TCCSĐT - Hôm nay, 8-12-2012 tại Hà Nội, đã diễn ra Hội nghị Tổng kết 18 năm thi hành pháp luật an toàn - vệ sinh lao động và định hướng triển khai đến năm 2020. Tới dự có Bộ Trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền, Thứ trưởng Bộ Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Bùi Hồng Lĩnh, đồng chí Lê Vân Trình - Uỷ viên đoàn Chủ tịch Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, đồng chí Bùi Sĩ Lợi - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, Cục trưởng Cục an toàn lao động Hà Tất Thắng, các đồng chí Lãnh đạo các bộ, ngành, Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành phố, các đồng chí Giám đốc, Phó giám đốc các Sở, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Sở Y tế, Liên đoàn lao động, Hội nông dân, các Tập đoàn, Tổng công ty và các cán bộ an toàn, vệ sinh lao động. Đặc biệt có sự hiện diện của các vị khách quốc tế, đại diện ILO, WHO, Đại sứ quán Đan Mạch, Nhật Bản, Hàn Quốc.

Công tác an toàn, vệ sinh lao động, chăm lo cải thiện điều kiện lao động, bảo vệ sức khoẻ người lao động, là chính sách kinh tế - xã hội lớn của Đảng và Nhà nước ta, là một nhiệm vụ quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Công tác này trong nhiều năm qua đã được các bộ, ngành, ủy ban nhân dân các cấp quan tâm chỉ đạo và các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức và người lao động tích cực triển khai thực hiện. Vì vậy đã hạn chế được các tai nạn, sự cố trong lao động sản xuất, góp phần ổn định xã hội và phát triển kinh tế của đất nước.

Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Bùi Hồng Lĩnh đã báo cáo tổng kết 18 năm thi hành pháp luật về an toàn - vệ sinh lao động. Theo đó, hệ thống các văn bản Pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động cho người lao động đã được nghiên cứu, bổ sung và sửa đổi để phù hợp với tình hình mới; bộ máy tổ chức và cán bộ làm công tác an toàn, vệ sinh lao động đã được thành lập từ Trung ương đến địa phương và các doanh nghiệp. Công tác thông tin, tuyên truyền được đẩy mạnh và đa dạng hóa, đặc biệt là hệ thống truyền thông đại chúng. Tuần lễ Quốc gia về An toàn - Vệ sinh lao động và Phòng chống cháy nổ hàng năm được sự quan tâm, hưởng ứng của đông đảo người sử dụng lao động và người lao động trong cả nước. Công tác huấn luyện An toàn, vệ sinh lao động được triển khai, tập trung vào các lĩnh vực được ưu tiên như khai thác khoáng sản, xây dựng, điện, hoá chất và trong sản xuất nông nghiệp; công tác nghiên cứu ứng dụng khoa học kỹ thuật được chú trọng và đẩy mạnh; các hoạt động hợp tác quốc tế về an toàn, vệ sinh lao động ngày càng được tăng cường và mở rộng với các tổ chức quốc tế, như: ILO, WHO, WB, ADB và các nước trên thế giới và trong khu vực, hàng năm đã nhận được sự hỗ trợ của các chuyên gia cao cấp và kỹ thuật có chất lượng và thu hút hàng trăm tỷ đồng hỗ trợ cho các hoạt động an toàn, vệ sinh lao động. Chương trình Quốc gia về an toàn lao động, vệ sinh lao động được triển khai rộng khắp trong cả nước, góp phần giảm tần suất tai nạn lao động chết người: năm 2006 tần suất tai nạn lao động chết người là 7 tai nạn trên 100.000 lao động đến năm 2011 là 5,55 tai nạn trên 100.000 người lao động, đã giảm 22% tần suất. 

Mặc dù Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã có cố gắng trong chỉ đạo các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động, bảo vệ sức khoẻ cho người lao động, nhưng việc vi phạm pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động của người sử dụng lao động và người lao động vẫn còn diễn ra nhiều, dẫn đến việc để xảy ra tai nạn lao động vẫn còn nghiêm trọng và phức tạp. Nguyên nhân chủ yếu là do: số lượng doanh nghiệp tăng nhanh trong giai đoạn gần đây; công nghệ sản xuất ở nhiều ngành còn lạc hậu; nhiều ngành, nghề sản xuất mới ra đời, nhất là các ngành có nhiều nguy cơ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp như sản xuất hoá chất, chế tạo, lắp ráp cơ khí hạng nặng; một bộ phận người sử dụng lao động chưa quan tâm đầu tư đúng mức đối với công tác an toàn, vệ sinh lao động; một bộ phận người lao động chưa có ý thức tự bảo vệ mình trong lao động sản xuất; lực lượng thanh tra lao động mỏng nên thanh tra được rất ít các doanh nghiệp; chế tài xử phạt còn nhẹ, còn ít số vụ tai nạn lao động nghiêm trọng bị khởi tố và truy cứu trách nhiệm hình sự bị can, nên tính răn đe còn hạn chế. Hệ thống luật pháp về an toàn, vệ sinh lao động tuy nhiều nhưng phân tán, có việc còn chồng chéo, gây khó khăn cho việc thực thi…

Ngày 24-5-2005, Bộ Chính trị đã có Nghị quyết số 48/NQ-TW về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam và một trong những quan điểm chỉ đạo là xây dựng và hoàn thiện pháp luật nói chung và pháp luật an toàn, vệ sinh lao động nói riêng, đáp ứng yêu cầu của quá trình cải cách tư pháp ở Việt Nam và quá trình hội nhập. Đồng thời, thực hiện Nghị quyết số 20/2011/QH13 ngày 26-11-2011 về Chương trình xây dựng pháp luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIII, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 207/QĐ-Ttg về việc phân công chủ trì soạn thảo các dự án Luật, Pháp lệnh thuộc chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, giao cho Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chủ trì xây dựng Dự thảo Luật an toàn, vệ sinh lao động.

Trên thực tế, Bộ luật Lao động hiện nay chỉ điều chỉnh, áp dụng đối với hoạt động lao động có quan hệ lao động, trong khi đó, công tác an toàn, vệ sinh lao động liên quan đến nhiều đối tượng khác… các quy định về an toàn, vệ sinh lao động trong Bộ luật Lao động hiện nay chủ yếu tập trung vào những yêu cầu đối với người sử dụng lao động, người lao động, các cơ quan quản lý và các chế độ, chính sách cho người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, nhiều tiêu chuẩn, quy chuẩn lạc hậu so với sự phát triển của thực tiễn; Xu thế hội nhập kinh tế thế giới đòi hỏi các nước phải tuân thủ các tiêu chuẩn chung về An toàn, vệ sinh lao động. Việc sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật an toàn, vệ sinh lao động là cơ sở để thúc đẩy thực hiện các công ước đồng thời thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam.

Vì vậy, Hội nghị tổng kết này có ý nghĩa thực tiễn rất quan trọng, nhằm đánh giá tổng thể hệ thống pháp luật, việc triển khai các văn bản, quy định pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động để phát hiện những bất cập, tồn tại, nguyên nhân để đề ra những giải pháp khắc phục trong thời gian tới góp phần hạn chế tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Đồng thời, góp phần tiến tới xây dựng Luật An toàn, vệ sinh lao động và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một cách sát thực, khả thi và phù hợp với điều kiện chính trị, kinh tế - xã hội của Việt Nam. 

Cũng tại Hội nghị, các đại biểu đã được nghe các cơ quan, ban ngành có liên quan tới an toàn, vệ sinh lao động trình bày các báo cáo tham luận như: báo cáo về vai trò của tổ chức công đoàn trong công tác an toàn, vệ sinh lao động của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, báo cáo tổng kết 18 năm thi hành pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động của Bộ Y tế, của ngành công thương, của thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Lào Cai... Báo cáo tổng kết thi hành chính sách trợ cấp cho người bị tai nạn, bệnh nghề nghiệp; Kết quả hoạt động thanh tra, kiểm tra về an toàn, vệ sinh lao động…