Trong thời gian gần đây, cùng với “cuộc chiến dang dở” do Mỹ phát động ở I-rắc từ ngày 20-3-2003 chưa có dấu hiệu kết thúc, vấn đề hạt nhân của I-ran và nguy cơ Mỹ phát động cuộc chiến tranh Vùng Vịnh lần thứ 3 lại nổi lên, khiến dư luận càng quan tâm đến tình hình Trung Đông nói chung và tình hình I-ran nói riêng. Có nhiều ý kiến cho rằng, I-ran đang trở thành tâm điểm đang “nóng lên” trong nền chính trị quốc tế vì đây là nơi tập trung các vấn đề gai góc nhất của thời đại như khủng hoảng năng lượng, cuộc đấu tranh và thoả hiệp giữa các nước lớn, vấn đề phát triển năng lượng hạt nhân vì mục đích hoà bình, nguy cơ phổ biến vũ khí hạt nhân, khủng bố và chống khủng bố, cuộc xung đột giữa các nền văn minh v.v...

I-ran - quốc gia có vị trí địa chiến lược quan trọng

I-ran có vị trí địa lý rất đặc biệt ở Trung Đông - khu vực đặc biệt nhạy cảm về chiến lược, kinh tế, chính trị, văn hóa và tôn giáo, là một trong những “điểm nóng” trên hành tinh, thu hút sự quan tâm của giới nghiên cứu và lãnh đạo của nhiều nước trên thế giới, mà trước hết là Mỹ - siêu cường đang theo đuổi vai trò “đạo diễn chính” của trật tự thế giới đương đại.

Là quốc gia duy nhất tiếp giáp cả vùng vịnh Péc-xích và biển Ca-xpi, I-ran có vai trò quan trọng đối với cả Mỹ, Nga và Trung Quốc. I-ran cũng tiếp giáp eo biển Hô-mút có ý nghĩa chiến lược - luồng nước hẹp đổ từ vùng vịnh Péc-xích ra Ấn Độ Dương, nơi hằng ngày có khoảng 1/4 khối lượng dầu thế giới được vận chuyển từ các nước vùng Ca-xpi tới các thị trường thế giới, đặc biệt là thị trường Mỹ và Nhật Bản. I-ran vừa có vị trí địa lý đặc biệt, vừa giàu tài nguyên dầu mỏ và khí đốt. Quốc gia đông dân nhất ở vùng vịnh Péc-xích này đang sở hữu một nguồn dầu mỏ và khí đốt dự trữ lớn thứ hai thế giới. Về dầu mỏ, I-ran có khoảng 132 tỉ thùng, chiếm 11,1% dự trữ dầu mỏ của thế giới. Về khí đốt, I-ran có khoảng 27,5 nghìn tỉ mét khối, chiếm 15,3% dự trữ khí đốt thế giới. I-ran có thể sở hữu ít dầu lửa hơn so với Ả-rập Xê-út và ít khí đốt hơn so với Nga, nhưng I-ran là quốc gia duy nhất có trữ lượng lớn vào loại nhất thế giới cả hai nguồn tài nguyên quan trọng này. Nhiều nước, kể cả Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và các nước EU đang phụ thuộc nhiều vào nguồn cung cấp dầu khí của I-ran. Với những lợi thế trên, I-ran có vai trò rất quan trọng ở Trung Đông.

Trong những năm gần đây, I-ran đã giành được ảnh hưởng và trở thành trung tâm của những người Hồi giáo theo dòng Xi-ai. Mặc dù khả năng quân sự của I-ran chưa thật sự mạnh, nhưng nếu có vũ khí hạt nhân thì I-ran sẽ trở thành một cường quốc có ảnh hưởng lớn trong khu vực, có thể thách thức sự chi phối quân sự của Mỹ trên toàn dải Trung Đông. Đây là một trong những lý do khiến Mỹ quyết tâm ngăn chặn I-ran sở hữu vũ khí hạt nhân và thiết lập một chế độ chính trị đi theo quỹ đạo của Mỹ.

Quốc gia tuyên bố phát triển năng lượng hạt nhân vì mục đích hoà bình

I-ran luôn tuyên bố phát triển chương trình hạt nhân vì mục đích hoà bình theo đúng tinh thần của Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) mà I-ran đã từng ký kết tham gia. Trước hết, phải thấy rằng, phát triển công nghệ hạt nhân vì mục đích hoà bình là nhu cầu chính đáng của I-ran bởi đó cũng xu hướng tất yếu của loài người, là giải pháp chuẩn bị đối phó với tài nguyên dầu mỏ và khí đốt sẽ cạn kiệt trong thế kỷ XXI. Tổng cộng trên thế giới tính đến thời điểm này có khoảng 440 lò phản ứng hạt nhân bố trí ở 30 nước. Theo báo cáo của cơ quan năng lượng nguyên tử (IAEA), hiện nay có khoảng 1/6 năng lượng điện trên thế giới do các nhà máy điện hạt nhân tạo ra và tỷ lệ năng lượng nguyên tử trong ngành năng lượng thế giới sẽ không ngừng tăng, sẽ chiếm trên 25% vào năm 2030. Điện nguyên tử sẽ là một trong những nguồn năng lượng điện chủ yếu của thế giới trong tương lai.

Trong tình hình đó, nếu cấm hoàn toàn việc chuyển giao công nghệ làm giàu hạt nhân, thì khác gì trong tương lai đẩy các quốc gia có nhu cầu phát triển năng lượng hạt nhân vì mục đích hoà bình rơi vào tình trạng "đói năng lượng" và sẽ bị phụ thuộc vào các cường quốc hạt nhân. Vì thế, việc Mỹ kiên quyết cấm I-ran phát triển công nghệ hạt nhân là thiếu sức thuyết phục. Trên thực tế, chương trình hạt nhân của I-ran bắt đầu từ cuối những năm 1960 với sự giúp đỡ của chính các chuyên gia công nghệ của Mỹ. Thời gian đó, Mỹ coi I-ran là đồng minh chiến lược và chương trình “viện trợ phát triển năng lượng hạt nhân” cho I-ran là một phần trong chiến lược của Mỹ ở khu vực này. Tháng 3-1970, Mỹ và I-ran đã ký một thỏa thuận hợp tác phát triển năng lượng hạt nhân, theo đó, đến năm 2000, Mỹ sẽ xây dựng cho I-ran một số nhà máy điện hạt nhân. Năm 1979, cuộc cách mạng Hồi giáo nổ ra ở I-ran, chính quyền thân phương Tây ở I-ran sụp đổ, giáo chủ Khô-mê-ni lên cầm quyền, thực hiện chính sách độc lập, tự chủ, không phụ thuộc vào Mỹ. Trong tình thế đó, Mỹ đã đơn phương chấm dứt quan hệ, đình chỉ hợp tác về năng lượng hạt nhân với I-ran. Cuộc chiến tranh giữa I-ran với I-rắc bùng nổ những năm 80, thế kỷ XX, chương trình phát triển hạt nhân của I-ran tạm dừng và chỉ được khôi phục từ đầu những năm 90. Từ đó đến nay, Mỹ nghi ngờ chương trình hạt nhân dân sự của I-ran chỉ là một chiến lược để che đậy mục tiêu làm giàu u-ra-ni nhằm chế tạo bom nguyên tử. Ngày 9-8-2005, I-ran tuyên bố sẵn sàng rút khỏi Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) và sẽ từ bỏ tất cả các cam kết liên quan đến năng lượng hạt nhân trong trường hợp Mỹ tiến công các mục tiêu hạt nhân của họ. Đồng thời, I-ran đã chuẩn bị sẵn sàng để Mỹ không thể dùng các loại bom hiện đại nhất tiêu diệt tiềm năng hạt nhân của họ. Tổng thống Mác-mut Ác-ma-di-nê-giat từ chối nhân nhượng trong các cuộc đàm phán với các nước phương Tây khi tuyên bố rằng: I-ran sẽ tiếp tục phát triển chương trình hạt nhân riêng của mình.

Quốc gia nằm trong chiến lược của các nước lớn

Theo các nhà phân tích quốc tế, ngăn chặn nguy cơ hạt nhân của I-ran nằm trong chiến lược dài hạn của Mỹ đối với khu vực này và trên thế giới nhằm ba mục đích chủ yếu. Một là, khống chế nguồn năng lượng khổng lồ của I-ran. Hai là, kiểm soát tuyến đường biển quan trọng ở Tây Á - eo biển Hô-mút, “huyết mạch” của hoạt động vận chuyển dầu mỏ của thế giới. Ba là, thực hiện chiến lược “dân chủ hoá" đối với Trung Đông.

Mỹ cho rằng, ở Trung Đông, I-ran hiện là nước có tiềm lực quân sự mạnh nhất và có ảnh hưởng lớn trong thế giới Hồi giáo A-rập. I-ran có thể đang lợi dụng tình trạng Mỹ bị sa lầy ở I-rắc để thực hiện tham vọng “bá quyền” ở khu vực. Do vậy, “dân chủ hóa” I-ran theo mô hình của phương Tây vừa nhằm mục tiêu loại bỏ mối đe dọa hạt nhân, vừa nhằm làm suy yếu thế giới Hồi giáo để thực hiện chiến lược “dân chủ hoá" khu vực Trung Đông. Đối với Mỹ, mối đe doạ từ phía I-ran không chỉ là chương trình hạt nhân. Ngay cả khi vấn đề hạt nhân I-ran được giải quyết, cũng khó khắc phục được những mâu thuẫn còn lại giữa Mỹ và I-ran. Về thực chất, Mỹ quan tâm trước hết đến việc thay đổi cách “ứng xử” của các nhà lãnh đạo ở I-ran.

Đối với Nga, I-ran là thị trường vũ khí quan trọng của Nga và được Nga coi là một quốc gia then chốt vừa để phát triển ảnh hưởng ở Trung Đông, vừa hạn chế ảnh hưởng của các nước khác ở khu vực Trung Á và Trung Đông. Hiện nay, Nga có quan hệ hợp tác kỹ thuật quân sự đặc biệt đối với I-ran. Hai bên đã ký kết nhiều hiệp định quan trọng, góp phần gia tăng đáng kể tiềm lực quân sự của I-ran, trong đó Nga đã cung cấp cho I-ran các loại vũ khí hiện đại như máy bay tiêm kích MiG-29, Su-24 MK, tên lửa phòng không S-200, S-300, Tor-M1, xe tăng T-72, xe bọc thép chở quân BMP v.v. Hợp tác kỹ thuật quân sự giữa Nga và I-ran có nhiều triển vọng. Chính phủ I-ran đã soạn thảo một chương trình hiện đại hoá quân đội trong vòng 25 năm dựa chủ yếu vào vũ khí của Nga. Nga đã đầu tư 800 triệu USD cho kế hoạch xây dựng lò phản ứng hạt nhân ở I-ran. Công trình xây dựng nhà máy điện nguyên tử trị giá gần 1 tỉ USD ở Bu-se-ra của I-ran là dự án nước ngoài đầu tiên sau khi Liên Xô sụp đổ đã góp phần giúp cho ngành hạt nhân của Nga sống sót. Nga sẽ ký thêm hợp đồng xây dựng 6 lò phản ứng hạt nhân khác nữa.

Với vai trò ngày càng gia tăng trong nền chính trị và kinh tế toàn cầu, Trung Quốc có nhiều quyền lợi khi hiện diện ở Trung Đông. Trung Quốc đang nỗ lực thúc đẩy quan hệ với I-ran, tạo cơ hội để có ảnh hưởng chính trị tại khu vực có ý nghĩa chiến lược này. Năm 2000, kim ngạch thương mại của Trung Quốc với I-ran là 1,3 tỉ USD; năm 2005 lên đến 10 tỉ USD và theo hiệp định vừa ký mới đây nhất giữa hai nước, con số này trong những năm tới sẽ lên đến 100 tỉ USD, trong đó chủ yếu là dầu mỏ. I-ran là nguồn cung cấp dầu mỏ và khí đốt chủ chốt và là nguồn năng lượng cơ bản phục vụ mục tiêu phát triển và hiện đại hóa nền kinh tế của Trung Quốc. Trong 25 năm qua, mỗi năm Trung Quốc mua của I-ran 10 triệu tấn khí đốt thiên nhiên hóa lỏng. Giữa tháng 2-2006, trong lúc cuộc tranh cãi về chương trình hạt nhân của I-ran đang nổi lên, Trung Quốc và I-ran đã công bố một hiệp định về năng lượng trị giá 100 tỉ USD và Trung Quốc định đầu tư nhiều hơn nữa vào I-ran trong mọi lĩnh vực từ thăm dò, khoan đến xây dựng đường ống để đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng lên của mình. Ngoài lĩnh vực năng lượng, hiện có hơn 100 công ty của Trung Quốc đang kinh doanh tại I-ran trong các lĩnh vực đóng tàu, sản xuất thép, xây dựng cảng biển và sân bay.

Từ những phân tích, nhìn nhận, đánh giá về vai trò của I-ran và động thái của các nước lớn đối với quốc gia này, giới bình luận quân sự quốc tế đưa ra dự báo về những khả năng có thể xảy ra trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng liên quan đến chương trình hạt nhân của I-ran.

Khả năng thứ nhất: Mỹ và các nước trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thỏa hiệp với I-ran.

Thỏa hiệp là giải pháp dễ chấp nhận, theo đó cộng đồng quốc tế đồng ý cho I-ran duy trì một số cơ sở nghiên cứu và phát triển công nghệ hạt nhân quy mô nhỏ vì mục đích hoà bình để làm giàu u-ra-ni. I-ran sẽ được phép sử dụng một số máy ly tâm, đồng thời ngừng ứng dụng công nghệ này trên quy mô hoàn chỉnh hơn cho đến khi cơ quan năng lượng nguyên quốc tế có thể khẳng định chắc chắn rằng các hoạt động hạt nhân của I-ran hoàn toàn nhằm mục đích hoà bình. Đây là khả năng lựa chọn ít nguy hiểm nhất với giả thiết rằng: I-ran chưa và sẽ không xúc tiến làm giàu u-ra-ni vượt quá mức cho phép ở các cơ sở thí nghiệm sẽ được giám sát chặt chẽ. Nếu thực hiện theo khả năng này, I-ran sẽ cho phép cộng đồng quốc tế giám sát các cơ sở hạt nhân của họ và có điều kiện ngăn chặn các nỗ lực của I-ran hướng tới phát triển vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, nếu I-ran thực sự có ý định chế tạo vũ khí hạt nhân thì phương án thoả hiệp chỉ có tác dụng kéo dài thời gian quốc gia này sở hữu vũ khí hạt nhân.

Khả năng thứ hai: Mỹ tiếp tục gây sức ép và tăng cường các biện pháp trừng phạt I-ran thông qua Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Những gì đã diễn ra từ tháng 8-2005 đến nay chứng tỏ, mặc dù Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhất trí tăng dần mức độ nghiêm khắc của các biện pháp trừng phạt, nhưng giới lãnh đạo I-ran vẫn không thay đổi quyết tâm làm chủ công nghệ làm giàu u-ra-ni. Như vậy, giải pháp trừng phạt ít có khả năng làm cho I-ran ngừng nỗ lực làm giàu u-ra-ni và do đó khó tránh được một cuộc chiến tranh mới do Mỹ phát động chống I-ran.

Khả năng thứ ba: răn đe và kiềm chế.

Một mặt, răn đe tiến công quân sự một khi I-ran không thực hiện lệnh cấm vận của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Mặt khác, Mỹ và các nước phải cùng nhau đề ra kế hoạch hành động nhằm kiềm chế I-ran. Trước hết, phải thuyết phục giới lãnh đạo ở I-ran hiểu rằng, vị thế và nền an ninh của họ sẽ giảm đi khi họ tìm kiếm khả năng chế tạo vũ khí hạt nhân. Đồng thời, Mỹ phải cam kết với giới lãnh đạo ở Tê-hê-ran rằng, chủ quyền và nền an ninh của I-ran sẽ không bị đe dọa nếu họ ngừng kế hoạch sở hữu vũ khí hạt nhân. Trong đề xuất cả gói của Mỹ, Pháp, Đức, Anh, Nga và Trung Quốc về điều kiện thương lượng với I-ran phải có điều khoản bảo đảm để I-ran thấy rằng sẽ là tốt hơn nếu họ không làm giàu u-ra-ni. Đây là bài toán khó khi I-ran nhận thấy sức mạnh quân sự là cần thiết để tăng cường vị thế quốc gia. Còn Mỹ đã không đưa ra cam kết bảo đảm an ninh cho I-ran và sẽ ‘‘chung sống hoà bình lâu dài’’ với chính phủ hợp hiến ở Tê-hê-ran.

Khả năng thứ tư: áp dụng “cách mạng sắc màu” để thay đổi chế độ cầm quyền ở I-ran.

Song song với phương án chuẩn bị chiến tranh, Mỹ đang thúc đẩy quá trình "diễn biến hoà bình" ở I-ran để thay đổi chính thể ở Tê-hê-ran.

Khả năng thứ năm: tiến công quân sự.

Về khả năng Mỹ tiến công quân sự để “trừng phạt” I-ran, có hai loại ý kiến khác nhau. Loại ý kiến thứ nhất cho rằng, Mỹ đang sa lầy ở I-rắc và Ap-ga-ni-xtan nên không thể phát động chiến tranh chống I-ran. Nếu Mỹ vẫn quyết định mở cuộc chiến tranh Vùng Vịnh lần thứ 3, thì cuộc chiến này sẽ báo hiệu “hoàng hôn của nước Mỹ”. Theo phân tích của nhiều chuyên gia quân sự, giải pháp chiến tranh có thể sẽ dẫn đến thất bại có tính toàn cầu và còn bi thảm hơn nhiều so với thất bại của Mỹ trong chiến tranh Việt Nam.

Loại ý kiến thứ hai dự báo, Mỹ sẽ phải tiến công quân sự I-ran. Thuộc loại ý kiến này có tướng Mỹ Pi-tơ Pây-xơ, Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ. Trong tuyên bố tại cuộc họp báo ngày 24-2-2006, Pi-tơ Pây-xơ cho rằng, mặc dù chưa kết thúc cuộc chiến ở I-rắc và Áp-ga-ni-xtan, Mỹ vẫn có thể phát động một cuộc chiến tranh khác. Nhiều chuyên gia phân tích quân sự cũng cho rằng mặc dù đang sa lầy ở I-rắc và Áp-ga-ni-xtan, Mỹ vẫn có khả năng mở cuộc chiến tranh lần thứ 3 ở Vùng Vịnh. Vấn đề chỉ còn là thời điểm tiến công. Hiện nay ở Vùng Vịnh, Mỹ đã tập trung hai cụm tàu sân bay tiến công “Eisenhower” và “Stennis” cùng hàng chục tàu chiến yểm trợ và một số tàu ngầm. Cụm tàu sân bay “Nimitz” cũng vừa được điều tới Vùng Vịnh. Đây là sự có mặt lần thứ ba của chiến hạm hiện đại này ở Vùng Vịnh trong vòng 4 năm gần đây./.