Những sự kiện trong nước đáng chú ý trong tuần (từ ngày 14-01 đến 20-01-2013)
1. Phiên họp thứ 14, Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Từ ngày 14 đến 16-1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã khai mạc Phiên họp thứ 14, Phiên họp đầu tiên của năm 2013. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng tham dự Phiên họp. Theo Chương trình, dự kiến, trong Phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, thông qua Nghị quyết hướng dẫn thi hành Nghị quyết số 35/2012/QH13 của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn.
Cũng trong khuôn khổ Phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về các vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của các dự án Luật: Luật giáo dục quốc phòng, an ninh; Luật phòng, chống khủng bố; Luật phòng, tránh giảm nhẹ thiên tai; Luật khoa học và công nghệ (sửa đổi); Luật đất đai (sửa đổi). Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ cho ý kiến về một số vấn đề khác như: Nghị định về hoạt động mỹ thuật; Nghị định quy định công nhận ngày truyền thống, ngày kỷ niệm và ngày hưởng ứng của Việt Nam. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ cho ý kiến về một số công việc của Kiểm toán Nhà nước.
2. Việt Nam kiên quyết phản đối và yêu cầu Trung Quốc hủy bỏ ngay các hoạt động sai trái ở Biển Đông
Ngày 14-1-2013, trả lời câu hỏi của phóng viên về phản ứng của Việt Nam trước một số hoạt động vừa qua của Trung Quốc ở Biển Đông, đặc biệt là việc công bố chính thức nội dung và đưa vào hiệu lực “Điều lệ quản lý trị an biên phòng ven biển Hải Nam”; tổ chức tập trận tại đảo Quang Hòa, thuộc quần đảo Hoàng Sa; tổ chức khai thông và cung cấp dịch vụ 3G, CDMA tại đá Chữ Thập, thuộc quần đảo Trường Sa; phê duyệt “Quy hoạch phát triển du lịch tàu khách thành phố Tam Á 2012 - 2022” trong đó có tuyến đi tới các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lương Thanh Nghị khẳng định: “Những hoạt động nêu trên của phía Trung Quốc đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam tại Biển Đông và hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, làm cho tình hình Biển Đông thêm phức tạp, trái với tinh thần DOC, không có lợi cho hòa bình ổn định trong khu vực và quan hệ Việt Nam - Trung Quốc. Việt Nam kiên quyết phản đối và yêu cầu Trung Quốc hủy bỏ ngay các hoạt động sai trái đó”.
3. Các địa phương học tập, quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 6
Ngày 14-1, nhiều địa phương trong cả nước đã tổ chức hội nghị nghiên cứu và quán triệt các Nghị quyết, Kết luận Hội nghị lần thứ 6 - BCHTW Đảng (Khóa XI).
* Tỉnh Bình Định: Tỉnh ủy đã tổ chức quán triệt các văn kiện trên cho toàn thể cán bộ lãnh đạo chủ chốt của tỉnh, thành phố, huyện, thị; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh; lãnh đạo các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh; nguyên lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ, báo cáo viên cấp tỉnh và giám đốc các Trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện.
* Tỉnh Hà Nam: Tỉnh ủy đã tổ chức hội nghị quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6, BCH TW Đảng (Khóa XI) cho các đại biểu cán bộ từ cấp phòng trở lên. Hội nghị đã nghe các đồng chí lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương thông báo khái quát về kết quả kỳ họp lần thứ 6, BCH TW Đảng Khóa XI; đồng thời đi sâu quán triệt các nghị quyết, kết luận của Trung ương. Nhằm thực hiện đầy đủ những nội dung Nghị quyết Trung ương 6, tại hội nghị, Tỉnh ủy Hà Nam đã thông qua chương trình hành động của địa phương, trong đó nhấn mạnh đến việc thực hiện các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương theo các nội dung: Đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai, phát triển khoa học công nghệ, đổi mới giáo dục và đào tạo, tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước; đồng thời tổ chức triển khai thực hiện Kết luận số 49-KL/TW ngày 16-10-2012 Hội nghị Trung ương 6 về phát triển kinh tế - xã hội, theo đó tỉnh Hà Nam đề ra mục tiêu tổng sản phẩm trong tỉnh tăng 12,5%, GDP bình quân đầu người đạt 31,33 triệu đồng, thu cân đối ngân sách đạt 2.780 tỉ đồng, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn trên 1%...
* Tỉnh Thái Nguyên: Trong 2 ngày 14 và 15-1, Tỉnh ủy Thái Nguyên đã tổ chức Hội nghị học tập, quán triệt và triển khai thực hiện các nghị quyết, kết luận Hội nghị Trung ương 6 (khóa XI) cho các cán bộ chủ chốt của tỉnh. Tại hội nghị, các đại biểu đã được các báo cáo viên phổ biến, quán triệt các nghị quyết, kết luận Hội nghị Trung ương 6 (khóa XI). Ngoài ra, tại hội nghị, các đại biểu cũng được nghe về chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng với các vấn đề liên quan, trong đó có đánh giá, tổng kết thực tiễn, sự cần thiết phải ban hành nghị quyết, cũng như những dẫn chứng cụ thể và định hướng, biện pháp triển khai thực hiện.
* Tỉnh Nam Định: Ngày 14-1, Tỉnh ủy Nam Định đã khai mạc hội nghị học tập, quán triệt và triển khai thực hiện các nghị quyết, kết luận Hội nghị Trung ương lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI). Hội nghĩ đã trao đổi những nội dung cốt lõi của ba chuyên đề lớn là Nghị quyết về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại; Nghị quyết về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; và Kết luận về Đề án "Tiếp tục sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước".
* Tỉnh Tuyên Quang: Trong 2 ngày 17 và 18-1, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tuyên Quang đã tổ chức Hội nghị cán bộ chủ chốt toàn tỉnh quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương VI (khóa XI). Giáo sư, Tiến sỹ Phùng Hữu Phú, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng lý luận Trung ương trực tiếp truyền đạt và quán triệt các nghị quyết, kết luận Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI); Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 22/11/2012 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế giai đoạn 2012 -2020.
* Tỉnh Hải Dương: Tại Hội nghị trực tuyến cán bộ chủ chốt của tỉnh Hải Dương quán triệt, học tập và triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương khoá 11, các đại biểu đã được Giáo sư, Tiến sỹ Vũ Hiền - Phó Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương trực tiếp quán triệt các nội dung Nghị quyết.
* Tỉnh Phú Thọ: Ngày 18-1, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Thọ đã tổ chức Hội nghị cán bộ chủ chốt toàn tỉnh quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XI).
* Tỉnh Gia Lai: Trong 2 ngày 17 và 18-1, Tỉnh ủy Gia Lai đã tổ chức Hội nghị cán bộ chủ chốt toàn tỉnh học tập, quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 (khóa XI). Thông qua đợt học tập, các cán bộ chủ chốt sẽ triển khai và quán triệt đến mỗi cấp ủy và từng cán bộ, đảng viên trong các địa phương, ban ngành và đơn vị. Trên cơ sở đó, cấp ủy, địa phương, đơn vị sẽ xây dựng chương trình hành động, triển khai thực hiện đồng bộ, nhất quán, đưa nghị quyết vào thực tiễn cuộc sống trong thời gian tới.
* Tỉnh Đồng Tháp: Học tập, quán triệt các nghị quyết, kết luận Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI (Nghị quyết Trung ương 6), Tỉnh ủy Đồng Tháp chỉ đạo các cấp uỷ, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên cần tiếp thu, nhận thức đầy đủ và sâu sắc về mục đích, ý nghĩa, nội dung của các nghị quyết, kết luận; nắm vững tư tưởng chỉ đạo, giải pháp thực hiện, tạo sự thống nhất cao trong tổ chức đảng về ý chí, quyết tâm, tinh thần trách nhiệm để tổ chức thực hiện một cách nghiêm túc trong thời gian tới ở từng lĩnh vực, ngành và địa phương.
4. Hội thảo khoa học "Bàn về những giải pháp phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam hiện nay"
Ngày 15-1, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Tạp chí Cộng sản phối hợp với Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Bàn về những giải pháp phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam hiện nay".
Các tham luận tại hội thảo tập trung phân tích, làm rõ về nguyên nhân, tình trạng, tác hại của nạn tham nhũng ở nước ta; đồng thời nêu lên những hạn chế, yếu kém trong công tác phòng, chống tệ nạn này, góp phần làm sáng tỏ mặt được, chưa được; đưa ra những đề xuất, kiến nghị và giải pháp có tính khả thi cao góp phần đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN). Gần 70 bản tham luận gửi tới Ban tổ chức hội thảo, với nhiều góc độ, nhiều mức độ đã cùng kiến giải vấn đề cơ bản: Chúng ta phải tiếp tục làm gì và làm như thế nào để ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng?
Cùng với việc đưa ra một số kinh nghiệm trong công tác phòng, chống tham nhũng của một số tổ chức, quốc gia trên thế giới, hầu hết ý kiến của các đại biểu cho rằng để công tác phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam hiện nay có hiệu quả, cần có sự quyết tâm mạnh mẽ của các nhà lãnh đạo trong cuộc chiến chống tham nhũng, tuyệt đối tránh biểu hiện né tránh, cả nể. Phải công bằng và minh bạch. Các biện pháp chống tham nhũng phải đồng bộ, có sự kết hợp của nhiều cơ quan chức năng và thường xuyên kiểm tra, đánh giá hiệu quả của những giải pháp đã thực thi. Cơ quan chống tham nhũng phải hiệu quả và trong sạch. Tập trung làm cho các quan chức nói không với tham nhũng bằng nhiều biện pháp, như: tăng lương; giám sát chặt chẽ; có chế tài rõ ràng và nghiêm khắc; duy trì được nhân tài trong khu vực Nhà nước vì nếu họ bỏ đi làm cho bên ngoài, những người kém khả năng ở lại sẽ càng dễ có nguy cơ tham nhũng. Tuyên truyền, giáo dục giúp cho mọi người hiểu được nguy hại của tệ nạn tham nhũng đối với sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia, để cả cộng đồng luôn sẵn sàng đấu tranh chống lại tệ nạn tiêu cực này.
5. Hội nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ 5 (khóa VII)
Ngày 17-1, Hội nghị lần thứ năm Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam (khóa VII) đã diễn ra tại Hà Nội. Đồng chí Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư đã dự và phát biểu chỉ đạo.
Thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đồng chí Lê Hồng Anh ghi nhận và đánh giá cao những thành quả mà MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên đã đạt được. Trong năm 2012, hoạt động của MTTQ Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên đã có nhiều đổi mới về cả nội dung, phương thức hoạt động, đạt nhiều kết quả, góp phần tích cực vào việc thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của đất nước. Các cuộc vận động, các phong trào thi đua do Trung ương MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên phát động như cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư", cuộc vận động "Ngày vì người nghèo", cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam"... đem lại hiệu quả thiết thực, khơi dậy, phát huy tinh thần yêu nước của các tầng lớp nhân dân, trở thành các cuộc vận động rộng lớn, có sức lan tỏa ảnh hưởng đến toàn xã hội.
Trong năm 2013, MTTQ Việt Nam sẽ tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm: Ủy ban Mặt trận các cấp tập trung khảo sát để xây dựng lực lượng, phát huy đội ngũ cốt cán; tuyên truyền, phổ biến, triển khai thực hiện Chương trình hành động của MTTQ Việt Nam “Tăng cường tuyên truyền, vận động, tập hợp, đoàn kết người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới”; tập trung thực hiện các nội dung tham gia xây dựng nông thôn mới. MTTQ cũng tích cực phối hợp xây dựng và triển khai các cơ chế phù hợp để thực hiện quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị, xã hội; MTTQ các cấp phối hợp với các tổ chức thành viên tổ chức lấy ý kiến rộng rãi các tầng lớp nhân dân góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992; đổi mới phương thức hoạt động của các phong trào, các cuộc vận động theo hướng đẩy mạnh các hoạt động, phong trào, cuộc vận động của các tổ chức thành viên; tổ chức phát động cuộc vận động “Rèn luyện tư cách người cán bộ Mặt trận”, cụ thể hóa Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI), học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh…
6. Triển khai kế hoạch tổ chức Lễ hội Khai ấn Đền Trần Xuân Quý Tỵ
Ngày 18-1, UBND TP Nam Định đã triển khai kế hoạch tổ chức Lễ hội Khai ấn Đền Trần Xuân Quý Tỵ năm 2013, theo đó Lễ hội diễn ra vào đêm 14 rạng sáng ngày 15 tháng Giêng (tức đêm ngày 23 rạng sáng ngày 24-2) tại đền Trần, phường Lộc Vượng, Thành phố Nam Định.
Theo kế hoạch, thời gian quản lý lễ hội diễn ra từ ngày mùng 1 đến ngày 30 tháng Giêng (tức từ ngày 10-2 đến ngày 11-3). Thời gian tổ chức lễ hội diễn ra trong 3 ngày từ ngày 14 đến 16 tháng Giêng âm lịch. Trong đó, lễ Khai ấn Xuân Quý Tỵ được tổ chức trang trọng theo nghi thức truyền thống, diễn ra vào đêm 14 rạng sáng ngày 15 tháng Giêng (tức đêm ngày 23 rạng sáng ngày 24-2). Các hoạt động bao gồm nghi thức rước kiệu ấn từ Đền Cố Trạch thờ Đức Thánh Trần sang Đền Thiên Trường và tổ chức Lễ Khai ấn. Từ 7 giờ ngày 15 tháng Giêng (tức ngày 24-2) sẽ tổ chức phát ấn cho nhân dân và du khách thập phương tại 3 địa điểm là nhà Giải Vũ, nhà trưng bày đền Trùng Hoa và một số địa điểm khu vực vườn cây hai bên hồ nước.
Lễ hội Khai ấn Đền Trần Xuân Quý Tỵ 2013 tổ chức vào dịp đầu xuân mới hằng năm nhằm bảo tồn, phát huy những giá trị văn hoá, giáo dục truyền thống yêu nước chống giặc ngoại xâm của cha ông ta nhằm thu hút và quảng bá nét đẹp văn hoá của quê hương Nam Định đối với khách trong nước và quốc tế.
7. Diễn đàn kinh tế doanh nghiệp Việt Nam sau 5 năm gia nhập WTO
Ngày 19-1, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (Vinasme) đã tổ chức Diễn đàn kinh tế doanh nghiệp Việt Nam sau 5 năm gia nhập WTO với chủ đề “Thách thức – Giải pháp – Phát triển”.
Tại diễn đàn, một số doanh nghiệp cho biết: Khó khăn lớn nhất của các đơn vị sản xuất, kinh doanh hiện nay, là vấn đề về vốn, công nghệ, thương hiệu, tìm đầu ra cho sản phẩm… Trong những năm gần đây đường lối, chính sách của Nhà nước ngày càng tiến bộ và sát cánh cùng doanh nghiệp. Tuy nhiên, giải pháp quản lý hệ thống ngân hàng và tháo gỡ khó khăn về vốn cho doanh nghiệp chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Trong bối cảnh tham gia sâu vào thị trường quốc tế, doanh nghiệp cần hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi để đầu tư công nghệ, nhà xưởng, xây dựng thương hiệu… để thu hút đối tác nước ngoài.
Theo các chuyên gia, tình trạng những hệ thống ngân hàng hạn chế cho doanh nghiệp vay là do thị trường đang có sức mua chậm, khả năng tiêu thụ và bán hàng kém, dẫn đến sản xuất trì tuệ và tình trạng nợ xấu; đồng thời một số doanh nghiệp khi được vay vốn, lại sử dụng nguồn vốn không hiệu quả. Dù vậy, vấn đề ưu tiên hiện tại của doanh nghiệp không còn là vốn và lãi suất nữa, mà là giải quyết vấn đề tồn kho và nợ xấu, để tiếp cận nguồn vốn doanh nghiệp phải đảm bảo các tiêu chuẩn vay; đưa ra kế hoạch sử dụng vốn hiệu quả thông qua việc tự đánh gia tiềm năng, điểm mạnh của đơn vị mình. Song song đó, doanh nghiệp phải cập nhật, bám sát định hướng phát triển của Chính phủ, xem xét thị trường để có chiến lược hoạt động phù hợp và phát triển bền vững.
8. Triển lãm các tư liệu mới liên quan đến chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa
Ngày 20-1, “Triển lãm các tư liệu mới phát hiện có liên quan đến chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa” đã khai mạc tại Bảo tàng Đà Nẵng do UBND huyện Hoàng Sa – Đà Nẵng phối hợp với Viện Nghiên cứu phát triển Kinh tế - Xã hội Đà Nẵng, Bảo tàng Đà Nẵng, Hội Khoa học lịch sử Đà Nẵng và Báo Tuổi trẻ tổ chức.
Triển lãm giới thiệu 125 tập bản đồ, 3 cuốn Atlas; 102 cuốn sách được xuất bản tại các nước phương Tây trong thế kỷ XVIII – XIX với các ngôn ngữ Anh, Đức, Pháp, Tây Ban Nha, Ý, Hà Lan (được biên dịch sang tiếng Việt) đã khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa. Tại triển lãm đã trưng bày bản đồ “Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ”, bản đồ “An Nam đại quốc họa đồ”, “Đại Nam thống nhất tòan đồ”, Bản đồ các đài khí tượng Đông Dương do Viện Viện Nghiên cứu phát triển Kinh tế -Xã hội Đà Nẵng và Công an thành phố Đà Nẵng cung cấp.
Đặc biệt, triển lãm lần này đã giới thiệu 30 bản đồ trong số 150 bản đồ và 3 cuốn atlas do ông Trần Thắng (một Việt kiều Mỹ), đã dày công sưu tập hàng trăm bản đồ, tài liệu chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đây là những bản đồ được xuất bản ở Anh, Đức, Ôx-trây-li-a, Canada , Mỹ và Hồng Kông trong khoảng thời gian 1626 – 1980. Trong đó có nhóm bản đồ thương mại và bản đồ hàng hải Châu Á và Đông Nam Á thể hiện Hoàng Sa và Trường Sa nằm trong vùng lãnh hải của Việt Nam./.
30.000 tỷ đồng xây dựng Quốc lộ 1A Hà Nội - Cần Thơ  (22/01/2013)
10 nước ASEAN thông qua Hiệp ước ASEAN về chống khủng bố  (22/01/2013)
“Đại đoàn kết là nền tảng thành bại của đất nước”  (22/01/2013)
Thế giới năm 2012 - những dấu cộng và trừ  (22/01/2013)
Bước ngoặt trong quan hệ hợp tác Việt Nam và Vương quốc Anh  (22/01/2013)
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay