Nhìn lại Chương trình xây dựng nông thôn mới sau 2 năm thí điểm

PGS.TS Nguyễn Sinh Cúc Tổng cục Thống kê
22:26, ngày 25-01-2013
TCCSĐT - Thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 5-8-2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, ngày 16-4-2009, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 491/QĐ-TTg về việc ban hành bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới (NTM). Ngày 4-6-2010, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011 - 2020.

1. Tình hình xây dựng nông thôn mới ở các xã thí điểm

 Những kết quả đáng ghi nhận

Theo Chỉ thị của Ban Bí thư, trước khi triển khai trong cả nước, Ban Chỉ đạo Trung ương về xây dựng nông thôn mới đã chọn 11 tỉnh, thành phố làm thí điểm xây dựng mô hình nông thôn mới ở cấp xã. Bên cạnh 11 xã do Trung ương chỉ đạo, nhiều tỉnh, thành phố khác cũng đã chỉ đạo thí điểm mô hình nông thôn mới với phạm vi khác nhau. Chương trình quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011 - 2020 được cụ thể hóa trong 19 tiêu chí quốc gia về nông thôn mới một cách khá toàn diện. Mỗi tiêu chí đều quy định mức độ cần đạt được cụ thể đối với từng loại xã theo 7 vùng khác nhau. Từng tiêu chí được giải thích rõ từ khái niệm, nội dung, phương pháp tính toán và có các văn bản hiện hành để xác định, xét công nhận. Quy trình xét và công nhận đạt tiêu chuẩn nông thôn mới đối với xã, huyện, tỉnh cũng được quy định cụ thể.

Sau 2 năm thí điểm tại 11 xã của Trung ương chỉ đạo và các xã do địa phương chỉ đạo cho thấy, hầu hết các xã thí điểm đã thực hiện được trên 50% số lượng tiêu chí đề ra (trong đó, một số tiêu chí đã lượng hóa được thông qua các chỉ tiêu cụ thể, như: xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn; huy động và sử dụng các nguồn lực; phát triển sản xuất; chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn; phát triển sự nghiệp y tế, văn hoá giáo dục,…), mô hình nông thôn mới xây dựng phù hợp với điều kiện địa phương. Trong 19 tiêu chí thì việc lấy tiêu chí quy hoạch đặt lên hàng đầu là phù hợp vì đó là điều kiện tiên quyết. Hạ tầng là khâu đột phá nên đặt ở vị trí thứ 2 là cần thiết bởi có tác động trực tiếp đến phát triển kinh tế - xã hội nông thôn. Các tiêu chí khác như văn hóa, y tế, giáo dục môi trường, thu nhập đời sống của dân cư nông thôn, xóa đói giảm nghèo, an ninh thôn xóm,... bố trí ở các tiêu chí sau cũng khá hợp lý vì đó vừa là mục tiêu vừa là kết quả của phát triển kinh tế và xây dựng nông thôn mới.

Kết quả cho thấy hình hài nông thôn mới đã hình thành trên thực tế tại 11 xã thí điểm của Trung ương và các xã khác của địa phương. Một số xã đạt kết quả khá toàn diện về xây dựng mô hình nông thôn mới, như: Hải Đường; Tân Thịnh; Tân Thông Hội; Thanh Tân, Bình Định,... Xã đạt kết quả tốt về quy hoạch như Hải Đường, phát triển sản xuất hàng hóa ở Mỹ Long Nam, huy động nguồn lực ở Thanh Chăn, Thanh Tân, Định Hòa, phát triển sản xuất gắn với quy hoạch, cải tạo đồng ruộng, dồn điền đổi thửa ở Tân Thịnh, Thanh Tân, Bình Định, mô hình liên kết sản xuất ở Thụy Hương, Tân Hội, mô hình thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông thôn ở Tân Thông Hội, Tân Lập. Đây đang là những điểm sáng thu hút sự quan tâm của các địa phương đến tham quan, học hỏi và cũng là căn cứ để Ban chỉ đạo Trung ương rút kinh nghiệm cho công tác chỉ đạo cả nước.

 Kết quả đã khẳng định được chủ trương lấy xã làm thí điểm xây dựng mô hình nông thôn mới là đúng đắn và phù hợp với yêu cầu và điều kiện nước ta hiện nay và đáp ứng được nguyện vọng của dân cư nông thôn, đúng với quan điểm, đường lối công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn của Đảng ta trong giai đoạn 2011 - 2020.

Đồng thời, qua triển khai thực hiện đã xác định được những cơ chế, chính sách cần đổi mới, trong đó quan trọng nhất là cơ chế, chính sách tài chính theo nguyên tắc nhà nước hỗ trợ, doanh nghiệp đầu tư và nhân dân đóng góp với tỷ lệ hợp lý, cơ chế quản lý xây dựng cơ bản các công trình kết cấu hạ tầng phù hợp với địa phương.

Đã huy động được nguồn lực tài chính nhiều hơn cho chương trình xây dựng nông thôn mới, nhất là chương trình xây dựng, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Nhận thức của các ngành các cấp từ Trung ương đến địa phương và cơ sở về nông nghiệp và nông thôn được nâng cao so với trước. Kết quả này chắc chắn sẽ tác động không nhỏ đến chương trình xây dựng nông thôn mới nói chung và đến phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững và nâng cao đời sống nông dân nói riêng.

Những hạn chế và bất cập

Xây dựng mô hình nông thôn mới là việc làm khó khăn, tốn kém, liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp nên quá trình tổ chức thực hiện thí điểm đã xuất hiện nhiều vấn đề mới, những hạn chế và bất cập thể hiện trên một số mặt sau:

Thứ nhất, nội dung của chương trình vẫn còn chưa được đề ra rõ ràng, tính khả thi không cao. Nếu mục tiêu chỉ để thí điểm thì chương trình này có ý nghĩa rất ít, vì không mang tính công bằng, nhưng nếu để nhân rộng ra tất cả các xã trong cả nước thì 19 tiêu chí đề ra lại không có giá trị thực tế. Các mục tiêu đề ra đến năm 2015 và năm 2020 là quá cao nên không có tính khả thi. Điều này thể hiện qua kết quả 2 năm thí điểm tại các xã của Trung ương cũng như các địa phương.

Thực tế, những kết quả đạt được tại các xã thí điểm ở các tỉnh, thành còn thấp so với mục tiêu và yêu cầu của chương trình, cũng như đầu tư của Nhà nước. Trong 11 xã thí điểm của Trung ương, sau 2 năm triển khai thực hiện không có xã nào đạt được tiêu chí đề ra. Số xã đạt trên 10 tiêu chí cũng chỉ có 7 xã, trong đó có 3 xã đạt 14 tiêu chí. Số còn lại có 4 xã đạt từ 10 tiêu chí trở xuống, trong đó có xã Thanh Chăn (Điện Biên) đạt 7 tiêu chí. Điều đáng lưu ý là kết quả đó chủ yếu do địa phương thu thập, tính toán và công bố, chưa có sự tham gia kiểm tra, giám sát công nhận của các ngành chức năng (như ngành Thống kê, Tài chính, Lao động Thương binh và Xã hội). Do đó, tính pháp lý của các kết quả đó chưa cao, chưa thuyết phục. Tình hình tương tự cũng đã diễn ra ở các xã điểm của địa phương.

Thứ hai, bất cập về vốn. Chương trình xây dựng nông thôn mới cần nguồn vốn rất lớn, bình quân 150 tỷ - 200 tỷ đồng/1 xã, trong khi nguồn lực của Nhà nước và các doanh nghiệp, nhân dân có hạn nên tiến độ triển khai các dự án rất chậm, một số nội dung không có kinh phí riêng như phát triển sản xuất. Điều đó thể hiện ngay tại 11 xã thí điểm của Trung ương, tổng số vốn đến tháng 12-2010 lũy kế là 940,1 tỷ đồng, bình quân 1 xã chỉ là 85,4 tỷ đồng. Các công trình xây dựng nông thôn mới điểm phần lớn nhờ nguồn lực của Trung ương hỗ trợ (40%), ngân sách  địa phương và của dân cư không đáng kể (12,4%), vốn doanh nghiệp còn quá ít (8,9%). Ở những xã thuần nông, phần vốn của dân cư rất thấp, như: Tân Hội - Lâm Đồng là 1,22%; Tân Lập - Bình Phước là 2,5%; Hải Đường - Nam Định là 4,50%... Nếu tình hình này không được khắc phục sẽ phát sinh tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào Nhà nước, đó là sự không lành mạnh, không công bằng với các xã ngoài thí điểm. Ngoài ra, tại các xã điểm do địa phương chỉ đạo, tỷ trọng vốn do doanh nghiệp hỗ trợ và vốn dân đóng góp cũng rất thấp nên tốc độ triển khai các công trình xây dựng nông thôn mới của các xã rất chậm và không đều, chủ yếu chỉ tập trung vào xây dựng mới, ít quan tâm đến tu sửa, nâng cấp, quản lý và vận hành những công trình đã có và các công trình văn hóa.

Thứ ba, đề án xây dựng nông thôn mới cấp xã còn nặng về phát triển kết cấu hạ tầng, chưa chú trọng đến phát triển sản xuất tăng thu nhập, nâng cao đời sống văn hoá tinh thần và bảo vệ môi trường. Chương trình nông thôn mới mới chú trọng nhiều đến xây dựng những công trình cấp xã mà chưa quan tâm thích đáng tới các công trình ở các thôn hoặc ở hộ nông dân.

Thứ tư, về công tác phát triển sản xuất, nhìn chung các địa phương chỉ tập trung cho xây dựng quy hoạch và lập đề án, việc sản xuất vẫn theo kế hoạch hằng năm, chưa có chuyển biến rõ rệt. Trên thực tế, đây là công việc rất khó vì liên quan đến chính sách đất đai, đặc biệt tại các tỉnh miền Bắc ruộng đất còn manh mún nhưng Chương trình xây dựng nông thôn mới không có nội dung dồn điền đổi thửa, nên chưa thu hút được doanh nghiệp đầu tư tại địa bàn nông thôn, chưa tạo ra các mô hình tổ chức sản xuất mới gắn nông nghiệp với công nghiệp và dịch vụ, gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ sản phẩm.

Thứ năm, về công tác đào tạo nghề cho nông dân chưa gắn với các dự án, chương trình và nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp. Trong dạy nghề cho nông dân, các xã nông thôn mới chưa xây dựng được bộ giáo trình chuẩn phù hợp với thời gian đào tạo. Nhiều cơ sở dạy nghề phi nông nghiệp để chuyển nghề cho nông dân vẫn trong tình trạng dạy “chay”, thiếu giáo viên có chất lượng, thiếu thiết bị phục vụ thực hành.

Thứ sáu, nhận thức của các ngành các cấp về Chương trình xây dựng nông thôn mới chưa đúng, chưa đầy đủ. Một số bộ, ngành chưa có kế hoạch triển khai các nhiệm vụ được giao, chưa bố trí đủ cán bộ có năng lực phụ trách các xã điểm. Trong chỉ đạo chưa quan tâm đầy đủ đến việc huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, chưa lồng ghép các chương trình, dự án hiện có để tăng năng lực cho các xã thí điểm. Vì vậy, hiệu quả của một số mô hình xã điểm còn chưa cao, chưa đồng bộ và chưa vững.

2. Định hướng hoàn thiện Chương trình nông thôn mới

Về tổ chức chỉ đạo Chương trình

Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới Trung ương cần thông báo cụ thể mức hỗ trợ đầu tư vốn cho kế hoạch xây dựng nông thôn mới của các tỉnh trên cơ sở Quyết định 800/QĐ-TTg, ngày 4-6-2010 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn mới để ban chỉ đạo các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch và sớm triển khai chương trình ở địa phương. Để thống nhất đầu mối, nên chuyển công việc điều hành Chương trình nông thôn mới cho Chính phủ từ đó làm cơ sở cho các tỉnh, thành phố thí điểm hợp nhất 2 ban chỉ đạo thành một ban chỉ đạo thống nhất. Ban chỉ đạo Trung ương cũng cần chỉ đạo các ngành có các văn bản hướng dẫn việc tổ chức thực hiện Quyết định 800/QĐ-TTg của Chính phủ.

Về phạm vi, nên thay đổi quy định về phân vùng xây dựng nông thôn mới thành 7 vùng như dự thảo thành 8 vùng như danh mục hành chính quốc gia hiện hành. Cụ thể, tách vùng trung du và miền núi phía Bắc thành 2 vùng Tây Bắc và  Đông Bắc, đồng thời, trong mỗi vùng lại phân chia thành các tiểu vùng như miền trung du, miền núi thấp, vùng cao để khắc phục tình trạng quá chênh lệch về điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội giữa các vùng gây khó khăn cho việc đánh giá kết quả xây dựng nông thôn mới.

Mục tiêu xây dựng nông thôn mới cần xác định rõ hơn là chỉ xây dựng mô hình thí điểm hay sẽ mở rộng đến tất cả các xã trên cả nước.

Về Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới

Theo quy định của Trung ương, các nội dung tiêu chí chia theo 7 vùng kinh tế là còn quá chung chung, không phù hợp trong việc đánh giá xây dựng nông thôn mới đối với cấp xã mà chỉ phù hợp đối với quá trình tổng hợp đối với  cấp tỉnh. Tiêu chí nào hiện cũng được phân theo 7 vùng lớn, trong đó mỗi vùng lại có nhiều tỉnh, nhiều huyện, nhiều xã, có cả đồng bằng, ven đô thị, miền núi, vùng cao vùng dân tộc thiểu số rất khác nhau về điều kiện tự nhiên kinh tế, xã hội. Điều không hợp lý là  tất cả các sự khác nhau đó không được tính đến khi xét duyệt công nhận xã nông thôn mới nên nếu muốn đạt tiêu chí nông thôn mới phải chịu cùng một mức như nhau. Đó là chưa tính đến sự phân chia 7 vùng không rõ căn cứ vào tiêu chí nào, lại mâu thuẫn với thực tế tồn tại 8 vùng kinh tế theo Bảng danh mục hành chính nhà nước hiện hành. Việc ghép vùng Tây Bắc với vùng Đông Bắc cũng không chỉ làm tăng thêm sự bất hợp lý trong xây dựng, công nhận xã nông thôn mới giữa các tỉnh trong vùng này, mà còn làm mất đi khả năng so sánh với các nguồn số liệu tình hình kinh tế, xã hội, đời sống hiện có của 8 vùng theo niên giám thống kê và các nguồn số liệu của các bộ, ngành khác.

Trong 19 tiêu chí theo quy định được bố cục vào 5 phần chính, tuy nhiên, phần III “Kinh tế và tổ chức sản xuất” là phần rất quan trọng, liên quan trực tiếp đến tính chủ động của các hộ nông dân thì số lượng tiêu chí ở phần này còn quá ít so với tổng số 19 tiêu chí. Các thông tin về sự phát triển toàn diện và hiện đại hóa sản xuất nông nghiệp chưa được thể hiện trong bộ tiêu chí, như: Tỷ lệ diện tích trồng trọt được tưới tiêu chủ động; tỷ lệ cơ khí hóa, hiện đại hóa trong nông nghiệp; tỷ trọng giá trị sản phẩm hàng hóa nông, lâm, nghiệp, thủy sản,... Một số chỉ tiêu còn thiếu, như: giá trị sản xuất ngành nghề phi nông, lâm, nghiệp và tỷ lệ so với giá trị sản xuất ngành nông lâm, nghiệp; tỷ lệ hộ sản xuất kinh doanh ngành nghề phi nông, lâm, nghiệp thủy sản; tỷ lệ đã dồn điền đổi thửa,... Tính thống nhất giữa các văn bản tổng quát với thông tư hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chưa cao. Rất nhiều khái niệm về nội dung, phương pháp tính, nguồn số liệu phục vụ tính toán các chỉ tiêu định lượng, thiếu cơ sở thực tế. Thí dụ, khái niệm thu nhập của hộ nông thôn (thông tư 54/2009/TT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngày 21-8-2009) khác với khái niệm thu nhập chung của hộ theo Quyết định 491/QĐ-TTg, ngày 16-4-2009, của Thủ tướng Chính phủ, tương tự là tiêu chí tỷ lệ hộ nghèo, cơ cấu lao động nông thôn.

Vì vậy, hoàn thiện lại các vấn đề liên quan đến hệ thống tiêu chí quốc gia về nông thôn mới từ khái niệm, nội dung, phương pháp thu thập, tính toán, kiểm tra, công bố kết quả của từng xã, thôn để khắc phục những bất cập đã phát hiện qua thí điểm và nâng cao tính khả thi của từng tiêu chí là điều cần thiết và rất cần có sự tham gia của các ngành chức năng như Thống kê, Lao động, Kế hoạch, Tài chính,… Hướng hoàn thiện thiết nghĩ nên như sau:

- Một số tiêu chí hiện đặt ra quá cao nên cần điều chỉnh lại cho phù hợp đối với các vùng nông thôn hiện nay, nhất là tiêu chí thu nhập, tỷ lệ hộ nghèo, cơ cấu lao động nông thôn, nguồn lực dân đóng góp, doanh nghiệp đóng góp xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn. Cần có sự quan tâm nhiều hơn đến những yêu cầu đối với các xã miền núi, vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

- Về tiêu chí thu nhập bình quân, kiến nghị vẫn thực hiện tiêu chí thu nhập bình quân đầu người, nhưng quy định là thu nhập bình quân đầu người/năm của năm được xét công nhận tương đương với bình quân chung khu vực nông thôn toàn huyện và bằng 1,2 lần trở lên đối với miền núi, 1,5 lần đối với vùng đồng bằng so với năm trước (của chính xã đó).

- Về tính toán, nên giao cho chi cục Thống kê cấp huyện phối hợp với chính quyền địa phương (xã đó) tổ chức điều tra mẫu, với cỡ mẫu và cách chọn mẫu theo đúng phương pháp của ngành Thống kê, bảo đảm mẫu chọn được phù hợp, đại diện cho xã. Nội dung điều tra phải ngắn, gọn, đủ để tính thu nhập của hộ trong năm nghiên cứu và năm liền kề trước đó.

Về tiêu chí hộ nghèo, đề nghị thay tiêu chí hộ nghèo là một con số cụ thể như 10%, hoặc  3%, hay 5% tùy theo vùng bằng tiêu chí kép là “Có tỷ lệ hộ nghèo thấp hơn bình quân chung khu vực nông thôn toàn huyện và có mức giảm tỷ lệ hộ nghèo cao hơn bình quân chung khu vực nông thôn toàn huyện”. Chuẩn nghèo nên theo quy định của Thủ tướng Chính phủ áp dụng cho từng thời kỳ và mang tính mở. Đối với những xã ở các địa phương khác nhau không nên theo 7 vùng như dự thảo mà phân loại theo 8 vùng và nên phân biệt rõ mức độ cần đạt của xã ven đô thị, xã đồng bằng, hay ven biển, xã miền núi thấp hay miền núi cao hoặc xã hải đảo.

- Về tiêu chí tỷ trọng lao động nông, lâm, nghiệp và thủy sản đề nghị sử dụng thống nhất khái niệm lao động trong độ tuổi theo các văn bản pháp quy hiện hành của Nhà nước, cụ thể như quy định trong Luật Lao động, Phương án điều tra lao động, việc làm, Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Chỉ có như vậy mới khắc phục được những hạn chế, không có tính khả thi của tiêu chí này theo thông tư 54.

Để bảo đảm tính khả thi của tiêu chí Ban chỉ đạo nông thôn mới Trung ương cần giao cho các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, bổ sung hoàn thiện khái niệm, nội dung, phạm vi, cách tính các chỉ tiêu định lượng liên quan theo những phương pháp khoa học đồng thời sát với thực tế.

Ngoài ra, đối với từng tiêu chí cần phải cụ thể hóa thành các chỉ tiêu chi tiết và chuẩn hóa để áp dụng thống nhất chung, có như vậy mới thuận lợi cho công tác rà soát, kiểm tra và đánh giá kết quả của chương trình xây dựng nông thôn mới. Trên nền hệ thống chỉ tiêu cụ thể hóa của 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, ngành Thống kê phải lồng ghép nội dung vào các cuộc điều tra hằng năm, các cuộc tổng điều tra hoặc phải tổ chức điều tra riêng về nội dung xây dựng nông thôn mới để có nguồn thông tin phục vụ đánh giá chương trình theo định kỳ theo từng năm, 2 năm và 5 năm./.