Quan hệ Việt Nam - Ma-lai-xi-a: Hướng tới hợp tác toàn diện và hiệu quả trong thế kỷ XXI

ThS. Trịnh Thị Hoa, Viện Quan hệ quốc tế, Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh
18:05, ngày 29-03-2013
TCCSĐT - Triển khai chính sách đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa, quan hệ Việt Nam - Ma-lai-xi-a ngày càng được củng cố, phát triển trên nhiều lĩnh vực cả song phương cũng như trong khuôn khổ ASEAN. 40 năm, kể từ khi Việt Nam và Ma-lai-xi-a thiết lập quan hệ ngoại giao (30-3-1973), mối quan hệ giữa hai nước góp phần phát triển ở mỗi nước và hướng tới xây dựng thành công Cộng đồng ASEAN vào năm 2015.

Có thể khái quát thành quả quan hệ hai nước những năm đầu thế kỷ XXI trên một số phương diện sau:

Một là, những cuộc viếng thăm cấp cao giữa hai nước đã trở nên thường xuyên hơn

Năm 1994, Hội hữu nghị Việt Nam - Ma-lai-xi-a và Hội hữu nghị Ma-lai-xi-a - Việt Nam được lập ra ở mỗi quốc gia. Uỷ ban Hỗn hợp Việt Nam - Ma-lai-xi-a cũng được thành lập năm 1995. Các cuộc trao đổi đoàn cấp cao, các cấp, các ngành giữa hai nước cũng nhanh chóng được khởi động. Bước sang thế kỷ XXI, hai bên tích cực trao đổi đoàn và tiếp xúc cấp cao. Trong thập niên đầu của thế kỷ XXI, nhiều đoàn cấp cao của hai nước đã thăm viếng lẫn nhau. Các đoàn cấp cao của Chủ tịch Thượng viện Ma-lai-xi-a, Quốc vương Ma-lai-xi-a, Thủ tướng, Phó Thủ tướng Ma-lai-xi-a, Ngoại trưởng Ma-lai-xi-a,… đã liên tiếp sang Việt Nam, hoặc gặp gỡ cấp cao với Việt Nam bên lề các Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN. Ngược lại, phía Việt Nam cũng có nhiều đoàn cấp cao từ cấp Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, các bộ trưởng của Việt Nam sang thăm Ma-lai-xi-a. Đặc biệt, trong năm 2011 có chuyến thăm chính thức cấp nhà nước của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và các đoàn cấp cao khác của Việt Nam sang Ma-lai-xi-a trong bối cảnh quan hệ hai nước phát triển thuận lợi. Các chuyến thăm Ma-lai-xi-a của các nhà lãnh đạo Việt Nam trong năm 2011 đã chuyển tải thông điệp của đường lối phát triển kinh tế - xã hội và đối ngoại của Đại hội XI của Đảng ta, qua đó tăng cường hơn nữa quan hệ giữa Việt Nam với các nước, cũng như vị thế của Việt Nam trong khu vực và trên trường quốc tế.

Trong khuôn khổ các chuyến thăm của các đoàn đại biểu cấp cao, hai nước đã ký nhiều văn kiện hợp tác song phương. Đặc biệt, đầu thập niên đầu thế kỷ XXI, hai nước đã ký kết “Tuyên bố chung về khuôn khổ hợp tác toàn diện trong thế kỷ XXI” (năm 2004), mở ra cơ hội hợp tác toàn diện song phương Việt Nam - Ma-lai-xi-a. Một số văn bản quan trọng khác cũng đã được ký kết giữa hai bên, như “Bản ghi nhớ (MOU) về hợp tác lao động” (năm 2003), MOU về trao đổi giáo dục (năm 2004), MOU về hợp tác viễn thông (năm 2008), MOU về hợp tác quốc phòng (năm 2008). Trong các dịp Đại hội của Đảng Cộng sản Việt Nam cũng như Đại hội của Đảng Dân tộc thống nhất Ma-lai-xia (UMNO), cả hai phía đều cử đoàn đại biểu cấp cao tham dự, ủng hộ và chia sẻ đường lối xây dựng, phát triển đất nước, nâng cao quan hệ song phương. Điều này cho thấy sự hợp tác về chính trị giữa hai nước ngày càng được củng cố. Đây là những tiền đề thuận lợi cho sự phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện giữa hai nước, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân hai nước.

