Môi trường đầu tư nước ngoài ở châu Phi năm 2008
Năm 2008, FDI vào châu Phi đạt 39 tỉ USD - mức tăng cao nhất kể từ trước đến nay. Đây là tín hiệu đáng mừng thể hiện rõ những nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư của chính phủ nhiều nước châu Phi trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, châu Phi còn tiềm ẩn nhiều bất lợi, rủi ro, ảnh hưởng đến tính bền vững của dòng FDI vào khu vực.
Môi trường đầu tư dần được cải thiện
Từ cuối thập kỷ 90 của thế kỷ XX, châu Phi đã bắt đầu có sự thay đổi, hàng loạt nước châu Phi tiến hành mở cửa thị trường cho dòng vốn đầu tư nước ngoài, đồng thời ký kết các hiệp định đầu tư đa phương và song phương. Nếu như vào năm 1997, ở châu Phi chỉ có U-gan-đa là nước duy nhất tiến hành mở cửa hoàn toàn nền kinh tế, tự do hoá thương mại và đầu tư, tiến hành đồng loạt những cải cách kinh tế theo hướng thị trường thì đến 1999, có 37 nước châu Phi ký kết Công ước thiết lập Ủy ban đảm bảo đầu tư đa phương, 50 nước châu Phi ký các thoả thuận đầu tư song phương (BITs). Đến năm 2007, con số này là 54 nước với tổng cộng 500 BITs và 360 Hiệp định tránh đánh thuế hai lần (DTTs). Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới (WB, năm 2007), những nước châu Phi hiện nay thực hiện cơ chế mở cửa, không kiểm soát dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài gồm: Bốt-xoa-na, Nam-mi-bi-a, Ni-giê-ri-a, Xây-xen, Nam Phi, Tan-da-ni-a, Tô-gô, U-gan-đa, Dăm-bi-a. Những nước kiểm soát một phần vốn đầu tư nước ngoài (hạn chế cổ phần, kiểm soát ngành nghề đầu tư) là Ca-mơ-run, Sat, Mô-ri-xơ, Mô-dăm-bích.
Những năm gần đây, đầu tư trực tiếp nước ngoài vào châu Phi bắt đầu tăng mạnh do nhiều nước châu Phi đã thực hiện chính sách, biện pháp mới. Như Nam Phi đã cho phép sở hữu 100% vốn nước ngoài, ký kết một khối lượng lớn BITs, DTTs với các nước phát triển và đang phát triển; ban hành nhiều cơ chế khuyến khích đầu tư nước ngoài (ưu đãi tiếp cận tín dụng, miễn thuế đối với hoạt động đầu tư liên quan đến chuyển giao công nghệ); khuyến khích đầu tư phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Luật đầu tư sửa đổi của Dăm-bi-a năm 2006 đã đem lại hàng loạt những khuyến khích mới về tài chính cho các nhà đầu tư nước ngoài, chẳng hạn như: chỉ có các dự án quy mô 500.000 USD mới phải xin giấy phép của Ủy ban phát triển Dăm-bi-a. Tại Ga-na, Luật ngoại hối năm 2006 đã đánh dấu một bước mới trong quá trình tự do hoá dòng vốn nước ngoài. Theo luật này, lần đầu tiên các nhà đầu tư nước ngoài được tham gia thị trường chứng khoán trong nước và được mua trái phiếu của chính phủ.
Năm 2007, Ca-pơ Véc-đơ đơn giản hoá thủ tục cấp phép đầu tư, mở cửa hoàn toàn các ngành công nghiệp cho các nhà đầu tư nước ngoài, ưu tiên đầu tư cho các ngành công nghiệp nhẹ, du lịch và đánh cá. Ai Cập đơn giản hoá các thủ tục thành lập các đặc khu kinh tế. Kê-ni-a hoàn thành các thủ tục cấp giấy phép cho các công ty đầu tư mạo hiểm, nới lỏng những quy định liên quan đến ngân hàng. Mô-ri-xơ giảm thuế thu nhập công ty từ 22,5% xuống 15%. Ni-giê-ri-a miễn thuế lợi nhuận cho các công ty đóng tại các khu thương mại tự do, khu chế xuất. Xu-đăng bắt đầu cho phép sở hữu 100% vốn nước ngoài.
Năm 2008, châu Phi tiếp tục nới lỏng các biện pháp ưu đãi đầu tư. Điển hình là chính sách mở cửa ngành khai khoáng cho đầu tư nước ngoài ở Cộng hoà dân chủ Công-gô và Ma-đa-gát-xca; ngành viễn thông ở Kê-ni-a; ngành du lịch và kết cấu hạ tầng ở Xê-nê-gan. Nhiều nước Đông Phi đã cải thiện tình hình an ninh, tạo môi trường ổn định hơn để thu hút FDI. Bên cạnh đó, môi trường đầu tư ở châu Phi cũng đang được cải thiện thông qua các nỗ lực thúc đẩy đầu tư của các khối liên kết khu vực. Thị trường chung Đông và Nam Phi (COMESA) đã thực hiện Hiệp định đầu tư cho COMESA nhằm hình thành một khu vực đầu tư tự do vào năm 2010. Cộng đồng kinh tế Tây Phi (ECOWAS) đã thành lập Uỷ ban thúc đẩy đầu tư nhằm tư vấn chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài. Cộng đồng phát triển miền Nam châu Phi (SADC) đang bàn bạc để ký kết Hiệp ước tài chính và đầu tư nhằm thúc đẩy liên kết khu vực sâu rộng hơn. Hiện nay đã có 10 trong số 14 nước thành viên của SADC ký kết hiệp ước này.
Các báo cáo kinh tế châu Phi năm 2008 của WB, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Hội nghị Liên hợp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD) đều cho rằng: FDI là chìa khoá quyết định để giải quyết các vấn đề kinh tế hiện nay của châu Phi. Bên cạnh việc nới lỏng chính sách, luật lệ, quy định liên quan trực tiếp đến đầu tư nước ngoài, những yếu tố khác như tình hình kinh tế, chính trị, xã hội, tiến trình tư nhân hoá, kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực, tài nguyên… đều ảnh hưởng đến môi trường đầu tư tại đây. Vào cuối năm 1999, có ít nhất 17 nước châu Phi thực hiện chương trình tư nhân hoá các doanh nghiệp nhà nước. Những chương trình này đang tiếp tục được thực hiện ở nhiều nước khác. Do tình trạng khan hiếm vốn trong nước, chương trình chủ yếu thực hiện thông qua bán cổ phần cho các nhà đầu tư nước ngoài. Năm 2007, tổng số tiền thu được từ các vụ bán cổ phần công ty cho người nước ngoài ở châu Phi lên tới 10,2 tỉ USD, năm 2008 là 23,3 tỉ USD.
Trong những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng kinh tế của châu Phi liên tục được cải thiện. Trong suốt 5 năm qua, GDP của khu vực tăng trung bình trên 5%/năm. Trong giai đoạn 2003-2008, thu nhập bình quân đầu người ở châu Phi tăng trung bình 3,6%, cao hơn nhiều so với mức tăng 1% của giai đoạn 1997-2002. Vào năm 2008, GDP của khu vực châu Phi cận Xa-ha-ra đạt xấp xỉ 6%, tuy có giảm đôi chút so với mức tăng 6,7% của năm 2007, nhưng vẫn là khu vực được đánh giá là tăng trưởng nhanh. Hầu hết các nước châu Phi đã thoát khỏi xung đột và bất ổn chính trị, tạo điều kiện tốt cho phát triển kinh tế. Chỉ còn một số nước đắm chìm trong bạo lực như Dim-ba-bu-ê, Xô-ma-li, Xu-đăng, Cốt Đi-voa, Cộng hoà dân chủ Công-gô. Nhiều nước châu Phi đã và đang chú trọng đến phát triển kết cấu hạ tầng nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các nhà đầu tư nước ngoài như các dự án xây dựng cầu cảng, đường xá, nguồn cung cấp điện... Bên cạnh đó, một số nước châu Phi đã bắt đầu chú trọng đến vấn đề giáo dục và y tế nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Theo đánh giá của Liên hợp quốc, những nước có khả năng thực hiện tốt phổ cập giáo dục và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vào năm 2015 sẽ là Cáp-vơ, Li-bi, Nam-mi-bi-a, Mô-ri-xơ, Xây-xen, An-giê-ri, Nam Phi, Bốt-xoa-na, Ai Cập, Tuy-ni-di, Ma-rốc và Ăng-gô-la.
Những kết quả ban đầu
Dòng vốn FDI có xu hướng giảm dần trong suốt 30 năm qua và bắt đầu có dấu hiệu tăng trở lại từ sau năm 2000. Vào đầu thập niên 70 của thế kỷ XX, FDI vào châu Phi chiếm 25% tổng khối lượng FDI đổ vào các nước đang phát triển; năm 1993, con số này là 5,2%, sau đó tiếp tục giảm và chỉ còn 3,8% vào năm 2000. Các nhà đầu tư nước ngoài trở nên e ngại hơn khi đầu tư vào châu Phi bởi chiến tranh xảy ra ở Xiê-ra Lê-ôn, Ê-ri-tơ-ri-a, Ê-ti-ô-pi-a, Xu-đăng, Công-gô, Ăng-gô-la và nhiều nước châu Phi khác. Theo số liệu thống kê, hằng năm, xung đột ở Trung Phi tiêu tốn hơn 1 tỉ USD, ở Tây Phi là 800 triệu USD. Chưa kể các dịch bệnh như HIV/AIDs, sốt rét, lao phổi, châu Phi trở thành một khu vực đầy rủi ro và chi phí cao đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
Tình hình trở nên sáng sủa hơn kể từ năm 2001 khi môi trường đầu tư nước ngoài ở châu Phi tiếp tục được cải thiện. Năm 2001, châu Phi lần đầu tiên chiếm 1,3% tổng FDI toàn cầu sau gần 30 năm sụt giảm, sau đó đạt 1,5% vào năm 2004, 1,6% vào năm 2005 và hiện nay ở mức 4%. Xét về số lượng, FDI vào châu Phi đã tăng từ 13 tỉ USD (năm 2003) lên 21 tỉ USD (năm 2005), 22 tỉ USD (năm 2006) và 53 tỉ USD (năm 2007). Phần lớn FDI vào châu Phi hiện nay tập trung ở các nước có quy mô kinh tế lớn như Nam Phi, Ni-giê-ri-a; và những nước có môi trường đầu tư thuận lợi như U-gan-đa, Kê-ni-a, Ghi-nê Xích đạo, Ma-đa-ga-xca, Dăm-bi-a, Sat, An-giê-ri và Ma-rốc.
Ngày càng có nhiều dự án đầu tư nước ngoài vào châu Phi do môi trường đầu tư được cải thiện. Năm 2003, châu Phi tiếp nhận 333 dự án FDI, năm 2004 là 279 dự án, năm 2005 là 474 dự án, năm 2006 có 473 dự án, năm 2007 là 380 dự án. Những nước thu hút được nhiều dự án FDI nhất trong giai đoạn 2003-2007 là Nam Phi (64 dự án/năm), Ma-rốc (48 dự án/năm), Ai Cập (46 dự án/năm), An-giê-ri (34 dự án/năm), Ni-giê-ri-a (26 dự án/năm).
FDI vào châu Phi cũng có những biến đổi theo cơ cấu ngành đầu tư. Trong giai đoạn 1996-2000, cơ cấu ngành đầu tư vào châu Phi được phân bổ: ngành khai khoáng chiếm 54% tổng FDI, ngành chế tạo chiếm 21%, dịch vụ là 25%. Năm 2007, cơ cấu ngành có sự thay đổi, trong đó ngành khai khoáng giảm dần tỷ trọng (45%), nhường chỗ cho ngành chế tạo (28%) và dịch vụ (27%). Một tín hiệu đáng mừng là kết cấu hạ tầng châu Phi đang là một trong những ngành thu hút vốn đầu tư nước ngoài (năm 2006 đạt tỷ lệ 10,4%). Những lĩnh vực các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm bao gồm: điện, ga, nước, giao thông vận tải, kho tàng và viễn thông. Một số nước có nhiều dự án FDI đầu tư vào kết cấu hạ tầng nhiều nhất là Bốt-xoa-na, Cáp-vơ, Ai Cập, Ma-đa-ga-xca, Ma-la-uy, Ma-rốc, Nam-mi-bi-a, Nam Phi, U-gan-đa, Tan-da-ni-a và Dăm-bi-a.
Nếu như trước kia, đối tác đầu tư truyền thống vào châu Phi là Mỹ và EU, thì hiện nay sự xuất hiện của Trung Quốc, Nhật Bản trong bản đồ đầu tư ở châu Phi đang là một chiều hướng mới. Vào năm 2006, Trung Quốc thực hiện chính sách đầu tư mới vào châu Phi, và năm 2007, Trung Quốc đã có trên 300 dự án đầu tư vào châu lục này. Những dự án đầu tư lớn của Trung Quốc ở các ngành quan trọng như khai thác dầu khí, khoáng sản, xây dựng kết cấu hạ tầng đang được tiến hành ở nhiều nước châu Phi, điển hình là ở Ga-bông, Công-gô, Nam Phi, Ni-giê-ri-a. Cùng với Trung Quốc, Nhật Bản cũng đang đẩy mạnh thực hiện Chương trình phát triển dành cho châu Phi (TICAD). Trong giai đoạn 2003-2007, FDI của Nhật Bản vào châu Phi đã tăng gấp đôi, đạt 2,5 tỉ USD vào năm 2007. Những đối tác truyền thống của châu Phi cũng đang nỗ lực ký kết các hiệp định thương mại và đầu tư vào các nước thuộc châu lục này, điển hình là Hiệp định hợp tác phát triển, đầu tư và thương mại (TIDCA) của Mỹ với các nước thuộc Liên minh thuế quan miền Nam châu Phi, đồng thời với việc ký kết một loạt hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Mỹ, EU với châu Phi nhằm tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy thương mại và đầu tư giữa hai phía.
Những khó khăn tồn tại
Mặc dù bức tranh tổng thể về FDI vào châu Phi đã tương đối sáng sủa trong thời gian gần đây, nhưng không thể nói môi trường đầu tư ở châu Phi mang tính hấp dẫn. Bởi bên cạnh những căn bệnh kinh niên chưa được giải quyết dứt điểm như đói nghèo, dịch bệnh, xung đột..., còn có một số nguyên nhân như:
Thứ nhất, các chính sách, luật lệ liên quan trực tiếp đến việc thu hút FDI của châu Phi còn thiếu và không đầy đủ. Nhiều nước châu Phi hiện nay vẫn chưa ban hành Luật công ty, Luật hợp đồng lao động, Luật phá sản, Luật bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ; hệ thống chính sách, những ưu đãi còn hết sức rườm rà, phức tạp; chưa thực hiện các hiệp định tránh đánh thuế hai lần, chưa áp dụng những cơ chế tính thuế hiện đại theo đúng chuẩn quốc tế. Bên cạnh đó, chỉ có một số ngành nhất định được hưởng những ưu đãi đầu tư đặc biệt, chẳng hạn như: ngành du lịch, khai thác dầu khí và khoáng sản. Nhiều nước còn áp dụng biện pháp kiểm soát tỷ lệ sở hữu vốn cổ phần của người nước ngoài. Điều này gây nhiều khó khăn đối với nhà đầu tư nước ngoài khi đưa ra những quyết định đầu tư vào khu vực.
Thứ hai, tham nhũng đang trở thành vấn đề nóng hổi ở châu Phi. Theo đánh giá của Ngân hàng Phát triển châu Phi, tham nhũng gây mất mát, thất thoát, xấp xỉ 50% doanh thu từ thuế và khiến cho các khoản vay nợ nước ngoài trở nên không hiệu quả. Đặc biệt, các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng chiếm xấp xỉ 70% tổng số các vụ tham nhũng. Ước tính hằng năm có tới 30 tỉ USD tiền viện trợ nước ngoài dành cho châu Phi bị thất thoát và được gửi vào các ngân hàng nước ngoài. Các nhà đầu tư nước ngoài thường rất nản lòng khi đầu tư vào châu Phi bởi tham nhũng kéo theo chi phí đầu tư gia tăng, thời gian đầu tư bị đình trệ cùng những hậu quả kinh tế khác đối với nhà đầu tư.
Thứ ba, sự kém hiệu quả của kết cấu hạ tầng cùng với nguồn cung cấp năng lượng không đầy đủ khiến chi phí đầu tư tăng cao. Châu Phi cận Xa-ha-ra hiện chỉ chiếm 3% vận tải đường sắt của các nước đang phát triển, nhưng chiếm tới 17% dân số và 7% GDP của nhóm nước này; chỉ có 1/5 đường xá được trải nhựa so với ¼ ở Mỹ La-tinh và 2/5 ở Nam Á. Tại châu Phi, số lượng các sân bay và cầu cảng mang tính chất quốc tế chỉ chiếm 4,5% vận tải hàng không toàn cầu, song tỷ lệ tai nạn hàng không lại là 25%. Các nhà đầu tư vào châu Phi không những vấp phải kết cấu hạ tầng yếu kém mà còn phải chịu những rào cản cơ chế hơn bất cứ một khu vực nào khác trên thế giới. Những nước có kết cấu hạ tầng bị đánh giá là tồi tệ nhất hiện nay trên thế giới thuộc về Sat, Bu-run-đi, Ca-mơ-run, U-gan-đa, Buốc-ki-na Pha-xô, Bê-nanh, Ê-ti-ô-pi-a, Ma-la-uy, Ma-li, Mô-ri-ta-ni.
Thứ tư, sự giàu có về nguồn tài nguyên thiên nhiên cộng với sự tụt hậu trong phát triển nguồn nhân lực khiến châu Phi nhiễm phải căn bệnh Hà Lan mà nhiều nước đã từng gặp. Hệ thống giáo dục ở châu Phi hiện nay đang ở trong tình trạng khủng hoảng nghiêm trọng. Mặc dù một số nước như Xây- xen, Nam-mi-bi-a, Nam Phi có tỷ lệ biết chữ cao, nhưng phần lớn các nước châu Phi vẫn đang phải đối mặt với tình trạng tỷ lệ mù chữ trong dân cư cao (điển hình ở Ma-li, Buốc-ki-na Pha-xô, Ni-giê-ri-a, Sat, tỷ lệ biết chữ chỉ dưới 30%). Đây là thách thức rất lớn bởi đầu tư vào nguồn nhân lực đang trở thành một công cụ vô cùng quan trọng để tạo yếu tố đầu vào hiệu quả cho nền kinh tế; đồng thời giúp người dân châu Phi thoát khỏi đói nghèo. Những nỗ lực cải cách giáo dục của nhiều nước châu Phi vẫn không mang lại hiệu quả. Đầu tư nước ngoài vào châu Phi chủ yếu rót vào các ngành khai thác tài nguyên. Nếu không có đủ năng lực tiếp thu chuyển giao công nghệ, nâng cao trình độ dân trí và đào tạo kỹ năng, thì một khi nguồn tài nguyên bị khai thác cạn kiệt, châu Phi sẽ tiếp tục chìm trong đói nghèo và lạc hậu./.
Đầu tư trực tiếp nước ngoài năm 2008  (20/01/2009)
Thực hiện Cuộc vận động trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài  (20/01/2009)
Khai mạc Diễn đàn Tài chính châu Á tại Hồng Công  (20/01/2009)
Tổng quan kinh tế năm 2008 và triển vọng năm 2009  (20/01/2009)
- Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh kinh tế, góp phần bảo đảm an ninh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên