Chăm lo xây dựng tổ chức cơ sở đảng ở xã, thị trấn vùng nông thôn được xác định là việc hệ trọng trong công tác xây dựng đảng của Đảng bộ tỉnh Bình Định. Với những chủ trương sáng tạo, giải pháp và bước đi phù hợp, công tác xây dựng tổ chức cơ sở đảng xã, thị trấn trên địa bàn những năm qua đã có những chuyển biến tích cực. Tuy vậy, những khó khăn, vướng mắc vẫn còn nhiều, cần tiếp tục tháo gỡ...

Đảng bộ tỉnh Bình Định có 17 đảng bộ trực thuộc, trong đó 11 đảng bộ huyện, thành phố, 3 đảng bộ lực lượng vũ trang (Quân sự, Bộ đội Biên phòng, Công an), 2 đảng bộ khối (Đảng bộ Dân chính Đảng và Đảng bộ Khối Doanh nghiệp) và 1 Đảng bộ cơ sở (Trường đại học Quy Nhơn) với 826 tổ chức cơ sở đảng, gồm 268 đảng bộ cơ sở, 558 chi bộ cơ sở và 2.506 chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở; tổng số đảng viên là 40.851 đồng chí. Thời gian qua, Đảng bộ đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo việc nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, nhất là tổ chức cơ sở đảng xã, thị trấn vùng nông thôn.

Tập trung chăm lo xây dựng, củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở xã, thị trấn

Thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa IX về đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở xã, phường, thị trấn, gắn vớitriển khai thực hiện các Quy định số 94 và 95-QĐ/TW ngày 03-3-2004 của Ban Bí thư về chức năng, nhiệm vụ của đảng bộ, chi bộ cơ sở xã, phường, thị trấn, công tác xây dựng, củng cố và phát triển của cấp ủy các cấp có tiến bộ không ngừng và đạt kết quả đáng ghi nhận.

Hầu hết tổ chức cơ sở đảng ở xã, thị trấn thuộc Đảng bộ tỉnh Bình Định đã phát huy tốt vai trò hạt nhân lãnh đạo chính trị ở cơ sở, thực hiện các nghĩa vụ đối với Nhà nước; xây dựng và phát triển cơ sở vật chất, cải thiện và nâng cao đời sống của nhân dân; thực hiện các chính sách xã hội, xóa đói, giảm nghèo (tỷ lệ hộ nghèo năm 2006 còn 16,6%, giảm 3% so với năm 2005). Việc thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở tiến bộ đáng kể: có 91,7% số xã xây dựng các quy chế, quy định, 99% số thôn, làng xây dựng hương ước, quy ước; có nhiều xã, với nhiều hình thức đã công khai các nội dung công việc nhân dân cần biết, các nội dung công việc nhân dân tham gia ý kiến; có 42% số xã được đánh giá thực hiện tốt Quy chế Dân chủ. Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư được quan tâm đẩy mạnh, có 35,49% số làng đạt tiêu chuẩn làng văn hóa, 87,9% số hộ gia đình đạt chuẩn gia đình văn hóa; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở cơ sở được giữ vững.

Nhiều đảng bộ đã có chuyển biến tích cực trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền và Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân. Thực hiện tốt việc xây dựng, thực hiện quy chế làm việc, mối quan hệ giữa cấp ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhândân. Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ thôn theo Hướng dẫn số 57-HD/BTCTW ngày 16-3-2006 của Ban Tổ chức Trung ương và Hướng dẫn số 04-HD/BTCTU ngày 14-4-2006 của Ban Tổ chức Tỉnh ủy; thực hiện có nền nếp Quy định số 76-QĐ/TW của Bộ Chính trị. Khắc phục tình trạng ỷ lại, thiếu chủ động, buông lỏng vai trò lãnh đạo, bộ máy chính quyền ở cơ sở đã phát huy được hiệu quả quản lý, điều hành, có bước năng động trong cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Tỉnh ủy đã gắn Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX về đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở xã, phường, thị trấn với Chương trình hành động đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, sửa đổi lề lối làm việc và quan hệ với dân của hệ thống chính trị. Ban Thường vụ Tỉnh ủy phân công các đồng chí Tỉnh ủy viên, lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh trực tiếp theo dõi, chỉ đạo xã, phường, thị trấn; góp phần trực tiếp nâng cao nhận thức và tinh thần trách nhiệm của cấp ủy cơ sở và đảng viên.

Tổ chức đánh giá tổ chức cơ sở đảng xã, thị trấn khá nghiêm túc, từng bước phản ánh sát thực với kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của tổ chức cơ sở đảng. Số đảng bộ xã, thị trấn đạt tiêu chuẩn trong sạch, vững mạnh chiếm 46,50%; một số đảng bộ tiêu biểu như: xã Hoài Châu Bắc, xã Tam Quan Nam (huyện Hoài Nhơn), thị trấn Bình Dương (huyện Phù Mỹ), thị trấn Phú Phong (huyện Tây Sơn), xã Nhơn Lộc (huyện An Nhơn), xã An Vinh (huyện An Lão)...

Thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX và các Nghị định 114-NĐ/CP, Nghị định 121-NĐ/CP của Chính phủ, cán bộ, công chức cơ sở xã, thị trấn từng bước được kiện toàn, củng cố. Tỉnh đã thường xuyên mở các lớp đào tạo chuyên môn cho công chức xã và cán bộ dự nguồn xã, phường, thị trấn. Đối với số cán bộ không chuyên trách, các cơ quan chức năng đã mở các lớp bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ như công tác tuyên giáo, công tác kiểm tra, công tác dân vận, quản lý nhà nước, hành chính và các lớp nghiệp vụ khác. Qua khảo sát chất lượng cán bộ xã, thị trấn, trong 1.664 cán bộ chuyên trách cấp xã, cán bộ nữ chiếm 14,7%, cán bộ dân tộc ít người chiếm 11,1% (tính riêng 3 huyện miền núi chiếm 54,13%); về trình độ học vấn: tiểu học 5%, trung học cơ sở 30,7%, trung học phổ thông 64,3%; trình độ chuyên môn: 21,87% có trình độ trung học chuyên nghiệp, 13,16% có trình độ cao đẳng, đại học; trình độ lý luận chính trị: 58,2% trung cấp, 2,5% cao cấp. Công chức cấp xã có 1.225 người, trong đó cán bộ nữ chiếm 14,1%, cán bộ dân tộc ít người chiếm 9,06% (riêng 3 huyện miền núi chiếm 39,89%); trình độ học vấn: tiểu học 2,7%, trung học cơ sở 28,5%; trung học phổ thông 68,8%; trình độ chuyên môn: 36,4% có trình độ trung học chuyên nghiệp, 14,3% có trình độ cao đẳng, đại học; trình độ lý luận chính trị: 28,9% trung cấp, 0,5% cao cấp. Trong 2.743 cán bộ không chuyên trách cấp xã, cán bộ nữ chiếm 23,4%, cán bộ dân tộc ít người chiếm 11,4% (riêng 3 huyện miền núi chiếm 47,99%); về trình độ học vấn: tiểu học 10,9%, trung học cơ sở 37,2%, trung học phổ thông 51,9%; trình độ chuyên môn: 18,4% có trình độ trung học chuyên nghiệp, 7,1% có trình độ cao đẳng, đại học; trình độ lý luận chính trị: 9,8% trung cấp và 0,9% cao cấp.

Qua khảo sát cho thấy, số cán bộ chuyên trách xã hoàn thành tốt nhiệm vụ chiếm 73%, công chức xã 63%, cán bộ không chuyên trách 57%; số chưa hoàn thành nhiệm vụ chiếm khoảng 1%. Đội ngũ chủ tịch Hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn đã thực hiện tự phê bình và được lấy phiếu tín nhiệm trước đại diện nhân dân theo tinh thần Thông tri 06 ngày 25-01-2005 của ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, bước đầu đạt kết quả tích cực. Đối với chức danh chủ tịch hội đồng nhân dân, có 98,03% số người đạt số phiếu tín nhiệm từ 70% đến 100% và 1,96% đạt số phiếu tín nhiệm từ 50% đến dưới 70%. Đối với chức danh chủ tịch ủy ban nhân dân, chỉ có 1 đồng chí dưới 50%, còn lại đều đạt trên 50% số phiếu tín nhiệm.

Tỉnh đã ban hành một số chế độ, chính sách đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, mức phụ cấp cán bộ không chuyên trách xã, thị trấn (gồm 22 chức danh) và cán bộ thôn, khu vực, làng (gồm 10 chức danh). Ban Thường vụ Tỉnh ủy chủ trương tuyển chọn sinh viên tốt nghiệp đại học công tác ở xã, phường, thị trấn và quy định mức sinh hoạt phí cho công chức dự nguồn hợp đồng chỉ tiêu biên chế: với các mức ở xã đặc biệt khó khăn, hải đảo 1.400.000 đồng/người/tháng; ở xã thuộc bãi ngang 1.200.000 đồng/người/tháng; các xã còn lại 1.040.000 đồng/người/ tháng. Một số huyện và thành phố Quy Nhơn cũng đề ra chính sách cụ thể để tạo điều kiện cho cán bộ cơ sở đi học nâng cao trình độ và thu hút số cán bộ trẻ. Thực hiện Nghị quyết số 42-NQ/TW của Bộ Chính trị, các xã, thị trấn thực hiện quy hoạch tạo nguồn đào tạo, bồi dưỡng, chuẩn bị cán bộ cho nhiệm kỳ tới. Quy hoạch ban chấp hành đảng bộ 157 xã, thị trấn (có 2 xã mới chia tách nên chưa làm công tác quy hoạch) gồm 3.501 đồng chí, bình quân bảo đảm 150% so với số lượng ủy viên Ban Chấp hành đương nhiệm. Nhiều xã mạnh dạn đưa số cán bộ trẻ tuổi, thanh niên vào dự nguồn, và số này đã được cử đi đào tạo, bồi dưỡng các lớp do tỉnh mở, chuẩn bị nhân sự cho nhiệm kỳ tới (tuổi đời dưới 30 chiếm 28,59%).

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ở nông thôn còn nhiều bất cập và yếu kém. Một số đảng ủy xã chưa quán triệt sâu sắc Quy định số 95-QĐ/TW, ngày 03-3-2004, về chức năng, nhiệm vụ của đảng bộ, chi bộ cơ sở xã nên lúng túng trong lãnh đạo nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, nhất là việc công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; một bộ phận còn yếu kém trên lĩnh vực quản lý hành chính nhà nước, công tác quản lý đất đai, để xảy ra tiêu cực, tham nhũng... Một số vụ phức tạp về trật tự xã hội như khiếu kiện đông người, gây rối làm mất trật tự an ninh, đập phá cơ sở sản xuất của doanh nghiệp, tổ chức khai thác tài nguyên khoáng sản trái phép..., nhưng cấp ủy, chính quyền cơ sở không lãnh đạo, tự giải quyết được. Công tác xây dựng đảng cũng bộc lộ một số yếu kém trên các mặt: kết nạp đảng viên mới, thực hiện các nguyên tắc trong sinh hoạt đảng; một số nơi chưa nâng cao chất lượng sinh hoạt cấp ủy, sinh hoạt chi bộ, nội bộ cấp ủy mất đoàn kết, chấp hành kém nghị quyết của cấp trên. Năm 2006, có 14 tổ chức cơ sở đảng xã yếu kém chiếm 8,91%. Tinh thần, trách nhiệm và phẩm chất đạo đức của một bộ phận cán bộ kể cả cán bộ, công chức còn yếu, chậm được khắc phục; trình độ (nhất là trình độ chuyên môn) của đội ngũ các loại cán bộ xã còn thấp, chưa đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Cụ thể: cán bộ chuyên trách xã chưa được đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ còn cao, chiếm 64%, công chức xã 49,3%, cán bộ không chuyên trách xã 74,45%; còn 40,75% cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn chưa tốt nghiệp trung học phổ thông, do vậy rất khó đạt chuẩn cán bộ cơ sở theo quy định.

Những yếu kém, hạn chế trên có nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là do các cấp ủy chưa tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác tổ chức cơ sở đảng và đảng viên, chưa có kế hoạch, giải pháp cụ thể, thiết thực để xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên. Công tác kiểm tra, giám sát, hướng dẫn sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm trong quá trình thực hiện chưa được tiến hành thường xuyên, cơ quan tham mưu của cấp ủy và bộ phận làm công tác tổ chức cán bộ, đảng viên còn hạn chế. Việc tổ chức quán triệt và thực hiện các nghị quyết của Đảng, các Quy định của Ban Bí thư về chức năng, nhiệm vụ từng loại hình tổ chức cơ sởđảng và các hướng dẫn của Trung ương chưa tốt, chậm cụ thể hóa...

Một số kinh nghiệm

1. Các cấp ủy phải thường xuyên chăm lo xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xác định công tác xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh là nhiệm vụ quan trọng và thường xuyên của đảng bộ. Tập trung làm tốt công tác chính trị tư tưởng, tổ chức quán triệt sâu sắc và nghiêm túc Điều lệ Đảng, các quy định của Trung ương về công tác tổ chức cơ sở đảng và đảng viên, thực hiện đồng bộ các mặt công tác xây dựng đảng với thực hiện nhiệm vụ chính trị.

2. Phát huy tính chủ động, hiệu lực và hiệu quả trong quản lý điều hành của chính quyền, vai trò của Mặt trận và các đoàn thể quần chúng, quyền làm chủ của nhân dân, huy động tốt nội lực để xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội, chăm lo đời sống nhân dân, thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị... Thực tiễn cho thấy, những tổ chức cơ sở đảng trong sạch vững mạnh đều thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình, nâng cao, phát huy được trách nhiệm, xác định rõ mối quan hệ của các tổ chức thành viên trong hệ thống chính trị, xây dựng và nghiêm chỉnh thực hiện quy chế làm việc của cấp ủy đảng, ban thường vụ và thường trực cấp ủy. Có giải pháp cụ thể, mạnh mẽ nhằm củng cố, chấn chỉnh tổ chức cơ sở đảng yếu kém, kịp thời xử lý và thay thế những cán bộ (nhất là cán bộ chủ chốt) có phẩm chất, đạo đức kém, mất uy tín trong Đảng và nhân dân.

3. Thường xuyên chăm lo xây dựng đoàn kết thống nhất về nhận thức và hành động trong tổ chức cơ sở đảng, mà hạt nhân bảo đảm đoàn kết là xây dựng cấp ủy và ban thường vụ cấp ủy.

Các cấp ủy cấp trên, nhất là huyện ủy, thành ủy phải thường xuyên sâu sát chỉ đạo, kiểm tra, giám sát cấp ủy cấp dưới và đảng viên thực hiện, kịp thời phát hiện, xử lý đúng mức những khuyết điểm, yếu kém của tổ chức đảng, đảng viên, không để dây dưa, kéo dài.

4. Thực hiện tốt, đồng bộ tất cả các khâu của công tác cán bộ: đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bố trí, sử dụng và chính sách cán bộ là kết hợp giữa tạo nguồn và sử dụng cán bộ có hiệu quả.

5. Xác định đúng mối quan hệ làm việc giữa cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể nhân dân theo hướng đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị, tạo điều kiện và nâng cao vai trò, trách nhiệm của các tổ chức trong hệ thống chính trị ở cơ sở, là yếu tố bảo đảm cho tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh.

Mấy đề xuất và kiến nghị

- Trung ương sớm xem xét, bổ sung sửa đổi Nghị định số114/2003-NĐ/CP, ngày 10-10-2003, của Chính phủ về cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn và Nghị định số 121/2003-NĐ/CP, ngày 21-10-2003, của Chính phủ về chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn cho phù hợp với tình hình và điều kiện hiện nay. Xác định lại tổ chức bộ máy, biên chế cán bộ xã, phường, thị trấn. Trước mắt cần bổ sung một số chức danh cán bộ không chuyên trách thành cán bộ chuyên trách xã, phường, thị trấn (các chức danh kiểm tra, văn phòng, tuyên giáo, tổ chức, dân vận).

- Đối với đảng viên đã nghỉ hưu, không tham gia công tác, nên quy định đánh giá chất lượng hằng năm cho phù hợp hơn.

- Chủ tịch Hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nếu đáp ứng được yêu cầu, tiêu chuẩn và có đủ tín nhiệm, đề nghị không nhất thiết chỉ được giữ chức vụ không quá 2 nhiệm kỳ.

- Vì xã, phường, thị trấn là một cấp, nên cần thực hiện chính sách liên thông cán bộ từ trên xuống cơ sở.

Đề nghị thực hiện chế độ phụ cấp trách nhiệm đối với cấp ủy viên ở các cấp. Cán bộ chuyên trách và công chức xã, phường, thị trấn khi có yêu cầu điều động công tác ở cấp huyện, cấp tỉnh, cần được ưu tiên bằng những chính sách cụ thể.