Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông”
Theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh, sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 93/2007/QĐ-TTg, các địa phương đã chủ động triển khai thực hiện cơ chế “một cửa” và “một cửa liên thông”.
Trong số 700 đơn vị hành chính cấp huyện trong cả nước, hiện đã có 686 đơn vị triển khai thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông”, đạt 98%. Những đơn vị hành chính cấp huyện cho đến nay chưa triển khai thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” đều là các huyện đảo, các huyện mới thành lập.
Riêng cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” hiện đại, đến nay đã có 42/63 tỉnh, thành phố đang triển khai, trong đó, có 9 tỉnh, thành phố triển khai ở tất cả các đơn vị hành chính cấp huyện là: Bà Rịa - Vũng Tàu, Bắc Giang, Bắc Ninh, Ninh Bình, Cần Thơ, Đà Nẵng, Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Hải Phòng.
Bộ Nội vụ nhấn mạnh, đây là một cơ chế tốt, qua thực hiện đã góp phần nâng cao chất lượng phục vụ của cơ quan hành chính, được người dân, tổ chức đánh giá là một biện pháp cải cách tích cực của chính quyền các địa phương. Qua thực tiễn triển khai đã góp phần định hình tương đối rõ mô hình chuẩn của cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” hiện đại tại ủy ban nhân dân cấp huyện, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả có vai trò hết sức quan trọng, góp phần làm cho hoạt động của cơ quan hành chính hiệu quả hơn, tính công khai, minh bạch của hành chính được thể hiện tốt hơn.
Trên cơ sở đó, Bộ Nội vụ kiến nghị tiếp tục nhân rộng mô hình cơ chế “một cửa” và “một cửa liên thông” nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng phục vụ của cơ quan hành chính đối với tổ chức, công dân thông qua việc nhân rộng triển khai cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” hiện đại tại ủy ban nhân dân cấp huyện giai đoạn 2012 - 2015, với sự hỗ trợ kinh phí từ ngân sách Trung ương.
Cụ thể, xây dựng theo một mô hình chuẩn Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả tại ủy ban nhân dân cấp huyện (được gọi là Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại cấp huyện); xây dựng và triển khai áp dụng thống nhất phần mềm điện tử dùng chung tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại cấp huyện; xác định nguyên tắc, tiêu chí hỗ trợ kinh phí để triển khai thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” hiện đại tại ủy ban nhân dân cấp huyện.
Nhân rộng mô hình “một cửa liên thông” hiện đại
Phát biểu kết luận tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương những kết quả đạt được trong việc thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” trong cả nước thời gian qua. Việc thực hiện cơ chế này đã dần nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân, minh bạch hóa, giảm chi phí, thúc đẩy công tác phòng chống tham nhũng, tạo niềm tin cho nhân dân.
Theo Phó Thủ tướng, kết quả trên là đáng khích lệ, tuy nhiên, chúng ta mới giải quyết bước đầu, người dân còn phàn nàn, kêu ca trong nhiều lĩnh vực như đất đai, xây dựng, thuế khóa, khám chữa bệnh... Do đó, các bộ, ngành, địa phương cần đẩy mạnh công tác này, giám sát chặt chẽ việc thực hiện trên tinh thần của cơ chế “một cửa” là không cần gặp người giải quyết trực tiếp mà vẫn giải quyết được công việc, có như vậy mới đem lại lợi ích thiết thực cho nhân dân.
Cần thống nhất về nhận thức và hành động cụ thể về bộ phận một cửa cấp huyện. Bởi xác định đây là nơi tiếp nhận hồ sơ giải quyết cho nhân dân, sau đó giao cho các cơ quan chuyên môn giải quyết và trả lại kết quả cho nhân dân. Người tiếp nhận không phải là văn thư mà phải là cán bộ am hiểu pháp luật để hướng dẫn người dân khi đến với bộ phận này.
