xã hội nhằm hỗ trợ và tạo cơ hội cho các đối tượng có thu nhập thấp có nhu cầu về nhà mua được nhà ở; góp phần giải quyết lượng hàng tồn kho lớn trong lĩnh vực bất động sản và vật liệu xây dựng, từng bước tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

 

Tuy nhiên, đại biểu Trần Du Lịch cho rằng, thời gian thực hiện ngắn như theo dự thảo Luật (chỉ trong 1 năm) thì tác động của chính sách là hạn chế và thiếu đồng bộ với các chính sách khác. Đại biểu đề nghị kéo dài thời hạn thực hiện chính sách này đến hết 31-12-2014 thay vì đến hết ngày 30-6-2014 như dự thảo.

 

Đại biểu Nguyệt Hường (TP. Hà Nội) cũng cho rằng nếu thời gian thực hiện chỉ trong 1 năm, đối tượng được hưởng trên thực tế sẽ hạn chế, do đó kéo dài thời gian ra để họ mua được những nhà dạng này và đến được đối tượng thụ hưởng.

 
 Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh thảo luận tại tổ.
Ảnh: dangcongsan.vn

Về việc Dự thảo luật sửa đổi theo hướng nâng mức tiền thuế đầu vào tối thiểu để được hoàn thuế đối với đầu tư và xuất khẩu từ 200 triệu đồng lên 500 triệu đồng, nhiều đại biểu Quốc hội đoàn TP. Hồ Chí Minh cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, việc nâng mức tiền thuế tối thiểu với mức nâng khá lớn (gấp 2,5 lần) sẽ gia tăng khó khăn về vốn cho doanh nghiệp do chậm được hoàn thuế. Do đó, đề nghị giữ như hiện hành hoặc quy định mức tiền thuế tối thiểu được hoàn thấp hơn so với mức Chính phủ trình.

 

* Trước đó, tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIII ngày 20-5, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Huỳnh Đảm cho biết: Chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIII, tính đến nay, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Ủy ban thường vụ Quốc hội đã tổng hợp được 1.724 ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước gửi tới Quốc hội.

 

Những tháng đầu năm 2013, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức do tác động của suy thoái kinh tế thế giới và những tồn tại, yếu kém của nền kinh tế trong nước, tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu như hạn hán, nước biển xâm mặn, lốc xoáy, mưa đá… gây thiệt hại ở nhiều nơi, nhưng với sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, lạm phát bước đầu được kiềm chế, mặt bằng lãi suất đã giảm, nền kinh tế có chiều hướng phục hồi; an sinh xã hội được quan tâm; an ninh chính trị, trật tự và an toàn xã hội được giữ vững; các tầng lớp nhân dân cả nước sôi nổi tham gia góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

 

Tuy nhiên, cử tri và nhân dân còn nhiều băn khoăn, lo lắng trước thực trạng phát triển chưa bền vững của nền kinh tế; giá điện, xăng dầu và một số mặt hàng thiết yếu, nhất là giá vật tư nông nghiệp còn cao gây nhiều khó khăn cho sản xuất và đời sống của nhân dân; nhiều dự án sử dụng đất kém hiệu quả, gây lãng phí; nhiều doanh nghiệp nhà nước làm ăn thua lỗ, thất thoát tài sản nhưng việc xử lý trách nhiệm chưa nghiêm; hậu quả của đầu tư công dàn trải, hiệu quả thấp; tình trạng tham nhũng, lãng phí chưa được đẩy lùi; đời sống, việc làm của nhân dân gặp nhiều khó khăn; chênh lệch giàu nghèo tiếp tục gia tăng; tình trạng ô nhiễm môi trường, mất vệ sinh an toàn thực phẩm, tai nạn giao thông, tội phạm và tệ nạn xã hội diễn biến phức tạp gây bức xúc trong nhân dân.

 

Tại kỳ họp này, cử tri và nhân dân cả nước quan tâm tới tổ chức lấy ý kiến nhân dân góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

 

Theo Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Huỳnh Đảm, cử tri hoan nghênh Quốc hội đã ban hành nghị quyết về việc tổ chức lấy ý kiến rộng rãi của các tầng lớp nhân dân vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, cũng như việc Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp kéo dài thời gian góp ý đến hết tháng 9-2013.

