TCCSĐT - Ngày 13-3, Đoàn kiểm tra lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 do Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp dẫn đầu đã làm việc với tỉnh Bình Phước về công tác này. Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, việc lấy ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp phải thực chất, tránh hình thức, chiếu lệ hay chạy theo số lượng mà không chú trọng đến hiệu quả.

Theo Ban Chỉ đạo tổ chức lấy ý kiến nhân dân của tỉnh Bình Phước, xác định việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 là đợt sinh hoạt chính trị quan trọng, rộng lớn nhằm phát huy quyền làm chủ, trí tuệ, tâm huyết và trách nhiệm của mỗi người dân, cơ quan, tổ chức đối với việc sửa đổi Hiến pháp.

 

Các thành viên Ban Chỉ đạo tỉnh Bình Phước làm rõ những vấn đề mà Đoàn kiểm tra đặt ra đối với việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân. Giám đốc Sở Tư pháp Bình Phước Bùi Minh Phụng cho biết, hiện Tổ biên tập của tỉnh đã gửi báo cáo cho Thường trực Ban Biên tập sửa đổi Hiến pháp, việc lấy ý kiến bám sát theo chỉ đạo của Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp.

 

Đến nay, Ban Chỉ đạo tỉnh Bình Phước đã nhận được 556 báo cáo, văn bản góp ý về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp. Các ý kiến đóng góp đều thống nhất khẳng định, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 cơ bản thể hiện tính kế thừa của Hiến pháp hiện hành và có nhiều điểm mới, nhiều điều khoản thể hiện sự tiến bộ, đáp ứng sự phát triển của đất nước.

 

Phó Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Bình Phước Trần Tuyết Minh nhấn mạnh, hoạt động tuyên truyền về lấy ý kiến đi vào chiều sâu, phong phú, đa dạng với sự vào cuộc của các cơ quan thông tin trong tỉnh, hệ thống truyền thanh xã, phường, huyện thị.

 

Đặc biệt, với sự tham gia của đội ngũ 615 báo cáo viên là cán bộ, công chức am hiểu pháp luật, đường lối của Đảng, quá trình lấy ý kiến đã thu hút sự quan tâm người dân, đi xuống các địa bàn trong toàn tỉnh, nhất là vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc, công nhân trong các nông trường cao su. Từ đó, tạo sức lan tỏa trong 41 dân tộc anh em trong địa bàn tỉnh.

 

Dự kiến thời gian tới, Ban Tuyên giáo sẽ tổ chức đợt khảo sát dư luận xã hội về đợt góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp, nắm bắt tâm tư tình cảm của nhân dân. Đồng thời, phát huy hơn nữa việc đưa báo cáo viên đến các cấp cơ sở.

 

Tại buổi làm việc, các thành viên trong Đoàn Kiểm tra cũng góp ý, trao đổi kinh nghiệm, cách làm với tỉnh Bình Phước về một số vấn đề cần được triển khai cụ thể, chính xác trong quá trình lấy ý kiến, các báo cáo cần phản ánh được chiều sâu, chiều rộng ý kiến của nhân dân, nhất là vùng sâu, vùng xa bởi đây là dịp nâng cao ý thức chính trị của nhân dân.

 

Bên cạnh đó, các thành viên Đoàn Kiểm tra cũng chỉ ra hạn chế của các báo cáo mới chỉ là sự tập hợp số liệu, chưa có sự lý giải sâu sắc từ ý kiến đóng góp của nhân dân. Do đó, Bình Phước cần vận dụng các biện pháp tuyên truyền, vận động sao cho phù hợp với đặc điểm và tình hình thực tiễn của địa phương.

 

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ rõ, quá trình lấy ý kiến phải quán triệt nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Trung ương. Việc triển khai phải thực chất, tránh hình thức, chiếu lệ hay chạy theo số lượng mà không chú trọng đến hiệu quả của cuộc vận động to lớn này.