Trên cơ sở đó, Phó Thủ tướng giao cho Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan sớm xây dựng đề án về vấn đề một cách đầy đủ, bao quát, tiếp thu đầy đủ ý kiến của các ngành, địa phương. Đồng thời, khẩn trương tiến hành soạn thảo việc sửa đổi Quyết định 93/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng về vấn đề này, đáp ứng yêu cầu mới của thực tiễn hiện nay nhằm nâng cao chất lượng và nhân rộng mô hình này ra các địa phương.
Theo đó, với 400 bộ phận “một cửa”, “một cửa liên thông” hiện đại sẽ được thành lập trong thời gian tới, Trung ương sẽ hỗ trợ một phần kinh phí để triển khai chủ trương này, các địa phương xem xét ngân sách để hỗ trợ và tận dụng cơ sở vật chất của bộ phận một cửa hiện nay, lồng ghép các chương trình mục tiêu như chương trình phần mềm chuẩn dùng chung, đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng cán bộ…
Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành chỉ đạo tích cực, chủ động triển khai “một cửa”, “một cửa liên thông” hiện đại. Kiểm tra, giám sát chặt chẽ quá trình thực hiện với sự vào cuộc và quyết tâm chính trị của người đứng đầu để bảo đảm việc xây dựng cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” hiện đại hướng đến nền hành chính chuyên nghiệp, hiệu quả trên cơ sở đẩy mạnh các giao dịch công, giao dịch điện tử, áp dụng công nghệ thông tin như: xây dựng phần mềm dùng chung để công khai, minh bạch, hạn chế tình trạng cán bộ hách dịch, cửa quyền trong giao tiếp, xử lý công việc của công dân.
Tiếp tục niêm yết công khai tất cả các thủ tục hành chính tại trụ sở các cơ quan đơn vị, nhất là tại cơ quan tiếp nhận, thụ lý, giải quyết công việc cho nhân dân. Các bộ, ngành, địa phương phải thực hiện hiệu quả những phản ánh, kiến nghị của công dân đối với công tác này, đồng thời tăng cường kiểm tra đôn đốc việc thực hiện “một cửa”, “một cửa liên thông”. Vận dụng phù hợp việc trả thêm phụ cấp cho người làm công tác này.
Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh, kết quả công tác cải cách thủ tục hành chính vừa qua đã mang lại kết quả, nhưng mới là bước đầu, thủ tục vẫn nhiều, rườm rà, chi phí của người dân và doanh nghiệp vẫn còn nhiều. Vì vậy, cần sớm xây dựng dự thảo Nghị quyết về cải cách thủ tục hành chính trong một số lĩnh vực trọng tâm. Thực hiện nghiêm túc, có chất lượng công tác cải cách thủ tục hành chính. Tập trung chỉ đạo, hoàn thành dứt điểm việc thực thi thủ tục hành chính được quy định trong 25 Nghị quyết của Chính phủ.
Trong tổng số 203 Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp huyện, số bộ phận có giao dịch mỗi năm từ 5.000 lần trở lên chiếm 62%, từ 10.000 lần trở lên chiếm 41% và từ 20.000 lần trở lên chiếm 15%.
Những bộ phận có giao dịch nhiều trong năm 2011 là: quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh trên 500.000; thành phố Pleiku, Gia Lai, 87.815 lần; thị xã Dĩ An, Bình Dương, 77.583 lần; thị xã Thuận An, Bình Dương, 66.673 lần, thành phố Quy Nhơn, Bình Định, 58.249 lần; huyện Từ Liêm, thành phố Hà Nội, 50.582 lần.../.
Đào tạo trình độ thạc sĩ từ 1-2 năm  (04/12/2012)
Nhật Bản bắt đầu cuộc vận động tranh cử Hạ viện  (04/12/2012)
GDP của Thành phố Hồ Chí Minh ước tính tăng 9,2%  (04/12/2012)
Tháng 1-2013, Việt Nam và Ukraine khởi động đàm phán FTA  (04/12/2012)
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay