Ngày 12-7-2012, tại Hà Nội, Bộ Nội vụ đã tổ chức Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 05/2007/CT-TTg về việc tăng cường bảo vệ và phát huy giá trị tài liệu lưu trữ (2007 - 2012) trong khối các bộ, ngành, địa phương và phổ biến một số nội dung chính của Luật Lưu trữ.
Theo đánh giá của Bộ Nội vụ, sau 5 năm thực hiện Chỉ thị, công tác lưu trữ trong cả nước đã được tăng cường, tài liệu lưu trữ bảo quản tại các trung tâm lưu trữ quốc gia, các bộ, ngành, địa phương đã được chỉnh lý, xác định giá trị, bảo vệ, bảo quản an toàn và tổ chức khai thác, sử dụng hiệu quả. Các Trung tâm Lưu trữ quốc gia đã thu được trên 2.700m tài liệu hành chính, 21.217 tờ tài liệu bản đồ, trên 100 m tài liệu xây dựng cơ bản và tài liệu nghiên cứu khoa học; gần 200 ảnh, 11 cuộn phim, khoảng 300 m tài liệu địa giới hành chính của 63 tỉnh, thành phố. Thực hiện đề án “Sưu tầm tài liệu lưu trữ quý hiếm của Việt Nam và về Việt Nam ”, các Trung tâm Lưu trữ quốc gia đã sưu tầm được hàng chục nghìn trang bản sao tài liệu lưu trữ quý, hiếm từ cơ quan lưu trữ của nước ngoài.

Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước Vũ Thị Minh Hương cho biết: việc thu thập, bổ sung tài liệu tại Lưu trữ lịch sử các cấp đã thu được những kết quả quan trọng. Đã có gần 40.000m giá tài liệu được thu vào lưu trữ lịch sử các tỉnh, trên 22.500 m tài liệu được thu vào các lưu trữ huyện. Nhiều bộ,ngành, địa phương đã cơ bản giải quyết được tình trạng tài liệu tích đống, bó gói. Hiện các Trung tâm Lưu trữ quốc gia đều có kho lưu trữ chuyên dụng với hệ thống các trang thiết bị hiện đại bảo quản an toàn tài liệu trên các vật mang tin khác nhau. Việc tu bổ, đóng quyển tài liệu được thực hiện thường xuyên; đã số hóa và lập microfilm gần 2 triệu trang tài liệu để đưa vào bảo quản theo chế độ bảo hiểm và lập bản sao sử dụng đối với tài liệu lưu trữ quốc gia đặc biệt quý, hiếm nhằm bảo toàn thông tin tài liệu lưu trữ, phòng ngừa những tai họa do thiên nhiên hoặc con người gây ra. Nhiều bộ, ngành đã bố trí kho lưu trữ bảo đảm đủ diện tích và trang thiết bị cần thiết phục vụ công tác bảo quản tài liệu, 11 tỉnh, thành phố đã xây dựng được kho lưu trữ kiên cố.

Lưu trữ các ngành, các cấp đã phục vụ kịp thời, có hiệu quả cho hoạt động của cơ quan cũng như yêu cầu khai thác, sử dụng tài liệu lưu trữ của xã hội, số người khai thác tài liệu và số lượng hồ sơ tài liệu đưa ra phục vụ ngày càng tăng. Hàng năm, các trung tâm lưu trữ quốc gia phục vụ trung bình gần 4.000 lượt độc giả với hơn 10.000 hồ sơ. Từ năm 2007 đến nay, Lưu trữ Bộ Quốc phòng đã phục vụ trên 68.000 lượt người với trên 92.300 hồ sơ được khai thác; Tòa án nhân dân tối cao phục vụ gần 61.400 lượt người với hàng trăm nghìn hồ sơ…

Tuy nhiên, tại Hội nghị, các đại biểu cũng chỉ ra những tồn tại trong việc phát huy giá trị tài liệu trong thời gian qua như chế độ khai thác, sử dụng tài liệu chưa được quy định rõ ràng, thống nhất; phương tiện, thiết bị phục vụ khai thác, sử dụng tài liệu còn thô sơ; các hình thức tổ chức sử dụng còn nghèo nàn, chủ yếu vẫn là phục vụ độc giả đến khai thác trực tiếp tại lưu trữ; việc chủ động thông tin, giới thiệu tài liệu lưu trữ còn rất hạn chế…

Nhiều ý kiến đề xuất sớm hoàn thiện hệ thống văn bản dưới Luật; xây dựng chính sách hỗ trợ kinh phí định kỳ cho các tỉnh, thành phố để chỉnh lý khối tài liệu tồn đọng; mua sắm trang thiết bị bảo quản tài liệu lưu trữ đúng tiêu chuẩn; tăng cường công tác phối hợp giữa Bộ Nội vụ, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước với các tỉnh, thành phố trong việc bảo quản, phục chế và tổ chức phát huy giá trị các tài liệu lưu trữ quý, hiếm.

Tại Hội nghị, lãnh đạo Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước đã phổ biến một số nội dung mới của Luật Lưu trữ và giải đáp một số băn khoăn của đại biểu về các vấn đề liên quan để Luật đi vào cuộc sống thuận lợi hơn./.