Ngày 16-10, đồng chí Tô Huy Rứa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương cùng Đoàn đại biểu Quốc hội Bắc Ninh tiếp xúc cử tri tại xã Lãng Ngâm, Vạn Ninh (Gia Bình) và thị trấn Thứa, xã Trung Chính (Lương Tài).

Các đại biểu Quốc hội đã thông báo dự kiến nội dung, chương trình, thời gian của kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII và báo cáo kết quả trả lời của các bộ, ngành Trung ương và sở, ngành địa phương đối với các ý kiến, kiến nghị của cử tri Bắc Ninh tại kỳ họp trước.

Cử tri đóng góp nhiều ý kiến gửi đến Quốc hội và kiến nghị với cơ quan chức năng của tỉnh xem xét giải quyết một số vấn đề như: tăng cường quản lý chất lượng thuốc trừ sâu, giống cây trồng, vật nuôi; hỗ trợ và tạo nguồn kinh phí xây dựng công trình phúc lợi, thủy lợi, giao thông nông thôn; tạo điều kiện cho các trang trại chăn nuôi được vay vốn ưu đãi; chế độ cho nông dân tham gia bảo hiểm hưu trí; chính sách đối với cán bộ thôn, xã; quản lý dạy thêm, học thêm; bảo hiểm y tế và chất lượng chăm sóc sức khỏe cho nhân dân; xây dựng nông thôn mới; đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động bị thu hồi đất nông nghiệp; phòng, chống tệ nạn xã hội; chính sách đền bù khi thu hồi đất, giải phóng mặt bằng; quy hoạch, quản lý và sử dụng đất đai; chế độ, chính sách với người có công…

Tại các cuộc tiếp xúc cử tri, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Nhân Chiến đã trực tiếp giải trình, làm rõ một số vấn đề cử tri nêu thuộc 4 nhóm ý kiến: nông nghiệp, nông dân và nông thôn; bảo vệ môi trường; xây dựng cơ sở hạ tầng; văn hóa - xã hội và an sinh xã hội. Đối với những vấn đề quản lý đất đai, an ninh trật tự, tỉnh nghiêm túc tiếp thu và sẽ chỉ đạo các cơ quan chức năng giải quyết nhanh; đồng thời yêu cầu các cấp chính quyền địa phương tập trung giải quyết những vấn đề bức xúc cử tri phản ánh ở cơ sở.

Thay mặt các đại biểu Quốc hội khu vực Bắc Ninh, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Tô Huy Rứa đã tiếp thu, giải trình một số vấn đề cử tri quan tâm, đề nghị các ngành chức năng của tỉnh tập trung giải quyết các kiến nghị thuộc thẩm quyền. Đồng chí Tô Huy Rứa nhấn mạnh: Các đại biểu Quốc hội khu vực Bắc Ninh sẽ mang hết sức mình làm tốt vai trò, trách nhiệm của người cán bộ dân cử, nghiêm túc tổng hợp các ý kiến, kiến nghị của cử tri để chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết và trình Quốc hội trong kỳ họp tới.

* Đoàn đại biểu Quốc Hội Tỉnh An Giang đã tổ chức các buổi tiếp xúc cử tri ở các huyện, thị, thành An Phú, Tịnh Biên, Tri Tôn, Tân Châu, Châu Đốc, Long Xuyên. Tại các buổi tiếp xúc cử tri kiến nghị: Độ tuổi được hưởng chính sách trợ cấp 180 ngàn đồng/người/tháng nên là 75 tuổi (hiện nay là 80 tuổi), hiện nay tồn tại sự bất bình đẳng về quy định thân nhân hộ người nghèo, thân nhân con liệt sỹ, thương binh, thân nhân người nuôi giấu cán bộ, hực hiện bảo hiểm y tế không bình đẳng, chỗ quy định giảm 100%, chỗ giảm 95%, chỗ giảm 80%...

Cử tri huyện Tịnh Biên, đề nghị khi xét tuyển học sinh vùng dân tộc nội trú nên ưu tiên cho con em gia đình chính sách, sau đó đến các em học sinh giỏi trong nhiều năm liền và có thành lập hội đồng xét tuyển để tránh xảy ra tình trạng có những trường hợp đạt chuẩn vào nhưng khi vào rồi thì không đủ năng lực để học dẫn đến tình trạng bỏ học giữa chừng, việc đã bán bảo hiểm y tế và bắt buộc phải khám chữa bệnh theo tuyến, khi vượt tuyến là phải đóng phí như hiện nay là chưa phù hơp, cử tri đề nghị được khám chữa bệnh ở tất cả các tuyến.

Cử tri thị xã Tân Châu phản ánh tuyến lộ ấp Phú Hưng A xã Phú Vĩnh ra tỉnh lộ 953 bị hư hỏng nhiều gây ra khó khăn cho người dân trong việc lưu thông, đề nghị xem xét sửa chữa; Bộ Luật Hình sự về việc quy định xử phạt còn nhẹ, đề nghị sửa đổi tăng khung hình phạt đối với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng. Cử tri phường Mỹ Phước, Thành phố Long Xuyên đề nghị, chính sách tiền lương giữa những người tham gia kháng chiến chống Pháp và Mỹ đã nghỉ hưu trước đây và các cán bộ bộ nghỉ hưu hiện tại chênh lệch quá nhiều, chưa phù hợp, đề nghị xem xét nâng lương cho cán bộ kháng chiến cũ sao cho phù hợp; đề nghị Chính phủ nên công khai nợ công ít nhất 6 tháng một lần để cho nhân dân theo dõi, Quốc hội phải giám sát nợ công cho chặt chẽ. Đối với tình hình biển Đông, Quốc hội và Chính phủ nên tuyên truyền, thông báo rộng cho toàn dân biết chủ trương.


* Nhằm chuẩn bị các nội dung trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XIII, ngày 16-10, Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Vĩnh Long tổ chức cuộc họp lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan, ban, ngành về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Nhìn chung, các đại biểu cơ bản thống nhất về bố cục của Hiến pháp. Các đại biểu ở các cơ quan Tòa án, Đoàn Luật sư, Sở Tư pháp tỉnh… đóng góp với Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp cần sửa đổi, bổ sung một số từ ngữ, câu từ cho phù hợp. Ở Khoản 1, Điều 13 (ghép các Điều 141,142,143, 145) đa số đại biểu đều nhất trí với Phương án 2 do Ủy ban dự thảo của Quốc hội đưa ra là đề nghị giữ qui định về Quốc kỳ như Hiến pháp năm 1992 vì xác định cụ thể hình dạng, kích thước quốc kỳ nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, bảo đảm tính trang trọng.

Ở Chương III, Điều 55 (sửa đổi, bổ sung các Điều 15,16,19,20,21) quy định về cách thể hiện các thành phần kinh tế trong Hiến pháp, đại biểu cũng tán thành Phương án 1 của Ủy ban Dự thảo đưa ra là đề nghị nêu cụ thể tên các thành phần kinh tế và xác định rõ từng thành phần kinh tế nhằm làm rõ tính chất nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Ngoài ra, các đại biểu đề nghị nên giữ quy định về Tòa án đặc biệt như Hiến pháp năm 1992. Chương X các đại biểu thống nhất với Phương án 1, chỉ quy định về Hội đồng Bầu cử quốc gia, Kiểm toán Nhà nước, không quy định thêm Hội đồng Hiến pháp nhằm tránh sự chồng chéo trong quản lý.

Tại cuộc họp lấy ý kiến, các đại biểu cũng bày tỏ phấn khởi, khi trong dự thảo lần này có bổ sung các điều khoản mới qui định thêm về quyền bào chữa của bị can, bị cáo, quyền bảo vệ lợi ích hợp pháp của đương sự được bảo đảm và các quy định về Kiểm toán Nhà nước./.