 

Việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 vừa qua thực sự là đợt sinh hoạt chính trị - pháp lý dân chủ, rộng khắp trong toàn xã hội, thu hút được sự quan tâm và sự tham gia của đông đảo các tầng lớp nhân dân, kể cả người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Bước đầu các cơ quan chức năng đã tập hợp được hơn 26 triệu lượt ý kiến góp ý của nhân dân, qua đó đã huy động được trí tuệ, tâm huyết của nhân dân tham gia tích cực vào xây dựng dự thảo sửa đổi Hiến pháp, góp phần phát huy quyền làm chủ, nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của mỗi người dân, đồng thời tăng cường sự đồng thuận của nhân dân trong việc xây dựng Hiến pháp để Hiến pháp thực sự thể hiện được ý chí, nguyện vọng của nhân dân.

 

Tuy nhiên, việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp ở một số nơi, nhất là ở cấp cơ sở còn hình thức, lúng túng, bị động, chưa có sự phối hợp tốt giữa các cơ quan, tổ chức hữu quan; một số nơi in, phát Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 tới từng hộ gia đình nhưng việc hướng dẫn nhân dân thảo luận góp ý và tổng hợp ý kiến góp ý của nhân dân chưa tốt.

 

Cử tri và nhân dân kiến nghị các cơ quan hữu quan tập hợp, tổng hợp đầy đủ, chính xác những ý kiến của nhân dân đối với Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992; nghiên cứu tiếp thu nghiêm túc; đồng thời giải trình rõ những nội dung không tiếp thu để hoàn thiện, nâng cao chất lượng Dự thảo, phản ánh đúng và đầy đủ ý nguyện của nhân dân tới Quốc hội; kiến nghị Quốc hội phát huy dân chủ, tập trung trí tuệ để xây dựng bản Hiến pháp đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới.

 

Với sự tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân, theo báo cáo của các cơ quan, tổ chức hữu quan, tính đến nay, đã có hơn 26 triệu lượt ý kiến góp ý của nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp, với hơn 28.000 hội nghị, hội thảo, tọa đàm được tổ chức.

 

Báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến nhân dân và chỉnh lý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 do Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, Trưởng ban Biên tập Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 Phan Trung Lý trình bày chiều 20-5 cho thấy: Qua tổng hợp các ý kiến đóng góp của nhân dân, nổi lên hai loại ý kiến chính.

 

Loại ý kiến thứ nhất, đa số ý kiến đề nghị tiếp tục quy định tên nước là “Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Tên gọi này ra đời trong bối cảnh nước ta vừa hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ, thống nhất đất nước, cả nước đi lên Chủ nghĩa xã hội, khẳng định rõ con đường, mục tiêu xây dựng chế độ xã hội chủ nghĩa của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Tên gọi này đã được sử dụng ổn định từ tháng 7-1976 đến nay, đã được chính thức ghi nhận trong Hiến pháp năm 1980 và Hiến pháp năm 1992. Hơn nữa, việc thay đổi tên nước trong thời điểm hiện nay sẽ dẫn đến những hệ quả không có lợi, thậm chí có thể bị xuyên tạc là ta đang xa rời mục tiêu, con đường lên chủ nghĩa xã hội và làm phát sinh nhiều thủ tục hành chính, gây tốn kém, phức tạp.

 

Loại ý kiến thứ hai đề nghị lấy lại tên gọi “Việt Nam dân chủ cộng hòa” vì tên gọi này gắn liền với sự ra đời của chính thể cộng hòa đầu tiên ở nước ta, là thành quả của cuộc cách mạng giành độc lập Tháng Tám năm 1945. Tên gọi này đã được chính thức ghi nhận trong Bản Tuyên ngôn độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên đọc ngày 2-9-1945 và tiếp tục được khẳng định trong Hiến pháp năm 1946, Hiến pháp năm 1959, thể hiện rõ thể chế chính trị của nước ta là cộng hòa, bản chất của Nhà nước ta là Nhà nước dân chủ.

 

Nhiều ý kiến này cho rằng, việc lựa chọn tên nước là “Việt Nam dân chủ cộng hòa” không làm ảnh hưởng đến mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội của nước ta vì Lời nói đầu cũng như các quy định khác của Dự thảo đều khẳng định con đường quá độ lên chủ nghĩa xã hội.

 

Bên cạnh đó, còn có một số ý kiến đề nghị đổi tên nước thành “Việt Nam”, “Việt Nam cộng hòa xã hội Chủ nghĩa”, “Việt Nam dân chủ xã hội chủ nghĩa”, “Cộng hòa dân chủ Việt Nam”, “Cộng hòa nhân dân Việt Nam”, “Cộng hòa dân chủ nhân dân Việt Nam”, “Cộng hòa dân chủ xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, “Cộng hòa Việt Nam” hoặc “Cộng hòa Đại Việt”...

 

Trên cơ sở nghiên cứu các ý kiến nêu trên, Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp nhận thấy, tên nước là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc Việt Nam dân chủ cộng hòa đều thể hiện rõ hình thức chính thể của nước ta là cộng hòa, bản chất của Nhà nước ta là Nhà nước dân chủ.

 

Tuy nhiên, việc giữ nguyên tên nước “Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” là nhằm tiếp tục khẳng định mục tiêu, con đường xây dựng và phát triển đất nước lên chủ nghĩa xã hội, bảo đảm tính ổn định, tránh việc phải thay đổi về quốc huy, con dấu, quốc hiệu trên các văn bản, giấy tờ. Hơn nữa, trải qua 37 năm, tên gọi này đã trở nên quen thuộc đối với nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế.

 

* Một trong những vấn đề khiến cử tri và nhân dân cả nước quan tâm phản ánh, kiến nghị gửi tới Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIII là tình trạng học thêm, dạy thêm vẫn diễn ra tràn lan, nhất là ở khu vực đô thị.

 

Theo phản ánh của đa số cử tri, mặc dù Bộ Giáo dục - Đào tạo đã ban hành quy định mới về dạy thêm - học thêm nhưng tình trạng dạy thêm - học thêm vẫn diễn ra tràn lan, khó kiểm soát.

 

Ngoài ra, bệnh thành tích trong giáo dục không giảm, tỷ lệ học sinh khá, giỏi ở các bậc học phổ thông nhiều nơi rất cao nhưng không phản ánh đúng thực trạng chất lượng của ngành Giáo dục.

 

Nhiều cử tri cho rằng, nguyên nhân dẫn tới chất lượng đào tạo thấp, số lượng tuyển sinh ngày càng giảm sút, lãng phí nguồn lực đầu tư của xã hội chính là hậu quả của việc cho phép mở quá nhiều trường đại học, cao đẳng thời gian qua đã dẫn đến việc nhiều trường thiếu các điều kiện cơ bản cả về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên và năng lực quản trị.

 

Cử tri và nhân dân kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Giáo dục - Đào tạo tiếp tục có các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục; chấn chỉnh, xử lý các cơ sở giáo dục, đào tạo không bảo đảm chất lượng.

 

Cử tri và nhân dân cũng phản ánh, hệ thống các cơ sở dạy nghề trên toàn quốc hiện đang rất phân tán, trực thuộc nhiều bộ, ngành, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, thiếu sự quản lý thống nhất về chương trình, chất lượng đào tạo. Việc dạy nghề cho nông dân, nhất là nông dân ở những nơi bị thu hồi đất còn nhiều bất cập dẫn tới lãng phí nguồn lực đầu tư của nhà nước và xã hội. Nhiều nơi, cơ sở vật chất, điều kiện, phương tiện giảng dạy, học tập cũ kỹ, lạc hậu, đội ngũ giáo viên không bảo đảm chất lượng, làm cho chất lượng đào tạo rất hạn chế, không đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động.

 

Cử tri và nhân dân kiến nghị, Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu, sắp xếp lại hệ thống các cơ sở đào tạo nghề cho hợp lý; rà soát nhu cầu đào tạo nghề của nhân dân, nhu cầu về lao động theo ngành nghề của các doanh nghiệp và khả năng đào tạo của các cơ sở dạy nghề, đồng thời tăng cường kiểm tra, thanh tra việc quản lý, sử dụng các nguồn viện trợ cho hoạt động đào tạo nghề, nhằm bảo đảm chất lượng, hiệu quả của hoạt động dạy nghề, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới./.