Phát triển Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đã tạo ra điểm nhấn quan trọng làm thay đổi cơ cấu nền kinh tế. Tuy nhiên bên cạnh những mặt tích cực vùng này lại đang tồn tại nhiều điểm bất hợp lý, và để phát huy hiệu quả hơn nữa, rất cần phải có những chính sách đột phá. Bài viết này là một cách tiếp cận.

Trong những năm thập niên 80 của thế kỷ trước, Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam ra đời trên cơ sở tam giác kinh tế: Thành phố Hồ Chí Minh - Vũng Tàu - Biên Hòa. Đầu những năm 90, Vùng kinh tế trọng điểm được mở rộng ra cả Bình Dương, sau đó thêm 3 tỉnh Bình Phước, Tây Ninh, Long An. Đến năm 2004, bổ sung thêm Tiền Giang. Như vậy, Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam hiện nay bao gồm 8 tỉnh, sau hơn 20 năm phát triển đã trở thành Vùng kinh tế quan trọng nhất nước ta.

Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với diện tích trên 30 nghìn km2, chiếm 9,2% diện tích của cả nước. Dân số toàn vùng năm 2005 có 14,7 triệu người, chiếm gần 18% dân số cả nước. Đây là vùng có tỷ lệ đô thị hóa cao nhất nước, tỷ lệ dân đô thị chiếm trên 50%, cao gấp 1,8 lần so với mức trung bình của cả nước. Nhìn ở góc độ khái quát, sau hơn 20 năm xây dựng và phát triển Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đã đạt được những thành tựu:

Trước hết, đây là một vùng kinh tế năng động vào bậc nhất Việt Nam, sự năng động ấy thể hiện ở đội ngũ cán bộ giàu sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, có quyết tâm cao góp phần làm cho môi trường kinh doanh của cả vùng trở nên hấp dẫn nhất. Nếu cả nước có 9 tỉnh, thành phố có chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh về môi trường kinh doanh tốt ở Việt Nam (chỉ số PCI), thì Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam có 4 tỉnh (năm 2006);

Tốc độ tăng trưởng của vùng đạt trên 8% (2000 - 2006); nhiều tỉnh có sự phát triển kinh tế thần kỳ, được coi là điểm sáng của cả nước như Bình Dương, Đồng Nai... cơ cấu kinh tế chuyển dịch mạnh từ nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ. Nhiều mô hình quản lý hành chính tiên tiến như mô hình dịch vụ hành chính "một cửa" áp dụng thành công ở Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, được phổ biến rộng rãi khắp cả nước.

Cựu Thủ tướng Lý Quang Diệu của Xin-ga-po trong chuyến thăm Việt Nam đầu năm 2007 phát biểu: Nên học tập miền Nam cách làm kinh tế.

Hiện nay, GDP của vùng chiếm trên 40% GDP của Việt Nam. GDP tính trên đầu người khoảng 22 triệu đồng (năm 2005), gấp 2,4 lần so với mức bình quân của cả nước. Giá trị sản xuất công nghiệp của vùng là 469.286,20 tỉ đồng, chiếm 58% công nghiệp của cả nước (năm 2004). Có thể khẳng định đây là vùng kinh tế có sự hoạt động của các ngành công nghiệp quan trọng nhất của Việt Nam: khai thác dầu khí; sản xuất điện; phân bón; cơ khí; dệt may; giày da... Mỗi ngành chiếm tỷ trọng từ 50% - 100% so với cả nước.

Với hệ thống cảng, sân bay quốc tế lớn nhất nước đã biến vùng trở thành trung tâm du lịch, phát triển các loại hình dịch vụ giao nhận, vận tải, logistics... lớn nhất Việt Nam, tác động đến sự phát triển nền kinh tế chung của cả nước. Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam mà trung tâm là Thành phố Hồ Chí Minh còn là trung tâm tài chính - ngân hàng - chứng khoán lớn nhất nước, là nơi thu hút vốn và cung cấp vốn đáp ứng yêu cầu của sự phát triển kinh tế chẳng những của các tỉnh phía Nam mà còn của các khu vực kinh tế khác như Tây Nguyên, miền Trung và các tỉnh miền Tây Nam Bộ.

1 - Sau 20 năm hình thành và phát triển, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam còn là trung tâm thương mại lớn nhất nước

Năm 2005, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ của vùng là 180.940,80 tỉ đồng, chiếm gần 40% tổng trị giá thương mại của cả nước. Các trung tâm, chợ bán buôn, bán lẻ cung cấp lượng hàng hóa lớn và có mối quan hệ giao thương với khắp các tỉnh thành. Kim ngạch xuất khẩu của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam cách đây 20 năm chưa đầy 500 triệu USD (năm 1986, cả Việt Nam kim ngạch xuất khẩu chỉ là 823 triệu Rúp, USD), thì trị giá xuất khẩu của Vùng năm 2005 lên đến 23 tỉ USD, chiếm 73,7% của cả nước. Năm 2006 Việt Nam có 7 mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch trên 1 tỉ USD: dầu thô (7 tỉ USD); may mặc (6 tỉ USD); giày dép (3,5 tỉ USD); thủy sản (3,2 tỉ USD); gỗ (trên 2 tỉ USD); hàng điện, điện tử (1,5 tỉ USD); gạo (gần 1,5 tỉ USD) thì Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đóng góp từ 50% đến 100% trị giá xuất khẩu ở mỗi mặt hàng.

Với những lợi thế riêng có, hiện nay Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam trở thành trung tâm đầu tư lớn nhất nước. Tính đến cuối năm 2006, toàn vùng có trên 60 khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao tập trung và hàng trăm khu công nghiệp do các địa phương quản lý đã thu hút hàng ngàn doanh nghiệp vào hoạt động, Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam trở thành "công trường" sản xuất hàng công nghiệp lớn nhất nước. Chỉ riêng lĩnh vực đầu tư nước ngoài, vùng này đã thu hút 4.658 dự án FDI, chiếm 64% tổng dự án đầu tư FDI vào Việt Nam với tổng số vốn đăng ký 36,69 tỉ USD (số liệu hết tháng 12-2005). Cả nước tính đến hết năm 2006, có gần 210.000 doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, thì 75% số này đang hoạt động ở Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Nhờ những thành tựu cơ bản trên, Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đã và đang là "đầu tàu" kéo nền kinh tế Việt Nam phát triển nhanh, hội nhập mạnh mẽ với nền kinh tế khu vực và thế giới.

Tuy nhiên, sự phát triển Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam vẫn còn nhiều điểm tồn tại bất hợp lý đe dọa sự phát triển bền vững của vùng kinh tế này.

2 - Những điểm tồn tại bất hợp lý của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam

Về cơ chế tổ chức và điều hành vùng kinh tế trọng điểm

Mặc dù ngày 18-2-2004 Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 20/2004/QĐ-TTg thành lập Tổ chức điều phối phát triển các vùng kinh tế trọng điểm, và sau đó, Viện Chiến lược (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đã xây dựng cơ chế quản lý vùng kinh tế trọng điểm, nhưng tổ chức các tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm thể hiện chưa khoa học và hợp lý. Ví dụ, Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (trước còn có tên gọi vùng kinh tế động lực) chỉ bao gồm 4 tỉnh: Đồng Nai, Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Dương; năm 2003 thêm 3 tỉnh: Tây Ninh, Bình Phước và Long An; cuối năm 2005, thêm tỉnh Tiền Giang. Hiện nay tỉnh Vĩnh Long và Bình Thuận đang đề nghị Chính phủ gia nhập vùng kinh tế trọng điểm này. Vấn đề đặt ra ở đây, tổ chức vùng kinh tế trọng điểm do yếu tố nào quyết định? Ranh giới vùng được xác định như thế nào về lý thuyết và thực tiễn? Đây là vùng thuộc đối tượng phát triển; đối tượng để tổ chức quy hoạch hay là đối tượng để xây dựng quy chế đặc biệt, đối tượng trọng điểm để đầu tư. Có phải vùng kinh tế trọng điểm là con số cộng của các tỉnh thành viên, bao gồm tỉnh mạnh về kinh tế và tỉnh có kinh tế phát triển yếu? Vậy, vai trò của vùng kinh tế trọng điểm giúp ích gì cho các tỉnh là thành viên và các tỉnh lân cận nằm ngoài vùng?

Dường như các vùng kinh tế trọng điểm được lập ra nhưng chưa có sự chuẩn bị chu đáo về phía Chính phủ: các vùng kinh tế trọng điểm được lập ra ở những năm thập niên 90, nhưng Tổ chức điều phối phát triển các vùng kinh tế trọng điểm mới được Thủ tướng Chính phủ lập vào ngày 23-2-2004, cơ chế quản lý vùng mới được thông qua cuối năm 2004, và nhiều năm qua cho tới nay, sự thành lập các vùng kinh tế trọng điểm còn mang tính hình thức và hiệu quả hoạt động và sự ảnh hưởng của chúng còn thấp.

Đến nay đầu năm 2007, sau gần 20 năm có quyết định lập Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (trước đây có tên gọi khác) nhưng chưa có kế hoạch phát triển chung nào, mới có quy hoạch và cũng chưa có công trình khoa học nào đánh giá việc tác động của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với bản thân các tỉnh thành viên, với cả khu vực và cả nước.

Chất lượng quy hoạch còn thấp: Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của các vùng kinh tế trọng điểm đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 1998 và đến 13-8-2004 được bổ sung thêm, theo các Quyết định 145, 146, 147/2004/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ lại một lần nữa phê duyệt phương hướng chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội của các vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Trung Bộ và Nam Bộ đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020. Đầu năm 2006, đã kết nạp thêm thành viên mới (và có nhiều khả năng kết nạp tiếp), vậy quy hoạch tổng thể có thay đổi. Ngoài ra, các chiến lược và quy hoạch đã được phê duyệt chưa gắn với các tỉnh khác ngoài vùng kinh tế trọng điểm, chưa gắn với tầm nhìn xa hơn của cả khu vực và thế giới. Thường kế hoạch đi sau quy hoạch để thực hiện quy hoạch, vậy có cần thiết hay không xây dựng kế hoạch ở tầm quản lý vùng kinh tế trọng điểm? Nếu không, thì tổ chức thực hiện quy hoạch tổng thể của các vùng kinh tế trọng điểm được thực hiện thế nào?

Hình thức cơ chế phối hợp giữa các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm vẫn mang tính tự phát và chỉ dừng lại ở mức cam kết các thỏa thuận giữa lãnh đạo các địa phương. Do đó, các chương trình phối hợp phát triển kinh tế còn mang tính cục bộ, chưa cho phép phát huy có hiệu quả lợi thế so sánh ở từng vùng. Các tỉnh trong một vùng kinh tế trọng điểm cạnh tranh không lành mạnh với nhau trong đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng.

Chưa có sự phân công lao động giữa các vùng kinh tế trọng điểm, giữa các tỉnh trong cùng một vùng kinh tế trọng điểm, dẫn tới đầu tư trùng lắp, các tỉnh, các vùng không phát huy được lợi thế so sánh của mình.

Trừ dầu thô, thì sản phẩm công nghiệp ở các vùng kinh tế trọng điểm tương tự nhau. Cơ bản vẫn là sản phẩm gia công: dệt, may, giày dép, lắp ráp điện tử... khả năng cạnh tranh chưa cao, giá trị gia tăng thấp...

Tỷ trọng ngành dịch vụ còn thấp, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của các vùng kinh tế trọng điểm. Ở đây, chúng ta đang thiếu cơ chế, chính sách khuyến khích.

Cơ chế, chính sách hiện tại áp dụng ở các vùng kinh tế trọng điểm gần như không có gì khác biệt so với các cơ chế áp dụng đối với các tỉnh nằm ngoài vùng kinh tế trọng điểm. Sự năng động trong phát triển ở một số địa phương chủ yếu do sáng kiến của lãnh đạo ở từng tỉnh, năng động tới mức nhiều tỉnh nằm trong các vùng kinh tế trọng điểm cũng ban hành các cơ chế chính sách mang tính "xé rào" hoặc vi phạm cơ chế pháp lý. Phải chăng sự "trọng điểm" của các vùng chưa đủ hấp dẫn cho các tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm?

Cơ chế chính sách về thuế, về giá đất, về tiền lương... ở các tỉnh khác nhau, mặc dù có điều kiện kinh tế tương tự nhau trong một vùng kinh tế trọng điểm. Ví dụ, khu công nghiệp Sóng Thần (Bình Dương) chỉ cách khu chế xuất Linh Trung (Thành phố Hồ Chí Minh) một con đường, hay vùng giáp ranh giữa Long An và Thành phố Hồ Chí Minh, cơ chế chính sách của Nhà nước quy định khác nhau dẫn tới khó khăn trong đền bù giải tỏa mặt bằng, thu hút các nhà đầu tư và lao động...

Năng lực tài chính giữa các tỉnh trong cùng một vùng kinh tế trọng điểm khác nhau, nên khó khăn trong việc thực hiện các dự án liên tỉnh và hàng loạt các vấn đề như môi trường, sử dụng tài nguyên nước, đất đai, lao động...

Qua nghiên cứu, chúng tôi thấy rằng việc lập ra Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói riêng và các vùng kinh tế trọng điểm khác nói chung vẫn mang nặng tính hình thức, dường như sự lớn mạnh của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là do nỗ lực của các tỉnh thành viên: "ganh đua", "cạnh tranh" để phát triển dẫn đến sự phát triển chung của cả vùng chứ không phải do việc lập vùng, có sự đồng tâm nhất trí trong việc thực hiện kế hoạch chung mà nó phát triển.

3 - Giải pháp phát triển bền vững, có hiệu quả Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam

Việc đề xuất các giải pháp cụ thể là vấn đề lớn ở tầm quốc gia, phải có thời gian và kinh phí để nghiên cứu. ở bài viết này, chúng tôi đề xuất 6 quan điểm làm cơ sở nền tảng cho việc xây dựng các cơ chế chính sách góp phần đưa Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đi vào cuộc sống, có ý nghĩa thực tiễn đối với việc phát triển kinh tế của vùng và của cả nước.

- Vùng kinh tế trọng điểm không thể xác lập mang tính chủ quan, là con số cộng của các tỉnh thành viên.

- Phải xác định sứ mạng và vai trò của Vùng đối với Vùng, đối với cả nước và đối với khu vực Đông, Đông - Nam châu Á.

- Cơ chế điều phối hoạt động của vùng kinh tế trọng điểm không bị ràng buộc và chia cắt theo địa giới hành chính.

- Vùng kinh tế được gọi là trọng điểm thì phải có cơ chế chính sách hoạt động đặc biệt để bảo đảm sự phát triển thuận lợi, thực hiện sứ mệnh đầu tàu dẫn dắt các vùng kinh tế khác.

- Muốn bảo đảm sự phát triển bền vững các vùng kinh tế trọng điểm thì phải thực hiện tốt quy trình kế hoạch hóa ở cấp vùng: chiến lược phát triển - quy hoạch - kế hoạch dài hạn, trung hạn và ngắn hạn.

- Bảo đảm sự ổn định của cơ chế chính sách là yếu tố quan trọng quyết định sự bền vững trong phát triển của các vùng kinh tế trọng điểm.

Hai mươi năm đổi mới cơ chế chính sách phát triển kinh tế từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường, nền kinh tế Việt Nam nổi lên như là điển hình của sự phát triển nhanh, hội nhập mạnh mẽ với nền kinh tế thế giới. Trong bước đường phát triển của Việt Nam, có sự đóng góp to lớn của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam - "đầu tàu kinh tế của cả nước". Tuy nhiên, sự phát triển của vùng còn có những vấn đề tồn tại, vướng mắc và làm giảm hiệu quả sự ảnh hưởng của vùng đối với chính mỗi tỉnh thành viên và khu vực. Việc đề xuất hệ thống giải pháp về cơ chế chính sách và biện pháp khắc phục các tồn tại đã nêu trong bài viết này có ý nghĩa quan trọng và cấp bách góp phần duy trì sự phát triển ổn định cao của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.