Dự trữ lúa gạo thay cho tạm trữ - một hướng đi tạo thế chủ động cho nông dân
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 812/QĐ-TTg, ngày 02-7-2012, về việc mua tạm trữ tối đa 500 ngàn tấn lúa quy gạo vụ hè thu năm 2012, thời hạn tạm trữ từ ngày 10-7 đến hết ngày 10-8-2012. Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) có trách nhiệm phân giao cho doanh nghiệp, thương nhân mua tạm trữ theo cơ chế thị trường, tự chịu trách nhiệm về hiệu quả kinh doanh; ngân sách nhà nước hỗ trợ 100% lãi suất tiền vay mua tạm trữ trong 3 tháng. Trước đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có Quyết định số 287/QĐ-TTg, ngày 09-3-2012, về việc mua tạm trữ 1 triệu tấn lúa quy gạo vụ đông xuân năm 2011 -2012.
Vấn đề an ninh lương thực và vai trò của nông dân
Hiện tại, nhân loại đang đối mặt với vấn đề toàn cầu khi gần 1 tỷ người trên thế giới vẫn đang thiếu đói. Dân số liên tục tăng, trong khi diện tích sản xuất lương thực ngày càng bị thu hẹp, cộng với tác động kép từ biến đổi khí hậu, nước biển dâng, ô nhiễm môi trường, thiên tai dịch bệnh gây nên tình trạng mất mùa thường xuyên. Không ít quốc gia rơi vào khủng hoảng chính trị do bất ổn về an ninh lương thực. Trong điều kiện hiện nay và chắc chắn sẽ còn rất lâu nữa, an ninh lương thực vẫn là vấn đề mang tính toàn cầu và Việt Nam tiếp tục là một quốc gia có đóng góp quan trọng cho việc bảo đảm an ninh lương thực của thế giới.
Qua các thời kỳ cách mạng, đặc biệt là sau khi có Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 5-8-2008, của Ban Chấp hành Trung ương khóa X “Về nông nghiệp, nông dân, nông thôn”, vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn, đặc biệt là nông dân được đặt ở vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển của đất nước. Chúng ta xác định phát triển sản xuất lúa gạo là vấn đề chiến lược và đã có nhiều chủ trương đúng đắn, phù hợp. Đảng và Nhà nước đã xác lập và áp dụng nhiều cơ chế, chính sách, như giữ đất trồng lúa, hỗ trợ nông dân sản xuất và tiêu thụ lúa gạo theo hướng có lợi cho người sản xuất. “Tiếp tục đẩy mạnh thâm canh sản xuất lúa, nhất là ở đồng bằng sông Cửu Long và đồng bằng sông Hồng; có chính sách bảo đảm lợi ích cho người trồng lúa, địa phương và vùng trồng lúa; duy trì diện tích đất lúa, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia trước mắt và lâu dài”(1). Đó là những chủ trương đúng, giải quyết vấn đề cốt lõi của việc phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, không chỉ đáp ứng đòi hỏi bảo đảm an ninh lương thực quốc gia mà còn góp phần quan trọng cho an ninh lương thực thế giới.
Kỳ tích hơn 25 năm đổi mới không chỉ là sản lượng lúa tăng gấp 2 -3 lần, giúp Việt Nam chiếm vị trí á quân thế giới về xuất khẩu gạo, mà quan trọng hơn là sự chuyển đổi tận gốc rễ sang một nền nông nghiệp hàng hóa, nâng cao thu nhập và đời sống người dân. Câu chuyện thành công trong sản xuất lúa gạo ở miền Tây Nam Bộ như sự khẳng định nhiệm vụ vinh quang mà gian khổ của “những người có sứ mạng bảo đảm an ninh lương thực”. Nông dân đồng bằng sông Cửu Long, những người đang cung cấp hơn 20% lượng gạo thương mại trên toàn cầu, cần được đánh giá đúng về tầm vóc. Và, khi tôn vinh giá trị “hạt ngọc Việt” chớ quên những chủ nhân một nắng hai sương làm ra những “hạt ngọc” ấy. Nông dân Việt Nam nói chung và nông dân đồng bằng sông Cửu Long nói riêng đang đứng trước nhiều thách thức. Đó là thách thức của phát triển bền vững, khi mà sản lượng lúa tăng nhanh, nhu cầu xuất khẩu
gạo ngày càng nhiều, nhưng thu nhập của người trồng lúa chưa tương xứng, môi trường nông thôn ô nhiễm ngày càng trầm trọng. Đó là biến đổi khí hậu, nước biển dâng, là thiên tai,... Gộp tất cả lại, nổi lên sự thách thức trong quản lý, điều hành và câu hỏi được đặt ra là làm thế nào để nâng cao giá trị “hạt ngọc Việt”, mang lại lợi nhuận ngày càng cao cho người trồng lúa, chắc chắn sẽ có lời giải một khi có sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị.
Chủ động dự trữ lúa gạo - giải pháp để nông dân giành thế chủ động
Trong khi nhiều quốc gia sản xuất và xuất khẩu lúa gạo hàng đầu, như Thái Lan, Trung Quốc, đã đưa ra những điều chỉnh quan trọng về chính sách, Việt Nam cũng cần nghĩ đến một “hệ điều hành” mới, sao cho vẫn giữ vững nguyên tắc “2 bảo đảm” - an ninh lương thực quốc gia và nâng cao thu nhập cho người trồng lúa - đồng thời bổ sung tính linh hoạt, sự chủ động. Trong nhiều trường hợp, sự can thiệp của Nhà nước là cần thiết, nhưng cần thay thế chính sách “mua tạm trữ lúa” trong thế bị động, xử lý tình huống sang chính sách “chủ động dự trữ lúa gạo”. Việc định hướng lại hoặc cân đối lại các nguồn lực, các chương trình mục tiêu quốc gia để đáp ứng cho cách làm này sẽ bảo đảm tính khả thi và đem lại lợi ích kinh tế cao hơn.
Bằng giải pháp giải quyết được nhiều mục tiêu, đó là thay thế thu mua tạm trữ 2 hay 3 triệu tấn lúa bằng việc giao cho đồng bằng sông Cửu Long dự trữ quốc gia 4 đến 6 triệu tấn lúa phẩm cấp cao, bảo đảm cho nông dân có lãi từ 40% trở lên, tiến tới lợi nhuận đạt bình quân 50 triệu đồng/ha/năm. Có như vậy thu nhập của người nông dân mới có thể nâng lên 2,5 lần vào năm 2020 theo mục tiêu Nghị quyết số 26-NQ/TW. Đó cũng là giải pháp giúp cho người nông dân yên tâm sản xuất, không phải đau đáu lo mất mùa hay lại hoảng hốt trước sự “được mùa rớt giá” và tình trạng đào ao hay chuyển đổi mục đích sử dụng đất sẽ giảm đi. Hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho nông dân qua các doanh nghiệp nông nghiệp, hình thành liên kết “4 nhà” chặt chẽ theo định hướng thị trường chất lượng cao, vì trong tương lai gần sản lượng lúa vùng Đông Nam Á có thể nâng lên đến hàng chục triệu tấn/năm. Có như thế, người nông dân trồng lúa sẽ yên tâm sản xuất, đời sống vật chất và tinh thần sẽ được cải thiện hơn.
Việc chủ động dự trữ 4 - 6 triệu tấn lúa giúp nông dân trồng lúa đạt lợi nhuận như mong muốn, hiệu quả kinh tế đem lại cho đất nước sẽ cao hơn. Từ năm 2006 đến nay, các nhà chuyên kinh doanh lúa gạo lãi lớn nhờ nắm bắt quy luật thị trường; đó là, mua vào đúng mùa thu hoạch rộ, giá thấp, đến khi chào hàng xuất khẩu thì giá rất cao. Nhiều doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn đồng bằng sông Cửu Long mỗi năm thu lợi nhuận từ kinh doanh lúa gạo vài ba chục tỷ đồng không phải là chuyện khó. Có một doanh nghiệp “thường thường bậc trung”, vốn thẩm định khi cổ phần hóa khoảng 40 tỷ đồng, sau một năm kinh doanh lúa gạo đã lãi ròng 60 tỷ đồng.
Thực hiện chính sách dự trữ lúa gạo thông qua địa chỉ cụ thể
Chính sách “chủ động dự trữ lúa gạo” thông qua địa chỉ cụ thể, đó là giao cho đồng bằng sông Cửu Long dự trữ 4 - 6 triệu tấn lúa rất cần được Nhà nước quan tâm chỉ đạo thực hiện. Những năm qua, Công ty cổ phần bảo vệ thực vật An Giang đã xây dựng và áp dụng bước đầu rất thành công mô hình “cánh đồng mẫu lớn”. Mô hình hợp tác sản xuất, kinh doanh với bà con nông dân đạt hiệu quả kinh tế rất cao, nhiều cánh đồng mẫu lớn được hình thành với phương thức canh tác tiên tiến và quy trình kỹ thuật “sạch” nâng cao sản lượng lúa hàng hóa chất lượng cao và bao tiêu sản phẩm, có lợi cho bà con nông dân. Nhà nước cần quan tâm đầu tư và nhân rộng mô hình này để hỗ trợ nông dân trồng lúa vùng đồng bằng sông Cửu Long tiến lên hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Đây sẽ là địa chỉ cụ thể để thí điểm chính sách “dự trữ lúa gạo” cho đồng bằng sông Cửu Long.
Những người nông dân Việt Nam với kinh nghiệm, truyền thống của nền “Văn minh lúa nước” nghìn năm, được tiếp thêm sức mạnh tri thức của khoa học - công nghệ và thực tế đang giữ thế mạnh hàng đầu thế giới về sản xuất và xuất khẩu gạo, không lý do gì phải loay hoay, luẩn quẩn chịu cảnh “được mùa rớt giá”. Chủ động dự trữ lúa gạo để điều tiết thị trường lúa gạo là “hệ điều hành mới” đang chờ quyết sách mới từ Chính phủ./.
-----------------------------------------
(1) Nghị Quyết số 26-NQ/TW, ngày 5-8-2008, của Ban Chấp hành Trung ương khóa X “Về nông nghiệp, nông dân, nông thôn”
Chủ động đổi mới để nâng cao năng lực và sức chiến đấu của hệ thống chính trị cơ sở ở Đắk Nông  (03/01/2013)
Tăng cường quản lý an toàn vệ sinh lao động gắn liền với phát triển kinh tế đất nước bền vững  (03/01/2013)
Tác động tương hỗ của các yếu tố dân số và phát triển  (03/01/2013)
Đánh giá kinh tế nước ta năm 2012 qua các sự kiện tiêu biểu  (03/01/2013)
Đánh giá kinh tế nước ta năm 2012 qua các sự kiện tiêu biểu  (03/01/2013)
Năm 2013: Hà Nội nỗ lực bảo đảm giao thông  (02/01/2013)
- Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh kinh tế, góp phần bảo đảm an ninh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên