TCCSĐT - Tân Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã lựa chọn nước Nga trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên trên cương vị mới. Theo nhận xét của nhiều nhà phân tích quốc tế, bối cảnh trong nước và quốc tế cũng như việc Trung Quốc chuẩn bị vươn lên vị trí số 1 thế giới về tổng sản phẩm trong nước (GDP) khiến cho lựa chọn nước Nga là điểm đến đầu tiên trở thành sự lựa chọn tối ưu.

Lựa chọn nước Nga, trước hết là hành động mang tính truyền thống. Tổng thống Nga V. Putin trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình đã đến Trung Quốc; nguyên Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào cũng đã lựa chọn đến Nga. Truyền thống đó không được duy trì khi ông Đ. Mét-vê-đép nhậm chức Tổng thống không lựa chọn Trung Quốc là điểm đến trong chuyến xuất ngoại đầu tiên. Chuyến công du của Chủ tịch Tập Cận Bình vừa qua đã khôi phục lại truyền thống đó.

Đối với Trung Quốc, Nga là một đồng minh quan trọng. Cả hai nước đều là thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, đều thuộc nhóm BRICS, nhóm các nền kinh tế mới nổi. Hai nước có những điểm tương đồng về một số vấn đề an ninh, chính trị thế giới, là đối tác chiến lược của nhau trong giải quyết các vấn đề thông qua bỏ phiếu tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Tuy nhiên, nội dung kinh tế mới thực sự là chủ đạo trong chuyến đi này của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Hợp tác kinh tế giữa hai nước đang phát triển rất sôi động. Tốc độ tăng trưởng quy mô thương mại giữa Nga và Trung Quốc trong những năm gần đây thuộc trong nhóm cao nhất thế giới. Chủ tịch Trung Quốc cho biết, trao đổi thương mại song phương đã tăng gấp 14 lần trong hai thập niên qua và đạt con số kỷ lục 88,2 tỷ USD năm 2012. Còn Tổng thống Nga khẳng định hai nước muốn nâng mức trao đổi thương mại song phương lên 100 tỷ USD/năm trong thời gian gần.

Hợp tác kinh tế giữa hai nước đang tập trung vào các lĩnh vực cung cấp dầu, khí đốt, năng lượng điện từ Nga sang Trung Quốc. Hợp tác trong cung cấp điện năng đang nổi lên như một vấn đề chiến lược, bởi lẽ các vùng gần biên giới với Nga của Trung Quốc đang bị thiếu hụt điện trầm trọng; nguồn cung từ Nga có ý nghĩa quan trọng chiến lược. Cả Trung Quốc và Nga đều có ý định nâng cấp quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai nước từ mua bán nguyên, nhiên liệu đơn thuần lên mức độ cao hơn, bao gồm cả cùng hợp tác sản xuất và mua thiết bị cho các nhà máy điện tại Nga.

Trong khuôn khổ chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lần này, Nga và Trung Quốc đã ký kết văn kiện về cung cấp khí gas, theo đó, Tập đoàn No-va-tek của Nga sẽ xuất khẩu khí gas hóa lỏng từ mỏ I-a-man-xki sang Trung Quốc. Bên cạnh đó, Tập đoàn khí đốt khổng lồ Gazprom của Nga cũng đã ký với Tập đoàn Dầu khí quốc gia Trung Quốc CNPC văn kiện mang tính chiến lược dài hạn cung cấp khí gas tự nhiên cho Trung Quốc, làm cơ sở cho việc ký kết hợp đồng cung cấp gas của Nga cho Trung Quốc với thời hạn 30 năm. Dự tính, Nga sẽ cung cấp cho Trung Quốc 38 tỷ mét khối gas/năm kể từ năm 2018, và sẽ có thể tăng lên 60 tỷ mét khối/năm. Theo kế hoạch, việc cung cấp gas được thực hiện theo 2 hướng: hướng Tây (đường ống An-tai, công suất 30 tỷ mét khối/năm) và hướng Đông (đường ống từ Kha-ba-rốp-xkơ, công suất 38 tỷ mét khối/năm). Cả 2 đường ống nói trên mới có trên bản vẽ, và để xây dựng, theo đánh giá của các chuyên gia, cần nguồn vốn khoảng 25 tỷ USD.

Bắc Kinh từ năm 2004 đã quan tâm đến nguồn cung khí đốt từ Nga bởi nhu cầu trong nước tăng nhanh nhưng sản lượng tự khai thác không đáp ứng được. Theo các nghiên cứu, ước tính đến năm 2020, nhu cầu khí đốt hằng năm của Trung Quốc là khoảng 300 - 350 tỷ mét khối; năm 2030, lượng khí gas tiêu thụ hằng năm của Trung Quốc ước đạt mức 600 tỷ mét khối, cao hơn mức tiêu thụ của các nước còn lại của châu Âu. Trong khi đó, lượng khí khai thác nội địa đến năm 2020 chỉ đạt 115 tỷ mét khối, phần còn lại Trung Quốc phải nhập khẩu, tuy nhiên, quy mô nhập khẩu từ các nước châu Á - Thái Bình Dương không thể vượt quá 40 tỷ mét khối/năm.

Thỏa thuận chung đã đạt được, nhưng để hiện thực hóa vấn đề này thì vẫn còn không ít khó khăn, trong đó, cản trở lớn nhất là khâu xác định giá. Ban đầu, Tập đoàn dầu khí Gazprom muốn áp dụng mức giá châu Âu cho đối tác Trung Quốc (khoảng 450 USD/1.000 mét khối thời điểm hè năm 2012), còn Trung Quốc lúc đầu đưa ra mức giá 250 USD, sau đó, dường như đã chấp nhận mức giá 350 USD. Tuy nhiên, khó khăn ở chỗ Nhà nước Trung Quốc điều tiết giá gas trong nước, vì vậy, doanh nghiệp Trung Quốc không thể mua gas để về bán trong nước với giá thấp hơn. Khó khăn nói trên phải được hai bên tháo gỡ, bằng cách trả tiền trước. Gazprom yêu cầu CNPC khoản tiền trả trước lên đến 25 tỷ USD, với lý do cùng đầu tư xây dựng đường ống khí đốt. Phương án này cho phép Gazprom “linh hoạt hơn” trong vấn đề giá cả với các doanh nghiệp Trung Quốc.

Hợp tác trong cung cấp dầu mỏ cũng là chủ đề trọng tâm. Hai bên bàn bạc về tăng quy mô cũng như xem xét lại giá dầu. Phía Nga mong muốn mức giá cao hơn hiện nay, cho dù vẫn thấp hơn mức giá trung bình thế giới. Theo lãnh đạo tập đoàn dầu mỏ Nga Rosneft I-go Xét-chin (Igor Setchine), dự kiến Nga sẽ cung cấp cho tập đoàn dầu khí Trung Quốc CNPC đến 50 triệu tấn/năm, so với 15 triệu tấn/năm hiện nay. Rosneft cũng sẽ hợp tác với CNPC trong việc khai thác dầu tại tám vị trí ở vùng Bắc Cực thuộc Nga. Để đổi lại việc tăng lượng hàng cung cấp, Rosneft sẽ nhận được 2 tỷ USD tín dụng từ Trung Quốc.

Bằng chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình, Trung Quốc muốn củng cố cơ sở năng lượng, nguyên nhiên liệu cho sự phát triển ổn định trong dài hạn. Phía Nga cũng có những lợi ích không nhỏ. Tuy nhiên, Nga không muốn biến mình chỉ trở thành “cơ sở năng lượng, nguyên, nhiên liệu” của Trung Quốc. Cả Nga và Trung Quốc mong muốn nâng cấp quan hệ hợp tác, chuyển sang việc hợp tác xây dựng các trung tâm phân phối lớn, cùng đầu tư vào các lĩnh vực có nhiều hàm lượng khoa hoc, kỹ thuật, công nghệ. Vấn đề nằm ở chỗ, tổng nguồn vốn đầu tư của Trung Quốc vào Nga hiện còn rất khiêm tốn, chỉ chiếm 15% trong toàn bộ vùng Viễn Đông, khoảng 2% trên toàn lãnh thổ Nga nói chung./.