 

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, Bình Phước cần khắc phục một số hạn chế như số liệu trong các báo cáo cần cụ thể, tổng hợp đầy đủ, chính xác ý kiến của nhân dân. Số người tham dự, phát biểu ý kiến còn ít. Do đó, quá trình tổ chức lấy ý kiến chưa thực sự trở thành một đợt sinh hoạt chính trị - pháp lý rộng rãi trong nhân dân; việc tổng hợp, thống kê chưa đầy đủ; lý giải, phản biện một số vấn đề chưa sâu để nhân dân có cái nhìn trung thực, khách quan.

 

Thời gian tới, Bình Phước cần tranh thủ ý kiến của chuyên gia, nhà khoa học, quản lý, cán bộ công chức, các nhân sĩ trí thức, chức sắc tôn giáo nhằm tập hợp được phong phú các ý kiến. Việc đóng góp ý kiến còn kéo dài đến Kỳ họp cuối năm của Quốc hội, vì vậy, Bình Phước cần tiếp tục vận động, tuyên truyền nhân dân tham gia đông đảo hơn nữa. Muốn vậy, phải đổi mới cách làm cho phù hợp với tình hình địa phương, nâng cao hiệu quả của việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân./.

 

* Đại biểu Quốc hội chuyên trách góp ý sửa đổi Hiến pháp

Tại Hà Nội, ngày 13-3, Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách thảo luận một số vấn đề lớn của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Phó Chủ tịch Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 chủ trì Hội nghị. Hội nghị diễn ra trong hai ngày 13 và 14-3.

 

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý, Ủy viên Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, Trưởng ban Biên tập, sau hai tháng rưỡi triển khai Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp của cơ quan, tổ chức, cá nhân vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp. Trong đó, nổi lên một số vấn đề lớn mà nhân dân quan tâm như: Vấn đề nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước (Điều 6); Quy định về vai trò lãnh đạo của Đảng tại Điều 4; Về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân (Chương II); về kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường (Chương III)…

 

Về vai trò lãnh đạo của Đảng, cơ bản ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân được gửi đến đều tán thành với nội dung Chương I. Có ý kiến đề nghị Điều 4 cần làm rõ quy định Đảng, các tổ chức Đảng và các đảng viên phải hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật hoặc ban hành luật quy định về hoạt động của Đảng.

 

Theo Ban Biên tập, Điều 4 Dự thảo sửa đổi Hiến pháp kế thừa và giữ những nội dung quy định tại Điều 4 Hiến pháp hiện hành, việc Hiến pháp khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng tại Điều 4 cũng như bổ sung một số nội dung mới về việc “Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình” là phù hợp với ý chí, nguyện vọng của nhân dân, phù hợp với vai trò lãnh đạo của Đảng được khẳng định trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời, phù hợp với yêu cầu đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trước tình hình mới.

 

Quan điểm này được các đại biểu tham dự Hội nghị nhất trí cao. Đồng tình việc khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng là hết sức cần thiết, song, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) đề nghị bổ sung một điểm là Đảng phải tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức và tổ chức Đảng. Theo đại biểu, Đảng muốn giữ vai trò lãnh đạo thì nhất thiết phải thực hiện công tác này.

 

Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) đề nghị bổ sung “Đảng là lực lượng duy nhất lãnh đạo nhà nước và xã hội”. Theo đại biểu, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp có quy định Đảng chịu sự giám sát của nhân dân, vì vậy, cần quy định rõ quy chế thực hiện giám sát Đảng.

Chương III (về kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường) của Dự thảo cũng được nhân dân quan tâm, tập trung cho ý kiến về chế độ sở hữu về đất đai, cơ chế thu hồi đất.

 

Cụ thể, có ý kiến đề nghị nên quy định chế độ sở hữu tư nhân hoặc đa sở hữu về đất đai. Tuy nhiên, theo Ban Biên tập, quan điểm thống nhất, xuyên suốt từ Hiến pháp năm 1980 đến nay là “đất đai thuộc sở hữu toàn dân”. Đây là quy định nhằm bảo đảm phát huy quyền là chủ của nhân dân đối với đất đai, nguồn tư liệu sản xuất quan trọng và lãnh thổ thiêng liêng của quốc gia; đồng thời hoàn toàn phù hợp với thực tiễn quản lý đất đai của Việt Nam. Điểm mới cơ bản trong lần sửa đổi Hiến pháp này là việc hiến định nguyên tắc “quyền sử dụng đất là quyền tài sản được pháp luật bảo hộ”. “Điều này vừa thể hiện thái độ tôn trọng, bảo vệ của Nhà nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa đối với quyền cơ bản của công dân, vừa tạo cơ sở pháp lý vững chắc để tiếp tục phòng chống và xử lý nghiêm minh các trường hợp sai phạm trong thực hiện pháp luật về đất đai” - Trưởng ban Biên tập Phan Trung Lý nhấn mạnh.

 

Về cơ chế thu hồi đất, có một số ý kiến cho rằng, nếu quy định trong Hiến pháp việc Nhà nước thu hồi đất để phục vụ mục tiêu kinh tế - xã hội thì rất dễ dẫn đến tùy tiện, lạm quyền; mâu thuẫn với việc bảo hộ quyền tài sản của người dân về đất đai. Đồng chí Phan Trung Lý cho rằng, đây là một ý kiến cần được tiếp tục nghiên cứu để có phương án hợp lý trình Quốc hội xem xét quyết định.

 

Về chính quyền địa phương (Chương IX), Dự thảo xây dựng trên cơ sở đổi tên Chương IX (Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân) của Hiến pháp năm 1992 và quy định một cách tổng quát về phân chia đơn vị hành chính lãnh thổ, còn những vấn đề về tổ chức, thẩm quyền của từng cấp chính quyền địa phương sẽ do luật định để phù hợp với nhu cầu quản lý, xây dựng và phát triển đất nước trong cùng thời kỳ.

 

Theo Trưởng ban Biên tập Phan Trung Lý, qua theo dõi bước đầu có hai loại ý kiến về những quy định ở Chương chính quyền địa phương. Trong đó, nhiều ý kiến đóng góp tán thành với quy định về chính quyền địa phương một cách khái quát như Dự thảo, những nội dung cụ thể sẽ do luật định. Một số ý kiến đề nghị làm rõ ngay trong Hiến pháp mô hình tổ chức chính quyền địa phương, Hiến pháp cần xác lập các nguyên tắc tổ chức chính quyền đô thị khác với chính quyền nông thôn, tăng cường tính tự chủ của các chính quyền đô thị, đặc biệt là các đô thị lớn.

 

Quan tâm tới Chương này, đại biểu Trần Du Lịch (TP. Hồ Chí Minh) nhấn mạnh quan điểm xây dựng tổ chức chính quyền địa phương là nhiệm vụ quan trọng nhất của lần sửa đổi Hiến pháp này. Theo Điều 115 Dự thảo, các đơn vị hành chính lãnh thổ được phân định như sau: Nước chia thành tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Tỉnh chia thành huyện, thành phố thuộc tỉnh và thị xã; thành phố trực thuộc Trung ương chia thành quận, huyện và thị xã; Huyện chia thành xã, thị trấn; thành phố thuộc tỉnh, thị xã chia thành phường, xã; quận chia thành phường.

 

Đại biểu Trần Du Lịch cho rằng, không nhất thiết có 4 cấp chính quyền như trên mà chỉ cần cấp Quốc gia, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và cấp cơ sở.

 

Liên quan đến phần ngân sách (Điều 59 mới), đại biểu Trần Du Lịch đề nghị cần tách rạch ròi ngân sách quốc gia và địa phương. Ngân sách quốc gia gồm 2 phần: ngân sách Trung ương và ngân sách Trung ương trợ cấp cho địa phương sẽ do Quốc hội quyết định. Ngân sách địa phương do địa phương quản và quyết định, Quốc hội không can thiệp, đại biểu phân tích. “Cái gì một đồng do Trung ương trợ cấp là Quốc hội quyết định, còn cái gì 1.000 đồng thuộc địa phương thì địa phương tự quyết. Nếu giải quyết được vấn đề này trong Hiến pháp thì sẽ không còn cơ chế xin - cho nữa” - đại biểu Trần Du Lịch nhấn mạnh.

 

Cũng trong phiên họp sáng ngày 13-3, các đại biểu còn đóng góp ý kiến cho các vấn đề về quyền con người; tổ chức bộ máy nhà nước; Quốc hội; Chính phủ; Tòa án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân… trong bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

 

* Tại Khánh Hòa: Từ tháng 1-2013, Thường vụ Tỉnh ủy, HĐND, UBND và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Khánh Hòa đã nhanh chóng tổ chức cho các tầng lớp nhân dân tham gia góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 với tinh thần trách nhiệm và thái độ nghiêm túc.

 

Bà Nguyễn Thị Kiều, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Khánh Hòa cho biết: Thực hiện ý kiến của Bộ Chính trị, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã có văn bản chỉ đạo cho hệ thống chính trị trên toàn tỉnh tổ chức việc lấy ý kiến góp ý của các thành phần góp ý Dự thảo Hiến pháp năm 1992.

 

Tỉnh Khánh Hòa đã tổ chức Hội nghị cán bộ chủ chốt để lấy ý kiến sửa đổi Hiến pháp. Hội Liên hiệp Phụ nữ của tỉnh Khánh Hòa cũng đã tổ chức hội nghị để các chị em góp ý sửa đổi Dự thảo Hiến pháp năm 1992.

 

Gần đây nhất, kỳ họp chuyên đề của HĐND khóa 5 cũng tổ chức lấy ý kiến của các đại biểu góp ý sửa đổi Hiến pháp. Nhìn chung, Hội nghị có rất nhiều ý kiến tâm đắc với Dự thảo sửa đổi. Mặt trận, các tổ chức thành viên cũng tổ chức lấy ý kiến của các tổ chức đoàn thể theo hệ thống ngành dọc. Ở các khu dân cư, các chi bộ, thôn, tổ dân phố cũng đang triển khai lấy ý kiến đóng góp cho Dự thảo.

 

Bà Nguyễn Thị Kiều cho biết, 2 nội dung được nhân dân trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa rất quan tâm là vai trò lãnh đạo của Đảng và vấn đề về các thành phần kinh tế.

 

"Trong sửa đổi Hiến pháp có ghi là Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân. Người dân tỉnh Khánh Hòa có ý kiến cho rằng, nội dung chưa rõ ràng lắm và cần phải viết cho rõ ràng cụ thể hơn. Còn về vấn đề kinh tế thì nhân dân tâm đắc với nội dung quy định tại Điều 54 của dự thảo lần này; cho đây là một quan điểm rất mới và nếu thực hiện sẽ là cơ hội cho các thành phần kinh tế phát triển, cạnh tranh một cách lành mạnh, đóng góp nhiều hơn cho quá trình phát triển cho đất nước", bà Kiều cho biết.

 

Ở góc độ cá nhân, bà Nguyễn Thị Kiều có ý kiến về Điều 9 quy định về Mặt trận và các tổ chức thành viên và Điều 10 nói về Tổng Liên đoàn Lao động. "Nếu trong Dự thảo Hiến pháp để một điều cho Tổng Liên đoàn thì theo tôi có thể có 2 phương án: Một là mình phải đưa các tổ chức chính trị xã hội khác nữa, tức là các tổ chức thành viên của Mặt trận vào Dự thảo. Nếu như vậy thì Hiến pháp có dài quá hay không? Phương án khác là không để Điều 10 cho Tổng Liên đoàn Lao động mà nên đưa Tổng Liên đoàn Lao động vào Điều 9, tức là một trong những tổ chức thành viên của Mặt trận như các đoàn thể khác", bà Kiều nêu ý kiến.

* Quân khu 2 tích cực đóng góp sửa đổi Hiến pháp: Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 2 vừa tập trung đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, hướng mạnh về các đơn vị vùng sâu, vùng xa, biên giới tích cực nghiên cứu, phân tích và đóng góp nhiều ý kiến quan trọng vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

 

Thiếu tướng Lưu Trọng Lư, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Điện Biên đóng góp ý kiến: “Theo tôi, Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn giữ vai trò chủ đạo và đã góp phần làm nên chiến thắng trong các cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đặc biệt, trong sự nghiệp công nghiệp hóa đất nước, xây dựng nền quốc phòng toàn dân thì vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam trong thời kỳ hiện nay càng hết sức quan trọng và không thể đảo ngược"./.