TCCSĐT – Ngày 4-11-2012, Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) bắt đầu nhóm họp hai ngày tại thủ đô Mê-xi-cô nhằm thảo luận thực trạng kinh tế thế giới nói chung.
1. Pa-na-ma thông qua Hiệp định đối tác với Liên minh châu Âu

Chiều 29-10-2012, Bộ Thương mại và Công nghiệp Pa-na-ma (MPCI) cho biết quốc gia Trung Mỹ này đã thông qua Hiệp định đối tác với Liên minh châu Âu (EU) nhân chuyến thăm Pa-na-ma của đoàn đại biểu Nghị viện châu Âu. Hiệp định đối tác Trung Mỹ - EU, trong đó có Pa-na-ma, là hiệp định đầu tiên mà EU đàm phán với một khu vực khác trên thế giới. Văn bản trên đã được điều chỉnh một số chi tiết và sẽ được trình lên Quốc hội Pa-na-ma trong vài ngày tới. Trước đó, Quốc hội Ni-ca-ra-goa đã thông qua Hiệp định đối tác Trung Mỹ - EU được xây dựng trên ba trụ cột chính là chính trị, thương mại và hợp tác, thông qua quá trình đàm phán kéo dài từ 2007-2010 và được ký kết vào tháng 6-2012. Hiệp định đối tác Trung Mỹ - EU sẽ tạo ra thị trường gồm 540 triệu người tiêu dùng, cắt giảm 87,3% thuế quan đối với hàng hóa Trung Mỹ vào EU và 67,4% thuế đối với hàng EU vào các nước Cô-xta Ri-ca, En Xan-va-đo, Goa-tê-ma-la, Hôn-đu-rát, Ni-ca-ra-goa và Pa-na-ma.

2. IMF thúc giục các nước phát triển củng cố ngân sách

Các nền kinh tế lớn trên thế giới cần tăng cường củng cố ngân sách nhằm làm giảm thâm hụt nợ công trong dài hạn, trong khi các nền kinh tế mới nổi nên nới lỏng chính sách tiền tệ để kích thích kinh tế tăng trưởng. Đây là phát biểu của Tổng giám đốc Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) Crít-tin La-gác-đơ (Christine Lagarde) sau cuộc gặp ngày 30-10-2012 với Thủ tướng Đức An-giê-la Méc-ken (Angela Merkel) và lãnh đạo các tổ chức kinh tế của Liên hợp quốc (UN), tại thủ đô Béc-lin, Đức. Bà C. La-gác-đơ cho rằng nền kinh tế thế giới đang phục hồi một cách khó khăn từ cuộc khủng hoảng tài chính. Các ngân hàng trung ương trên thế giới, đặc biệt là tại các nước phát triển đóng vai trò ngày càng quan trọng trong việc phối hợp với chính phủ nhằm củng cố ngân sách, thúc đẩy kinh tế tăng trưởng. Về phần mình, Thủ tướng Đức A. Méc-ken cho rằng, sự phục hồi của nền kinh tế thế giới hiện nay còn nhiều bấp bênh và không ổn định. Triển vọng tăng trưởng của kinh tế thế giới thấp hơn so với kỳ vọng. Tổng giám đốc IMF và Thủ tướng Đức cũng thúc giục các nước sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) thúc đẩy tăng trưởng và nâng cao khả năng cạnh tranh thông qua cải cách trong bối cảnh cuộc khủng hoảng nợ công đang hoành hành tại khu vực này.

3. Vận động bầu cử năm 2012 tại Mỹ tốn kém nhất lịch sử

 
Tổng số tiền quyên góp riêng cho ghế ứng cử viên tổng thống Mỹ năm 2012 cao kỷ lục

Theo nghiên cứu của Trung tâm Phản hồi chính trị Mỹ chuyên phân tích chi phí bầu cử Mỹ, công bố ngày 31-10-2012 trên trang mạng http://opensecrets.org, riêng khoản chi cho cuộc bầu cử - là cuộc đua song mã giữa Tổng thống đương nhiệm Ba-rắc Ô-ba-ma (Barack Obama) và đối thủ Mít Rôm-ni (Mitt Rommey) - đã tiêu tốn 2,6 tỷ USD, chủ yếu chi cho các ứng cử viên tổng thống và các ủy ban chủ chốt của hai chính đảng (khoảng 2 tỷ USD) và đại hội đảng toàn quốc. Chi phí cho cuộc chạy đua vào Thượng viện và Hạ viện Mỹ trong năm nay dự tính tăng nhẹ lên 1,82 tỷ USD so với mức 1,81 tỷ USD trong năm 2010. Phát biểu trước báo giới, Giám đốc điều hành Trung tâm phản hồi chính trị Sê-i-la Krum-hôn (Sheila Krumholz) nhận định chi tiêu gia tăng là do xuất hiện nhiều cá nhân và tổ chức với những khoản đóng góp lớn sau khi các điều kiện về đóng góp năm 2012 được nới lỏng hơn. Nghiên cứu trên nhận định nhìn chung, cuộc bầu cử năm 2012 dự tính sẽ vượt cả mức chi 5,8 tỷ USD của cuộc bầu cử tốn kém nhất cách đây bốn năm. Nguyên nhân phần lớn là do có khoản tiền 970 triệu USD được các nhóm bên ngoài chi cho các chiến dịch quảng bá cho ứng cử viên họ ủng hộ, tiến hành đồng thời với các chiến dịch bôi xấu hình ảnh đối thủ cạnh tranh. Báo cáo cập nhật về các hoạt động quyên góp tranh cử trình lên Ủy ban Bầu cử quốc gia cho biết tổng số tiền quyên góp riêng cho ghế ứng cử viên tổng thống đến tối 25-10-2012 đã vượt ngưỡng 2 tỷ USD so với 1,8 tỷ USD cùng kỳ năm 2008, trong đó, riêng hai ứng cử viên đã quyên góp được 1,7 tỷ USD. Số tiền đóng góp cao kỷ lục này phản ánh thái độ háo hức của cả các cử tri lẫn các tổ chức chính trị muốn tác động vào việc lựa chọn vị tổng thống thứ 45 của nước Mỹ vào ngày 6-11-2012.

4. Hội đồng hợp tác an ninh Nga - Pháp

Ngày 31-10-2012, Tổng thống Pháp Phrăng-xoa Hô-lan-đơ (Francois Hollande) đã tiếp Ngoại trưởng Nga Xéc-gây La-vrốp (Sergey Lavrov) và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Nga A-na-tô-li Xe-rơ-điu-cốp (Anatoli Serdyukov) trong thời gian hai nhà lãnh đạo này của Nga tới Pháp tham gia kỳ họp lần thứ 11 Hội đồng hợp tác an ninh Nga - Pháp. Tại buổi tiếp, hai bên thảo luận về triển vọng tăng cường quan hệ đối tác chiến lược giữa Pháp và Nga, cũng như đề cập kết quả đạt được trong cuộc gặp theo hình thức 2+2 nói trên (giữa các bộ trưởng quốc phòng và ngoại giao hai nước). Tại kỳ họp Hội đồng hợp tác an ninh lần này, hai bên đã thảo luận biện pháp tăng cường hợp tác trong nhiều lĩnh vực, như sớm triển khai các dự án Pháp chế tạo máy bay lên thẳng lớp Mistral cho lực lượng không quân Nga. Hai bên khẳng định tiến trình hợp tác chống cướp biển Nga - Pháp tại vùng vịnh A-đen trong ba năm qua đạt kết quả tốt. Nga có thể cung cấp máy bay trinh sát Il-38 để triển khai tại căn cứ không quân của Pháp tại Gi-bu-ti (Gibuti), nhằm tiếp tục những nỗ lực chống cướp biển tại khu vực Sừng châu Phi này. Bên cạnh đó, Nga và Pháp cũng thảo luận về quan hệ hợp tác của hai nước trong các vấn đề an ninh tại châu Âu, về hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ,... Đề cập các vấn đề quốc tế, hai bên thảo luận tình hình Ma-li, Áp-ghan-ni-xtan, vấn đề hạt nhân của I-ran. Ngoại trưởng Pháp Lo-ren Pha-bi-ớt (Laurent Fabius) cho biết Pháp và Nga đã đạt được nhiều đồng thuận trong các vấn đề trên, tuy nhiên vẫn chưa thể thu hẹp bất đồng về vai trò của Tổng thống Xy-ri Ba-sa An-A-xát (Bashar al-Assad) trong bất cứ chính quyền chuyển tiếp nào của quốc gia Trung Đông này.

5. Diễn đàn quốc phòng Tô-ki-ô

Ngày 31-10-2012, Diễn đàn Quốc phòng Tô-ki-ô (Tokyo) thường niên (TDF) diễn ra tại thủ đô Tô-ki-ô của Nhật Bản mà không có sự tham dự của Trung Quốc. Trong diễn văn khai mạc, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Nhật Bản Xa-tô-chi Mô-ri-mô-tô (Satoshi Morimoto) cho biết diễn đàn sẽ tiếp tục thảo luận vai trò của Mỹ trong việc đối phó với các thách thức trong khu vực. Phát biểu với các phóng viên sau diễn văn khai mạc, Bộ trưởng X. Mô-ri-mô-tô cho biết phía Nhật Bản đã có ý định trao đổi một số quan điểm với Trung Quốc tại diễn đàn quốc tế này, song phía Bắc Kinh đã không tham dự. Báo chí Nhật Bản đưa tin sự vắng mặt của Trung Quốc tại diễn đàn TDF năm nay là do căng thẳng giữa hai nước liên quan đến tranh chấp lãnh hải. Diễn đàn TDF do Bộ Quốc phòng Nhật Bản tổ chức thường niên từ năm 1996, với mục đích góp phần vào ổn định ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, thông qua việc tạo một diễn đàn để quan chức quốc phòng các nước trao đổi ý kiến hoặc giao lưu quốc phòng trong khu vực. Khủng hoảng ngoại giao giữa Tô-ki-ô và Bắc Kinh gia tăng nghiêm trọng sau khi Nhật Bản mua ba trong số năm đảo thuộc quần đảo tranh chấp mà Nhật Bản gọi là Xên-ca-c (Senkaku), còn Trung Quốc gọi là Điếu Ngư.

6. Hội thảo kỷ niệm 10 năm DOC

Ngày 1-11-2012, tại thủ đô Phnôm Pênh (Phnom Penh) của Cam-pu-chia, các quan chức cấp cao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Trung Quốc đã tiến hành hội thảo nhân kỷ niệm 10 năm ra đời văn kiện có tên Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). Trong bài diễn văn khai mạc hội thảo này, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Cam-pu-chia Hô Nam-hông (Hor Namhong) tuyên bố rằng hội thảo là cơ hội để hai bên, ASEAN và Trung Quốc, thực sự xem xét lại cách thức duy trì sức sống của DOC để giải quyết vấn đề hiện nay trên Biển Đông. Ông Hô Nam-hông tái khẳng định việc ASEAN và Trung Quốc trước đó đã ký kết văn kiện quan trọng nêu trên tại Phnôm Pênh vào năm 2002 nhằm mục đích biến biển Đông mãi trở thành vùng biển của hòa bình lâu dài, ổn định, hữu nghị và hợp tác vì lợi ích chung của các bên. Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc, bà Phó Oánh cho rằng cuộc hội thảo này là cơ hội hiếm để tiếp tục tăng cường củng cố sự tin cậy lẫn nhau, thúc đẩy hợp tác, cùng giữ gìn hòa bình, ổn định trên biển Đông. Bà Phó Oánh cũng khẳng định Trung Quốc cam kết thực hiện đầy đủ và có hiệu quả DOC, sẵn sàng hợp tác với các quốc gia thành viên ASEAN để không ngừng nỗ lực triển khai DOC.

7. Hội nghị các quan chức cấp cao ASEM


Trong hai ngày 2 và 3-11-2012, Hội nghị quan chức cấp cao ASEM (ASEM SOM) đã diễn ra tại Trung tâm hội nghị Quốc gia ở thủ đô Viêng Chăn (Vientiane), Lào. Tại hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận nội dung của hai văn kiện quan trọng của ASEM 9 là Dự thảo Tuyên bố Viêng Chăn về việc thắt chặt quan hệ đối tác vì hoà bình và phát triển và Dự thảo Tuyên bố của Chủ tịch ASEM 9 và những vấn đề khác như lễ tân, chương trình nghị sự của các nhà lãnh đạo ASEM,... Hội nghị cấp cao ASEM diễn ra trong bối cảnh hai châu lục và thế giới đang gặp những thách thức thuận lợi đan xen, nhất là việc phục hồi kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn, bên cạnh đó ảnh hưởng biến đổi khí hậu, an ninh lương thực, xung đột tôn giáo,… là những vấn đề không nhỏ mà các nước quan tâm. Do đó, việc gia tăng hợp tác, đối thoại, duy trì hòa bình, ổn định hai hai châu lục sẽ là những vấn đề ưu tiên tại hội nghị lần này. Viêc kết nạp thêm ba thành viên mới là Băng-la-đét, Na Uy và Thụy Sỹ tại hội nghị lần này đã khẳng định vị thế và tiềm năng hợp tác của ASEM ngày càng rộng mở, vững chắc.

8. Hội nghị của Hiệp hội hợp tác khu vực vành đai Ấn Độ Dương

Ngày 2-11-2012, Hội nghị cấp bộ trưởng Hiệp hội hợp tác khu vực vành đai Ấn Độ Dương (Indian Ocean Rim-Association for Regional Cooperation -IOR-ARC) đã bế mạc tại Gu-ga-on (Gurgaon), Niu Đê-li (New Delhi), Ấn Độ. Hội nghị đã kết nạp Liên minh Cô-mô-rô-xơ (Comoros) làm thành viên thứ 20 của Hiệp hội. Hội nghị đã thảo luận về tầm quan trọng của khu vực Ấn Độ Dương đối với hoạt động kinh tế và hàng hải, coi đây là tuyến hàng hải chủ chốt trong hoạt động chuyên chở dầu mỏ và các hàng hóa thương mại toàn cầu. Theo ước tính của Ấn Độ, có hơn 97% khối lượng hàng hóa thương mại quốc tế đi qua Ấn Độ Dương. Ấn Độ nhìn nhận IOR-ARC như một cơ quan khu vực có thể phản ứng một cách hiệu quả trước nhu cầu phát triển của khu vực, đồng thời tăng cường khả năng riêng của từng nước cũng như tập thể các nước trong việc đối phó với những thách thức chung của lĩnh vực hàng hải. Tuy nhiên, IOR-ARC vẫn chưa khai thác hết tiềm năng. Theo Ngoại trưởng Xa-lam Khu-sít (Salam Khurshid), mục tiêu của Hội nghị là vạch ra một lộ trình và chương trình nghị sự cho IOR-ARC trong những năm tới, thậm chí cuối cùng sẽ thiết lập IOR-ARC như một tổ chức chính của khu vực Ấn Độ Dương. Ấn Độ sẽ đăng cai một cuộc hội thảo về an ninh hàng hải IOR-ARC vào đầu năm 2013.

9. G20 quan ngại tình hình kinh tế thế giới

Ngày 4-11-2012, Bộ trưởng Bộ Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) bắt đầu nhóm họp hai ngày tại thủ đô thủ đô Mê-xi-cô nhằm thảo luận thực trạng kinh tế thế giới nói chung. Bất chấp nỗ lực của các nước thành viên của cộng đồng quốc tế, nợ công vẫn đeo bám Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) và chưa có dấu hiệu cải thiện. Hai năm đã trôi qua kể từ khi Hy Lạp nhận được gói cứu trợ quốc tế trị giá nhiều tỷ ơ-rô, song “tâm bão” khủng hoảng nợ công vẫn chưa ra khỏi nước này và đặt ra những bài toán nan giải cho giới lãnh đạo châu Âu. A-then buộc phải tiến hành các cuộc đàm phán với bộ ba chủ nợ gồm Liên minh châu Âu (EU), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) về các biện pháp kinh tế khắc khổ để đổi lấy gói cứu trợ mới giúp nước này tránh được nguy cơ vỡ nợ. Trong khi đó, tình hình tài chính của Mỹ cũng là một vấn đề hết sức đáng lo ngại, song giới phân tích cho rằng Oa-sinh-tơn sẽ không có động thái chấn chỉnh cho đến sau cuộc bầu cử tổng thống vào ngày 6-11 tới. Giới chức G20 cho rằng các biện pháp kích thích kinh tế được Ngân hàng Nhật Bản, Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ và ECB thực hiện gần đây vẫn chưa đủ để loại bỏ những nguy cơ suy thoái từ cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu, chính sách cắt giảm chi tiêu công sắp tới tại Mỹ và đà tăng trưởng chậm lại tại các nền kinh tế mới nổi. Theo các quan chức của G20, mặc dù những biện pháp mới nhằm thúc đẩy nền kinh tế mà các ngân hàng trên thực hiện đã phần nào giúp bình ổn các thị trường, chính phủ các nước vẫn cần hành động mạnh mẽ hơn nữa bởi vẫn còn nhiều quan ngại về môi trường kinh tế bất ổn cũng như chính sách tiền tệ chưa đủ lực để giúp vực dậy nền kinh tế toàn cầu./.