Những sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 6 đến ngày 12-5-2013)
TCCSĐT - Ngày 7-5-2013, tại Thủ đô Ban-đa Xê-ri Bê-ga-oan (Bandar Seri Begawan) của Bru-nây đã diễn ra Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN lần thứ 7 (ADMM-7).
1. ASEAN và Ca-na-đa cam kết tăng cường hợp tác
Trong hai ngày 6 và 7-5-2013 đã diễn ra Đối thoại ASEAN - Ca-na-đa lần thứ 10 ở thành phố Tô-rôn-tô (Ca-na-đa). Tại Hội nghị, các quan chức hai bên nhất trí tiếp tục thúc đẩy hợp tác ASEAN - Ca-na-đa theo hướng tập trung nguồn lực, thực hiện toàn diện và hiệu quả Kế hoạch hành động 2010 - 2015, đặc biệt trong các lĩnh vực ưu tiên hiện nay của ASEAN như xây dựng cộng đồng, triển khai liên kết và kết nối, thu hẹp khoảng cách phát triển, khuyến khích sự tham gia của các doanh nghiệp Ca-na-đa vào các lĩnh vực trên. Hai bên cũng nhất trí tăng cường hợp tác về kinh tế, thương mại, đầu tư, giáo dục, biến đổi khí hậu, ứng phó và giảm nhẹ thiên tai, bảo đảm an ninh lương thực và năng lượng, công nghệ cao, quản lý đường biên giới và người nhập cư, thúc đẩy hợp tác công - tư, thúc đẩy hợp tác vì hòa bình, ổn định và an ninh trên biển thông qua việc tăng cường xây dựng lòng tin, giải quyết hòa bình các tranh chấp, tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Luật biển 1982 của Liên hợp quốc. Ngoài ra, hai bên cũng trao đổi quan điểm về những vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, đồng thời chuẩn bị nội dung cho Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN - Ca-na-đa sắp tới tại Bru-nây.
2. Đại sứ Bra-xin tại Liên hợp quốc được bầu là Tổng Giám đốc mới của WTO
Ngày 7-5-2013, nhà chức trách Bra-xin thông báo Đại sứ Bra-xin tại Liên hợp quốc Rô-béc-tô Các-van-hô đề̀ A-déc-vê-đô (Roberto Carvalho de Azevedo) đã được bầu làm tân Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), thay ông Pa-xcan La-mi (Pascal Lamy) sẽ kết thúc nhiệm kỳ 4 năm lần thứ hai vào ngày 31-8 tới. Theo nguồn tin ngoại giao, với 93/159 phiếu ủng hộ, cao hơn nhiều so với số phiếu cần thiết (80), ông Rô-béc-tô Các-van-hô đề̀ A-déc-vê-đô đã đánh bại đối thủ là cựu Bộ trưởng Thương mại Mê-hi-cô Éc-mi-ni-ô Blan-cô (Herminio Blanco) trong cuộc họp kín diễn ra tại trụ sở WTO ở Giơ-ne-vơ (Thụy Sỹ). Ông R. A-déc-vê-đô, 55 tuổi, tốt nghiệp - Đại học Bra-xi-li-a (Brasilia) và làm việc tại Bộ Ngoại giao Bra-xin từ năm 1983. Ông R. A-déc-vê-đô là đại diện thường trực của Bra-xin tại WTO từ năm 2008 và là nhà thương lượng hàng đầu của Bra-xin tham gia Vòng đàm phán Đô-ha về tự do hóa thương mại vốn được khởi động từ năm 2001. Ông cũng là người Mỹ La-tinh đầu tiên được bầu vào Ban giám đốc WTO. Nhà ngoại giao kỳ cựu này cũng có tiếng là chuyên gia tìm kiếm sự đồng thuận - một khả năng được coi là tối cần thiết ở một trong những tổ chức đa phương quan trọng nhất thế giới này, nơi mọi nhu cầu và ý kiến của 159 quốc gia thành viên đều cần được xem xét.
3. Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN lần thứ bảy
Các đại biểu tham dự Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN lần thứ 7 (ADMM-7)
Ngày 7-5-2013, tại Thủ đô Ban-đa Xê-ri Bê-ga-oan (Bandar Seri Begawan) của Bru-nây đã diễn ra Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN lần thứ bảy (ADMM-7). Hội nghị đã thông qua ba văn bản quan trọng gồm các tài liệu về: thiết lập chương trình giao lưu quốc phòng các nước ASEAN; thiết lập khuôn khổ hỗ trợ hậu cần các nước ASEAN; thiết lập Nhóm chuyên gia ADMM+ hành động mìn nhân đạo. Hội nghị cũng ra Tuyên bố chung về “Cùng nhau bảo vệ người dân và tương lai của chúng ta”. Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Năng lượng Bru-nây, Chủ tịch ADMM-7, khẳng định sự cần thiết duy trì môi trường hòa bình, ổn định vì sự phát triển, thịnh vượng của khu vực và mong rằng các nước ASEAN hãy tận dụng tốt các cơ hội, ứng phó hiệu quả với những thách thức đối với khu vực và quốc tế. Hội nghị đã nghe Tổng Thư ký ASEAN Lê Lương Minh báo cáo những phát triển mới trong ASEAN; nghe báo cáo về Hợp tác quốc phòng ASEAN, về kết quả các hội nghị ADSOM và ADSOM+, Hội nghị ACDFIM-10, về công tác chuẩn bị cho Diễn tập Hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa ASEAN lần thứ 2 (AXH-2) và Diễn tập ADMM+ về Hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa kết hợp quân y (HADR & MM) tại Bru-nây vào trung tuần tháng 6-2013.
4. Diễn đàn Kinh tế thế giới về châu Phi
Từ ngày 8 đến ngày 10-5-2013, Diễn đàn Kinh tế thế giới về châu Phi lần thứ 23 đã diễn ra tại thành phố Kếp Thao (Cape Town) của Nam Phi với khẩu hiệu “Hướng tới triển vọng của châu Phi”. Diễn đàn năm nay đã tập trung thảo luận ba chủ đề chính: đẩy mạnh quá trình đa dạng hóa cơ cấu kinh tế, tăng cường phát triển hạ tầng chiến lược và giải phóng sức sáng tạo của châu Phi. Ngoài ra, Diễn đàn đã có phiên họp nhằm đánh giá mức độ tác động của sự hợp tác của châu Phi với Nhóm các nền kinh tế mới nổi BRICS (gồm Bra-xin, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) đối với khả năng thúc đẩy phát triển kinh tế tại châu lục. Diễn đàn đã công bố “Báo cáo 2013 về khả năng cạnh tranh của châu Phi” do Ngân hàng phát triển châu Phi (AfDB), Ngân hàng thế giới (WB) và Diễn đàn Kinh tế thế giới phối hợp soạn thảo. Với tốc độ tăng trưởng kinh tế dự kiến đạt trên 5% trong năm nay, châu lục từng bị đói nghèo, bệnh tật và chiến tranh tàn phá đang vươn lên mạnh mẽ. Theo WB, hiện có gần một nửa trong số 54 quốc gia châu Phi đã đạt được mức thu nhập trung bình.
5. ILO: Tình trạng thanh niên thất nghiệp tiếp tục tăng lên
Ngày 8-5, trong Báo cáo “Xu hướng Việc làm toàn cầu cho thanh niên 2013”, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cho biết tính đến cuối năm 2013, khoảng 73,4 triệu thanh niên trong độ tuổi từ 15 đến 24 không có việc làm, tăng 3,5 triệu kể từ năm 2007. Sự suy yếu của nền kinh tế toàn cầu trong các năm 2012 và 2013 là nguyên nhân làm gia tăng khủng hoảng việc làm trong thanh niên và “đội quân” thanh niên chờ việc làm ngày càng đông hơn. ILO cũng cho biết tỷ lệ thất nghiệp 12,6% hiện nay trong thanh niên sẽ lên đến 12,8% vào năm 2018, khi hơn 2 triệu thanh niên nữa bị mất việc làm. Tổ chức này nhấn mạnh, thanh niên ngày nay chịu tác động rất mạnh từ tình trạng trì trệ của nền kinh tế toàn cầu, vì thế có nguy cơ mất việc làm cao gấp 3 lần so với các đồng nghiệp lớn tuổi hơn. Theo ILO, bức tranh việc làm trong thanh niên biến đổi ở các khu vực khác nhau trên thế giới và tổ chức này đặc biệt lo ngại về tình hình ở ba khu vực gồm Liên minh châu Âu (EU), Trung Đông và Bắc Phi, những nơi tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên đã tăng vọt kể từ năm 2008. Ở các nước phát triển và EU, tỷ lệ này tăng 25% trong 5 năm qua, lên mức 18,1%. Đáng lo ngại nhất là thế hệ thanh niên ngày nay không tin vào các hệ thống chính trị, kinh tế và xã hội mà biểu hiện là các cuộc biểu tình phản đối chính sách “thắt lưng buộc bụng” ở Hy Lạp và Tây Ban Nha. ILO nhấn mạnh các khu vực đang phát triển cũng phải đối mặt với những thách thức lớn liên quan tình trạng thất nghiệp trong thanh niên. Ở Trung Đông, tỷ lệ thất nghiệp trong nhóm đối tượng này sẽ lên đến 30% năm 2018, tăng so với 28,3% của năm ngoái, trong khi tỷ lệ ở Bắc Phi được dự báo sẽ tăng từ 23,7% lên 23,9% trong cùng thời gian này.
6. Hoạt động kỷ niệm Ngày chiến thắng phát-xít tại nhiều nước trên thế giới
Tổng thống Nga V. Pu-tin đặt hoa trên Mộ Chiến sĩ vô danh tại Mát-xcơ-va
Các hoạt động tưởng niệm 68 năm chiến thắng phát-xít (9-5-1945) đã được tổ chức tại nhiều nước trên thế giới, như một dịp để nhớ lại chiến công anh dũng của quân đội và nhân dân Xô-viết trong cuộc chiến đấu gian khổ bảo vệ đất nước và cứu loài người khỏi thảm họa phát-xít; đồng thời nuôi dưỡng tinh thần yêu nước và lòng tự hào trong các thế hệ trẻ. Ngày 8-5, Tổng thống Nga Vla-đi-mia Pu-tin, Thủ tướng Đmi-tơ-ri Mét-vê-đép cùng các thành viên Chính phủ, đại diện các chính đảng, các tổ chức cựu chiến binh, tổ chức xã hội,... đã tới đặt hoa tại Mộ Chiến sĩ vô danh ở Mát- xcơ-va, nơi có Ngọn lửa Vĩnh cửu bên bức tường Điện Crem-li nhằm tỏ lòng tôn kính và tưởng nhớ những người đã ngã xuống trong các trận đánh để bảo vệ Tổ quốc thời kỳ Chiến tranh giữ nước vĩ đại 1941 - 1945. Các nhà lãnh đạo Nga cũng đặt hoa tại các bệ đá khắc tên các Thành phố Anh hùng và các Thành phố Vinh quang của Nga dọc bức tường Điện Crem-li. Cuối buổi lễ, đại diện các đơn vị quân đội đã tham gia cuộc diễu binh truyền thống mừng Ngày Chiến thắng 9-5 trên Quảng trường Đỏ. Nhân kỷ niệm Ngày Chiến thắng phát-xít, Tổng thống Bê-la-rút Alếch-xan-đơ Lu-ca-sen-cô (Alexander Lukashenko) đã gửi thư chúc mừng tới các nhà lãnh đạo nước ngoài. Trong thư gửi Tổng thống Nga V. Pu-tin, ông A. Lu-ca-sen-cô khẳng định trong trí nhớ của các thế hệ hôm nay sẽ mãi mãi ghi nhớ chiến công anh dũng của những con người Xô-viết đã chiến đấu và hy sinh vì tự do và độc lập của tổ quốc mình, cũng như cứu cả thế giới thoát khỏi thảm họa phát-xít. Ngày 8-5, lãnh đạo Cộng hòa Séc, trong đó có Tổng thống Mi-lốt Dê-man (Milos Zeman), Thủ tướng Pi-tơ Nê-cát (Peter Necas) và Bộ trưởng Quốc phòng Vla-xti-min Pi-sca (Vlastimil Pichka) cũng tham gia các hoạt động tưởng niệm tại Mộ Chiến sĩ vô danh ở Thủ đô Pra-ha. Cùng ngày, tại Béc-lin (Đức), hoa tươi đã được đặt tại đài tưởng niệm các chiến sĩ Xô-viết giải phóng Béc-lin ở công viên Tơ-rép-tốp (Treptov). Tới đặt hoa tưởng niệm có đại diện Chính phủ và Quốc hội Đức, đại diện các đại sứ quán của Nga, các nước thuộc Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại Đức, các cựu chiến binh, các tổ chức xã hội,...
7. ASEAN+6 bắt đầu đàm phán về Hiệp định đối tác toàn diện khu vực
Từ ngày 9 đến ngày 13-5-2013, 10 nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và 6 đối tác kinh tế quan trọng của khối là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ô-xtrây-li-a, Niu Di-lân và Ấn Độ (còn gọi là ASEAN+6) đã tiến hành vòng đàm phán đầu tiên hướng tới việc thiết lập Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) - một trong những khối thương mại tự do lớn nhất thế giới. Kết thúc vòng đàm phán, Ủy ban đàm phán thương mại RCEP đã ra Tuyên bố chung, nêu rõ các cuộc đàm phán RCEP thừa nhận vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc kinh tế khu vực và lợi ích của các đối tác FTA của ASEAN trong hỗ trợ và đóng góp vào hội nhập kinh tế, phát triển kinh tế công bằng và tăng cường hợp tác kinh tế giữa các nước tham gia. RCEP sẽ có sự tham gia sâu rộng hơn với những cải thiện đáng kể so với các FTA ASEAN+1 hiện có, trong khi công nhận hoàn cảnh và tính đa dạng của các nước tham gia. RCEP sẽ bao gồm các quy định để tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư, nâng cao tính minh bạch trong quan hệ thương mại và đầu tư giữa các nước tham gia, cũng như tạo điều kiện cho sự gắn kết của các nước tham gia trong chuỗi cung ứng toàn cầu và khu vực. Xét mức độ phát triển khác nhau của các nước tham gia, RCEP sẽ áp dụng các hình thức linh hoạt thích hợp, bao gồm đối xử đặc biệt và khác biệt, cộng với sự linh hoạt bổ sung cho các nước thành viên ASEAN kém phát triển, phù hợp với các FTA ASEAN+1.
8. Pa-ki-xtan: Đảng đối lập PML-N dẫn đầu trong cuộc tổng tuyển cử
Liên đoàn Hồi giáo Pa-ki-xtan (PML-N), đảng đối lập theo đường lối trung hữu của cựu Thủ tướng Na-oa Sa-ríp (Nawaz Sharif), tuyên bố giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử diễn ra ngày 11-5 ở Pa-ki-xtan, với tỷ lệ cử tri tham gia bầu cử đạt gần 60% - mức cao nhất kể từ năm 1977. Kết quả kiểm phiếu sơ bộ cùng ngày cho thấy PML-N đang dẫn đầu trong cuộc tổng tuyển cử với 115 ghế trong quốc hội - nhờ chiến thắng vang dội tại hai thành phố được coi là “sân nhà” của đảng này là La-ho (Lahore) và Xa-gô-đa (Sargodha) thuộc tỉnh Pun-giáp (Punjab) - tỉnh đông dân nhất Pa-ki-xtan. Đảng Phong trào Công lý Pa-ki-xtan (PTI) đứng vị trí thứ hai với 37 ghế, trong khi Đảng Nhân dân Pa-ki-xtan (PPP) đứng thứ ba với 33 ghế, chủ yếu ở tỉnh Xin-đơ (Sindh). Như vậy, PML-N đã giành đa số ghế cơ bản trong quốc hội nhưng nhiều khả năng sẽ phải liên minh với các đảng khác để có thể giành được đa số quá bán là 172 ghế. Đây là cuộc tổng tuyển cử lần thứ 14 ở Pa-ki-xtan, đánh dấu lần đầu tiên một chính phủ dân sự hoàn thành trọn vẹn nhiệm kỳ 5 năm và chuyển giao quyền lãnh đạo cho một chính phủ kế nhiệm được bầu./.
Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 06 đến ngày 12-5-2013  (13/05/2013)
Bình ổn thị trường vàng: vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau  (13/05/2013)
Bình ổn thị trường vàng: vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau  (13/05/2013)
Kinh tế xanh hướng tới phát triển bền vững và xóa đói, giảm nghèo  (13/05/2013)
Kinh tế xanh hướng tới phát triển bền vững và xóa đói, giảm nghèo  (13/05/2013)
Mỹ "sai lầm nghiêm trọng" khi không công nhận kết quả bầu cử  (13/05/2013)
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay