Đoàn đại biểu Quốc hội các địa phương tiếp tục các hoạt động tiếp xúc cử tri trước kỳ họp Quốc hội
* Ngày 8-5, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long tổ chức lấy ý kiến đóng góp của các ngành chức năng cho dự thảo Luật Thực hành tiết kiệm chống lãng phí (sửa đổi). Đa số các đại biểu tham dự đều cho rằng, dự thảo luật lần này đã làm rõ: Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là trách nhiệm của toàn xã hội. Việc sớm ban hành Luật Thực hành tiết kiệm chống lãng phí (sửa đổi) là việc làm hết sức cần thiết.
Trong đó, cùng với việc sửa đổi, bổ sung, thay thế một số câu chữ, từ, cụm từ cho phù hợp, các đại biểu phân tích sự cần thiết, nguyên tắc ban hành Luật Thực hành tiết kiệm chống lãng phí (sửa đổi); phạm vi và đối tượng áp dụng của Luật; quy định về Luật Thực hành tiết kiệm chống lãng phí trong các lĩnh vực: định mức, tiêu chuẩn, chế độ làm căn cứ thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Luật Thực hành tiết kiệm chống lãng phí trong quản lý, sử dụng ngân sách, tài sản Nhà nước, quản lý, sử dụng vốn đầu tư xây dựng trụ sở làm việc, nhà ở công vụ và công trình phúc lợi công cộng; quản lý, sử dụng tài nguyên thiên nhiên, lao động và thời gian lao động… Nhiều đại biểu cho rằng, Ban soạn thảo cần có quy định rõ hơn trách nhiệm và chế tài đối với người đứng đầu các cơ quan; truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các trường hợp vi phạm nghiêm trọng; việc sử dụng xe công; sửa chữa lại phòng làm việc, trụ sở cơ quan, mua sắm trang thiết bị phải hợp lý, hiệu quả; xử lý nghiêm các cá nhân đứng đầu sử dụng tài sản này vào mục đích riêng.
Luật cần quy định rõ hơn theo hướng tăng cường quản lý vốn, tài sản, ngân sách nhà nước, chi phí trong các lễ hội, xây dựng công trình kiến trúc, công viên, tượng đài… để tránh lãng phí, bao gồm cả các nguồn kinh phí có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước.
Điều 32 quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng tài nguyên nước, cần bổ sung quy định về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững; bổ sung cụm từ "khai thác" vào khoản 1 Điều 32 thành: Việc quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên nước phải đảm bảo đúng quy hoạch, kế hoạch, mục đích, tiết kiệm, hiệu quả và phát triển bền vững.
Theo Phó Giám đốc Sở Tài chính Vĩnh Long Hồ Văn Đường, Điều 66 về trách nhiệm của cơ quan thanh tra, Điểm c khoản 1 quá dài và các nội dung này đã có quy định ở Điều 11, nên ở đây chỉ cần chỉnh thành “thanh tra thực hành tiết kiệm, chống lãng phí” là đủ và phù hợp với khoản 2 Điều 11. Bên cạnh đó, cần làm rõ việc sử dụng ngân sách nhà nước ở các cơ quan Đảng, chính sách cho một số chức danh cán bộ xã, phường, thị trấn...
* Ngày 7-5, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang đã tổ chức lấy ý kiến các ban, ngành liên quan trong tỉnh về dự thảo Luật Tiếp công dân, chuẩn bị cho kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIII sắp tới.
Các ý kiến đề nghị chưa nên thông qua dự thảo Luật Tiếp công dân tại Kỳ họp thứ 6 vào cuối năm 2013. Văn bản luật cần được xây dựng khoa học, rõ nét hơn, bảo đảm sát thực tế và có tính khả thi. Luật Tiếp công dân ra đời, thể hiện bản chất dân chủ của pháp luật Việt Nam, nhưng chưa được xây dựng đúng tầm. Theo Luật sư Hứa Hoàng Chấn, bộ phận tiếp dân (theo dự thảo Luật) có tổ chức bộ máy, hoạt động, có con dấu riêng, nhưng thực tế chức năng chỉ giúp việc cho thủ trưởng, như vậy phát sinh gánh nặng cho bộ máy nhà nước.
Ông Nguyễn Minh Khuyên - nguyên Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy An Giang cho rằng, càng mở rộng tiếp dân càng có lợi cho Nhà nước lẫn nhân dân, giúp Nhà nước được trực tiếp lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân về các vấn đề bức xức của xã hội, có kinh nghiệm trong xử lý, sửa chữa lề lối làm việc. Ông Khuyên đề xuất nên xây dựng Ban tiếp dân chung các cấp, còn các bộ, ngành nên gắn với cơ quan, đơn vị tiếp dân, như vậy sẽ mang tính rộng rãi, tính quần chúng cao, không làm nặng nề bộ máy nhà nước. Dân tiếp xúc nhiều với chính quyền, dân chủ càng rộng sẽ góp phần hạn chế thấp nhất khiếu kiện, khiếu nại, nhất là khiếu kiện đông người kéo dài.
Các ý kiến cũng quan tâm đến quyền và nghĩa vụ của người tiếp công dân. Người tiếp công dân phải biết lắng nghe, có đạo đức, tâm huyết, có vốn sống và kinh nghiệm, như vậy mới là người tham mưu tốt cho Đảng, Nhà nước, xử lý vụ việc hiệu quả. Do đó, phải quy định cụ thể về nghĩa vụ và trách nhiệm của cán bộ tiếp công dân, đặc biệt là tiêu chuẩn, phải trung thực, khách quan, có trách nhiệm, trình độ...
Các đại biểu cũng đề nghị Quốc hội nên dành nhiều thời gian tiếp xúc, lấy ý kiến của nhân dân - những người có ảnh hưởng trực tiếp đến Luật Tiếp công dân. Có như vậy khi thực thi, luật mới thực sự đi vào cuộc sống.
* Trong các ngày 3, 4 và 7-5, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi đã tổ chức tiếp xúc với cử tri TP. Quảng Ngãi, xã Phổ An (Đức Phổ), Đức Minh (Mộ Đức), Trà Thọ (Tây Trà), Ba Điền (Ba Tơ), Sơn Linh (Sơn Hà).
Tại các buổi tiếp xúc, sau khi nghe đại biểu Quốc hội báo cáo tóm tắt về Dự kiến chương trình kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII sắp đến, cử tri các xã đã kiến nghị một số vấn đề liên quan đến việc sửa đổi Luật Đất đai; chế độ, chính sách ưu đãi cho người có công với cách mạng nhưng chưa được hưởng các chế độ; giải quyết việc làm cho lao động nông thôn gắn liền với việc xây dựng nông thôn mới; chính sách hỗ trợ cho người dân vùng bãi ngang; tạo việc làm cho sinh viên sau khi ra trường. Nhiều cử tri bức xúc trước tình trạng nhiều dự án triển khai quá chậm, gây bức xúc trong nhân dân. Nhà nước cần quan tâm hơn đến đời sống và việc làm của những người dân vùng tái định cư; cần xem xét lại việc cấp bằng lái xe, bởi hiện nay nhiều lái xe trình độ thấp, thậm chí nhiều người không biết chữ nhưng vẫn có được bằng lái xe dễ dàng, chính điều này là một trong những nguyên nhân gây ra những vụ tai nạn giao thông đau lòng trong thời gian gần đây. Nhiều cử tri xã Ba Điền (Ba Tơ), mong đại biểu Quốc hội có ý kiến với ngành chức năng sớm tìm ra nguyên nhân chính thức gây ra Hội chứng viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân để bà con yên tâm.
* Đề nghị Nhà nước có chính sách phù hợp cho nông nghiệp, nông thôn và nông dân; quyết liệt trong phòng chống tham nhũng; xử lý nghiêm các vi phạm trong quản lý đất đai... là những vấn đề cử tri Hưng Yên quan tâm tại các buổi tiếp xúc với đại biểu Quốc hội từ ngày 3 đến ngày 7-5.
Tại các điểm tiếp xúc cử tri ở các huyện: Tiên Lữ, Phù Cừ, Ân Thi, Văn Lâm, Mỹ Hào, Yên Mỹ, Khoái Châu, Kim Động, Văn Giang và thành phố Hưng Yên, đã có gần 100 ý kiến xoay quanh các nội dung nêu trên. Cử tri kiến nghị Quốc hội xem xét các vấn đề: Giá xăng khi tăng thì tăng rất cao trong khi giảm nhỏ giọt; nghiên cứu lại phương án xử lý đi xe không chính chủ vì đây là nội dung khó thực hiện; nông dân làm ăn đã khó khăn nhưng vẫn đang phải vay vốn với lãi suất cao, đề nghị có phương án hỗ trợ nông dân để sản xuất nông nghiệp hiệu quả hơn. Nhiều cử tri đề nghị Nhà nước cần tăng cường công tác quản lý đất đai, có biện pháp thu hồi đất của những dự án đã giải phóng mặt bằng nhiều năm nhưng không đi vào hoạt động gây lãng phí tài nguyên đất; việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất còn nhiều bất cập; Luật Đất đai nên để quy định sở hữu toàn dân. Công tác chống tham nhũng chưa quyết liệt, một số thủ tục hành chính còn rườm rà, cán bộ còn sách nhiễu người dân. Nhà nước cần quan tâm hơn nữa chế độ cho quân nhân xuất ngũ trở về địa phương. Cử tri còn đề nghị Nhà nước có giải pháp cụ thể để tăng cường bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc; quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ có đức có tài, không xa rời nhân dân; coi trọng công tác bảo vệ môi trường, xây dựng kết cấu hạ tầng ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa; bảo đảm hài hòa các lợi ích của nông dân khi thu hồi đất cho các dự án...
Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh đã ghi nhận, tiếp thu những ý kiến đóng góp thẳng thắn, chân tình của cử tri và sẽ chuyển tới Quốc hội và các bộ, ngành và các cơ quan chức năng sớm xử lý, giải quyết./.
Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo hỗ trợ 3.455 tấn gạo cho 4 tỉnh  (08/05/2013)
Khai mạc triển lãm quốc tế chuyên ngành Y Dược Việt Nam lần thứ 20  (08/05/2013)
Việt Nam đưa ra nhiều đề xuất, sáng kiến ở ADMM-7  (08/05/2013)
Việt Nam luôn coi trọng thúc đẩy quan hệ hợp tác nhiều mặt với Đông Timo  (08/05/2013)
Tiếp tục đổi mới, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho công nhân, viên chức, lao động  (08/05/2013)
Kỷ niệm 65 năm ngày Bác Hồ ra lời kêu gọi Thi đua ái quốc  (08/05/2013)
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên