Sự ra đời của Quân đội Lào cách đây 60 năm đánh dấu một thời kỳ phát triển mới trong lịch sử đấu tranh của cách mạng Lào. Ngay từ khi thành lập, Quân đội nhân dân Lào đã mang đầy đủ bản chất của một quân đội cách mạng, từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu. Đó chính là nguồn gốc tạo nên sức mạnh chiến đấu và chiến thắng của Quân đội Lào trong đấu tranh giải phóng dân tộc và công cuộc đổi mới hiện nay.

Quân đội nhân dân Lào trong đấu tranh giải phóng dân tộc

Ngày 20-1-1949, tại chiến khu Xiềng Khọ, (tỉnh Hủa Phăn), Quân đội Lào đã được thành lập với Đại đội Lát-xa-vông, đơn vị vũ trang chính quy đầu tiên do đồng chí Cay-xỏn Phôm-vi-hản trực tiếp chỉ huy. Sau đó, các đội vũ trang khác trong nước lần lượt hợp nhất về Đại đội Lát-xa-vông thành Quân đội Lào Ít-xa-la (Quân đội Lào tự do).

Trải qua quá trình xây dựng, chiến đấu, Quân đội Lào Ít-xa-la ngày càng lớn mạnh và trưởng thành với nhiều tên gọi khác nhau: năm 1957, khi Chính phủ Lào thực hiện chính sách hoà hợp dân tộc, được gọi là Lực lượng Pa-thét Lào; sau đó đổi tên thành Quân đội giải phóng nhân dân Lào (20-1-1966) và từ sau năm 1975 là Quân đội nhân dân Lào.

Quân đội Lào Ít-xa-la ra đời là sự kiện quan trọng, đánh dấu một thời kỳ phát triển của lịch sử đấu tranh cách mạng Lào. Từ các đội vũ trang tuyên truyền, các đơn vị chiến đấu độc lập ra đời trong cuộc đấu tranh của nhân dân các bộ tộc ở nhiều khu vực đã được thống nhất thành Quân đội Lào Ít-xa-la dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương - tiền thân của Đảng Nhân dân cách mạng Lào. Sự ra đời của Quân đội Lào là kết quả của một quá trình đấu tranh gian khổ của các bộ tộc và nhân dân Lào với sự vận dụng đúng đắn, sáng tạo nguyên lý chủ nghĩa Mác – Lê-nin, học thuyết quân sự vô sản trong việc xây dựng một quân đội nhân dân thích hợp vào điều kiện cụ thể của Lào.

Ngay sau khi ra đời, Quân đội Lào Ít-xa-la đã sát cánh cùng với Quân đội nhân dân Việt Nam tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Về phía Việt Nam, với quan điểm “Đông Dương là một chiến trường”, từ đầu năm 1949, theo yêu cầu của cách mạng Lào, Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hoà và Bộ Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam đã điều động một bộ phận quân chủ lực cùng nhiều cán bộ cơ sở sang giúp Lào, đồng thời cán bộ Đảng và các đơn vị vũ trang do Đặc uỷ Việt kiều ở Thái Lan xây dựng cũng được lệnh sang hoạt động ở chiến trường Lào.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng Nhân dân cách mạng Lào, trực tiếp là của các đảng bộ và ban chỉ huy các khu, tỉnh, một cao trào “đoàn kết chiến đấu” diễn ra sôi nổi, mạnh mẽ trên khắp các chiến trường. Từ giữa năm 1949 đến 1950, lực lượng kháng chiến Lào đã tích cực phát triển các đại đội chủ lực, đội vũ trang tuyên truyền và du kích ở khắp nơi, từ Đông Bắc Lào, Tây và Tây Bắc Lào đến Trung Lào, Hạ Lào. …Đặc biệt, các đơn vị Lát-xa-vông đã phối hợp với bộ đội tình nguyện Việt Nam mở các chiến dịch ở Tây Bắc và Bắc Lào như chiến dịch Xiềng Khọ (6-1949), chiến dịch Sông Mã (11-1949), trận tập kích đồn Noọng Khang (12-1949) nhằm phá vỡ phòng tuyến dài hàng trăm ki-lô-mét của địch, cơ sở địch hậu ở Bắc Lào, mở thông biên giới Lào - Việt ở phía Bắc, đẩy mạnh công tác xây dựng căn cứ địa Trung ương của cách mạng Lào.

Với sự lớn mạnh không ngừng của lực lượng kháng chiến trên khắp cả nước, Quân đội Lào Ít-xa-la liên tục đẩy mạnh các hoạt động chiến đấu, từ các hoạt động du kích lẻ tẻ tiến lên những hoạt động tác chiến quy mô lớn, kể cả đánh vào các vị trí phòng ngự của địch. Năm 1953, Quân đội Lào phối hợp với quân tình nguyện Việt Nam mở các chiến dịch lớn như chiến dịch Thượng Lào (4-1953), Trung Lào (12-1953), Hạ Lào (1-1954)… và giành được thắng lợi lớn. Trong chiến dịch Đông Xuân 1953-1954, Quân đội Lào đã loại khỏi vòng chiến đấu 8.000 địch, giải phóng 10 vạn ki-lô-mét vuông(1) (không kể tỉnh Hủa Phăn), trong đó có nhiều vùng chiến lược quan trọng, uy hiếp địch trên toàn chiến trường Đông Dương, buộc quân Pháp phải phân tán lực lượng cơ động chiến lược, tạo điều kiện cho quân và dân Việt Nam tiêu diệt toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, làm thất bại hoàn toàn kế hoạch Na-va.

Sau khi Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, Mỹ ráo riết can thiệp vào các nước Đông Dương, đặt Lào, miền Nam Việt Nam và Cam-pu-chia vào khu vực bảo hộ của khối SEATO. Để gạt bỏ hẳn ảnh hưởng của Pháp, Mỹ lập ra chính quyền phái hữu Viêng Chăn, cải tổ quân đội nguỵ, tăng cuờng viện trợ quân sự nhằm thực hiện chủ nghĩa thực dân kiểu mới ở Lào.

Nhằm đối phó với âm mưu xâm lược của Mỹ, từ năm 1955 đến 1962, Đảng Nhân dân cách mạng Lào tập trung xây dựng và củng cố lại lực lượng vũ trang Pa-thét Lào, phát triển từ 4 tiểu đoàn và một số đại đội địa phương tỉnh lên 15 tiểu đoàn bộ binh, 36 đại đội độc lập của tỉnh và 64 trung đội bộ đội địa phương huyện; đồng thời bắt đầu xây dựng một số đơn vị binh chủng như pháo binh, công binh, thông tin, trinh sát, tăng thiết giáp…(2)

Với những nỗ lực của lực lượng vũ trang cách mạng, lực lượng trung lập và sự phối hợp của quân tình nguyện Việt Nam (lần thứ hai sang giúp Lào theo đề nghị của Chính phủ Hoàng thân Xu-va-na Phu-ma), Quân đội Lào đã đẩy lùi được nhiều đợt tiến công của quân nguỵ, phá nhiều ổ nhóm phỉ… Vùng giải phóng được giữ vững và không ngừng mở rộng. Trên đà thắng lợi, từ năm 1971, các lực lượng vũ trang Lào đã phối hợp chặt chẽ với Quân đội nhân dân Việt Nam đập tan lực lượng tiến công của địch ở đường 9 – Nam Lào; mở cuộc tiến công địch ở Pắc xoòng, giải phóng cao nguyên Bô-lô-ven; đập tan đợt phản kích của lực lượng đặc biệt Vàng Pao, bảo vệ khu vực Cánh đồng Chum – Xiêng Khoảng…

Những thắng lợi quân sự liên tiếp trên chiến trường Lào cũng như ở Cam-pu-chia và Việt Nam, cùng những thắng lợi to lớn trên mặt trận đấu tranh ngoại giao đã buộc Mỹ phải ký Hiệp định Pa-ri về Việt Nam, Hiệp định Viêng Chăn về Lào, tạo thời cơ đưa cách mạng Lào tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn.

Mùa xuân năm 1975, ở Lào đã xuất hiện hình thái nổi dậy của nhân dân và binh biến trong quân đội ngụy, đồng thời những thắng lợi to lớn của quân dân Việt Nam và Cam-pu-chia đã tạo điều kiện thuận lợi đối với cách mạng Lào. Ngày 5-5-1975, Đảng Nhân dân cách mạng Lào kịp thời hạ quyết tâm chiến lược phát động toàn quân, toàn dân đồng loạt nổi dậy và tiến công toàn diện đề giành chính quyền trong cả nước.

Thực hiện quyết tâm của Đảng, Quân giải phóng nhân dân Lào với thế trận đã bố trí sẵn, tạo sức ép mạnh về quân sự để hỗ trợ đắc lực cho các tầng lớp nhân dân nổi dậy đấu tranh, đập tan hệ thống ngụy quân, ngụy quyền, thành lập chính quyền cách mạng của nhân dân ở các vùng bị chiếm cũ. Đại hội đại biểu nhân dân các dân tộc cả nước do Trung ương Đảng nhân dân cách mạng Lào triệu tập đã tuyên bố xoá bỏ chế độ quân chủ, thiết lập chế độ cộng hoà nhân dân. Ngày 2-12-1975, nước Cộng hoà dân chủ nhân Lào ra đời, kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng dân tộc, đưa cách mạng Lào bước sang một giai đoạn mới: xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Và trong công cuộc xây dựng, đổi mới đất nước

Sau khi đất nước được giải phóng, Đảng Nhân dân cách mạng và Chính phủ Lào luôn chú trọng chăm lo, củng cố, xây dựng và phát triển khả năng quốc phòng, nâng cao sức mạnh chiến đấu của các lực lượng vũ trang, sẵn sàng ứng phó và đập tan các cuộc bạo loạn, gây rối của các lực lượng phản động, đánh trả các hành động vũ trang khiêu khích, lấn chiếm biên giới của kẻ thù, giữ vững chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Những hoạt động của lực lượng vũ trang đã góp phần giữ vững an ninh quốc gia, tạo điều kiện ổn định để đất nước thực hiện thắng lợi kế hoạch khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội. Để ghi nhận những công lao to lớn của Quân đội nhân dân Lào trong chiến đấu cũng như trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Nhà nước Lào đã hai lần tặng thưởng Huân chương Vàng quốc gia cho quân đội - phần thưởng cao quý nhất của Nhà nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào.

Trong công cuộc xây dựng và đổi mới đất nước, Quân đội nhân dân Lào không những là lực lượng trung thành tuyệt đối của Đảng Nhân dân cách mạng Lào, kiên quyết bảo vệ thành quả cách mạng, bảo vệ sự nghiệp lao động sáng tạo của nhân dân, mà còn phát huy truyền thống tốt đẹp là quân đội nhân dân, vừa chiến đấu giỏi, vừa tích cực tham gia xây dựng kinh tế, kết hợp quốc phòng với kinh tế, góp phần quan trọng vào sự phát triển của nền kinh tế đất nước.

Phát biểu tại lễ kỷ niệm 56 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Lào, Thiếu tướng Chan-sa-mon Chan-tha-lat, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Lào khẳng định: “Quân đội là lực lượng nòng cốt trong việc thực hiện đường lối bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ an ninh toàn dân, toàn diện của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào”(3), đồng thời nhấn mạnh: “nhân tố quan trọng góp phần làm cho lực lượng vũ trang Lào lớn mạnh, vững chắc và có khả năng hoàn thành nhiệm vụ cao cả là tình đoàn kết đặc biệt, hợp tác liên minh chiến đấu giữa Quân đội nhân dân Lào với Quân đội nhân dân Việt Nam, sự hợp tác giúp đỡ to lớn của các nước bè bạn và các lực lượng tiến bộ thế giới”(4). Thực tiễn lịch sử đã chứng minh mối quan hệ đặc biệt này, được thử thách trong những bối cảnh đặc biệt, đang là cơ sở vững chắc để hai quốc gia và hai quân đội cùng đoàn kết, giúp nhau trong xây dựng và phát triển.

Trong suốt chặng đường xây dựng, chiến đấu và bảo vệ Tổ quốc, Quân đội nhân dân Việt Nam luôn sát cánh cùng với Quân đội nhân dân Lào. Thấm nhuần tinh thần quốc tế vô sản của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Quân đội Việt Nam luôn nêu cao tinh thần “giúp nhân dân nước bạn như giúp mình”(5), đoàn kết chặt chẽ với quân dân Lào, trân trọng, bảo vệ, giữ gìn và không ngừng chăm lo, củng cố, phát triển quan hệ đoàn kết đặc biệt giữa hai dân tộc và quân đội hai nước. Đó là điển hình mẫu mực liên minh giữa quân đội hai nước có chủ quyền, tôn trọng và tin cậy lẫn nhau, là tài sản vô cùng quý báu, sẽ mãi mãi được phát huy, góp phần đưa quan hệ đoàn kết đặc biệt và sự hợp tác toàn diện giữa hai nước Việt – Lào phát triển lên tầm cao mới vì hạnh phúc của nhân dân mỗi nước.

Trước tình hình mới, mối quan hệ, hợp tác quốc tế, hữu nghị giữa Quân đội nhân dân Việt Nam và Quân đội nhân dân Lào đòi hỏi phải được tăng cường và phát triển lên một bước mới theo hướng toàn diện, chặt chẽ và hiệu quả, vừa kế thừa và phát huy truyền thống đã có, vừa điều chỉnh đổi mới về nội dung, phương pháp quan hệ, hợp tác phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của cách mạng mỗi nước. Cách mạng hai nước đã có sự chuyển biến khác trước, nhưng nhiệm vụ quân đội hai nước về cơ bản vẫn là sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ vững chắc công cuộc xây dựng đất nước. Dưới sự lãnh đạo của hai Đảng, với sự nhất trí cao về quan điểm và các vấn đề lớn trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của mỗi nước là yếu tố cơ bản bảo đảm cho mối quan hệ đặc biệt giữa quân đội hai nước không ngừng củng cố và phát triển.

Sáu mươi năm qua, chặng đường đoàn kết liên minh chiến đấu đặc biệt giữa quân đội và nhân dân hai nước Việt Nam – Lào được đánh dấu bằng nhiều sự kiện lịch sử quan trọng. Trong bối cảnh quốc tế hiện nay, quan hệ giữa Quân đội nhân dân Việt Nam với Quân đội nhân dân Lào đang đứng trước những thuận lợi và những thách thức, khó khăn mới. Song, quân đội hai nước đang tiếp tục phấn đấu, đạt nhiều thành tựu to lớn hơn nữa, góp phần đưa quan hệ hữu nghị, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa quân đội và nhân dân hai nước phát triển lên một tầm cao mới trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của mỗi nước, vì hoà bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới./.
 

(1) Bộ Quốc phòng: Viện lịch sử quân sự Việt Nam: Lược sử quân đội các nước Đông - Nam Á, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2006, tr 168
(2) Bộ Quốc phòng: Viện lịch sử quân sự Việt Nam: Lược sử quân đội các nước Đông - Nam Á: Sđd, , tr 184
(3), (4) Bản tin Thông tấn xã Việt Nam, ngày 21-1-2005
(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t 8, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1986, tr 6