Kinh tế thế giới lún sâu hơn vào suy thoái
23:22, ngày 21-03-2009
Trong quý I năm 2009, từ các nền kinh tế chủ chốt của thế giới tiếp tục phát đi những tín hiệu suy giảm. Nhiều chuyên gia và tổ chức kinh tế quốc tế đưa ra cảnh báo "kinh tế thế giới đang lặp lại bối cảnh của Ðại suy thoái hồi đầu thập kỷ 30 của thế kỷ 20". Lãnh đạo cấp cao của 20 nền kinh tế phát triển và đang nổi (G20) sẽ họp với nhau ở Luân Ðôn (Anh) ngày 2-4, bàn biện pháp vượt qua cơn khủng hoảng tài chính - kinh tế toàn cầu. Nhiều dấu hiệu ảm đạm hơn
Mặc dù có những ý kiến nhận định khác nhau về mức độ của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu hiện nay, nhưng các nhà phân tích đều đánh giá thiệt hại của "cơn bão tài chính" từ Mỹ đối với nền kinh tế toàn cầu là rất lớn, gây hậu quả nghiêm trọng và lâu dài cho nhiều nền kinh tế phát triển và đang phát triển, làm ngừng trệ hoạt động đầu tư và thương mại toàn cầu... Những người lạc quan dự báo sự tàn phá của "cơn bão" này có thể kéo dài đến đầu năm 2010. Nhưng những người ít lạc quan dự đoán nền kinh tế toàn cầu có thể hồi phục sau từ ba đến năm năm nữa, thậm chí 10 năm.
Trong bài viết "Nhìn lại năm 2008 và triển vọng trong năm 2009" đăng trên trang tin điện tử Xã hội thế giới, nhà phân tích chính trị kinh tế Ô-xtrây-li-a Ních Bim nhận định rằng, cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế toàn cầu hiện nay cho thấy những bối cảnh của thập kỷ 30 của thế kỷ XX đang được tái hiện: Thất nghiệp hàng loạt, người lao động ngày càng bị dồn ép về mặt xã hội và các cuộc xung đột sâu sắc giữa các nhóm tranh giành vốn đầu tư. Ông cảnh báo, sẽ khó có thể sớm tìm ra phương thuốc hữu hiệu cho cuộc khủng hoảng hiện nay.
Theo nhà phân tích kinh tế Ða-vít Brúc-xơ, năm 2009 sẽ là năm tăng trưởng âm đối với các nền kinh tế lớn trên thế giới và sẽ có khoảng 50 triệu người mất việc làm. Tổ chức Lao động quốc tế của Liên hợp quốc (ILO) dự báo, trong năm 2009, thế giới sẽ có thêm 200 triệu người rơi vào cảnh bần cùng dưới mức chuẩn nghèo. Ðiều này là đáng quan ngại đối với sự ổn định chính trị trên phạm vi toàn thế giới.
Ngày 7-3, Giáo sư Nu-ri-en Ru-bi-ni của Ðại học New York (Mỹ), người chuyên đưa ra các dự báo về các cuộc khủng hoảng tài chính-kinh tế - được mệnh danh là "Ngài Phán quyết", nhận định rằng, cuộc suy thoái kinh tế sẽ có thể kéo dài sang năm 2010 ở những nền kinh tế phát triển trong khi tình trạng thất nghiệp sẽ kéo dài thêm một năm nữa. Các nhà hoạch định chính sách đã đi đúng hướng trong việc đối phó với cuộc khủng hoảng, nhưng "quá muộn". Ông cảnh báo rằng, Mỹ, các nước châu Âu và Nhật Bản cần "phối hợp hành động" để giúp nền kinh tế toàn cầu tránh được tình trạng bị suy thoái nghiêm trọng hơn. Ông cho biết, thế giới "đang hy vọng đây sẽ là một cuộc suy thoái kinh tế hình chữ V - một sự sụp đổ nhanh nhưng tiếp sau đấy là một sự phục hồi nhanh tương tự"...
Theo ước định của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), khủng hoảng tài chính - kinh tế toàn cầu đã "ngốn" mất 50 nghìn tỉ USD trên thế giới, trong số này, các nước châu Á, không kể Nhật Bản, đã mất trắng 10 nghìn tỉ USD.
Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự tính, năm nay, tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ ở mức âm. Giám đốc điều hành IMF Đô-mi-ních Xtrao Kan (Dominique Straus-Kahn) nhận định, có khả năng tình hình kinh tế thế giới sẽ đi vào ổn định trở lại vào năm 2010, nhưng với điều kiện là từ nay tới lúc đó, hệ thống tài chính phải được "làm sạch". Ngày nào mà hệ thống các ngân hàng còn bị tê liệt vì những món nợ xấu, thì họ không thể đóng vai trò cung cấp tín dụng và như vậy, các gói kích cầu của Nhà nước không thể phát huy tác dụng.
Nhà tài phiệt Mỹ Oa-ren Bắp-phét, người được mệnh danh "người khôn ngoan nhất nước Mỹ", cũng bi quan nhận xét: Mỹ có thể phải đợi năm năm trước khi phục hồi. Thủ tướng Xin-ga-po Lý Hiển Long mới đây khuyến cáo: Không nên che giấu một thực tế là năm nay, không ai còn đề cập đến kịch bản tăng trưởng theo kiểu chữ V, mà mọi người chỉ còn hồi hộp theo dõi tình hình sẽ theo kịch bản chữ U, tức sụt nhanh, rồi chờ một thời gian trước khi tăng trưởng trở lại, hoặc kịch bản tồi tệ nhất là chữ L, tức là sụt nhanh rồi bị tê liệt trong thời gian dài và chưa biết thời điểm khởi sắc.
Tại Phiên họp cấp cao khóa 10 Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc ở Giơ-ne-vơ (Thụy Sĩ), ngày 4-3, Chủ tịch Ðại Hội đồng Liên hợp quốc, ông Mi-ghên Ðơ Ê-xcô-tô nêu ra những hậu quả đối với kinh tế và xã hội ở những nước nghèo. Ông cho rằng, cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế hiện nay đe dọa các nước đạt được mục tiêu phát triển những quyền cơ bản nhất của con người. "Cơn bão" tài chính đang lan rộng sang các nước nghèo, tác động xấu đối với đời sống của người dân tại đây. Các quyền cơ bản nhất của con người là quyền được ăn, được uống nước sạch và hưởng các điều kiện vệ sinh của người dân các nước nghèo đang bị đe dọa. Ông cho biết, khóa họp tới đây của Ðại hội đồng Liên hợp quốc sẽ tập trung vào mục tiêu hỗ trợ các nước nghèo nhất trên thế giới trước tác động của "bão" tài chính toàn cầu.
Trước diễn biến khó lường của cuộc khủng hoảng, IMF mới đây đã buộc phải hạ thấp các dự báo kinh tế, theo đó nền kinh tế thế giới chỉ đạt mức tăng trưởng 0,5% trong năm nay, thấp rất nhiều so với mức dự báo 2,2% đưa ra hồi tháng 11-2008. Tại các nước công nghiệp phát triển, suy thoái kinh tế sẽ nghiêm trọng hơn trong năm 2009. Phát biểu ý kiến với các nhà báo tại Oa-sinh-tơn trước thềm Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc ngân hàng các nước G-20 tại Ho-sam (Anh) hôm 14-3,
Tổng thống Mỹ B.Ô-ba-ma kêu gọi các chính phủ sử dụng giải pháp kích thích và phối hợp thực hiện các biện pháp điều chỉnh tài chính để đương đầu với "sự suy giảm kinh tế toàn cầu tồi tệ nhất kể từ cuộc Ðại suy thoái vào những năm 30 của thế kỷ trước". Tin tức cho biết, các nền kinh tế lớn như Mỹ, Anh, Ðức, Ca-na-đa, Nhật Bản, Xin-ga-po và Hàn Quốc đang giảm sút liên tục và ngày thêm trầm trọng. Thậm chí một số chuyên gia dự báo, nền kinh tế Ðức và các nước EU sẽ chứng kiến sức tàn phá mới của "bão" tài chính vào giữa năm nay.
Nền kinh tế Mỹ vẫn "xám xịt"
Cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu hiện nay là do tình trạng vay mượn tràn lan bất chấp hậu quả của các nhà đầu tư và người tiêu dùng Mỹ gây ra. Sự phục hồi kinh tế thế giới phụ thuộc vào "sức khỏe" của nền kinh tế Mỹ. Nhưng những thống kê về nền kinh tế Mỹ mới được công bố cho thấy, hai gói kích cầu khẩn cấp tổng cộng gần 1.500 tỉ USD của Chính phủ chưa ngăn được đà xuống dốc của nền kinh tế lớn nhất thế giới. Các ngành kinh tế "xương sống" tiếp tục suy giảm, phải thu hẹp sản xuất và sa thải lao động.
Số người thất nghiệp đến tháng 2-2009 đã chiếm 8,1% lực lượng lao động. Báo cáo mới đây của Viện Kinh tế Levy (Mỹ) nhận xét, triển vọng của nền kinh tế Mỹ là "không chỉ đáng lo ngại mà là xám xịt". Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này trong năm 2010 dự báo sẽ giảm 12% so với dự kiến và tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng lên mức hai con số.
Trong báo cáo công bố ngày 4-3, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) cho biết, nền kinh tế đầu tàu thế giới trong hai tháng đầu năm 2009 vẫn tiếp tục suy yếu, nền kinh tế Mỹ chưa thể phục hồi trước đầu năm 2010.
Trong lĩnh vực sản xuất, hầu hết các công ty đều sụt giảm sản lượng, trong đó các công ty sản xuất thiết bị và vật liệu xây dựng chịu thiệt hại nặng nề nhất do nhu cầu bất động sản suy giảm đáng kể. Giá nhà tiếp tục giảm, ở một số nơi tới hai con số và rất ít hoặc chưa có dấu hiệu cho thấy thị trường bất động sản có thể khởi sắc trở lại.
Ðối với tài chính, lĩnh vực đang phải đối phó với các khoản thua lỗ khổng lồ, nhiều ngân hàng cho biết nhu cầu vay của khách hàng giảm sút và họ vẫn phải thắt chặt nguồn tín dụng. Trong quý IV-2008, kinh tế Mỹ sụt giảm 6,2%. Giới phân tích cho rằng, trong quý I-2009, mức sụt giảm này còn nhiều hơn nữa. Chỉ số tiêu dùng, lĩnh vực quan trọng chèo lái nền kinh tế, vẫn đang "trượt dốc".
Trong cuộc phỏng vấn trên truyền hình CBS (Mỹ) ngày 8-3, Giám đốc văn phòng Ngân sách và Quản lý Nhà trắng, ông Peter Orszag tuyên bố, "Về cơ bản, nền kinh tế đầu tàu thế giới đang trong tình trạng yếu kém". Sự suy yếu của nền kinh tế Mỹ đã bắt đầu hình thành từ nhiều năm qua, tỷ lệ thất nghiệp tiếp tục gia tăng, nguồn tín dụng hạn chế. Bức tranh tổng thể nền kinh tế Mỹ là suy yếu.
Theo các chỉ số và số liệu về ngành chế tạo ô-tô công bố ngày 3-3, doanh số bán ô-tô trên thị trường Mỹ trong tháng 2 vừa qua tiếp tục đà "lao dốc", giảm 41%, là mức thấp nhất kể từ tháng 12-1981. Ba "đại gia" xe hơi Mỹ gồm General Motors (GM), Chrysler LLC và Ford Motor đều thông báo doanh số bán các loại ô-tô trên thị trường Mỹ giảm mạnh trong tháng 2 vừa qua. GM thông báo quyết định cắt giảm 34% sản lượng trong quý II-2009 do khoản lỗ 30,9 tỉ USD trong năm 2008. GM nợ tổng cộng 45,3 tỉ USD. Tập đoàn xe hơi lớn thứ hai Chrysler cho biết, doanh số bán lẻ của hãng trong tháng 2-2009 giảm 26% so với cùng kỳ năm 2008. Hãng Ford Motor, một tên tuổi lừng danh khác trong ngành chế tạo ô-tô Mỹ, cũng vừa thông báo mức giảm 48% doanh số bán hàng các loại ô-tô ở thị trường Mỹ. Ford cũng đã thông báo kế hoạch giảm 40% sản lượng trong quý II-2009.
Báo cáo công bố ngày 13-3 của Bộ Thương mại Mỹ cho thấy, trong tháng 1-2009, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ của Mỹ đã giảm 5,7% xuống còn 125 tỷ USD, mức thấp nhất kể từ tháng 9-2006. Kim ngạch nhập khẩu cũng giảm mạnh tới 6,7% xuống còn 161 tỉ USD, mức thấp nhất kể từ tháng 3-2005. Giới phân tích dự đoán, nếu xu thế sụt giảm này tiếp tục duy trì trong cả năm 2009, thâm hụt thương mại của Mỹ trong năm 2010 có thể ở mức 432 tỷ USD, giảm 36,5% so với mức 681 tỉ USD của năm 2008 và giảm 2,7% so với năm 2007 - năm đầu tiên thâm hụt thương mại Mỹ giảm sau năm năm tăng liên tiếp. Bản thân Tổng thống Mỹ B. Ô-ba-ma đã thừa nhận, ông không thể quả quyết với người dân Mỹ rằng nền kinh tế đang lâm vào suy thoái như thế nào và liệu nước này có khả năng phục hồi vào cuối năm nay hay không.
Một số giải pháp
Từ cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế toàn cầu này, người ta rút ra hàng loạt bài học mới, trong đó dư luận chung yêu cầu phải thiết lập cơ chế kinh tế và thương mại thế giới mới, cải tổ các cơ cấu tài chính và tăng cường vai trò của Nhà nước, chú trọng vai trò của các nước đang phát triển. Song đến nay, các biện pháp nhằm cứu vãn tình hình vẫn đi theo nhiều hướng khác nhau.
Một trong những giải pháp được nhiều nước áp dụng là đưa ra gói kích cầu kinh tế lớn để vực dậy nền kinh tế của mình. Tuy nhiên, giải pháp này tỏ ra ít hiệu quả. Nhà kinh tế Mỹ từng đoạt giải Nobel Kinh tế 2001 Joseph E.Xti-glit cảnh báo, các gói kích thích mà các chính phủ phát động hiện nay là "quá nhỏ" và "quá chậm", đồng thời kêu gọi các nước phát triển cần giúp các quốc gia đang phát triển đối phó với "bão" tài chính. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đề xuất thành lập các quỹ kích thích tương đương 2% tổng sản lượng nội địa (GDP) của mỗi nước trong hai năm 2009 và 2010, coi đây như một "vũ khí" để chống lại sự suy thoái kinh tế toàn cầu có nhiều khả năng sẽ kéo dài. Nay, cả thế giới đang trông chờ vào những giải pháp mới đưa ra tại Hội nghị cấp cao G20 sắp tới ở Luân Ðôn.
Ngày 10-3, Bộ trưởng Kinh tế Bra-xin Guido Mantega đưa ra khuyến nghị, nêu rõ, nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu hiện nay, Nhóm G20 cần thực hiện các biện pháp để đảo chiều các luồng vốn đầu tư, đang từ các nước đang phát triển chuyển sang các nước phát triển và Trung Quốc. Bộ trưởng Mantega nhấn mạnh, một trong những khó khăn lớn nhất hiện nay là cuộc khủng hoảng tài chính đang làm mất cân bằng các luồng vốn, với việc toàn bộ những luồng vốn này đang "rời bỏ" các nước đang phát triển để hướng tới các nước phát triển và những nước như Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc. Ông Mantega khẳng định, nếu đề nghị này của Bra-xin được nhóm các nước đang phát triển chính BRIC (gồm Brazil, Nga, Ấn Ðộ và Trung Quốc) ủng hộ, thì Bra-xin sẽ đưa ra thảo luận tại Hội nghị cấp cao sắp tới của Nhóm G20. Các nước BRIC phản đối chủ nghĩa bảo hộ dưới mọi hình thức và cho rằng, các hình thức bảo hộ có thể dẫn đến nguy cơ lặp lại các sai lầm trong quá khứ vốn đã dẫn đến cuộc Ðại suy thoái.
Dư luận có cơ sở để nghi ngờ kết quả của Hội nghị cấp cao G20. Bởi lẽ, Hội nghị các nhà lãnh đạo tài chính G20 tại Anh ngày 14-3 để chuẩn bị nội dung cho Hội nghị cấp cao G20, chỉ đưa ra những hứa hẹn chứ không có những giải pháp cụ thể và đã bộc lộ những bất đồng lớn. Hội nghị nhất trí kêu gọi tăng gấp đôi các nguồn hỗ trợ của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) giúp các nền kinh tế đang nổi lên gặp khó khăn; cam kết thực hiện mọi giải pháp cần thiết để có thể khôi phục tăng trưởng toàn cầu, loại bỏ chủ nghĩa bảo hộ hàng hóa và cải tổ các thể chế tài chính quốc tế nhằm gia tăng sức mạnh của hệ thống tài chính toàn cầu.
Tuy nhiên, nhóm này có những ý kiến rất khác nhau về việc nên sử dụng biện pháp tăng chi tiêu và cắt giảm thuế, hay siết chặt quy định đối với ngành ngân hàng để đưa kinh tế thế giới thoát khỏi nguy cơ khủng hoảng kinh tế. Liên hiệp châu Âu (EU), một đầu tàu kinh tế quan trọng của thế giới, đã tỏ ra không tin tưởng vào các biện pháp kích thích kinh tế. Trong khi đó, dư luận thế giới cho rằng, các cam kết này còn quá "yếu" và khó có thể hy vọng một sự đột phá tại Hội nghị cấp cao G20 sắp tới, bởi trên thực tế vẫn còn có những căng thẳng và bất đồng quan điểm giữa các nước thành viên chủ chốt, nhất là giữa Mỹ và EU.
Trong khi Mỹ, được Anh hậu thuẫn, muốn chính phủ các nước, đặc biệt EU, chi tiêu nhiều hơn để đưa kinh tế thoát khỏi cảnh trì trệ. Nhưng EU lại cho rằng, điều cần phải làm hơn cả là "đại tu" hệ thống các nguyên tắc tài chính vốn đã gây ra cuộc khủng hoảng hiện nay. Chiến lược của chính quyền Mỹ dường như trái ngược với lập trường của EU, nhất là Ðức và Pháp, các nước mới đây đã từ chối lời kêu gọi của Mỹ "rót" thêm tiền để vực dậy các thị trường tài chính, thay vào đó họ muốn điều chỉnh, sửa đổi các kế hoạch kích thích tài chính mới, giúp hệ thống tài chính thế giới minh bạch hơn và được điều tiết tốt hơn nhằm ngăn chặn một thảm họa kinh tế trong tương lai.
Ðiều dư luận đã vạch rõ rằng, nghịch lý là, các nước đang phát triển nhận được lợi lộc ít ỏi từ hội nhập kinh tế toàn cầu, thì nay lại phải gánh chịu thiệt hại nặng nề của "bão táp" khủng hoảng tài chính - kinh tế toàn cầu. Một khi quá trình vượt ra khỏi cơn khủng hoảng này kéo dài bao lâu thì các nước đang phát triển phải chịu thua thiệt nặng nề bấy nhiêu./. |
Xây dựng Chiến lược công tác kiểm tra, giám sát của Đảng đến năm 2015 và định hướng đến năm 2025  (21/03/2009)
Xây dựng Chiến lược công tác kiểm tra, giám sát của Đảng đến năm 2015 và định hướng đến năm 2025  (21/03/2009)
Thủ tướng thăm và làm việc với bốn tỉnh, thành phố miền Tây Nam Bộ  (21/03/2009)
Không ngừng phát triển quan hệ hữu nghị Việt Nam – Trung Quốc  (21/03/2009)
"Chia sẻ nguồn nước, Chia sẻ cơ hội"  (20/03/2009)
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên