Tiếp tục đổi mới và tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Đảng
Hội nghị lần thứ năm của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X đã ra Nghị quyết Về tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Đảng nhằm tiếp tục đổi mới, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng của cấp ủy, tổ chức đảng. Việc tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết này là một yêu cầu quan trọng để trực tiếp và thiết thực góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu và uy tín chính trị của Đảng, đáp ứng yêu cầu của công cuộc xây dựng và phát triển đất nước trong giai đoạn mới.
Những năm qua, gần đây nhất là 2 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội X của Đảng, phát huy những kết quả đạt được, công tác kiểm tra và kỷ luật của Đảng đã có nhiều đổi mới, có chuyển biến tích cực và đạt được những kết quả quan trọng. Nhìn khái quát là, Ban Chấp hành Trung ương và các cấp ủy quan tâm hơn việc kiểm tra chấp hành đường lối, chủ trương, Điều lệ Đảng và công tác cán bộ; xây dựng chương trình kiểm tra và thực hiện kiểm tra theo chương trình, tập trung vào những vấn đề trọng tâm, trọng điểm, những lĩnh vực, địa bàn có vấn đề phức tạp. Việc xử lý nghiêm hơn đối với một số cán bộ, đảng viên có sai lầm, kể cả cán bộ cao cấp, có tác dụng giáo dục, răn đe, được nhân dân đồng tình ủng hộ.
Nét nổi bật là, nhận thức về trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, nhận thức của các tổ chức đảng và đảng viên về vị trí, vai trò, ý nghĩa, tác dụng của công tác kiểm tra và kỷ luật đảng ngày càng được nâng cao. Cấp ủy từ Trung ương đến cơ sở đã quan tâm, coi trọng việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác kiểm tra theo Điều 30, Điều 32 Điều lệ Đảng, khắc phục một bước những biểu hiện hữu khuynh, né tránh hoặc coi nhẹ công tác kiểm tra. Việc chấp hành kỷ luật trong Đảng đã có chuyển biến tích cực, nhiều tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên gương mẫu, nêu cao tinh thần trách nhiệm, ý thức tổ chức kỷ luật, tự giác chấp hành nghiêm túc Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị, quy chế, quy định, quyết định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống, tích cực đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, được nhân dân tín nhiệm.
Đồng thời, các cấp ủy và Ủy ban Kiểm tra các cấp đã thực hiện đúng phương hướng, phương châm, nguyên tắc, thủ tục thi hành kỷ luật; phát huy tính công khai, dân chủ và từng bước khắc phục tình trạng xử lý "nhẹ trên, nặng dưới", xử lý nội bộ, không xử lý hoặc để kéo dài, rồi xử lý nhẹ. Đội ngũ cán bộ kiểm tra Đảng có bản lĩnh chính trị, trung thành với sự nghiệp cách mạng, giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống, trình độ chuyên môn nghiệp vụ được nâng lên, thực hiện có chất lượng, hiệu quả nhiệm vụ được giao. Cấp ủy các cấp, từ Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đến cơ sở đã xây dựng chương trình, kế hoạch kiểm tra và thực hiện kiểm tra theo chương trình một cách chủ động hơn.
Nhìn lại năm 2006, Ban Bí thư quyết định Chương trình kiểm tra số 07 về tiếp tục kiểm tra việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong toàn Đảng; trực tiếp kiểm tra các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Hải Dương, Bắc Ninh và Khánh Hòa. Tiếp theo tám tháng năm 2007, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quyết định Chương trình kiểm tra số 37, trong đó: Bộ Chính trị kiểm tra việc quán triệt, triển khai thực hiện các Nghị quyết số 10, 37, 21, 32, 39 của Bộ Chính trị khóa IX về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên, vùng trung du và miền núi Bắc Bộ, vùng Tây Nam Bộ, thành phố Hải Phòng và thành phố Đà Nẵng. Ban Bí thư tiếp tục kiểm tra việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, trực tiếp kiểm tra các tỉnh và đơn vị: Bắc Giang, Thanh Hóa, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cà Mau, Quân khu 5 thuộc Bộ Quốc phòng và Đài Truyền hình Việt Nam; kiểm tra việc thực hiện Thông báo kết luận về kết quả làm việc của Ban Bí thư khóa IX đối với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sơn La và Ban Thường vụ Tỉnh ủy Cao Bằng; kiểm tra việc quán triệt, triển khai thực hiện các chỉ thị: Chỉ thị số 16 của Bộ Chính trị khóa IX Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với lực lượng dân quân tự vệ và lực lượng dự bị động viên; Chỉ thị số 42 của Bộ Chính trị khóa VIII Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức và hoạt động của các hội quần chúng; Chỉ thị số 06, ngày 7-11-2006, của Bộ Chính trị khóa X Về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh...
