Nam Sudan với sinh nhật buồn

Lạn Kha
18:47, ngày 12-07-2012
TCCSĐT - Ngày 9-7 vừa qua, Nam Sudan, quốc gia trẻ nhất thế giới, kỷ niệm một năm ngày độc lập. Một năm sau ngày trở thành quốc gia độc lập, tình hình chính trị, an ninh, kinh tế và xã hội cũng như quan hệ của Nam Sudan với Sudan vẫn tồi tệ như trước, thâm chí trên một số phương diện còn tồi tệ hơn. Ở cả Sudan lẫn Nam Sudan đều bùng nổ khủng hoảng kinh tế và xung khắc trong xã hội.
Sau hơn 50 năm nội chiến khốc liệt, miền nam Sudan ly khai với miền bắc theo lộ trình và quy định được thỏa thuận giữa hai miền. Trong cuộc trưng cầu dân ý ở miền Nam Sudan, 98% người dân đã bỏ phiếu ủng hộ việc ly khai và trở thành quốc gia độc lập. Những mong đợi và kỳ vọng ngày ấy rất lớn. Người dân ở Nam Sudan không chỉ mong muốn chấm dứt cuộc nội chiến, mà còn cả hòa giải, hòa hợp dân tộc thành công ở chính Nam Sudan, mở ra một thời kỳ mới về phát triển, thịnh vượng, hòa bình, hữu nghị, có các quyền dân chủ và tự do xã hội.

Để đạt được mục tiêu ấy, hai vấn đề lớn đặt ra cho Nam Sudan sau khi trở thành quốc gia độc lập là giải quyết ổn thỏa những vấn đề chưa được giải quyết với miền bắc Sudan và khắc phục tình trạng tham những, mất an ninh trong nước.

Trong số những vấn đề chưa giải quyết được giữa Sudan và Nam Sudan nổi bật nhất là việc phân định biên giới lãnh thổ và sử dụng hệ thống tuyến đường ống dẫn dầu lửa khai thác được ở Nam Sudan. 75% dự trữ dầu lửa của cả Sudan nằm trên lãnh thổ Nam Sudan, nhưng để xuất khẩu được dầu lửa, Nam Sudan cần phải sử dụng hệ thống đường ống dẫn dầu lửa đi qua lãnh thổ Sudan.

Xung đột vũ trang giữa Sudan và Nam Sudan đã trở nên công khai và leo thang căng thẳng liên quan đến việc phân định biên giới, tranh chấp chủ quyền đối với khu vực Abyei, tranh chấp lợi nhuận từ khai thác và xuất khẩu dầu lửa cũng như cáo buộc nhau chứa chấp và hậu thuẫn lực lượng chống đối chính phủ. Mọi nỗ lực và sáng kiến trung gian hòa giải của các đối tác bên ngoài cho tới nay đều không đưa lại kết quả. Hiện tại chưa thấy có được triển vọng giải pháp cho những vấn đề này.

Tình trạng quan hệ như thế giữa Sudan và Nam Sudan đã đẩy cả hai nước vào cuộc khủng hoảng về an ninh và kinh tế. Nam Sudan bị tác động nặng nề bởi nguồn thu chính của đất nước này là dầu lửa mà muốn xuất khẩu được thì cần phải đạt được thỏa thuận về lệ phí quá cảnh và phân chia lợi nhuận với Sudan. Hơn nữa, xung đột vũ trang đã tác động tiêu cực đến sản lượng khai thác dầu lửa. 7 trong số 10 bang của Nam Sudan bị ảnh hưởng trực tiếp bởi xung đột vũ trang với Sudan. Và Nam Sudan hiện không có đủ khả năng tài chính để xây dựng hệ thống tuyến đường ống dẫn dầu lửa khác để giảm bớt hoặc thậm chí không còn bị phụ thuộc vào Sudan. Dẫu có thực hiện được dự án ấy thì cũng còn mất nhiều thời gian.

Một năm qua, Chính phủ Nam Sudan gần như chưa làm được gì để phát triển kinh tế, đa dạng hóa nguồn thu ngân sách và giảm sự phụ thuộc vào dầu lửa. Hiện nay, 98% ngân sách của Nam Sudan là thu nhập từ xuất khẩu dầu lửa. Bên cạnh đó, tình trạng tham nhũng vẫn trầm trọng. Tổng thống Nam Sudan Salva Kiir đã phải gửi thư ngỏ kêu gọi các chính trị gia và công chức tham nhũng trả lại số tiền đã biển thủ mà ông S.Kiir trù tính lên tới 4 tỉ USD - gấp đôi ngân sách nhà nước năm qua của Nam Sudan.

Lạm phát và thất nghiệp cao, chăm sóc y tế không bảo đảm cộng thêm đói nghèo đang là những vấn đề kinh tế và xã hội cấp thiết cần giải quyết ở Nam Sudan. Bởi nếu tình trạng này không sớm được cải thiện, thì tỷ lệ đói nghèo của nước này dự đoán sẽ còn tăng lên gấp đôi trong năm 2013.

Bức tranh toàn diện về Nam Sudan sau một năm được độc lập thật ảm đạm. Lý do trước hết nằm ở những nguyên nhân trong nước và mối quan hệ trắc trở với Sudan. Nhưng đồng thời, cũng lại thấy rằng, cộng đồng quốc tế, đặc biệt là các tổ chức khu vực và châu lục ở châu Phi, đã không có những hành động hậu thuẫn thiết thực và mạnh mẽ để giúp Nam Sudan vượt qua những khó khăn trong thời kỳ đầu xây dựng nhà nước độc lập và đặc biệt nhằm hóa giải mối bất hòa giữa Sudan và Nam Sudan./.