Tại các diễn đàn đa phương các chính đảng - “Hội nghị quốc tế các đảng chính trị châu Á” (ICAPP), Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng UMNO đều có những đóng góp tích cực nhằm xây dựng quan hệ hợp tác hữu nghị giữa các đảng chính trị ở khu vực, thúc đẩy giao lưu chính trị, tạo điều kiện cho các mối quan hệ giữa các chính phủ, nhà nước; xây dựng môi trường hoà bình, hợp tác trong khu vực châu Á nói chung, Đông Nam Á nói riêng.

Hai là, hai phía Việt Nam và Ma-lai-xi-a đều triển khai hiệu quả lĩnh vực hợp tác đầu tư

Sau khi Việt Nam gia nhập ASEAN năm 1995, Ma-lai-xi-a cũng như một số nước trong ASEAN đã dành sự quan tâm đầu tư vào thị trường Việt Nam. Bước sang thế kỷ XXI, các nhà đầu tư Ma-lai-xi-a rất chú trọng thị trường Việt Nam. Họ coi Việt Nam là một địa điểm đầu tư hấp dẫn đứng thứ hai, chỉ sau Trung Quốc. Hiện Ma-lai-xi-a đứng thứ 8/90 quốc gia và vùng lãnh thổ có vốn đầu tư vào Việt Nam. Trong số các nước ASEAN đầu tư tại Việt Nam, Ma-lai-xi-a có số vốn đầu tư lớn thứ 2 (sau Xinh-ga-po). Năm 2009, vốn đầu tư của Ma-lai-xi-a vào Việt Nam đạt 8,1 tỷ USD, với 340 dự án và trở thành nhà đầu tư lớn thứ ba của Việt Nam (sau Hàn Quốc và Đài Loan). Tính đến cuối năm 2011, Ma-lai-xi-a có 394 dự án với tổng số vốn đăng ký là hơn 9 tỷ USD tại Việt Nam. Riêng trong năm 2011, Ma-lai-xi-a có 21 dự án với số vốn đăng ký là 360 triệu USD (1). Đầu tư của Ma-lai-xi-a ở Việt Nam tập trung vào các lĩnh vực, như xây dựng, điện, nước, khí đốt, cơ khí và ngân hàng. Nhiều doanh nghiệp Ma-lai-xi-a tích cực tìm hiểu thông tin để tìm kiếm cơ hội đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam. Nhìn chung, các doanh nghiệp của Ma-lai-xi-a đều hài lòng về môi trường đầu tư và mong muốn mở rộng đầu tư tại Việt Nam trong thời gian tới.

Về phần mình, nhiều doanh nghiệp Việt Nam cũng nỗ lực tìm kiếm các cơ hội thâm nhập đầu tư vào Ma-lai-xi-a. Giới đầu tư quốc tế nói chung, các nhà đầu tư Việt Nam nói riêng, đều có nhận định tích cực về thị trường Ma-lai-xi-a: Mặc dù là quốc gia đa dân tộc, sắc tộc, song đây là thị trường an toàn và có tỷ lệ tội phạm thấp; Luật pháp và môi trường kinh doanh tại đây khá cởi mở; Ma-lai-xi-a cho phép các nhà đầu tư nước ngoài vào làm ăn và mua bất động sản đứng tên sở hữu; Ma-lai-xi-a có mối quan hệ bình thường với các nước trên thế giới và không thù địch với bất cứ nước láng giềng nào. Vì vậy, đây cũng là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư Việt Nam. Hiện nay Việt Nam đầu tư vào Ma-lai-xi-a 7 dự án với số vốn 812,427 triệu USD (2).

Hai lĩnh vực hợp tác đầu tư, mà cả Ma-lai-xi-a và Việt Nam đang rất quan tâm, là đầu tư khai thác dầu khí và dịch vụ hàng không. Petro Việt Nam đã và đang tham gia một số hoạt động liên kết với Tập đoàn dầu khí quốc gia Ma-lai-xi-a Petronas trên tất cả các lĩnh vực của ngành công nghiệp dầu khí từ tìm kiếm, thăm dò, khai thác, chế biến đến phân phối sản phẩm, thâm nhập thị trường. Petronas luôn được đánh giá là một trong các đối tác chiến lược quan trọng của PetroVietnam.

Ngành dịch vụ hàng không của hai nước cũng mở rộng hợp tác, chia sẻ lợi ích và kinh nghiệm khai thác dịch vụ. Hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines đang thực hiện hai đường bay thẳng giữa Thành phố Hồ Chí Minh - Kuala Lumpur và Hà Nội - Kuala Lumpur, đáp ứng nhu cầu đi lại ngày càng cao của hai nước. Một số doanh nghiệp Việt Nam, như Công ty FPT, Tổng công ty cổ phần dịch vụ kỹ thuật dầu khí PTSC và Công ty cổ phần vận tải biển VNASHIP, đã mở chi nhánh và hợp tác đầu tư tại Ma-lai-xi-a.

Mặc dù nhịp độ đầu tư của Ma-lai-xi-a vào Việt Nam đã gia tăng nhanh chóng trong những năm 1990 và thập niên đầu thế kỷ XXI, song phần lớn các dự án còn ở quy mô vừa và nhỏ, công nghệ trung bình và cũ, ít các dự án đầu tư vào ngành công nghiệp có kèm theo chuyển giao công nghệ hiện đại. Điều này cho thấy khả năng hạn chế của Ma-lai-xi-a so với các nhà đầu tư giàu tiềm năng khác ở Việt Nam, như Nhật Bản, Hàn Quốc, Xinh-ga-po, Đài Loan… Xét về mặt chiến lược, các nhà đầu tư Ma-lai-xi-a còn có những hạn chế về tiềm năng kỹ thuật và tài chính trước yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá ở Việt Nam. Ma-lai-xi-a là nước có công nghệ chế biến nông sản và thực phẩm, trong khi Việt Nam có nguồn nguyên liệu khá dồi dào, nhân công rẻ.... Đây là một trong những lĩnh vực cần khuyến khích sự chú ý của các nhà đầu tư Ma-lai-xi-a, thuận lợi hóa đầu tư để thu hút đầu tư từ Ma-lai-xi-a.

Ba là, hai phía đã nỗ lực thúc đẩy quan hệ thương mại song phương

Bước sang thế kỷ XXI, trong số các nước ASEAN, Việt Nam là bạn hàng xuất khẩu đứng ở vị trí thứ 5 của Ma-lai-xi-a. Trong khi đó, Ma-lai-xi-a là đối tác thương mại ở vị trí 2/8 của ASEAN tại Việt Nam và ở vị trí thứ 10 trong số các đối tác thế giới tại Việt Nam. Hiện nay, Ma-lai-xi-a luôn duy trì vị trí là một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam với kim ngạch thương mại hai chiều ước tính tăng 20% mỗi năm trong những năm đầu thế kỷ XXI. Cụ thể: năm 2000 đạt khoảng 798 triệu USD (3) thì đến năm 2004 tăng thành 1,8 tỷ USD; năm 2008 đạt 4,55 tỷ USD; năm 2009 đạt 4,19 tỷ USD; năm 2010 đạt 5,51 tỷ USD, năm 2011 đạt 8,68 tỷ USD (4). 9 tháng đầu năm 2012, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Ma-lai-xi-a đạt hơn 2 tỷ USD, tăng 48,8% so với cùng kỳ năm 2011, chiếm 2,8% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước trong quý I, II và III năm 2012 (5).

Sản phẩm của Ma-lai-xi-a xuất sang thị trường Việt Nam chủ yếu là hóa chất, hóa dầu, nhựa, phân bón, dược phẩm, sắt thép, điện - điện tử và máy tính. Ma-lai-xi-a nhập khẩu từ Việt Nam dầu thô, gạo, hàng dệt may, đồ gỗ, trang trí nội thất, cà phê, cao su... Nhìn chung, những mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam đều có thể xuất sang thị trường Ma-lai-xi-a. Hiện tại, hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam vào thị trường này là nông sản (cao su, cà phê, lạc, hạt điều, gạo, quả thanh long…), lâm sản (đồ gỗ), thủy hải sản sơ chế, đồ nhựa, thủ công mỹ nghệ… Một số công ty kinh doanh xuất nhập khẩu lâu năm đã xây dựng được bạn hàng truyền thống và hàng năm ký được hợp đồng xuất khẩu. Còn lại, nhìn chung khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam có hạn chế do chất lượng không đồng đều, thiếu đầu tư máy móc bảo quản và chế biến sau thu hoạch, bao bì kém hấp dẫn, không bảo đảm nguồn cung cấp ổn định, uy tín bạn hàng thấp, giá cước vận tải cao, tiếp thị kém, ít tham dự hội chợ quốc tế… Phần lớn người dân Ma-lai-xi-a có thu nhập trung bình và thấp có thói quen tiêu thụ các loại hàng hóa cấp trung bình xuất xứ từ Ấn Độ, Trung Quốc, In-đô-nê-xi-a do giá cả rất cạnh tranh. Mặt hàng cùng loại nhập khẩu từ Việt Nam vào Ma-lai-xi-a theo con đường chính ngạch có tính đủ chi phí vận tải, bảo hiểm, thuế (trừ các loại hàng xách tay)... chỉ có khả năng cạnh tranh khi phải tính toán rất kỹ càng trong việc tiết kiệm chi phí.

Để tăng cường hơn nữa quan hệ thương mại song phương với Ma-lai-xi-a, gần đây Đại sứ quán Việt Nam đã phối hợp với Phòng Công nghiệp và Thương mại Ma-lai-xi-a, tổ chức một số cuộc hội thảo về cơ hội hợp tác giao thương giữa hai nước trong ngành thực phẩm Halal (thực phẩm sản xuất theo luật Hồi giáo), tổ chức các hội chợ, triển lãm và giao lưu giữa doanh nghiệp hai nước để biết thêm về nhu cầu và thị trường của nhau để có thể khai thác thị trường Ma-lai-xi-a một cách hiệu quả. Tại Hội chợ Việt Nam Expo 2012, 24 doanh nghiệp Ma-lai-xi-a đã tham gia.

Bốn là, hai nước tích cực triển khai hợp tác an ninh, quân sự

Mối quan hệ Việt Nam - Ma-lai-xi-a trên lĩnh vực an ninh, quân sự đang ngày càng phát triển cả trên cơ sở song phương và trong khuôn khổ ASEAN đem lại lợi ích thiết thực cho mỗi bên.

Quan hệ giữa Bộ Công an Việt Nam và Bộ Nội vụ Ma-lai-xi-a chính thức được thiết lập từ tháng 4-1994. Theo đó, Bộ Công an Việt Nam và Bộ Nội vụ Ma-lai-xi-a cùng hợp tác xúc tiến việc soạn thảo MOU về hợp tác chống tội phạm xuyên quốc gia. Năm 2010, Đoàn cấp cao Bộ Công an Việt Nam do Bộ trưởng Lê Hồng Anh dẫn đầu cũng đã tới Ma-lai-xi-a và làm việc với Bộ Nội vụ Ma-lai-xi-a. Cả hai phía đều khẳng định phối hợp chặt chẽ trong việc phòng, chống tội phạm, trong đó có cả tội phạm công nghệ cao, và vấn đề lao động nhập cư. Đặc biệt, trong văn bản ký kết có điều khoản khẳng định: không một cá nhân hay tổ chức nào được phép ở Ma-lai-xi-a để chống phá Nhà nước Việt Nam. Điều này cho thấy sự ủng hộ ngày càng cao của Chính phủ Ma-lai-xi-a đối với Nhà nước Việt Nam.

Năm 2010, Đoàn đại biểu Quân sự cấp cao Ma-lai-xi-a do Ngài Dato’ Seri Dr Ahmad Zahid Hamidi, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng làm trưởng đoàn sang thăm chính thức Việt Nam. Hai bên thống nhất sẽ sớm triển khai thực hiện các nội dung bản ghi nhớ về hợp tác quốc phòng song phương với mục tiêu vì hòa bình, ổn định trong khu vực. Hai bên cũng tăng cường trao đổi các đoàn quân sự, đào tạo cán bộ, chia sẻ kinh nghiệm tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn và những vấn đề cùng quan tâm, góp phần củng cố mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa quân đội và nhân dân hai nước. Đặc biệt, ngày 26-11-2012, chiến hạm KD Pahang do Chuẩn Đô đốc Abdul Rahman Bin Hj Ayob, Tư lệnh Lực lượng tàu ngầm Hải quân Hoàng gia Ma-lai-xi-a làm trưởng đoàn cùng 90 sỹ quan và thủy thủ, đã đến thăm Việt Nam, góp phần củng cố và tăng cường quan hệ hữu nghị giữa Quân đội nhân dân Việt Nam và Quân đội Ma-lai-xi-a nói chung và lực lượng hải quân hai nước nói riêng.

Năm là, hai nước đẩy mạnh hợp tác trên lĩnh vực văn hoá - xã hội

Về trao đổi giáo dục: Hai nước ký MOU về hợp tác giáo dục trong chuyến thăm chính thức Ma-lai-xi-a của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải (năm 2004). Chính phủ Ma-lai-xi-a và một số tập đoàn kinh tế lớn của Ma-lai-xi-a đã thực hiện chương trình cấp học bổng cho sinh viên Việt Nam. Ngoài ra, trong khuôn khổ của chương trình thu hẹp khoảng cách phát triển trong ASEAN, Ma-lai-xi-a cũng dành nhiều chương trình học bổng ngắn hạn cho sinh viên Việt Nam. Với uy tín của một quốc gia có nền giáo dục hiện đại, đáp ứng được nhu cầu đào tạo của khu vực, các trường đại học danh tiếng của Ma-lai-xi-a đang trở thành điểm đến của nhiều sinh viên quốc tế, trong đó có sinh viên Việt Nam. Hiện nay có khoảng 1.500 sinh viên Việt Nam đang theo học tại các trường đại học ở Ma-lai-xi-a (6).

Về hoạt động trao đổi truyền thông và công nghệ viễn thông: Sau khi ký kết MOU về hợp tác thông tin viễn thông (năm 2008), hai bên đã trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm quản lý trong lĩnh vực thông tin và truyền thông, hợp tác đào tạo nguồn nhân lực, tiếp xúc và tìm kiếm các cơ hội hợp tác trong sản xuất, cung cấp thiết bị và dịch vụ viễn thông. Cả hai nước đều cam kết thúc đẩy các biện pháp hợp tác trong tương lai. Với mục tiêu trở thành quốc gia mạnh về công nghệ thông tin, Việt Nam chủ động đẩy mạnh hợp tác và đầu tư với các doanh nghiệp Ma-lai-xi-a trong lĩnh vực công nghệ thông tin và viễn thông. Hằng năm, Trung tâm Đào tạo viễn thông và công nghệ thông tin của Ma-lai-xi-a đã cung cấp cho Việt Nam nhiều chương trình học bổng đào tạo nguồn nhân lực cho Việt Nam. Đặc biệt, Tập đoàn Viễn thông Việt Nam (VNPT) cùng đối tác viễn thông của Ma-lai-xi-a đang hợp tác khai thác dịch vụ thoại truyền thông IDD có hiệu quả.

Về hợp tác trong lĩnh vực lao động: Chính phủ Ma-lai-xi-a chính thức mở cửa thị trường lao động cho Việt Nam từ năm 2002 và nhất trí đưa vấn đề lao động thành một lĩnh vực hợp tác mới giữa hai nước. Hai bên đã ký MOU cấp chính phủ về hợp tác lao động (năm 2003). Đây tiếp tục là lĩnh vực hợp tác tiềm năng của hai nước. Hiện có khoảng 60.000 lao động Việt Nam đang làm việc tại Ma-lai-xi-a. Kể từ khi ký MOU về hợp tác lao động Việt Nam - Ma-lai-xi-a (12-2003), đã có khoảng 200.000 lượt người lao động Việt Nam sang làm việc tại Ma-lai-xi-a. Ma-lai-xi-a trở thành thị trường lao động lớn thứ ba của Việt Nam, tiếp nhận nhiều lao động phổ thông, phù hợp với chính sách và mục tiêu xóa đói giảm nghèo của Việt Nam. Hầu hết các doanh nghiệp Ma-lai-xi-a đều thực hiện đầy đủ các quyền lợi của người lao động được quy định theo hợp đồng. Lao động Việt Nam được đánh giá là chăm chỉ, tiếp thu nhanh, khéo léo, cần cù, song cũng còn có những hạn chế về ý thức kỷ luật lao động. Phía Việt Nam cũng nhận thức được khó khăn này và đang nỗ lực nâng cao chất lượng lao động xuất khẩu thông qua các chương trình đào tạo của các doanh nghiệp xuất khẩu lao động.

Về du lịch: Việt Nam đã phối hợp với Ma-lai-xi-a tổ chức nhiều chương trình xúc tiến du lịch và quảng bá văn hoá. Tuy nhiên, cho đến nay hoạt động này vẫn chưa thực sự phát huy hết tiềm năng của hai phía. Kể từ khi hai nước miễn thị thực cho công dân mang hộ chiếu phổ thông, lượng du khách Ma-lai-xi-a đến Việt Nam tăng nhanh: năm 2006 là 105.558 lượt người; năm 2007 là 153.507 lượt người; năm 2008 là 174.008 lượt người; năm 2009 là 146.206 lượt người (7); năm 2010 là 210.000 lượt người (8). Ma-lai-xi-a cũng có 12 dự án đầu tư vào lĩnh vực du lịch ở Việt Nam với tổng số vốn đăng ký 257,4 triệu USD (9).

Trên cơ sở những thành tựu đạt được trong quan hệ giữa hai nước, Chính phủ Ma-lai-xi-a đã ủng hộ Việt Nam trong vai trò là Chủ tịch của ASEAN năm 2010. Chính phủ Ma-lai-xi-a đánh giá, Việt Nam đã đảm nhiệm tốt vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2010; Việt Nam có nhiều sáng kiến, chủ động trong tổ chức các hội nghị. Với cương vị Chủ tịch, Việt Nam không chỉ nâng cao được vị thế của mình, mà còn góp phần nâng vị thế của cả ASEAN trên trường quốc tế.

Nhìn chung, cả hai nước Việt Nam và Ma-lai-xi-a đều duy trì tốt quan điểm hợp tác được tuyên bố từ năm 1973, đó là “thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức trên cơ sở cùng tồn tại hoà bình, tôn trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, hai bên cùng có lợi, bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau” (10).

Ngày nay, cả hai nước đều đang triển khai thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020, những điểm tương đồng và bài học, kinh nghiệm quý báu của hai quốc gia có thể chia sẻ cho nhau nhằm tới mục tiêu xây dựng đất nước giàu mạnh, xã hội ổn định, công bằng, văn minh. Việt Nam và Ma-lai-xi-a đều là thành viên ASEAN, do đó càng có cơ hội giúp đỡ nhau thúc đẩy đoàn kết, liên kết trong ASEAN, hướng tới xây dựng thành công Cộng đồng ASEAN vào năm 2015 “rộng mở với bên ngoài, sống trong hoà bình, ổn định và thịnh vượng, gắn bó với nhau bằng quan hệ đối tác trong phát triển năng động và trong một cộng đồng các xã hội đùm bọc lẫn nhau” (11). Quan hệ hợp tác tốt đẹp song phương hiện nay đã làm nền tảng cho hai nước Việt Nam - Ma-lai-xi-a tiến tới thực hiện hợp tác toàn diện trong thế kỷ XXI. Trong tương lai, quan hệ giữa Việt Nam và Ma-lai-xi-a sẽ phát triển lên tầm cao mới hiệu quả hơn, vì hòa bình, hữu nghị và hợp tác trong khu vực, cũng như trên toàn thế giới./.

-----------------------------------------

(1) http://www.vietnamembassy-malaysia.org: Nguồn VCCI (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) - Ban Quan hệ quốc tế, Hồ sơ thị trường Malaysia, p.8
(2) http://www.chinhphu.vn
(3) http://www.mofahcm.gov.vn, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên trả lời phỏng vấn báo New Straits Times (Malaysia) ngày 12-3-2001
(4) Nguồn VCCI (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) - Ban Quan hệ quốc tế, Hồ sơ thị trường Malaysia, p.7
(5) Nguồn: Phòng Thương vụ Malaysia - Matrade
(6) Thông tấn xã Việt nam, ngày 29-5-2011
(7) http://chinhphu.vn
(8) Thông tấn xã Việt Nam, ngày 29-5-2011
(9) http://chinhphu.vn
(10) Danny Wong Tze - Ken (1997), Malaysia Realations during the cold war, 1945 - 1990, University of Malaysia Press. P.76
(11) Tuyên bố Hà Nội năm 1998 của Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ VI, Báo Sài Gòn giải phóng, ngày 17-12-1998