Quốc hội thảo luận ở tổ về 2 Dự án Luật

Theo: dangcongsan.vn
06:16, ngày 06-11-2012
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tư Quốc hội khóa XIII, chiều nay 5-11-2012, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân; Dự án Luật Hòa giải cơ sở.

Thảo luận về mức giảm trừ gia cảnh, đa số các đại biểu đồng tình Dự thảo luật, với quy định nâng mức giảm trừ gia cảnh cho bản thân người nộp thuế từ 4 triệu đồng/tháng lên mức 9 triệu đồng/ tháng; mức giảm trừ cho mỗi người phụ thuộc từ 1,6 triệu đồng/ tháng lên mức 3,6 triệu đồng/tháng; đồng thời bổ sung quy định: Khi giá thị trường biến động trên 20% thì Chính phủ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh. Đại biểu Trương Thị Mai (Lâm Đồng) cho rằng, trong hoàn cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, mức lạm phát còn cao hiện nay, mức giảm trừ gia cảnh cho bản thân người nộp thuế lên 9 triệu đồng/ tháng sẽ nhận được sự đồng thuận cao của dư luận.

 

Theo các đại biểu, việc nâng mức giảm trừ gia cảnh sẽ phần nào bảo đảm được diễn biến của chỉ số giá tiêu dùng và sức mua của đồng Việt Nam cũng như đáp ứng tốc độ tăng trưởng GDP đến năm 2014 và những năm tiếp theo. Ý kiến khác lại cho rằng, việc nâng mức giảm trừ gia cảnh sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới nguồn thu ngân sách Nhà nước (cụ thể năm 2013 giảm thu ngân sách nhà nước khoảng 5.200 tỷ đồng; năm 2014 giảm thu khoảng 13.350 tỷ đồng), sẽ làm giảm nguồn lực để bảo đảm thực hiện các nhiệm vụ chi của ngân sách.

 

Đại biểu Phạm Xuân Thường (Thái Bình) cho rằng: Khi chúng ta không nộp được thuế thì lập tức sẽ tác động trở lại với những người có thu nhập thấp, mà lẽ ra tiền thuế chúng ta nộp vào ngân sách Nhà nước có thể sẽ làm được nhiều việc cho những người có thu nhập thấp. Nếu chúng ta giữ nguyên mức như thế này thì bây giờ chúng ta sẽ tăng thêm được số lượng người nộp thuế và số thuế chúng ta thu được nhiều hơn. Vì vậy quan điểm của tôi là chúng ta chưa nên sửa luật thuế thu nhập cá nhân.

 

Thảo luận về Dự án Luật hòa giải cơ sở, những vấn đề được các đại biểu tập trung thảo luận là trách nhiệm của Ủy ban Mặt trận các cấp trong công tác hòa giải; việc công nhận hòa giải viên; giá trị biên bản hòa giải.

 

Về hòa giải viên, nhiều đại biểu cho rằng nên “bầu, công nhận hòa giải viên” hơn là việc lựa chọn, công nhận và giới thiệu hòa giải viên, vì mỗi hòa giải viên được dân bầu sẽ tăng thêm trách nhiệm so với người được giới thiệu. Về những vướng mắc của công tác hòa giải viên ở cơ sở, nhiều đại biểu cho rằng, hiện quản lý Nhà nước về công tác này đang rất yếu do cán bộ tư pháp, hộ tịch xã, phường, thị trấn chưa dành nhiều thời gian, tâm huyết. Trình độ chuyên môn của các hòa giải viên cơ sở cũng rất hạn chế, thiếu kỹ năng thuyết phục. Việc tập huấn cho hòa giải viên chậm đổi mới, tài liệu chưa phù hợp với trình độ của đội ngũ hòa giải viên cơ sở.

 

Sáng 6-11-2012, Quốc hội thảo luận tại tổ về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992; Dự thảo nghị quyết về việc lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Chiều cùng ngày, Quốc hội thảo luận về Dự án Luật Đất đai (sửa đổi)./.