Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tham dự Hội nghị ACMECS 5

Khánh Nguyên (tổng hợp)
21:44, ngày 13-03-2013

TCCSĐT - Ngày 13-3, tại Thủ đô Vientiane, Lào, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã dự Hội nghị Cấp cao Chiến lược hợp tác Kinh tế Ayeyawadi - Chao Phraya - Mekong lần thứ 5 (ACMECS 5). Thủ tướng Lào Thongsing Thammavong chủ trì Hội nghị.

Cùng tham dự có Thủ tướng Vương quốc Campuchia Hun Sen, Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra, Phó Tổng thống Myanmar Sai Mauk Kham và Tổng Thư ký ASEAN Lê Lương Minh.

 
 Lãnh đạo các nước thành viên ACMECS (gồm Việt Nam, Lào, Campuchia,
Thái Lan, Myanmar) và Tổng Thư ký ASEAN Lê Lương Minh
tại phiên khai mạc Hội nghị ACMECS 5, ngày 13-3. Ảnh: VGP

10 năm hợp tác ACMECS

Trong những năm qua, quan hệ kinh tế thương mại giữa các nước thành viên ACMECS không ngừng phát triển ngay cả trong bối cảnh kinh tế thế giới và khu vực có nhiều khó khăn, thách thức.

 

Tổng kim ngạch thương mại của Việt Nam với 4 nước Campuchia, Lào, Myanmar và Thái Lan tăng liên tục trong những năm qua, từ khoảng 7,1 tỷ USD năm 2009 lên 8,4 tỷ USD năm 2010, 10,9 tỷ USD năm 2011 và 12,8 tỷ USD năm 2012. Kết quả này đạt được một phần nhờ các nỗ lực cải thiện cơ chế chính sách cũng như thủ tục hành chính, tạo môi trường thông thoáng thuận lợi cho trao đổi thương mại và đầu tư qua biên giới.

 

Bên cạnh đó, liên kết giao thông giữa năm nước ACMECS cũng được cải thiện rõ rệt thông qua việc thực hiện các tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây (EWEC), Hành lang phía Nam (SEC) cũng như việc ký kết và triển khai các thỏa thuận song phương và đa phương về tạo thuận lợi giao thông.

 

Chính phủ các nước cũng rất chú trọng phát triển cơ sở hạ tầng cứng, xây dựng nhiều tuyến đường quan trọng kết nối các địa phương trong khu vực, đặc biệt là những địa phương nghèo vùng biên giới, góp phần cải thiện đời sống kinh tế, xã hội và xóa đói giảm nghèo cho nhân dân.

 

Hội nghị đã nhìn lại chặng đường 10 năm hợp tác ACMECS và rà soát tình hình triển khai việc thực hiện Tuyên bố Phnom Penh và Chương trình hành động 2010 - 2012 trong các lĩnh vực hợp tác ưu tiên như tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư, nông nghiệp, công nghiệp và năng lượng, giao thông, du lịch, phát triển nguồn nhân lực, y tế, an sinh xã hội và môi trường.

 

Định hướng cho các hoạt động hợp tác tương lai, các nhà lãnh đạo tái khẳng định cam kết trong việc thực hiện các mục tiêu đề ra tại Tuyên bố Bagan vì mối quan hệ láng giềng tốt đẹp giữa các nước thành viên, vì hòa bình, ổn định và phát triển bền vững của khu vực.

 

Các nhà lãnh đạo đã thông qua Tuyên bố Vientiane và Chương trình hành động ACMECS giai đoạn 2013 - 2015, theo đó gắn kết hơn nữa hợp tác ACMECS với quá trình xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN 2015 và thực hiện Kế hoạch tổng thể về kết nối ASEAN, nâng cao tính cạnh tranh, vai trò và vị trí của các nước ACMECS trong chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.

 

Hợp tác ACMECS hướng tới 3 mục tiêu chính

 

Trong phát biểu thảo luận, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh hợp tác ACMECS trong giai đoạn tới cần hướng đến 3 mục tiêu chính là: tăng tính cạnh tranh của các quốc gia thành viên trên cơ sở gắn kết thị trường, hình thành chuỗi cung ứng và sản xuất khu vực và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; hỗ trợ tiến trình hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN 2015; bảo đảm phát triển bền vững của khu vực, quản lý và sử dụng bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên, trong đó có ba dòng sông Ayeyawadi, Chao Phraya và Mekong.

 
 Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại phiên khai mạc
Hội nghị ACMECS 5. Ảnh: VGP

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, với các mục tiêu nêu trên, các chương trình hợp tác không nên quá dàn trải mà cần tập trung vào một số nội dung chính như: thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực thương mại, đầu tư và du lịch thông qua các nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; đẩy mạnh hơn nữa kết nối khu vực với trọng tâm là phát triển các tuyến hành lang kinh tế như: Hành lang kinh tế Đông - Tây (EWEC), Hành lang kinh tế Bắc - Nam (NSEC) và Hành lang kinh tế phía Nam (SEC) và các tuyến giao thông xuyên quốc gia khác…

 

Bên cạnh đó, đẩy mạnh hợp tác trong quản lý và sử dụng bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên trong đó có ba dòng sông Ayeyawadi, Chao Phraya và Mekong; khuyến khích hợp tác, chia sẻ thông tin giữa các viện nghiên cứu; tăng cường phối hợp thực hiện đánh giá chung về tác động môi trường xuyên biên giới và giải quyết những thách thức chung về môi trường; cần đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia thông qua các chương trình học bổng, trao đổi kinh nghiệm, liên kết giữa các trung tâm đào tạo nghề trong nước với quốc tế, gắn kết chương trình giảng dạy của các cơ sở đào tạo nghề với nhu cầu của doanh nghiệp hoạt động tại địa phương. Đồng thời khuyến khích tham gia của khu vực doanh nghiệp vào các dự án hợp tác ACMECS và tranh thủ nguồn lực bên ngoài.

 

Hội nghị Cấp cao ACMECS lần thứ 6 sẽ được tổ chức trong năm 2014 tại Myanmar.

 

Tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp

 

Cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các nhà lãnh đạo đã có buổi đối thoại với khu vực doanh nghiệp ACMECS nhằm chia sẻ thông tin về những quan tâm chung và thảo luận hướng tăng cường hợp tác giữa khu vực nhà nước và khu vực doanh nghiệp.

 

Các nhà lãnh đạo ACMECS đều cho rằng, nỗ lực của Chính phủ năm nước trong tăng cường hợp tác khu vực sẽ khó có thể đạt được kết quả thực tiễn nếu như không có sự ủng hộ và tham gia tích cực của khối doanh nghiệp. Do đó, các chính sách về tạo thuận lợi thương mại, đầu tư, du lịch, phát triển công nghiệp, năng lượng, xây dựng nguồn nhân lực đều hướng đến việc tạo môi trường kinh doanh thuận lợi và điều kiện cần thiết để các doanh nghiệp có thể làm ăn sinh lời và phát triển, từ đó, đóng góp vào nỗ lực cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân, bảo đảm an sinh và ổn định xã hội.

 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao vai trò của khu vực doanh nghiệp ACMECS trong phát triển kinh tế - xã hội của các quốc gia cũng như tiến trình hợp tác và hội nhập khu vực.

 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị Hội đồng kinh doanh ACMECS cùng tham gia thực hiện Chương trình hành động ACMECS giai đoạn 2013 - 2015 và bày tỏ mong muốn nhận được phản hồi của các doanh nghiệp về tính thiết thực và tác động của các nội dung hoạt động để có sự điều chỉnh kịp thời.

 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng các nhà lãnh đạo khẳng định cam kết mạnh mẽ trong việc tiếp tục nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi cho giao lưu thương mại và đầu tư, đưa ACMECS trở thành sự lựa chọn hàng đầu của doanh nghiệp khu vực và quốc tế.

 

* Việt Nam muốn tăng cường hợp tác với Thái Lan và Myanmar

 

Cùng ngày 13-3, bên lề các Hội nghị Cấp cao diễn ra tại Thủ đô Vientiane (Lào), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có cuộc tiếp xúc song phương với Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra và Phó Tổng thống Myanmar Sai Mauk Kham.

 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có cuộc tiếp xúc song phương với Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra và Phó Tổng thống Myanmar Sai Mauk Kham.

 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra bày tỏ hài lòng trước sự phát triển của quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện giữa hai nước trên tất cả các lĩnh vực từ chính trị, an ninh, quốc phòng đến kinh tế, thương mại, đầu tư, văn hóa, xã hội, nhất là những kết quả hợp tác sau cuộc họp Nội các chung Việt Nam - Thái Lan lần thứ 2 diễn ra vào cuối tháng 10 năm 2012.

 
 Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp Thủ tướng Thái Lan
Yingluck Shinawatra. Ảnh: vov.vn

Hai Thủ tướng nhất trí chỉ đạo Bộ Ngoại giao hai nước phối hợp cùng các cơ quan, ban, ngành liên quan tích cực trao đổi, xây dựng nội hàm và lộ trình thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Thái Lan và thúc đẩy cơ chế họp Ủy Ban Hỗn hợp song phương hai nước trong năm nay.

 

Hai Thủ tướng nhất trí về sự cần thiết bảo đảm môi trường và an ninh nguồn nước sông Mekong, cũng như tiếp tục phối hợp và ủng hộ lập trường chung của ASEAN như đã nêu trong Tuyên bố 6 nguyên tắc về vấn đề Biển Đông...

 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ hài lòng trước sự nỗ lực của hai nước trong việc tăng cường hợp tác kinh tế và khẳng định Chính phủ Việt Nam luôn tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp Thái Lan đầu tư tại Việt Nam và mong muốn Chính phủ Thái Lan tiếp tục khuyến khích doanh nghiệp Thái Lan đầu tư vào Việt Nam, nhất là tại khu vực miền Trung Việt Nam, nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng của tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây.

 

Tiếp Phó Tổng thống Myanmar Sai Mauk Kham, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chúc mừng những thành tựu quan trọng mà Myanmar đạt được thời gian qua, nhấn mạnh Việt Nam hết sức coi trọng việc củng cố, tăng cường quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác chặt chẽ với Myanmar, đồng thời khẳng định, Việt Nam sẽ hết sức ủng hộ để Myanmar đảm nhiệm thành công vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2014, mong muốn Myanmar sớm trở thành thành viên của Ủy hội sông Mekong quốc tế.

 
 Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp Phó Tổng thống Myanmar Sai Mauk Kham,
ngày 13-3. Ảnh: VGP

Phó Tổng thống Myanmar Sai Mauk Kham chúc mừng những thành tựu của Việt Nam trong phát triển kinh tế - xã hội, đánh giá cao vai trò và những đóng góp tích cực của Việt Nam cho hòa bình, ổn định ở khu vực và xây dựng Cộng đồng ASEAN.

 

Hai nhà lãnh đạo bày tỏ hài lòng trước những bước phát triển tích cực trong quan hệ hai nước thời gian qua, nhất là về chính trị - đối ngoại, kinh tế - thương mại - đầu tư, an ninh - quốc phòng, nông nghiệp…

 

Để tăng cường hơn nữa hiệu quả hợp tác, đưa quan hệ hai nước đi vào chiều sâu, hai bên nhất trí tăng cường trao đổi đoàn và tiếp xúc cấp cao, mở rộng hợp tác giữa các địa phương và giao lưu nhân dân; tích cực triển khai các thỏa thuận đã đạt được, trong đó tập trung vào 12 lĩnh vực ưu tiên và phát huy hiệu quả của các cơ chế hợp tác sẵn có nhằm mục tiêu tăng kim ngạch thương mại và dòng đầu tư hai chiều, phấn đấu đưa kim ngạch thương mại đạt ít nhất 500 triệu USD vào năm 2015.

 

Hai bên nhất trí tiếp tục phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn khu vực và quốc tế, nhất là ASEAN và Liên hợp quốc cũng như các cơ chế hợp tác tiểu vùng như ACMECS, CLMV, GMS và EWEC.

 

Ngoài ra, hai bên cũng nhất trí hợp tác chặt chẽ cùng với các nước ASEAN khác thúc đẩy lập trường chung và vai trò trung tâm của ASEAN đối với những vấn đề chung của cả khu vực, trong đó có vấn đề Biển Đông./.