Điều đặc biệt nhấn mạnh là, Bộ Chính trị, Ban Bí thư kịp thời chỉ đạo giải quyết một số vụ việc nổi cộm, dư luận quan tâm, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình. Chỉ đạo tổng kết tình hình thực hiện dân chủ trong công tác kiểm tra; tổng kết những biểu hiện suy thoái về phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống của cán bộ, đảng viên và tổng kết công tác kiểm tra, thi hành kỷ luật của Đảng qua 20 năm đổi mới. Bộ Chính trị khóa X đã tổng kết việc thực hiện Chỉ thị số 29-CT/TW, ngày 14-02-1998, của Bộ Chính trị khóa VIII, Về tăng cường công tác kiểm tra của Đảng, rút ra những bài học kinh nghiệm quan trọng về công tác kiểm tra, giám sát của Đảng trong tình hình mới.
Thực tế cũng ghi nhận, công tác tham mưu của các ban đảng và Ủy ban Kiểm tra các cấp có chuyển biến tích cực, kịp thời giúp Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cấp ủy các cấp xây dựng quy chế, quy định cụ thể hóa Điều lệ Đảng, Nghị quyết Đại hội X và nghị quyết của đảng bộ cấp mình. Ủy ban Kiểm tra các cấp làm tốt vai trò nòng cốt trong tham mưu, giúp cấp ủy triển khai thực hiện kế hoạch kiểm tra, tổ chức thực hiện toàn diện và đạt kết quả cao nhiệm vụ kiểm tra theo Điều 32 của Điều lệ Đảng. Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã tiến hành kiểm tra tổ chức đảng và đảng viên là cán bộ lãnh đạo ở những lĩnh vực phức tạp, đối tượng lâu nay ít được kiểm tra, như các tổng công ty lớn, các cơ quan khối tư pháp, ngoại giao, lực lượng vũ trang, các đoàn thể chính trị - xã hội; kiểm tra xử lý cán bộ liên quan đến một số vụ án lớn; kiểm tra công tác tài chính của cấp ủy tỉnh, thành phố và đơn vị trực thuộc Trung ương (Sơn La, Thái Bình, Bình Định, Lâm Đồng, Kiên Giang, Gia Lai, Thành phố Hồ Chí Minh, Tạp chí Cộng sản, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia...). Đồng thời thực hiện nhiệm vụ giám sát đối với một số tỉnh ủy, thành ủy, ban cán sự đảng, đảng đoàn trực thuộc Trung ương và tổ chức đảng trong quân đội (Tuyên Quang, Hà Tĩnh, Thừa Thiên - Huế, Tiền Giang, Sóc Trăng, Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Hội Nông dân Việt Nam, Quân đoàn 1, Quân khu 7...). Qua kiểm tra, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kịp thời đề xuất Bộ Chính trị, Ban Bí thư xử lý những tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm và có văn bản chỉ đạo các cấp ủy rút kinh nghiệm chung trong toàn Đảng trên một số lĩnh vực.
Mặc dù vậy, cũng phải thừa nhận rằng, công tác kiểm tra, kỷ luật Đảng nói riêng xét trong tổng thể công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng đạt kết quả chưa được như mong muốn: kỷ cương, kỷ luật ở nhiều cấp, nhiều lĩnh vực không nghiêm; sự đoàn kết, nhất trí ở một số cấp ủy chưa tốt; bệnh cơ hội, chủ nghĩa cá nhân trong một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa giảm; sức chiến đấu và năng lực lãnh đạo ở một số tổ chức đảng còn hạn chế. Qua tổng kết Chỉ thị số 29-CT/TW của Bộ Chính trị khóa VIII Về tăng cường công tác kiểm tra của Đảng cho thấy, trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa - xã hội, an ninh - quốc phòng, đối ngoại và công tác cán bộ đều có vi phạm ở mức độ khác nhau. Trong lĩnh vực quản lý đất đai, vi phạm xảy ra nhiều và phổ biến ở hầu hết các địa phương, các ngành, càng ở các trung tâm đô thị, khu công nghiệp càng nghiêm trọng. Trong xây dựng cơ bản, nhiều dự án sai ngay từ chủ trương, quyết định đầu tư đến quá trình triển khai thực hiện, quản lý dự án gây thất thoát, lãng phí tài sản và tiền của của Nhà nước. Đáng lưu ý là vi phạm không chỉ xảy ra trong các hoạt động kinh tế mà còn lan sang các lĩnh vực từ xưa đến nay vốn được coi trọng về đạo lý và tính nghiêm túc như giáo dục, y tế, nhất là trong thực hiện chính sách xã hội, đền ơn đáp nghĩa, từ thiện, công tác cán bộ và các công tác khác của chúng ta.
* * *
Trước tình hình và nhiệm vụ cách mạng mới, Đại hội X của Đảng quyết định bổ sung chức năng, nhiệm vụ giám sát cho cấp ủy, tổ chức đảng và Ủy ban Kiểm tra các cấp. Đây là một nhiệm vụ mới, đang vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Cùng với việc nghiên cứu, quán triệt Điều lệ Đảng khóa X, Quyết định số 25-QĐ/TW, ngày 24-11-2006, của Bộ Chính trị Về ban hành Hướng dẫn thực hiện các quy định về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật Đảng; Quyết định số 58 của Bộ Chính trị Về chế độ kiểm tra, giám sát công tác cán bộ, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã ban hành bốn hướng dẫn thực hiện công tác giám sát cho bốn loại hình tổ chức đảng: cấp ủy và ban thường vụ cấp ủy, các ban của cấp ủy, Ủy ban Kiểm tra các cấp, chi bộ; đồng thời đang giúp Ban Bí thư xây dựng Quy chế Giám sát trong Đảng và một số quy định khác về công tác kiểm tra, giám sát.
Để tăng cường hơn nữa chất lượng và hiệu quả của công tác kiểm tra, giám sát trong tình hình mới, Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương khóa X, họp tháng 7-2007, đã ra Nghị quyết Về tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Đảng. Theo đó, trên cơ sở Nghị quyết Đại hội X, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa X, các quy định và hướng dẫn về công tác giám sát, thời gian tới, chúng ta cần lưu ý thực hiện một số vấn đề sau:
- Công tác giám sát hoạt động của tổ chức đảng và đảng viên là yêu cầu bức thiết, xuất phát từ đòi hỏi khách quan của công tác xây dựng Đảng trong giai đoạn cách mạng mới, bảo đảm cho Đảng ta, trước hết là các cơ quan lãnh đạo và người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, tổ chức nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể chính trị - xã hội ở các cấp luôn kiên định về chính trị, vững vàng về đường lối, không chệch hướng. Các tổ chức đảng và đảng viên chịu sự giám sát của Đảng, không để bất cứ người nào có chức, có quyền mà không được giám sát.
- Nội dung giám sát tổ chức đảng được thực hiện toàn diện, giám sát việc chấp hành Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, các nghị quyết, chỉ thị, quy định, quy chế, kết luận của cấp ủy cấp trên và cấp ủy cấp mình; chính sách, pháp luật của Nhà nước; việc quán triệt và chấp hành các nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt đảng, trước hết là nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách; việc bảo đảm quyền của đảng viên; việc chấp hành các quy định của Đảng, Nhà nước trong công tác tổ chức, cán bộ; việc chấp hành kỷ luật, giữ gìn đoàn kết nội bộ, quản lý, giáo dục, rèn luyện, nâng cao phẩm chất, đạo đức cách mạng của đảng viên.
- Nội dung giám sát đối với đảng viên: Việc chấp hành Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị, quy định, quyết định, kết luận của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước; việc thực hiện tiêu chuẩn đảng viên, tiêu chuẩn cấp ủy viên và trong việc thực hiện nhiệm vụ đảng viên; thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; việc giữ mối liên hệ với tổ chức đảng và thực hiện nghĩa vụ công dân ở nơi cư trú; việc thực hiện giữ mối liên hệ mật thiết với quần chúng; việc thực hiện những điều đảng viên không được làm; việc thực hiện chế độ kê khai và công khai tài sản của cán bộ, đảng viên theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
- Theo Quy chế làm việc của Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng khóa X: Ủy ban kiểm tra Trung ương thực hiện quyền giám sát đối với Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương (kể cả Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư), cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý và tổ chức đảng cấp dưới về việc thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, nghị quyết, chỉ thị, quy định của Ban Chấp hành Trung ương; Bộ Chính trị, Ban Bí thư và về đạo đức, lối sống theo quy định của Ban Chấp hành Trung ương.
- Việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ giám sát phải xác định rõ đối tượng, nội dung giám sát. Tiến hành giám sát theo cả hai cách: giám sát thường xuyên thông qua việc phân công cán bộ theo dõi địa bàn; giám sát theo chuyên đề bằng xây dựng kế hoạch, thành lập tổ giám sát. Trong qúa trình giám sát, nếu phát hiện tổ chức đảng cấp dưới hoặc đảng viên không thực hiện, thực hiện không đúng nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng, hoặc có hành vi ban hành quyết định, quy định trái với nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng, của cấp ủy cấp trên và của cấp mình, trái với chính sách, pháp luật của Nhà nước thì có quyền yêu cầu tổ chức đảng cấp dưới hoặc đảng viên khắc phục, sửa chữa; nếu không khắc phục, sửa chữa thì xem xét, xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp ủy cấp trên xem xét trách nhiệm của tổ chức đảng cấp dưới và đảng viên có liên quan; khi cần thiết thì yêu cầu hủy bỏ các quyết định, quy định sai trái đó; phát hiện tổ chức đảng hoặc đảng viên có dấu hiệu vi phạm thì giao cho Ủy ban Kiểm tra tiến hành kiểm tra, xem xét, kết luận.
Cuối năm 2007, Ủy ban Kiểm tra Trung ương sẽ tiến hành tổng kết một năm thực hiện nhiệm vụ giám sát để rút kinh nghiệm, tổ chức thực hiện nhiệm vụ giám sát cho những năm tới.
* * *
Trước tình hình mới, tiếp tục cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội X của Đảng, Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X Về tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Đảng nhấn mạnh: Công tác kiểm tra, giám sát nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, sự đoàn kết thống nhất và bảo đảm thực hiện dân chủ trong Đảng, giữ vững kỷ cương, kỷ luật của Đảng; phòng ngừa, ngăn chặn sự suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, bảo vệ quan điểm, đường lối của Đảng, tránh các nguy cơ sai lầm về đường lối, quan liêu, xa dân của đảng cầm quyền, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ X.
Để thực hiện mục tiêu đó, cần tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác kiểm tra, giám sát của cấp ủy, tổ chức đảng và Ủy ban Kiểm tra các cấp. Cán bộ, đảng viên, trước hết là người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, tổ chức Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội phải là những tấm gương sáng, mẫu mực về đạo đức, lối sống cho quần chúng học tập, noi theo.
Xây dựng, hoàn thiện các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước phục vụ công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng. Sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các quy định pháp luật về chế độ, chính sách cho phù hợp với tình hình thực tế. Ban hành mới các quy định, quy chế về công tác xây dựng Đảng, công tác kiểm tra, giám sát như: Quy chế về chế độ tự phê bình và phê bình trong Đảng; Quy chế thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng; Quy chế dân chủ trong Đảng; Quy định về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng không hoàn thành nhiệm vụ, để cơ quan, đơn vị mình trực tiếp phụ trách xảy ra tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; Quy định xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm; Quy chế giám sát trong Đảng; Quy chế chất vấn trong Đảng; Quy chế phối hợp giữa Ủy ban Kiểm tra với các tổ chức đảng có liên quan trong thực hiện công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật của Đảng. Thực hiện minh bạch, công khai hóa các chế độ, chính sách để cán bộ, đảng viên và nhân dân giám sát, kiểm tra tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên.
Tiếp tục đổi mới, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng của cấp ủy, tổ chức đảng, Ủy ban Kiểm tra các cấp và chi bộ bảo đảm hiệu lực, hiệu quả. Tập trung kiểm tra, giám sát việc chấp hành các chủ trương, đường lối, nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng trên các lĩnh vực sau :
- Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện quan điểm, đường lối của Đảng, việc thi hành Điều lệ Đảng, các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong công tác tư tưởng chính trị nói chung và hoạt động báo chí nói riêng.
- Chủ động hơn nữa kiểm tra, giám sát việc chấp hành nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách; chấp hành quy chế làm việc, chế độ công tác; thực hiện dân chủ trong Đảng, giữ gìn đoàn kết nội bộ; về mối quan hệ giữa tổ chức đảng và đảng viên với quần chúng; việc giáo dục, rèn luyện, nâng cao phẩm chất đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên phải được đặc biệt coi trọng.
- Dành tâm sức và thời gian thỏa đáng kiểm tra, giám sát việc thực hành tiết kiệm, phòng, chống tham nhũng, lãng phí trong các khâu cấp và sử dụng nguồn vốn thuộc ngân sách nhà nước; trong xây dựng cơ bản, mua sắm vật tư, thiết bị; quản lý và sử dụng đất đai, tài nguyên, công sản; triển khai thực hiện các dự án trọng điểm.
- Chú trọng tập trung kiểm tra, giám sát việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính liên quan đến giải quyết công việc của các tổ chức và cá nhân, đặc biệt là trong các hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh. Kiểm tra việc thực hiện các chủ trương, quan điểm của Đảng về cải cách tư pháp trong điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, nhất là những vụ án nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận đông đảo.
- Dành sự ưu tiên kiểm tra, giám sát về tuyển dụng, quy hoạch, luân chuyển, đào tạo, bồi dưỡng, đề bạt, bố trí, sử dụng, khen thưởng và thực hiện chính sách cán bộ; về phẩm chất đạo đức, lối sống và thực hiện chức trách, nhiệm vụ của cán bộ, đảng viên; việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; về nội dung và chất lượng sinh hoạt của các cấp ủy, tổ chức đảng.
- Không ngừng kiện toàn tổ chức bộ máy cơ quan Ủy ban Kiểm tra, tăng cường cán bộ kiểm tra các cấp bảo đảm tương xứng với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Xây dựng, hoàn thiện các quy định và đổi mới công tác tuyển chọn, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm, đề bạt, bố trí, luân chuyển, sử dụng, khen thưởng để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác kiểm tra, giám sát. Có chính sách thỏa đáng về nhà ở, chế độ đãi ngộ, phụ cấp nghề... để thu hút được cán bộ có phẩm chất đạo đức, năng lực, tâm huyết, bản lĩnh về làm công tác kiểm tra. Xây dựng đội ngũ cán bộ kiểm tra các cấp đủ về số lượng, bảo đảm chất lượng, đủ sức hoàn thành nhiệm vụ; không được lợi dụng vị trí công tác để làm sai chức trách, nhiệm vụ được giao.
Qua tổng kết một bước thực tiễn cho thấy, để làm tốt hơn nữa việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát theo Nghị quyết Đại hội X và Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa X, cấp ủy các cấp cần thực hiện thật tốt những việc cấp bách sau đây:
Một là, cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy, trước hết là người đứng đầu cấp ủy phải nhận thức đúng đắn, đầy đủ về vị trí, vai trò, ý nghĩa, tác dụng của công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật đảng. Có nhận thức đúng thì mới xác định được trách nhiệm, mới có quyết tâm chính trị để lãnh đạo, chỉ đạo công tác kiểm tra, giám sát. Thực tế cho thấy, ở đâu người đứng đầu cấp ủy có nhận thức đúng, có trách nhiệm đối với công tác kiểm tra thì ở nơi đó làm tốt công tác kiểm tra, giám sát của Đảng.
Hai là, cấp ủy phải xây dựng chương trình kế hoạch kiểm tra, giám sát toàn khóa và hằng năm. Theo đó, chủ động trong việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, không bị động trước tình hình.
Cuối cùng, cấp ủy phải đích thân tổ chức thực hiện các cuộc kiểm tra theo chương trình, kế hoạch của cấp ủy đã đề ra, trên cơ sở xác định rõ nội dung, đối tượng, thời gian kiểm tra, kiên quyết không khoán trắng cho Ủy ban Kiểm tra hay các ban của cấp ủy cấp mình.
Việc thành công hay hạn chế trên lộ trình thực hiện Nghị quyết Đại hội X của Đảng, trước mắt những năm tới, một phần căn bản tùy thuộc vào sự nỗ lực của toàn Đảng, trực tiếp là Ủy ban Kiểm tra các cấp cùng toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân ta. Thực hiện hiệu quả Nghị quyết Trung ương 5 khóa X Về tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, nhất định chúng ta tạo ra bước chuyển mới về chất, trực tiếp và thiết thực góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, của hệ thống chính trị, đáp ứng yêu cầu ngày càng to lớn, nặng nề và phức tạp của công cuộc đổi mới hiện nay.
Nhận thức sai lầm hay là sự biện minh lố bịch  (17/09/2007)
Tiền Giang đổi mới công tác tuyên giáo ở cơ sở  (17/09/2007)
Cơ sở lý luận và điều kiện thực hiện Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa  (17/09/2007)
Về quá trình thực hiện chính sách tiền tệ và giá cả ở Việt Nam  (17/09/2007)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay