Phát triển kinh tế bền vững: Cơ sở bảo đảm an sinh xã hội cho người dân ven biển

Trần Thu Hường Báo Vietnam Economic News
20:01, ngày 12-09-2012
TCCS - Để công tác an sinh xã hội được nhân rộng và bền vững, rất cần một hướng đi đúng, với sự tham gia mạnh mẽ của các nguồn lực trong xã hội, sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền tại địa phương; đồng thời, phải bảo đảm nguồn thu nhập ổn định cho người dân, gắn trách nhiệm, quyền lợi của người dân với các hoạt động phát triển kinh tế.

Phát triển bền vững được hiểu là phát triển kinh tế phải đi cùng công bằng xã hội và môi trường được bảo vệ, giữ vững cân bằng sinh thái. Là quốc gia được biết đến có dải ven biển trải dài từ Bắc đến Nam, có thể nói vùng ven biển Việt Nam từ bao đời nay là nơi cư trú và sản xuất của phần lớn cộng đồng. Hiện có gần 50% số dân cả nước sống trong 29 tỉnh, thành phố ven biển, khoảng 60% số đô thị và khu công nghiệp lớn nằm ở vùng cửa sông, ven biển, với khoảng 70% dân cư ven biển sống phụ thuộc vào nguồn lợi biển. Trong khi đó, các nguồn lợi ven bờ ngày càng cạn kiệt và suy thoái chủ yếu do chính hoạt động khai thác và sinh hoạt thiếu ý thức của con người, làm ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động sống của người dân ven biển, khiến nhiều người trong số đó sống trong tình trạng nghèo đói hoặc không ổn định, và vô hình trung rơi vào vòng luẩn quẩn là, chính họ lại tiếp tục khai thác quá mức nguồn lợi biển, tàn phá môi trường biển.

Nhằm mục tiêu phấn đấu đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, bảo đảm vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển, đảo, góp phần quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, làm cho đất nước giàu mạnh, Hội nghị Trung ương 4 khóa X, ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TW, ngày 9-2-2007, “Về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020”; trong đó, xác định một trong những quan điểm chỉ đạo, định hướng Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 là: phấn đấu đến năm 2020, kinh tế trên biển và ven biển đóng góp khoảng 53% - 55% tổng GDP của cả nước. Từ chủ trương đó đã mở ra nhiều hướng đi mới cho các địa phương có biển với sự giúp đỡ của các tổ chức phi chính phủ, cùng sự tham gia tích cực của người dân. Công tác an sinh xã hội thông qua phát triển kinh tế bền vững dựa trên lợi thế sẵn có đã và đang tạo kế sinh nhai bền vững, giúp người dân ven biển xóa đói, giảm nghèo, hướng đến làm giàu trên chính mảnh đất quê hương của mình.

Dưới đây là một số mô hình đáng ghi nhận.

Mô hình mới tại một vùng ven biển tỉnh Nam Định

Vùng đệm của Vườn Quốc gia Xuân Thủy, Nam Định (có tổng diện tích 15.000 ha) nằm trong khu vực bờ biển ngay nơi sông Hồng đổ ra biển tại cửa Ba Lạt. Đây được coi là nơi có hệ sinh thái rừng ngập mặn đặc thù của các khu vực ven biển và châu thổ sông Hồng, có đa dạng sinh học cao, với nhiều loài sinh vật quý hiếm và được công nhận là khu đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế. Trước đây, diện tích rừng ngập mặn ở khu vực này bị tàn phá nghiêm trọng do bị khai thác, chặt phá rừng để kiếm sống và làm đầm nuôi hải sản. Tuy nhiên, từ năm 2004, Trung tâm Bảo tồn sinh vật biển và Phát triển cộng đồng (MCD) hỗ trợ và cùng với chính quyền địa phương, ban quản lý Vườn Quốc gia tiến hành nâng cao nhận thức cho cộng đồng ở các xã thuộc vùng đệm của Vườn Quốc gia Xuân Thủy, đặc biệt là xã Giao Xuân về việc bảo vệ rừng ngập mặn, giảm thiểu khai thác hải sản tự nhiên bằng phương thức hủy diệt. Cùng với việc nâng cao nhận thức cho người dân, chính quyền đã giải quyết vấn đề sinh kế cho họ để giảm áp lực khai thác lên môi trường và tài nguyên.

Cụ thể, MCD phát triển các mô hình, như: mô hình cộng đồng nuôi trồng thủy sản bền vững, mô hình sinh thái dựa vào cộng đồng, mô hình kinh doanh và đa dạng hóa sinh kế… Mục tiêu của các mô hình là nhằm giúp người dân ở đây có thêm hiểu biết về những kỹ năng, khai thác nguồn lợi biển một cách hợp lý và bền vững để có cuộc sống ổn định, có khả năng chống chọi với những diễn biến của thiên nhiên và xã hội. Hàng ngàn hộ dân tại xã Giao Xuân và các xã lân cận tham gia học tập, thực hành các mô hình. Chỉ tính riêng dự án du lịch sinh thái cộng đồng trong giai đoạn khởi sự đã thành công trong việc xây dựng nền tảng cho du lịch sinh thái cộng đồng, đào tạo và nâng cao nhận thức đáng kể về bảo vệ môi trường cho người dân địa phương nơi đây, trong đó xây dựng được một nhóm nòng cốt khoảng 100 người có kỹ năng, kiến thức điều hành và quản lý các tour du lịch sinh thái cộng đồng tại nơi sinh sống của mình, kỹ năng cung cấp các dịch vụ du lịch sinh thái cộng đồng, như: lưu trú tại nhà, ăn uống, văn nghệ, vận chuyển, quà tặng… Các sản phẩm tour du lịch sinh thái cộng đồng đã bước đầu thu hút được nhiều khách du lịch là các nhà nghiên cứu về môi trường, văn hóa, khách nước ngoài thăm và làm việc tại Việt Nam, sinh viên các trường đại học… Chẳng hạn, chỉ riêng năm 2008, dự án đã thu hút được gần 400 khách du lịch, trong đó gần 50% là khách nước ngoài. Trong giai đoạn tiếp theo, dự án còn hướng tới hoàn thiện mô hình du lịch sinh thái cộng đồng và vận hành mô hình dưới hình thức doanh nghiệp.

Ngoài mô hình liên quan đến du lịch còn có những mô hình khác như nuôi ngao bền vững. Hiện cả hai mô hình này đều đang hướng tới hình thức hợp tác xã để nâng tầm quy mô và tác động tại địa phương nhằm thu được những lợi ích lâu bền về kinh tế, xã hội và môi trường, đồng thời chia sẻ những kinh nghiệm với các vùng ven biển khác. Kết quả là, bước đầu rừng ngập mặn và môi trường biển được gìn giữ, không còn những hoạt động đánh bắt hủy diệt hải sản. Sinh kế của người dân đã có hướng đi đa dạng hơn, thu nhập bình quân của nhóm hộ nòng cốt các mô hình tăng thêm từ 400.000 đồng đến 1.000.000 đồng mỗi tháng. Mô hình xã Giao Xuân đã được nhiều nơi khác ở vùng ven biển biết đến và học tập. Người dân nơi đây có thêm cơ hội giao lưu, học hỏi và cuộc sống tinh thần trở nên phong phú hơn.

Mô hình khai thác và bảo vệ nguồn lợi nghêu Bến Tre theo tiêu chí của Hội đồng Quản lý biển quốc tế (MSC)

Với tiềm năng về biển như hiện nay, Việt Nam có cơ sở để phát triển nghề khai thác và nuôi trồng thủy hải sản vững mạnh. Tuy nhiên, để các ngư dân ven biển có thể bảo đảm sinh kế bền vững, khai thác theo hướng phát triển bền vững thì còn là vấn đề mà nhiều địa phương đang rất lúng túng. Song, với cách làm của các cấp chính quyền tại tỉnh Bến Tre trong việc hướng dẫn người dân nuôi nghêu đã tạo ra một hướng đi tốt, bảo đảm đời sống cho cư dân, đồng thời phát triển và khai thác nguồn lợi thủy sản theo hướng bền vững, thân thiện với môi trường.

Có thể nói, hiện nay, tỉnh Bến Tre đứng đầu cả nước về phát triển nuôi nghêu. Toàn tỉnh có 13 hợp tác xã thủy sản với 8.744 hộ xã viên và 35 tập đoàn nuôi nghêu. Tổng diện tích đưa vào khai thác đạt 9.600 ha (trong khoảng 15.000 ha có thể phát triển nuôi nghêu). Hàng chục năm qua nghề nuôi nghêu ở đồng bằng sông Cửu Long nói chung và tỉnh Bến Tre nói riêng đã góp phần giải quyết công ăn việc làm cho hàng chục ngàn dân nghèo ven biển. Để làm được điều này, công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi nghêu ở các tỉnh phía Nam phải bao gồm tổng hợp các biện pháp: bảo vệ môi trường tự nhiên, khai thác nguồn lợi tự nhiên một cách hợp lý đi đôi với phát triển công nghệ sản xuất giống nhân tạo, nuôi trồng, tổ chức, quản lý phù hợp với điều kiện từng vùng, từng địa phương.

Bà Trần Thị Thu Nga, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre cho biết: Con nghêu là nguồn tài nguyên sinh học có khả năng tái tạo nhưng rất dễ bị tổn thương và nguồn lợi có thể bị cạn kiệt, môi trường thiên nhiên sẽ bị suy thoái nếu cộng đồng ngư dân không gắn việc khai thác với bảo vệ nguồn lợi. Trong khi đó, con nghêu lại rất phù hợp để phát triển nhằm mục tiêu xóa đói, giảm nghèo cho cộng đồng cư dân ven biển bởi có đặc tính dễ nuôi, ít bệnh dịch và vốn đầu tư thấp. Nếu chúng ta bảo đảm được các nguyên tắc an toàn vệ sinh thực phẩm, vượt qua được quy trình kiểm soát quản lý nghiêm ngặt của hệ thống kiểm soát chất lượng quốc tế thì đây là mặt hàng thủy sản xuất khẩu có giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, nếu chuyển giao quyền cho cá nhân quản lý, khai thác thì lại khó thực hiện được quy trình kiểm soát khi thu hoạch và bảo vệ nguồn lợi. Chính vì vậy, Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre đã có chủ trương thành lập các tổ, hợp tác xã quản lý và khai thác nghêu nhằm quản lý tốt  nguồn tài nguyên thiên nhiên biển quý giá. Đồng thời, tỉnh thành lập Ban chỉ đạo gồm các thành phần đại diện Ban Chủ nhiệm Liên minh Hợp tác xã, Ban Giám đốc Sở Thủy sản, Ủy ban nhân dân huyện, Ủy ban nhân dân xã tham gia giúp đỡ các hợp tác xã trong công tác quản lý khai thác nghêu trong tỉnh.

Nhờ có hướng tổ chức và chỉ đạo cụ thể, các hợp tác xã và tập đoàn nuôi nghêu trong toàn tỉnh đều thực hiện và tổ chức công tác nuôi trồng, khai thác nghêu theo hướng bền vững, trong đó thành công nhất phải kể đến Hợp tác xã thủy sản Rạng Đông. Hợp tác xã đã huy động toàn thể các hộ dân trong xã tham gia quản lý, khai thác, tiêu thụ nguồn lợi nghêu tự nhiên trên diện tích 900 ha đất bãi ven biển do Nhà nước, địa phương quyết định tạm cấp. Theo bà Nga, đây là một phương thức sản xuất, một cung cách quản lý mới được xác lập trên nền tảng của cơ chế đồng quản lý và nguyên tắc công khai dân chủ đã được Ban chủ nhiệm hợp tác xã nghiêm túc thực hiện, từ đó mang lại sự đồng thuận cao trong hàng ngàn xã viên của hợp tác xã, bảo đảm theo đúng tiêu chuẩn MSC, theo cơ chế quản lý cộng đồng và bước đầu đạt được hiệu quả.

Để bảo đảm nguyên tắc công khai, dân chủ, ngoài việc áp dụng quy trình kiểm soát thu hoạch nhuyễn thể, Ban Chủ nhiệm hợp tác xã đã thực hiện phương thức đấu thầu công khai trong tiêu thụ sản phẩm bằng cách đưa phương thức này ra thông qua đại hội đại biểu xã viên và trình cơ quan quản lý phê duyệt. Ngoài ra, trong phân phối lợi nhuận hợp tác xã thực hiện theo nguyên tắc: nộp thuế tài nguyên 2% của doanh thu, thuế thu nhập doanh nghiệp 10% của lợi nhuận trước thuế, còn lại phần lãi ròng được quy đổi 100%, theo đó, xã viên được hưởng 80% (phân phối theo giá trị góp vốn của từng hộ xã viên và dựa trên số nhân khẩu hợp pháp của hộ xã viên do hợp tác xã quản lý), nộp ngân sách xã 7%, lập quỹ đầu tư phát triển 6%, quỹ phúc lợi công cộng 2%, quỹ phúc lợi xã hội 2%, quỹ dự phòng 2% và quỹ khen thưởng 1%. Ngoài ra, xã viên hợp tác xã còn được hưởng tiền công thu nhặt nghêu dựa trên cơ chế phân phối của Ban Chủ nhiệm hợp tác xã tính bằng định mức khoán công lao động cho từng xã viên.

Từ thành công của mô hình Hợp tác xã thủy sản Rạng Đông, đến nay, tỉnh Bến Tre đã nâng lên một bước xây dựng, phát triển mô hình đồng quản lý, trong đó, vai trò Ban Chỉ đạo của tỉnh là then chốt,  có sự phối hợp giữa các cấp và các ngành để hỗ trợ toàn diện trên các mặt từ đầu vào cho đến đầu ra theo một quy trình phát triển bền vững. Nhờ vậy, đến nay, cùng với việc vận dụng nhiều nguồn lực hỗ trợ khác nhau, nhân dân và ngành thủy sản Bến Tre đã tiến thêm một bước, đã đăng ký nhận chứng chỉ về quản lý nghề cá bền vững của MSC, để từ đó nâng cao uy tín,  giá trị và thương hiệu của sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ, duy trì và không ngừng cải thiện chất lượng cuộc sống của cộng đồng dân cư ven biển./.