TCCSĐT - Nhận lời mời của Thủ tướng Chính phủ, Tổng Thư ký Đảng Hành động Nhân dân Xin-ga-po (PAP) Lý Hiển Long, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã rời Hà Nội lên đường thăm chính thức Cộng hòa Xin-ga-po từ ngày 12 đến ngày 14-9-2012.
Cùng đi với đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có các đồng chí: Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh; Hoàng Trung Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Hoàng Bình Quân, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương; Trần Quốc Vượng, Ủy viên Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương; Phạm Bình Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao; Vũ Huy Hoàng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương; Vương Đình Huệ, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài chính; Hồ Mẫu Ngoạt, Ủy viên Trung ương Đảng, Trợ lý Tổng Bí thư; Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Trần Hải Hậu, Đại sứ Việt Nam tại Xin-ga-po; Trung tướng Trần Việt Tân, Thứ trưởng Bộ Công an.

Đây là lần thứ hai, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam sang thăm Xin-ga-po, sau gần 20 năm kể từ chuyến thăm đầu tiên của Tổng Bí thư Đỗ Mười vào năm 1993. Chuyến thăm Xin-ga-po lần này của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhằm tạo cơ sở chính trị vững chắc cho quan hệ hai nước tiếp tục phát triển.

Trong những năm qua, Việt Nam và Xin-ga-po thường xuyên trao đổi đoàn cấp cao. Gần đây nhất là chuyến thăm của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã thăm Xin-ga-po (tháng 9-2011) và Tổng thống Xin-ga-po To-ny Tân Keng Giam (Tony Tan Keng Yam) thăm Việt Nam (tháng 4-2012). Hai nước đã ký Tuyên bố chung về khuôn khổ hợp tác toàn diện trong thế kỷ XXI (năm 2004) và Hiệp định khung kết nối (2005). Đây là những cơ sở pháp lý quan trọng tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa hai nước nhất là trên 6 lĩnh vực tài chính, đầu tư, thương mại-dịch vụ, giao thông vận tải, bưu chính viễn thông-công nghệ thông tin và giáo dục-đào tạo.

Thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 1-8-1973 nhưng sau khi Việt Nam tham gia Hiệp ước Bali (7-1992) và trở thành thành viên đầy đủ của ASEAN tháng 7-1995, quan hệ hai nước mới bắt đầu chuyển sang một giai đoạn phát triển mới về chất. Xin-ga-po rất coi trọng phát triển quan hệ hợp tác với Việt Nam và Việt Nam trở thành một trong những thị trường chính về hợp tác thương mại, đầu tư của Xin-ga-po ở Đông Nam Á. Từ năm 1996 đến nay, Xin-ga-po luôn là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Kim ngạch thương mại hai chiều liên tục tăng, từ chỗ đạt 3,31 tỷ USD năm 1998 đã tăng lên hơn 12 tỷ USD năm 2008. Tuy nhiên, do ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế thế giới, buôn bán hai nước sụt giảm; kim ngạch thương mại hai chiều năm 2009 đạt 5,8 tỷ USD (giảm 49% so với năm 2008); năm 2010 đạt 6,2 tỷ USD và năm 2011 đạt 8,7 tỷ USD. Việt Nam luôn nhập siêu từ Xin-ga-po, chủ yếu các mặt hàng: xăng dầu, chất dẻo nguyên liệu, kim loại thường, sản phẩm điện tử, máy móc, hóa chất và xuất sang Xin-ga-po chủ yếu là hải sản, cà phê, dầu thô, đá quý, đồ điện tử.

Đầu tư trực tiếp của Xin-ga-po vào Việt Nam cũng tăng liên tục trong những năm gần đây và hiện đứng thứ 5 trong tổng số các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Tính đến tháng 4-2012, Xin-ga-po đầu tư vào Việt Nam 1.020 dự án với tổng trị giá gần 23 tỷ USD vốn đăng ký. Việt Nam cũng đầu tư vào Xin-ga-po 41 dự án với hơn 614 triệu USD. Các dự án đầu tư của Xin-ga-po tập trung vào 5 lĩnh vực: Công nghiệp chế biến và chế tạo; cơ sở hạ tầng; giải trí; dịch vụ và kinh doanh bất động sản. Nhìn chung, các dự án đầu tư của Xin-ga-po được đánh giá hoạt động có hiệu quả cao, đóng góp đáng kể trong việc giải quyết việc làm, xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Nhiều dự án đầu tư của Xin-ga-po vào Việt Nam đạt kết quả tốt, trong đó Khu công nghiệp Việt Nam - Xin-ga-po (VSIP) được coi là biểu tượng cho tính hiệu quả của các dự án đầu tư của Xin-ga-po, đã hoạt động được hơn 11 năm với 4 khu công nghiệp VSIP 1 và 2 tại Bình Dương, VSIP 3 tại Bắc Ninh, VSIP 4 tại Hải Phòng và đang tiến hành mở khu công nghiệp VSIP 5 đặt tại Quảng Ngãi.

Trên lĩnh vực hợp tác quốc phòng giữa hai nước những năm gần đây cũng được tăng cường thông qua nhiều chuyến thăm cấp bộ trưởng và lãnh đạo cao cấp khác và một số cơ chế hợp tác song phương. Hai bên cũng có những hợp tác về pháp luật và tư pháp. Trong lĩnh vực hợp tác về văn hóa và du lịch, hai nước đã có sự phối hợp khá hiệu quả, trong đó Xin-ga-po là thị trường du lịch quan trọng của Việt Nam. Thời gian qua, lĩnh vực hợp tác giáo dục giữa hai nước rất hiệu quả và đa dạng. Hai nước đã ký Bản Ghi nhớ về hợp tác giáo dục (4-2007), thành lập Trung tâm đào tạo Việt Nam – Xin-ga-po tại Hà Nội (2001) và triển khai nhiều chương trình kết nghĩa giữa các trường, cung cấp học bổng đào tạo, trao đổi giáo viên, hội thảo… Từ năm 2000, Xin-ga-po cung cấp cho Việt Nam khoảng 150 - 200 học bổng/năm (cả dài hạn lẫn ngắn hạn) về đào tạo tiếng Anh, chuyên ngành trong khuôn khổ song phương và ASEAN với nước thứ ba. Tính đến nay, có khoảng 9.000 sinh viên Việt Nam đang học tập tại Xin-ga-po. Ngoài ra, hai nước cũng đã ký kết nhiều Hiệp định, thỏa thuận hợp tác trên các lĩnh vực như: Hàng hải, thương mại, hàng không, đầu tư, quản lý và bảo vệ môi trường, du lịch, văn hóa thông tin, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao…

Từ tháng 10-1993, Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Hành động Nhân dân (PAP) cầm quyền tại Xin-ga-po chính thức lập quan hệ. Từ đó đến nay, hai Đảng duy trì quan hệ tốt đẹp và đã triển khai nhiều biện pháp hợp tác như trao đổi Đoàn lãnh đạo hai bên; trao đổi kinh nghiệm xây dựng Đảng, kinh nghiệm lãnh đạo quản lý, phát triển đất nước, đào tạo cán bộ.

Chuyến thăm chính thức Xin-ga-po lần này của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ, toàn diện hoạt động đối ngoại; chủ động, tích cực hội nhập quốc tế; khẳng định chính sách coi trọng và dành ưu tiên cao tăng cường quan hệ với các nước trong khu vực; khẳng định Việt Nam là thành viên có trách nhiệm sẵn sàng cùng với Xin-ga-po và các nước ASEAN quyết tâm xây dựng Cộng đồng ASEAN đoàn kết, gắn kết, vững mạnh vì một khu vực Đông Nam Á hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; tăng cường quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam với Đảng cầm quyền của Xin-ga-po, tạo cơ sở chính trị vững chắc cho quan hệ hai nước tiếp tục phát triển lên một tầm cao mới./.