TCCSĐT - Sáng 6-9, tại thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An, Ban chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch nước, Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Tỉnh ủy Nghệ An đã long trọng tổ chức mít tinh kỷ niệm 110 năm ngày sinh Tổng Bí thư Lê Hồng Phong (6-9-1902 -6-9-2012). Đọc diễn văn tại mít tinh kỷ niệm, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: Bốn mươi tuổi đời, hai mươi năm hoạt động cách mạng liên tục, oanh liệt và đầy nhiệt huyết, đồng chí Lê Hồng Phong đã hiến dâng trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc. Đồng chí đã để lại tấm gương sáng về đạo đức cách mạng, tình yêu gia đình, quê hương, đất nước, suốt đời hy sinh cho độc lập, tự do của Tổ quốc, hạnh phúc của nhân dân, tận trung với Đảng, tận hiếu với dân, son sắt thủy chung với đồng chí, bạn bè, luôn lạc quan tin tưởng vào thắng lợi của cách mạng.

1. Bế mạc Lễ hội Khinh khí cầu Quốc tế Việt Nam lần thứ nhất

Chiều 3-9, Lễ hội Khinh khí cầu Quốc tế Việt Nam lần thứ nhất - Bình Thuận 2012 đã chính thức khép lại sau 6 ngày diễn ra (từ ngày 29-8 đến ngày 3-9). 17 khinh khí cầu đến từ 12 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đã lần lượt được bay trên bầu trời Phan Thiết trong các ngày diễn ra lễ hội.

Lễ hội khinh khí cầu Quốc tế lần đầu tiên tổ chức tại Việt Nam đã thu hút đông đảo lượng du khách trong và ngoài nước. Do thời tiết xấu, các khinh khí cầu không thể trình diễn nhiều như kế hoạch ban đầu. Mỗi lần trình diễn chỉ có từ 3-5 quả bay tự do và các quả còn lại phải bay treo tại chỗ cũng đã làm nức lòng du khách bởi đây là loại hình hoàn toàn mới lạ được tổ chức tại Việt Nam. Ngoài trình diễn khinh khí cầu, lễ hội còn diễn ra nhiều hoạt động hấp dẫn như: biểu diễn dù lượn và thả diều nghệ thuật; trình diễn hiệu ứng hoa đăng (đốt sáng khinh khí cầu); trình diễn “rồng lửa” thông qua các xe chở giỏ lửa; biểu diễn nghệ thuật, hội chợ thương mại du lịch biển với gần 150 gian hàng, lễ hội ẩm thực đường phố…

Lễ hội Khinh khí cầu quốc tế Việt Nam lần thứ I - Bình Thuận 2012 nhằm tạo ra một loại hình thể thao du lịch mới. Thông qua lễ hội, Bình Thuận hứa hẹn mở ra một cơ hội phát triển sản phẩm, liên kết du lịch, góp phần xây dựng thương hiệu bền vững cho Bình Thuận; đồng thời tuyên truyền và quảng bá hình ảnh thiên nhiên, con người Bình Thuận nói riêng và Việt Nam nói chung đến với bạn bè quốc tế.

2. Việt Nam nằm trong số 30 quốc gia có nguy cơ cực lớn do tác động của biến đổi khí hậu

Ngày 4-9, tổ chức Liên Hợp Quốc (UNITED) tại Việt Nam cho biết, trong vòng 30 năm tới, Việt Nam là một trong 30 quốc gia "có nguy cơ cực lớn" do các tác động của biến đổi khí hậu. Đây là kết luận căn cứ vào chỉ số dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu (CCVI) được đánh giá dựa trên 42 yếu tố xã hội, kinh tế và môi trường để đánh giá rủi ro trên 3 lĩnh vực chính của các quốc gia. Trong nội dung Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu của Việt Nam cũng đã nêu rõ, mực nước biển đã tăng 20cm trong vòng 50 năm qua đang ảnh hưởng đến Đồng bằng sông Cửu Long và Thành phố Hồ Chí Minh, các bộ phận của Đồng bằng sông Hồng và dải ven biển quan trọng, bao gồm các vùng cửa sông nhỏ. Thông số quy hoạch riêng của Việt Nam là mực nước biển dâng cao 1m vào năm 2100, nhất quán với các dự báo theo kịch bản các mức phát thải cao A2, có tính toán đến sự tan chảy băng trên đất liền.

Do đó, nếu Việt Nam không có những hành động kịp thời như gia cố đê kè và cải thiện hệ thống thoát nước, mực nước biển dâng cao 1m tính trung bình dọc theo bờ biển Việt Nam sẽ gây ngập lụt nghiêm trọng 17.423km2, tương đương 5,3% tổng diện tích đất cả nước. Trong đó có 39% diện tích Đồng bằng sông Cửu Long, 10% diện tích Đồng bằng sông Hồng, hơn 2,5% các tỉnh ven biển Miền Trung và hơn 20% diện tích Thành phố Hồ Chí Minh.

3. Công bố Sách trắng về công nghệ thông tin - truyền thông Việt Nam 2012

Ngày 4-9, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông đã công bố Sách trắng về công nghệ thông tin - truyền thông (CNTT-TT) năm 2012. Sách trắng về CNTT-TT Việt Nam 2012 cung cấp bức tranh toàn cảnh và xác thực nhất về hiện trạng phát triển của ngành trong các lĩnh vực: cơ sở hạ tầng CNTT-TT; công nghiệp CNTT, bưu chính, viễn thông; ứng dụng CNTT; nguồn nhân lực CNTT-TT và an toàn thông tin. Đồng thời, cuốn sách tiếp tục cập nhật thông tin về các văn bản pháp luật, các chiến lược, quy hoạch, chương trình, dự án quốc gia về CNTT-TT; các hoạt động hợp tác quốc tế của Việt Nam về CNTT-TT; các sự kiện CNTT-TT nổi bật; các tổ chức, doanh nghiệp CNTT-TT tiêu biểu tại Việt Nam. Đặc biệt, năm 2012, lĩnh vực phát thanh - truyền hình chính thức được đưa vào Sách trắng nhằm khẳng định vai trò của phát thanh - truyền hình đối với sự phát triển của ngành CNTT-TT. Sách trắng 2012 còn khái quát vai trò của ngành CNTT-TT là hạ tầng để phát triển kinh tế xã hội như đã được Đảng xác định thông qua Nghị quyết số 13-NQ/TW tại Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, khái quát tình hình và định hướng phát triển sản phẩm - dịch vụ CNTT thương hiệu Việt.

Xuất bản thường niên từ năm 2009, Sách trắng về CNTT-TT được phát hành đến các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan chuyên trách về CNTT, các tổ chức nước ngoài hoạt động liên quan đến ngành CNTT-TT, các đại sứ quan có quan hệ hợp tác về CNTT-TT với Việt Nam và các doanh nghiệp CNTT-TT lớn.

4. Khai mạc Liên hoan Múa rối quốc tế lần thứ III tại Hà Nội

Tối 4-9, Liên hoan múa rối quốc tế lần thứ III đã khai mạc tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Liên hoan múa rối quốc tế năm nay thu hút các đoàn nghệ thuật múa rối đến từ 11 quốc gia, vùng lãnh thổ tham dự, biểu diễn nhiều loại hình múa rối khác nhau. Liên hoan do Cục Nghệ thuật biểu diễn, Cục Hợp tác quốc tế, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội, Nhà hát Múa rối Việt Nam phối hợp thực hiện.

Liên hoan Múa rối quốc tế là sự kiện góp phần thúc đẩy mối quan hệ hợp tác trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật giữa Việt Nam và bạn bè quốc tế. Là dịp để các nghệ sĩ Việt Nam giới thiệu giá trị nghệ thuật múa rối đặc sắc của Việt Nam với các nước bạn trong khu vực và thế giới. Đồng thời tạo cơ hội thuận lợi để các nhà quản lý nghệ thuật, các nghệ sĩ múa rối Việt Nam giao lưu, trao đổi, học hỏi kỹ xảo và kinh nghiệm nghệ thuật múa rối tiên tiến các nước. Liên hoan cũng là dịp để khán giả Việt Nam được tiếp cận những tiết mục múa rối xuất sắc của nhiều đoàn nghệ thuật quốc tế.

Liên hoan Múa rối quốc tế sẽ diễn ra từ ngày 4 đến ngày 10-9.

5. Phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia Y tế giai đoạn 2012-2015

Ngày 4-9, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định Phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia Y tế giai đoạn 2012-2015 với tổng kinh phí là 12.770 tỉ đồng.

Mục tiêu chung của Chương trình là chủ động phòng, chống một số bệnh xã hội, bệnh dịch nguy hiểm. Phát hiện dịch sớm, dập tắt dịch kịp thời, không để dịch lớn xảy ra. Giảm tỷ lệ mắc, tỷ lệ chết do một số bệnh xã hội, bệnh dịch nguy hiểm, góp phần thực hiện công bằng xã hội trong chăm sóc sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Với bệnh ung thư, Chương trình đặt mục tiêu nâng cao nhận thức của cộng đồng về phòng và phát hiện sớm bệnh ung thư. Đồng thời, tăng 5-10% tỷ lệ bệnh nhân ung thư được phát hiện ở giai đoạn sớm đồng thời giảm tỷ lệ tử vong của một số loại ung thư: Vú, cổ tử cung, khoang miệng, đại trực tràng. Đối với bệnh tăng huyết áp, nâng cao nhận thức của nhân dân về dự phòng và kiểm soát bệnh, phấn đấu đạt chỉ tiêu 50% người dân hiểu đúng về bệnh và các biện pháp phòng, chống bệnh tăng huyết áp. Đồng thời, tăng cường sàng lọc tại cộng đồng nhằm phát hiện sớm những người tiền đái tháo đường và đái tháo đường. Hoàn thiện mạng lưới điều trị phấn đấu đến năm 2015, 100% bệnh viện tuyến tỉnh có khoa Nội tiết. Chương trình cũng đặt mục tiêu trên 90% số trẻ em dưới 1 tuổi ở các quận, huyện được tiêm chủng đầy đủ 8 loại vắc xin (lao, bại liệt, bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, sởi và Hib) theo đơn vị huyện. Loại trừ bệnh sởi vào năm 2012, giảm số trường hợp mắc sởi dưới 1/1.000.000 dân. Nhằm chăm sóc sức khỏe sinh sản và cải thiện tình trạng dinh dưỡng trẻ em, Chương trình phấn đấu 90% trẻ suy dinh dưỡng nặng dưới 5 tuổi được nhận các can thiệp dinh dưỡng khẩn cấp, giảm 17,3% số ca tử vong ở trẻ em dưới 5 tuổi liên quan đến suy dinh dưỡng nặng.  Chương trình cũng sẽ tăng cường năng lực chăm sóc, bảo vệ sức khỏe quân và dân vùng biên giới, hải đảo khu vực trọng điểm quốc phòng an ninh, vùng sâu, vùng xa; sẵn sàng ứng phó với thiên tai, dịch bệnh và các tình huống khẩn cấp. Phấn đấu đến năm 2015 có 70% các huyện đảo được hỗ trợ về kỹ thuật và cơ sở vật chất; sửa chữa nâng cấp 100 cơ sở y tế khu vực biên giới, hải đảo.

Bộ Y tế sẽ chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và các địa phương liên quan tổ chức triển khai thực hiện Chương trình này. Trong quá trình thực hiện cần lồng ghép với các chương trình kinh tế - xã hội khác để nâng cao hiệu quả của chương trình

6. Hội nghị quan chức Viễn thông và Công nghệ thông tin ASEAN

Từ ngày 5 đến 7-9, Hội nghị đặc biệt của quan chức Viễn thông và Công nghệ thông tin khu vực ASEAN (ASEAN Special TElSOM), do Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Ban thư ký ASEAN tổ chức đã khai mạc tại Hà Nội.

Hội nghị được tổ chức thường niên và luân phiên tại các nước ASEAN với mục tiêu rà soát các hoạt động, dự án hợp tác về công nghệ thông tin và truyền thông trong khu vực, xem xét các kiến nghị, đồng thời thảo luận các vấn đề mang tính định hướng chung (các vấn đề về thể chế, định hướng hoạt động…) để báo cáo lên Hội nghị cấp Bộ trưởng thông qua triển khai.

Nội dung chính được hội nghị dành nhiều thời gian thảo luận lần này là rà soát tiến độ các dự án hợp tác về công nghệ thông tin đang triển khai và đề xuất dự án mới. Ngoài các dự án hợp tác nội khối, các đại biểu dành thời gian trao đổi và thống nhất quan điểm của 10 nước trong khu vực đối với những dự án hợp tác với các nước đối thoại, trong đó nổi bật là các dự án do Ấn Độ, Nhật Bản và EU tài trợ. Hội nghị cũng bàn về tình hình thực hiện và định hướng triển khai tiếp theo đối với một số sáng kiến lớn của khu vực như thiết lập Hành lang băng rộng ASEAN, tổ chức Giải thưởng công nghệ thông tin – truyền thông ASEAN lần thứ nhất, thiết lập Cổng kết nối internet ASEAN… Cùng với đó, các đại biểu cũng trao đổi về công tác chuẩn bị cho Hội nghị Bộ trưởng Viễn thông và Công nghệ thông tin (ASEAN TELMIN) được tổ chức tại Phi-líp-pin vào tháng 11 sắp tới.

7. Chính phủ họp Phiên thường kỳ tháng 8-2012

Ngày 5-9, tại Trụ sở Chính phủ, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chính phủ họp Phiên thường kỳ tháng 8-2012, thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội năm 2012 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013.

Thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các thành viên Chính phủ đều nhận định, tình hình kinh tế - xã hội tháng 8 và 8 tháng năm 2012 tiếp tục có những chuyển biến tích cực, đúng hướng, đúng mục tiêu. Theo đó, về thực hiện mục tiêu ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) sau khi giảm liên tục trong 5 tháng đầu năm và có trị số âm trong 2 tháng gần đây đã có mức tăng 0,63% so với tháng trước, là mức tăng cao nhất trong vòng 6 tháng gần đây. Trong thời gian qua, chính sách tiền tệ được điều hành chủ động hơn và linh hoạt hơn, theo đó các mức lãi suất điều hành đã giảm nhanh với tổng mức giảm từ 4-5%/năm, phù hợp với diễn biến lạm phát, kinh tế vĩ mô và thị trường tiền tệ. Nhiều ngân hàng đã triển khai các gói tín dụng quy mô lớn hỗ trợ khách hàng tốt để sản xuất kinh doanh các lĩnh vực ưu tiên với lãi suất thấp, khoảng 9-10%. Tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt trên 73,41 tỉ đô la Mỹ, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm trước...

Về thực hiện các mục tiêu tăng trưởng kinh tế, các nỗ lực tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp, đặc biệt là các giải pháp đề ra trong Nghị quyết số 13/NQ-CP đã dần phát huy tác dụng, sản xuất công nghiệp đã có sự chuyển biến tích cực qua từng tháng, bảo đảm cung ứng đủ điện và một số nguyên liệu, sản phẩm cho sản xuất và tiêu dùng. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 8 tăng 4,1% so với tháng trước và tăng 4,4% so với cùng kỳ năm trước. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tiếp tục phát triển ổn định, đạt kết quả tốt. Khu vực dịch vụ tiếp tục phát triển khá, tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 8 tháng đầu năm ước tăng 17,9% so với cùng kỳ năm 2011. Hoạt động du lịch diễn ra sôi động, trong tháng 8, khách quốc tế đến Việt Nam tăng 6,5% so với tháng trước... Các cấp, các ngành đã tích cực triển khai tốt các chính sách an sinh xã hội như theo dõi sát tình hình, triển khai các biện pháp phòng, chống bão lũ, đồng thời kịp thời tổ chức cứu trợ, ứng phó và đề xuất các giải pháp khắc phục hậu quả, nhanh chóng phục hồi sản xuất, ổn định đời sống nhân dân; hỗ trợ tín dụng cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số ổn định chỗ ở, phát triển sản xuất; hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với các huyện nghèo; hỗ trợ cứu đói và và trợ cấp xã hội; đào tạo và dạy nghề cho lao động nông thôn… Bên cạnh những kết quả đã đạt được, các thành viên Chính phủ cũng cho rằng, tình hình kinh tế-xã hội vẫn tồn tại nhiều khó khăn, thách thức, trong đó nổi lên là, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu thấp hơn so với tháng 7; nợ xấu cũng như việc xử lý nợ xấu trong hệ thống ngân hàng vẫn chưa chuyển biến tích cực; diễn biến thị trường tài chính, tiền tệ vẫn khá phức tạp; khu vực doanh nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn, khả năng hấp thụ nguồn vốn thấp; chỉ số hàng tồn kho vẫn ở mức cao..

Kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng: 9 tháng qua bằng nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, tình hình kinh tế-xã hội đất nước ta đạt được mục tiêu đã đề ra, tạo nhiều chuyển biến tích cực, đúng hướng. Nổi bật là ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tỷ giá ổn định, xuất khẩu tăng nhờ đó nhập siêu giảm, cân đối được thu chi ngân sách, duy trì được tăng trưởng quí sau cao hơn quí trước, đầu tư toàn xã hội tăng, giải ngân đầu tư công đảm bảo kế hoạch… Bên cạnh khẳng định những kết quả đạt được, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế của nền kinh tế như, kinh tế vĩ mô chưa thực sự vững chắc; tăng trưởng tín dụng thấp; doanh nghiệp gặp khó khăn trong tiếp cận vốn; hàng tồn kho còn cao…Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, nhiệm vụ trong những tháng cuối năm của năm 2012 còn hết sức nặng nề, cần sự phấn đấu quyết liệt, cao độ của các bộ, ngành, địa phương để thực hiện đạt kết quả cao các mục tiêu đã đề ra từ đầu năm, trong đó phấn đấu GDP tăng 5,2%, giữ lạm phát ở mức khoảng 7%; thực hiện tốt các chính sách về tài chính, tiền tệ; ưu tiên tín dụng cho khu vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp vừa và nhỏ…

8. Mít tinh kỷ niệm 110 năm ngày sinh Tổng Bí thư Lê Hồng Phong

Sáng 6-9, tại thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An, Ban chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch nước, Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Tỉnh ủy Nghệ An đã long trọng tổ chức mít tinh kỷ niệm 110 năm ngày sinh Tổng Bí thư Lê Hồng Phong (6-9-1902 -6-9-2012).

Đồng chí Lê Hồng Phong, tên thật là Lê Huy Doãn, sinh năm 1902 tại xã Thông Lạng (nay là xã Hưng Thông), huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An, trong một gia đình nông dân lao động. Sinh ra và lớn lên ở một vùng quê giàu truyền thống yêu nước, có nhiều sĩ phu nổi tiếng, tận mắt chứng kiến cảnh đất nước lầm than, nhân dân lao động bị áp bức, bóc lột, Lê Hồng Phong đã sớm nuôi trong mình tư tưởng yêu nước và ý chí làm cách mạng. Từ một thanh niên yêu nước đi tìm đường cách mạng, Lê Hồng Phong đã sớm gặp được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, đến với Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên và trở thành một học trò ưu tú của Người.

Đọc diễn văn tại mít tinh kỷ niệm, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: Bốn mươi tuổi đời, hai mươi năm hoạt động cách mạng liên tục, oanh liệt và đầy nhiệt huyết, đồng chí Lê Hồng Phong đã hiến dâng trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc. Đồng chí đã để lại tấm gương sáng về đạo đức cách mạng, tình yêu gia đình, quê hương, đất nước, suốt đời hy sinh cho độc lập, tự do của Tổ quốc, hạnh phúc của nhân dân, tận trung với Đảng, tận hiếu với dân, son sắt thủy chung với đồng chí, bạn bè, luôn lạc quan tin tưởng vào thắng lợi của cách mạng. Tổng Bí thư chỉ rõ: Học tập và noi theo đồng chí Lê Hồng Phong và các bậc cách mạng tiền bối khác, chúng ta tiếp tục thực hiện tốt việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, tích cực đấu tranh chống các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, tệ quan liêu, tham nhũng và mọi biểu hiện tiêu cực khác; xây dựng Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, gắn bó mật thiết với nhân dân, lãnh đạo toàn dân ra sức phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, từng bước xây dựng một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

* Sáng cùng ngày, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng đoàn đại biểu Ban chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch nước, Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Tỉnh ủy Nghệ An đã đến dâng hương, dâng hoa tại Nhà tưởng niệm Tổng Bí thư Lê Hồng Phong ở xã Hưng Thông, huyện Hưng Nguyên, để tưởng niệm và tri ân công lao to lớn của Tổng Bí thư Lê Hồng Phong đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc.

9. Hội nghị truyền thông báo cáo quốc gia thực thi Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng của Việt Nam

Ngày 7-9, tại Hà Nội, Thanh tra Chính phủ tổ chức Hội nghị truyền thông báo cáo quốc gia thực thi Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng của Việt Nam.

Theo báo cáo kết quả đánh giá thực thi Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng của Việt Nam của Thanh tra Chính phủ: Nhìn chung, Việt Nam đã đáp ứng tương đối đầy đủ các yêu cầu của Công ước trong phạm vi nội dung thuộc Chu trình đánh giá đầu tiên. Việt Nam đã ban hành, tuân thủ và thực hiện đầy đủ 102/145 yêu cầu của Công ước; đã ban hành, tuân thủ và thực hiện nhưng chưa đầy đủ 29/145 yêu cầu của Công ước; chưa ban hành và chưa thực hiện đầy đủ 14 yêu cầu của Công ước (chủ yếu là các nội dung Việt Nam đã tuyên bố, bảo lưu hoặc mang tính khuyến nghị). Việc lựa chọn phương án 2 đối với 29 yêu cầu và phương án 3 đối với 14 yêu cầu đã phản ánh đúng thực trạng hệ thống pháp luật, nhất quán với nội dung bảo lưu và tuyên bố của Việt Nam khi phê chuẩn Công ước. Tuy nhiên, Việt Nam cũng đã nhận diện được một cách cụ thể các nội dung còn chưa phù hợp và những khó khăn, thách thức đặt ra trong việc đáp ứng đầy đủ, toàn diện hơn các yêu cầu của Công ước, đặc biệt là các yêu cầu về hoàn thiện pháp luật trong lĩnh vực hình sự, tố tụng hình sự và tương trợ tư pháp.

Kết quả đánh giá của nhóm chuyên gia quốc tế (bao gồm chuyên gia của I-ta-lia, Li-băng, với sự hỗ trợ của Ban Thư ký) cũng đưa ra những bình luận cơ bản tương đồng với kết quả đánh giá của Việt Nam. Về quy trình đánh giá (theo Nghị quyết của Hội nghị các quốc gia thành viên Công ước), Việt Nam đã tuân thủ đầy đủ các yêu cầu đặt ra và là một trong số những quốc gia đầu tiên hoàn thành quá trình đánh giá trong năm thứ hai.

10. Hội nghị toàn cầu lần thứ 2 về Nông nghiệp, An ninh lương thực và Biến đổi khí hậu (AFC)

Ngày 7-9, tại Hà Nội, Hội nghị toàn cầu lần thứ 2 về Nông nghiệp, An ninh lương thực và Biến đổi khí hậu (AFC) đã kết thúc tốt đẹp. Sau 5 ngày làm việc tích cực với sự tham gia của khoảng 500 đại biểu gồm các bộ trưởng, đại diện của các quốc gia, các nhà nghiên cứu khoa học, tổ chức quốc tế, Hội nghị AFC đã ra bản Thông cáo Hà Nội với một số thông điệp chính.

Bản Thông cáo nhấn mạnh, An ninh lương thực đã, đang và sẽ vẫn là một vấn đề quan trọng đối với hội đồng quốc tế, khi mà sản lượng lương thực toàn cầu phải tăng ít nhất 70% vào năm 2050 để đủ nuôi sống 9 tỷ người. Bản thông cáo cũng nhấn mạnh, an ninh lương thực, đói nghèo, biến đổi khí hậu và phát triển bền vững là những vấn đề không thể tách rời, đồng thời các chính sách nông nghiệp có một vai trò rất quan trọng để giải quyết những thách thức này.

Các thông điệp chính của Bản Thông cáo Hà Nội gồm: Nông nghiệp thân thiện với môi trường – Quan điểm hướng tới tương lai. Những chính sách và phương pháp quản trị hướng tới tương lai. Quản lý rủi ro và biến động giá – Khi khí hậu đang dần biến đổi. Khoa học, đổi mới và nghiên cứu ứng dụng ưu tiên hàng đầu cho những người nông dân. Khu vực tư nhân – Doanh nghiệp là động lực của sự thay đổi. Quan hệ đối tác đổi mới, cam kết của tất cả các bên liên quan. Đầu tư vào nông nghiệp bền vững với các hướng tiếp cận nguồn tài chính…/.