TCCSĐT - Ngày 18-11-2012 tại thủ đô Phnôm Pênh, Cam-pu-chia, đã diễn ra Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 21 với chủ đề “ASEAN: Một Cộng đồng, một vận mệnh”, mở đầu cho một loạt các Hội nghị Cấp cao của ASEAN và giữa ASEAN với các Đối tác diễn ra từ ngày 18 đến ngày 20-11-2012.
1. Mỹ sẽ vượt A-rập Xê-út trở thành nước sản xuất dầu lớn nhất thế giới

Ngày 12-11-2012, Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) công bố bản báo cáo đánh giá hằng năm, trong đó nhận định Mỹ sẽ vượt A-rập Xê-út và Nga vào năm 2017 để trở thành quốc gia sản xuất dầu lớn nhất thế giới. Theo báo cáo của IEA, lượng dầu nhập khẩu của Mỹ hiện chiếm khoảng 20% nhu cầu tiêu thụ nội địa, nhưng đến năm 2035, nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể đạt được mục tiêu hoàn toàn độc lập về năng lượng, bao gồm các nguồn như dầu thô, khí đốt và than. Với đà đẩy mạnh khai thác như hiện nay, đến năm 2015, sản lượng khai thác dầu của Mỹ có thể đạt 10 triệu thùng/ngày, năm 2020 11,1 triệu thùng/ngày và đến năm 2035 sẽ nâng lên mức 12,3 triệu thùng/ngày. Trong khi đó, sản lượng khai thác của Nga, quốc gia trong thập kỷ qua vươn lên ngang tầm, thậm chí sắp vượt cả A-rập Xê-út, đến năm 2020 dự báo vẫn giữ ở mức trên 10 triệu thùng/ngày, sau đó đến năm 2035 sẽ giảm xuống 9 triệu thùng/ngày. Trong thời gian từ nay đến 2035, Nga sẽ trở thành nước xuất khẩu năng lượng lớn nhất thế giới, bao gồm cả dầu, khí đốt và than, dự kiến nguồn thu tăng từ 380 tỷ USD năm 2011 lên 410 tỷ USD vào năm 2035. Sự bùng nổ về sản lượng khai thác dầu khí ở Mỹ cũng sẽ làm chuyển hướng nguồn dầu xuất khẩu của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu của thế giới (OPEC), theo đó vào năm 2035 sẽ có 90% nguồn dầu từ Trung Đông được xuất sang thị trường châu Á.

2. Hội thảo quốc tế về an ninh hàng hải

Ngày 13-11-2012, Hải quân In-đô-nê-xi-a (AL) đã tổ chức cuộc hội thảo quốc tế về an ninh hàng hải, với chủ đề “Xây dựng một nhận thức về an ninh hàng hải dựa trên lợi ích quốc gia vì sự thành công của công cuộc xây dựng đất nước”. Tại cuộc hội thảo, các quan chức và chuyên gia quân sự, an ninh chia sẻ nhận thức về tầm quan trọng chiến lược của an ninh biển đối với an ninh và phát triển của quốc gia. Hội thảo đánh giá môi trường an ninh, an toàn hàng hải ở Đông Nam Á và nhiều khu vực khác trên thế giới đang và sẽ tiếp tục bị đe dọa bởi sự tồn tại đan xen phức tạp của các yếu tố an ninh truyền thống và phi truyền thống như thiên tai, khủng bố, cướp biển, vận chuyển vũ khí trái phép, đánh bắt cá bất hợp pháp, nguy cơ chạy đua vũ trang, đụng độ quân sự trên biển và tranh chấp chủ quyền lãnh hải trên Biển Đông. Các chuyên gia hải quân và an ninh nhận xét, trong tình hình hiện nay, các quốc gia biển đều tăng cường công tác bảo vệ bờ biển, chủ quyền lãnh hải và an ninh trên các vùng biển thuộc chủ quyền, nhằm vừa bảo đảm an ninh quốc gia, vừa phục vụ giao thương, khai thác các nguồn lợi dầu khí, thủy, hải sản, nghiên cứu khoa học, bảo vệ môi trường biển,... Ở cấp độ khu vực, các nước cần phối hợp duy trì một trật tự tốt trên biển, trên cơ sở tuân thủ các điều luật quốc tế liên quan, cho phép các nước theo đuổi lợi ích và phát triển các nguồn lợi về thủy hải sản một cách hợp pháp, bền vững. Việc tạo dựng và duy trì an ninh trên biển là hết sức quan trọng đối với việc giảm thiểu nguy cơ chiến tranh, nạn cướp biển, khủng bố và các hình thức tội phạm trên biển khác.

3. Mỹ - Ô-xtrây-li-a hướng đến châu Á - Thái Bình Dương


 
 Từ trái: Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ L. Pa-nét-ta, Bộ trưởng Quốc phòng Ô-xtrây-li-a X. Xmít, Ngoại trưởng Mỹ H. Clin-tơn và Ngoại trưởng Ô-xtrây-li-a B. Ca tại thành phố Pớt


Ngày 14-11-2012, Hội nghị tham vấn cấp Bộ trưởng Ngoại giao - Quốc phòng giữa Mỹ và Ô-xtrây-li-a (AUSMIN 2012) đã diễn ra tại thành phố Pớt (Perth), Ô-xtrây-li-a. Phát biểu sau các cuộc thảo luận, Ngoại trưởng Ô-xtrây-li-a Bốp Ca (Bob Carr) cho biết Can-bê-ra và Oa-sinh-tơn chia sẻ mục tiêu chung nhằm đạt được hòa bình và ổn định lâu dài tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Hi-la-ri Clin-tơn (Hillary Clinton) cho rằng mối quan hệ đồng minh Mỹ - Ô-xtrây-li-a giúp bảo đảm hòa bình, thịnh vượng ở châu Á - Thái Bình Dương. Quan hệ ngoại giao, kinh tế và an ninh giữa Mỹ và Ô-xtrây-li-a “không tách rời” và quyết định sự can dự của Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương. Tại AUSMIN 2012, hai bên cũng thảo luận về khả năng mở rộng hợp tác hải quân, tuy nhiên, nhấn mạnh mọi lựa chọn đều cần “nghiên cứu thực tế hơn”. Mỹ và Ô-xtrây-li-a cũng bắt đầu thảo luận về khả năng tăng sự hiện diện của hải quân Mỹ ở các cảng của Ô-xtrây-li-a. Về phần mình, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lê-ôn Pa-nét-ta (Leon Panetta) khẳng định trọng tâm của Mỹ là tái cân bằng lực lượng ở Thái Bình Dương và cho biết đã thảo luận với Can-bê-ra về khả năng đưa một lực lượng đặc nhiệm Ô-xtrây-li-a tới Áp-gha-ni-xtan sau năm 2014.

4. Kinh tế châu Âu suy thoái lần thứ hai

Ngày 15-11-2012, Cơ quan thống kê châu Âu (Eurostat) cho biết Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) lại lâm vào suy thoái lần thứ hai kể từ năm 2009 bất chấp những tăng trưởng khiêm tốn của Đức và Pháp. Theo Eurostat, GDP của khu vực đồng tiền chung châu Âu đã giảm 0,1% vào giữa tháng 7 và 9-2012, sau khi đã trượt 0,2% trong ba tháng trước đó. Thống kê mới nhất này được đưa ra chỉ một ngày sau khi hàng triệu công nhân tại châu Âu tiến hành “ngày hành động” để phản đối các chính sách khắc khổ. 

Các chính sách khắc khổ tại nhiều nước, hầu hết là ở phía Nam Âu, đã kết hợp việc tăng thuế với cắt lương tháng, lương hưu và phúc lợi xã hội. Trong một thông cáo đưa ra ngày 16-11, Ủy ban châu Âu (EC) nêu rõ Liên minh châu Âu (EU) đã lên kế hoạch trợ cấp 25 triệu ơ-rô cho hơn 5.000 người bị mất việc làm tại bảy nước thành viên, gồm Áo, Đan Mạch, Tây Ban Nha, I-ta-li-a, Rô-ma-ni-a, Phần Lan và Thụy Điển. Tuy nhiên, Liên minh châu Âu không thể thực hiện được kế hoạch này do phiên họp Hội đồng Liên minh châu Âu về vấn đề ngân sách cho toàn khối đã bị đổ vỡ. Nguyên nhân chính là do các nhà lãnh đạo châu Âu bất đồng về việc đóng góp thêm kinh phí cho một loạt chương trình trợ giúp của châu Âu. 

5. Mỹ - Áp-gha-ni-xtan bàn Hiệp định an ninh song phương

Ngày 15-11-2012, tại Ca-bun, các quan chức Mỹ và Áp-gha-ni-xtan đã chính thức bước vào cuộc thảo luận về Hiệp định An ninh song phương (BSA). Đại sứ Áp-gha-ni-xtan tại Mỹ Ê-klin Ha-ki-mi (Eklil Hakimi) cho biết tiến trình đàm phán trên được khởi động sau khi hai nước ký kết Thỏa thuận Đối tác chiến lược nhân chuyến thăm Áp-gha-ni-xtan của Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma (Barack Obama) hồi đầu tháng 5 vừa qua. BSA được mong đợi tạo cơ sở pháp lý cho các lực lượng vũ trang và các thành phần dân sự Mỹ tiếp tục hiện diện tại Áp-gha-ni-xtan. Tại cuộc thảo luận quan trọng dự kiến kéo dài vài tháng này, Đại sứ Ê. Ha-ki-mi dẫn đầu phái đoàn Áp-gha-ni-xtan, còn phụ trách phái đoàn Mỹ là Giêm Oa-líc (James Warlick), Phó đặc phái viên của Mỹ về Áp-gha-ni-xtan và Pa-ki-xtan. Khoảng 100.000 lính thuộc lực lượng quốc tế do NATO đứng đầu, trong đó có hơn 60.000 lính Mỹ, đang đóng tại Áp-gha-ni-xtan và dự kiến sẽ rút khỏi nước này vào cuối năm 2014. BSA, nếu được ký kết, sẽ bảo đảm cho sự hiện diện quân sự của Mỹ tại đây ít nhất vài năm nữa sau thời điểm nói trên, song đây là vấn đề gây bất đồng và tranh luận trong nội bộ Áp-gha-ni-xtan lẫn các nước láng giềng. I-ran đã cảnh báo rằng sự hiện diện quân sự lâu dài của Mỹ tại Áp-gha-ni-xtan sẽ gây bất ổn cho khu vực.

6. Diễn đàn an ninh quốc tế Ha-li-phách ở Ca-na-đa

Từ ngày 16 đến ngày 18-11-2012, Diễn đàn an ninh quốc tế Ha-li-phách (Halifax) lần thứ tư đã khai mạc tại thành phố Ha-li-phách, Ca-na-đa. Theo tuyên bố chính thức của Diễn đàn, những vấn đề an ninh cấp bách được thảo luận tại diễn đàn năm nay bao gồm ảnh hưởng của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đối với thế giới, tình hình xung đột tại Xy-ri, sự phát triển không ngừng của Trung Quốc, an ninh năng lượng, an ninh mạng và chiến tranh hiện đại. Phát biểu với báo giới, Bộ trưởng Quốc phòng Ca-na-đa Pi-tơ Mác-cây (Peter MacKay) nhấn mạnh Diễn đàn an ninh quốc tế Ha-li-phách đã trở thành một sự kiện quan trọng, nơi các nhà lãnh đạo và các chuyên gia thảo luận về những vấn đề an ninh toàn cầu khẩn cấp nhất. Diễn đàn an ninh quốc tế Ha-li-phách là hội nghị không chính thức để các nhà hoạch định chính sách từ các chính phủ, quân đội, giới kinh doanh, học giả và truyền thông cùng hợp tác để ứng phó các mối đe dọa ngày càng gia tăng trong một thế giới có nhiều thay đổi. Diễn đàn là nơi các nhà lãnh đạo và chuyên gia tự do thảo luận, học hỏi lẫn nhau, trao đổi ý kiến và đưa ra các sáng kiến mới. Diễn đàn an ninh quốc tế Ha-li-phách là một tổ chức phi lợi nhuận, phi đảng phái có trụ sở tại thủ đô Oa-sinh-tơn, Mỹ.

7. Diễn đàn an ninh châu Á - Thái Bình Dương tại Trung Quốc

Từ ngày 16 đến ngày 18-11-2012, hơn 60 chuyên gia nghiên cứu quân sự từ 21 quốc gia đã tham dự diễn đàn Hương Sơn tại thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc để thảo luận vấn đề an ninh ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Diễn đàn Hương Sơn lần thứ tư này là một sự kiện diễn ra hai năm một lần, do Hiệp hội Khoa học quân sự Trung Quốc tổ chức, nhằm thúc đẩy việc trao đổi ý kiến trong giới học giả quân sự từ khắp nơi trên thế giới. Với chủ đề “An ninh châu Á - Thái Bình Dương: Những thách thức và ý tưởng mới”, diễn đàn năm nay kéo dài ba ngày với nhiều cuộc thảo luận về đánh giá tình hình và triển vọng hợp tác khu vực trong an ninh không gian, độ an toàn của Internet cũng như những cách thức tăng cường sự tin cậy chiến lược lẫn nhau trong khu vực. Diễn đàn Hương Sơn được tổ chức lần đầu tiên năm 2006, sau đó lần lượt diễn ra trong năm 2008 và năm 2010.

8. Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 21 


 
 Thủ tướng Cam-pu-chia Hun Xen
 phát biểu khai mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 21


Ngày 18-1-2012 tại thủ đô Phnôm Pênh, Cam-pu-chia, đã diễn ra Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 21 với chủ đề “ASEAN: Một Cộng đồng, một vận mệnh”, mở đầu cho một loạt các Hội nghị Cấp cao của ASEAN và giữa ASEAN với các Đối tác diễn ra từ 18 đến ngày 20-11-2012. Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Chính phủ Hoàng gia Cam-pu-chia Hun Xen đánh giá cao các kết quả quan trọng trong hợp tác ASEAN thời gian qua, đồng thời đề xuất các trọng tâm và ưu tiên tại các Hội nghị lần này: Triển khai hiệu quả Lộ trình xây dựng Cộng đồng, Kế hoạch tổng thể về Kết nối ASEAN, thực hiện tốt các thỏa thuận về liên kết kinh tế, thu hẹp khoảng cách phát triển; Thúc đẩy thực hiện Hiến chương và các khuôn khổ pháp lý kèm theo, trong đó có Nghị định thư của Hiến chương ASEAN về Cơ chế giải quyết tranh chấp; nâng cao “văn hóa thực thi” trong ASEAN; Bảo đảm hòa bình, ổn định ở khu vực, trong đó có triển khai hiệu quả Kế hoạch tổng thể xây dựng Cộng đồng Chính trị - An ninh ASEAN (APSC), Hiệp ước Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân (SEANWFZ), Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC),... bảo đảm vai trò trung tâm của Hiệp hội trong cấu trúc khu vực đang định hình, đi đôi với tăng cường quan hệ hợp tác với các đối tác vì các mục tiêu chung của khu vực; và Thúc đẩy cơ chế phối hợp trong ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác để ứng phó với các thách thức ở khu vực. Tại lễ khai mạc, các nhà lãnh đạo ASEAN đã chính thức công bố thành lập Viện nghiên cứu Hòa bình và Hòa giải ASEAN (AIPR) nhằm thúc đẩy hợp tác trong ASEAN về giải quyết hòa bình tranh chấp, cũng như trong lĩnh vực chính trị - an ninh nói chung./.