Vận dụng quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin trong việc xây dựng đội ngũ trí thức thời kỳ đổi mới ở nước ta hiện nay

TS. Nguyễn Toàn Thắng Viện Văn hóa và phát triển Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh
18:44, ngày 23-08-2012
TCCSĐT - Đảng, Nhà nước ta đã và đang dành sự quan tâm sâu sắc đến vấn đề xây dựng đội ngũ trí thức và ngày càng đánh giá cao vai trò sáng tạo và phản biện xã hội của đội ngũ trí thức trong sự nghiệp xây dựng bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

1. Những ý kiến của C.Mác, Ph.Ăng-ghen và V.I Lê-nin về đội ngũ trí thức

Về người trí thức, theo một thống kê hiện nay có khoảng hơn 60 định nghĩa về “Trí thức”. Chẳng hạn: “Trí thức - tập đoàn xã hội gồm những người làm nghề lao động trí óc. Giới trí thức bao gồm kỹ sư, kỹ thuật viên, thầy thuốc, luật sư, nghệ sĩ, thầy giáo và người làm công tác khoa học, một bộ phận lớn viên chức” (1).  

“Trí thức: một nhóm xã hội, bao gồm những người chuyên làm nghề lao động trí óc phức tạp và có học vấn chuyên môn cần thiết cho ngành lao động đó” (2).

Nhưng qua hơn một thế kỷ những luận điểm khoa học về người trí thức của chủ nghĩa Mác- Lê-nin vẫn có giá trị sâu sắc nhất. Từ những nghiên cứu về con người, C.Mác và Ph.Ăng-ghen đã đi sâu nghiên cứu về đội ngũ trí thức trong bối cảnh cuộc đấu tranh giai cấp giữa giai cấp vô sản và giai cấp tư sản đang diễn ra căng thẳng. Người trí thức có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự tiến bộ của lịch sử. Tuy nhiên, người trí thức cũng cần được giác ngộ lập trường của giai cấp công nhân để thành quả về lao động trí óc của họ luôn được coi trọng và tôn vinh đúng mức trong quá trình xây dựng chế độ xã hội mới.

Điều cần quan tâm nghiên cứu là các nhà sáng lập chủ nghĩa Mác - Lê-nin phần lớn mới chỉ nghiên cứu về trí thức trong thời kỳ đấu tranh giai cấp quyết liệt của cách mạng vô sản mà chưa có điều kiện để nghiên cứu về trí thức trong xây dựng chủ nghĩa xã hội. Xuất phát từ quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lê-nin về trí thức, căn cứ vào những đặc trưng cơ bản của bộ phận lao động này, có thể tán thành quan điểm sau đây: “Trí thức là một tầng lớp xã hội đặc biệt chuyên lao động trí óc phức tạp, có trình độ học vấn, chuyên môn sâu, đại diện cho trí tuệ đương thời mà xã hội đạt được. Trí thức là những người sáng tạo, phổ biến và vận dụng tri thức vào đời sống xã hội, thúc đẩy nhanh sự phát triển văn hóa và tiến bộ xã hội...”(3).

Về mặt chính trị, trí thức không thể có một đường lối chính trị cách mạng. Trong xã hội có giai cấp, giai cấp thống trị luôn luôn chú trọng đào tạo đội ngũ trí thức để phục vụ cho quyền thống trị và lợi ích thiết thực của giai cấp mình. Trong cách mạng vô sản, những người cộng sản một mặt phải xây dựng một tầng lớp trí thức mới từ con em của giai cấp công nhân, nông dân, mặt khác cải tạo, giác ngộ và sử dụng trí thức cũ để hình thành một đội ngũ trí thức mới đông đảo có thế giới quan cách mạng, có phẩm chất đạo đức và kiến thức khoa học - kỹ thuật, chuyên môn cao để lao động sáng tạo, xây dựng đất nước.

Phương thức lao động của trí thức rất đặc biệt ở chỗ là loại lao động trí óc phức tạp có chuyên môn nghiệp vụ cao. Lao động trí óc phức tạp mang tính độc lập cá nhân rất cao là đặc trưng cơ bản nhất của trí thức. Sản phẩm của lao động trí tuệ cá nhân là các giá trị tinh thần. Trí thức càng phát triển thì cơ cấu trí thức càng biến đổi đa dạng và phong phú. C.Mác và Ph.Ăng-ghen đã đưa ra sự nhìn nhận về người trí thức và giới trí thức rằng: giới trí thức tham gia các hoạt động xã hội với tư cách là “thuộc tính chung của những sinh vật có trí tuệ”. Trong các hình thức lao động của con người, có hai loại lao động: lao động sản xuất sáng tạo ra của cải vật chất và lao động sản xuất sáng tạo ra nhưng giá trị tinh thần. Theo C.Mác, người trí thức là người sáng tạo tinh thần, sản xuất tinh thần. Đó là quá trình tư duy, nhận thức về thế giới tự nhiên, thế giới xã hội và về chính bản thân con người. Công việc sáng tạo tinh thần có ý nghĩa quan trọng với việc sản xuất vật chất. Nếu không có sự nhận thức đúng đắn các quy luật tự nhiên, xã hội và tư duy thì làm sao nhân loại có thể tiến hóa phát triển ngày càng văn minh được. Người trí thức là bộ phận tinh hoa của xã hội, là những hiện thân của ý thức xã hội một cách tiêu biểu nhất. Trí thức là một tầng lớp xã hội đặc biệt chuyên lao động trí óc phức tạp, có trình độ học vấn, đại diện cho trí tuệ đương thời mà xã hội đạt được. Họ là những người sáng tạo, phổ biến và vận dụng tri thức vào đời sống xã hội, thúc đẩy nhanh sự phát triển văn hóa và tiến bộ xã hội. Tuy nhiên, C.Mác và Ph.Ăng-ghen đã phát hiện trong xã hội tư bản, người trí thức bị giai cấp tư sản bóc lột: “giai cấp tư sản tước hết hào quang thần thánh của tất cả những hoạt động xưa nay được trọng vọng tôn sùng. Bác sĩ, luật gia, tu sĩ, thi sĩ, bác học đều bị giai cấp tư sản biến thành những người làm thuê và trả lương của nó...” (4).

Về sau, trong thực tiễn đấu tranh của phong trào cách mạng vô sản Nga, V.I.Lê-nin cũng nhận thấy: “những trí thức với tính cách là một tầng lớp đặc biệt trong những xã hội tư bản chủ nghĩa hiện đại”(5). V.I.Lê-nin dùng thuật ngữ “trí thức”, “giới trí thức” không những để chỉ các học giả, các nhà trước tác, mà còn bao hàm “...tất cả mọi người có học thức, các đại biểu của những nghề tự do nói chung, các đại biểu của lao động trí óc (người Anh gọi là brain worker), khác với những đại biểu của lao động chân tay”.

V.I.Lê-nin còn nghiên cứu và phát hiện ra một sự thật về trí thức ở nước Nga trước Cách mạng Tháng Mười: để đem lại lợi ích cho phong trào vô sản, các cá nhân trí thức ấy phải đem theo những yếu tố khai sáng thật sự. Bản thân đội ngũ trí thức không thể độc lập trở thành một giai cấp. Đây là một phát hiện quan trọng để tập hợp lực lượng cho cách mạng vô sản Nga, đoàn kết những người trí thức tiến bộ với giai  cấp công nhân và nông dân tạo thành sức mạnh vĩ đại lật đổ chế độ nông nô chuyên chế Sa hoàng, lập nên chế độ Xô viết.

2. Quan điểm mác-xít về vai trò của đội ngũ trí thức trong sự nghiệp cách mạng của giai cấp vô sản

Trong Thư gửi A-đôn-phơ-gioóc-giơ, tháng 11-1886, Ph.Ăng-ghen viết: “Những người trí thức ở đó thật sự trước tiên phải đóng cái vai trò mà Liên đoàn những người Cộng sản đã đóng trước năm 1848  trong các hội nông dân”. Điều đó có nghĩa là những người trí thức sẽ có vai trò quan trọng trong các phong trào cách mạng quần chúng. Đây là vai trò giống như vai trò của Liên đoàn những người Cộng sản, tức là vai trò của đảng cộng sản. Như vậy, nghĩa là những người trí thức có thể tham gia đảng cộng sản trong sứ mệnh cao cả là lãnh đạo quần chúng. Vai trò của lý luận cách mạng là hết sức quan trọng. Nếu không có lý luận cách mạng đúng đắn thì phong trào công nhân rất khó giành thắng lợi trong đấu tranh. Người trí thức cách mạng là những người có tư duy lý luận rõ ràng, có thể dự báo cho phong trào cách mạng nhiều vấn đề về tương lai, giúp cho phong trào có thể tránh những sai lầm.

Những nhược điểm (hay mặt trái) của đội ngũ trí thức mà các nhà sáng lập chủ nghĩa Mác nêu ra và phân biệt trong đội ngũ trí thức có trí thức duy lợitrí thức tự do: “Trí thức duy lợi, đấu tranh vì tổ ấm gia đình mình, dĩ nhiên khác với trí thức tự do bảo vệ sự nghiệp chính nghĩa, làm thiệt cho tổ ấm của mình. Trí thức nào phục vụ cho một mục đích xác định nào đó, thì khác một cách căn bản với trí thức thống trị đối với mọi vật và chỉ phục vụ bản thân mình thôi”... Có thể nói, đây là những phân tích sâu sắc về trí thức trong bối cảnh lịch sử châu Âu lúc vào giữa thế kỷ XIX. Những người trí thức bị phân hóa trong xã hội đang diễn ra cuộc đấu tranh giai cấp quyết liệt. Chính vì vậy, người trí thức khi đi theo giai cấp vô sản thì cần phải được vô sản hóa. C.Mác và Ph.Ăng-ghen cũng thấy rõ rằng, nếu người trí thức không được giác ngộ sẽ là trở ngại đối với vận động cách mạng, C.Mác viết: “Đối với tôi, sự kênh kiệu thông thái rởm của những người gọi là có học của chúng tôi là một trở ngại nghiêm trọng hơn nhiều. Dĩ nhiên là chúng ta còn thiếu những kỹ thuật viên, các nhà nông học, kỹ sư, nhà hoá học, kiến trúc sư...  nhưng cùng lắm chúng tôi có thể mua họ, như các nhà tư bản vẫn làm, còn nếu một vài kẻ phản bội - chắc chắn sẽ có trong xã hội này - bị trừng trị một cách đích đáng để làm gương cho kẻ khác, thì chúng sẽ hiểu rằng không thể đánh cắp chúng tôi hơn được nữa vì lợi ích của chúng. Nhưng ngoài những chuyên gia này, trong đó tôi kể cả giáo viên các trường học, chúng tôi có thể làm được rất tốt, không cần có những người có học thức còn lại”, và lấy ví dụ “việc các nhà văn và sinh viên đang ồ ạt gia nhập đảng gây ra những tác hại đủ thứ, nếu không giữ các ngài này trong một khuôn khổ thích đáng...”.

3. Kế thừa quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lê-nin về trí thức và quan điểm xây dựng đội ngũ trí thức của Đảng ta trong thời kỳ đổi mới hiện nay

Tuyên ngôn của Đảng ta nêu rõ: “Đảng Lao động Việt Nam sẽ gồm những công nhân, nông dân và lao động trí óc yêu nước nhất, hăng hái nhất, cách mạng nhất. Và, “lao động trí óc cần được khuyến khích giúp đỡ, phát triển tài năng”. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: “Lao động trí óc là ai? Là thầy giáo, thầy thuốc, kỹ sư, những nhà khoa học, văn nghệ, những người làm bàn giấy (...). Chúng ta có quyền tự hào rằng: những người lao động trí óc ở Việt Nam đều đứng trong hàng ngũ kháng chiến”. Đảng ta luôn nhận thức sâu sắc về vai trò quan trọng của trí thức: “Trí thức là một vốn quý của dân tộc. Không có trí thức hợp tác với công nông thì cách mạng không thể thành công và sự nghiệp xây dựng một nước Việt Nam mới sẽ không hoàn thành được”(6). Như vậy, xây dựng đội ngũ trí thức là xây dựng đội ngũ những người lao động trí óc cùng bình đẳng với lao động cơ bắp, lao động kỹ thuật, lao động thủ công. Những người trí thức là những người lao động thật sự và đóng góp tích cực cho tiến bộ xã hội.

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng xây dựng chủ nghĩa xã hội trên miền Bắc những năm 60 của thế kỷ trước, Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương: “Đào tạo trí thức mới. Cải tạo trí thức cũ. Công nông trí thức hóa. Trí thức công nông hóa...”(7) nên đã xây dựng được một đội ngũ trí thức to lớn có tâm huyết với cách mạng, có năng lực sáng tạo, tiếp thu nhanh khoa học và công nghệ mới. Từ đó góp phần xây dựng được khối liên minh công nhân, nông dân và đội ngũ trí thức bền vững, là nền tảng cho nhà nước xã hội chủ nghĩa, nền tảng của khối đại đoàn kết dân tộc.

Từ thực tiễn cách mạng Việt Nam, sau Cách mạng Tháng Tám, Chủ tịch Hồ Chí Minh quan niệm thật giản dị về trí thức: “Một người học xong đại học, có thể gọi là có trí thức”(8). Tuy vậy, một người có trình độ học vấn cao chỉ là điều kiện cần chứ chưa phải là điều kiện đủ để trở thành trí thức. Một người có trình độ học vấn cao chỉ có thể trở thành trí thức khi người đó đem tri thức của mình lao động sáng tạo, áp dụng vào thực tế xã hội phục vụ xã hội, phục vụ nhân dân. Tài phải đi đôi với đức. Đức là gốc của người cán bộ cách mạng. “ Đức là đạo đức cách mạng. Đó là cái gốc, rất là quan trọng. Nếu không có đạo đức cách mạng thì có tài cũng vô dụng” (9).

Do vậy, người thiếu đức độ, lương tri thì dù có học cao tột bậc cũng chỉ là người có bằng cấp, có học hàm, học vị, là người làm việc trí óc. Họ chưa thật sự là trí thức đúng nghĩa. Nói cách khác, để trở thành người trí thức thì người ta cần phải có tài và có đức, đem tri thức phục vụ tốt cho nhân dân và đất nước.

Bước vào thời kỳ đổi mới, để tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hướng tới xây dựng một nước Việt Nam dân giàu nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, Đảng ta rất coi trọng củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, xây dựng khối liên minh công nông và đội ngũ trí thức, tiếp theo đó là xây dựng nền kinh tế nhiều thành phần. Công nhân, nông dân, trí thức là nền tảng của khối đại đoàn kết toàn dân, cũng là nền tảng của sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước. Đội ngũ trí thức gắn bó với nhân dân giữ vai trò quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Đội ngũ trí thức là lực lượng then chốt trong cách mạng khoa học - kỹ thuật và văn hóa. Xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức để phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc là yêu cầu cấp thiết hiện nay.

Chúng ta đã và đang đẩy mạnh xây dựng nền kinh tế tri thức để có thể hội nhập quốc tế, thích ứng với xu hướng toàn cầu hóa đang diễn ra rộng khắp hành tinh. Phải nói rằng, trong thời đại bão táp về khoa học- kỹ thuật và sự bùng nổ của công nghệ thông tin thì vai trò của trí thức ngày càng lớn lao.

Văn kiện Đại hội VII đã khẳng định: “Trong cách mạng dân tộc dân chủ, vai trò của giới trí thức đã quan trọng, trong xây dựng chủ nghĩa xã hội, vai trò giới trí thức càng quan trọng”. Nghị quyết Đại hội Đảng VIII, IX, X và các Nghị quyết Trung ương tiếp tục làm rõ và cụ thể hóa hơn việc xây dựng, đào tạo, sử dụng và phát huy tiềm năng của giới trí thức nói chung và đội ngũ trí thức ở từng lĩnh vực cụ thể, nói riêng.

Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ bảy (khóa X) đã ban hành Nghị quyết số 27 ngày 6-8-2009 về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đã xác định rõ những mục tiêu, quan điểm chỉ đạo, nhiệm vụ và giải pháp xây dựng đội ngũ trí thức hiện nay. Trong đó nhấn mạnh: “Trí thức Việt Nam là lực lượng sáng tạo đặc biệt quan trọng trong tiến trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, xây dựng kinh tế tri thức phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Xây dựng đội ngũ trí thức vững mạnh là trực tiếp nâng tầm trí tuệ của dân tộc, sức mạnh của đất nước, nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng và chất lượng hoạt động  của hệ thống chính trị. Đầu tư xây dựng đội ngũ trí thức là đầu tư cho phát triển bền vững” (10).

Tại Đại hội XI, Đảng ta tiếp tục phát triển quan điểm về người trí thức và khẳng định tầm quan trọng của vấn đề này và đặt ra yêu cầu cần phải: “xây dựng đội ngũ trí thức lớn mạnh, có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước. Tôn trọng và phát huy tự do tư tưởng trong hoạt động nghiên cứu, sáng tạo. Trọng dụng trí thức trên cơ sở đánh giá đúng phẩm chất, năng lực và kết quả cống hiến. Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, đãi ngộ xứng đáng những cống hiến của trí thức. Có chính sách đặc biệt đối với nhân tài của đất nước. Coi trọng vai trò tư vấn, phản biện, giám định xã hội của các cơ quan nghiên cứu khoa học trong việc hoạch định đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước và các dự án phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội. Gắn bó mật thiết giữa Đảng và Nhà nước với trí thức, giữa trí thức với Đảng và Nhà nước” (11).

Đảng, Nhà nước, nhân dân ta đã và đang hết sức quan tâm sâu sắc đến vấn đề xây dựng trí thức và ngày càng đánh giá cao về vai trò sáng tạo, phát minh, phản biện xã hội của đội ngũ trí thức trong sự nghiệp xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh, đẩy mạnh quan hệ giao lưu, hợp tác quốc tế, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Trên cơ sở đó, đội ngũ trí thức sẽ có nhiều điều kiện để đóng góp tích cực hơn nữa vào những thành công của sự nghiệp đổi mới trên đất nước ta./.


(1)  Từ điển Triết học, Nxb Tiến bộ Mát-xcơ-va (bản dịch ra tiếng Việt của Nxb Tiến bộ và Nxb Sự thật),1986, tr.598

(2)  Từ điển Chủ nghĩa xã hội khoa học, 1986, tr.360

(3) Phạm Văn Thanh, Xây dựng đội ngũ trí thức khoa học Mác -Lê-nin trong các trường đại học ở nước ta hiện nay, Luận án tiến sĩ, 2001,tr.8

(4) C.Mác và Ph.Ăng-ghen, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà nội, 1995, t.4 ,tr.600

(5)V.I.Lê-nin: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà nội, 2005, t.8,tr.300

(6) Chính sách của Đảng Lao động Việt Nam đối với trí thức, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1957, tr.8

(7) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà nội,  t.6, tr.203-204

(8) Hồ Chí Minh, Sđd, t.5,tr.235

(9) Hồ Chí Minh, Sđd, t.11,tr.329

(10) Văn kiện Hội nghị lần thứ Bảy, Ban Chấp hành Trung ương  khóa X, tr.91

(11) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia- Sự thật, Hà Nội, 2011,tr.241-242