Tại buổi đối thoại trực tuyến với nhân dân tại Cổng Thông tin điện tử Chính phủ hôm nay( 5-6), Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng mong muốn sẽ nhận được nhiều hơn nữa sự phối hợp trách nhiệm của các cơ quan, địa phương và mọi người dân để nâng cao hơn nữa hiệu quả quản lý đầu tư xây dựng và phát triển đô thị, nhà ở, xây dựng công trình... 


Quy hoạch chậm, chất lượng thấp so với yêu cầu đặt ra

Liên quan đến câu hỏi của bạn đọc về tình trạng trong thời gian gần đây, việc cấp đất tràn lan cho các dự án đầu tư xây dựng tại các đô thị, không theo quy hoạch dẫn đến phát triển đô thị thiếu đồng bộ… việc tổ chức thực hiện quy hoạch tại các địa phương còn hạn chế đến phá vỡ quy hoạch và không kiểm soát được quá trình phát triển đô thị, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng thừa nhận còn nhiều thách thức trong quá trình phát triển đô thị như: Đô thị phát triển thiếu quy hoạch, tự phát, còn theo phong trào ở một số đô thị, tình trạng thiếu hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, tính kết nối hạ tầng còn yếu. Vấn đề ùn tắc giao thông, môi trường ô nhiễm, cảnh quan… ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.

Theo Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng, nguyên nhân của tình trạng này, trước hết là do hệ thống pháp luật liên quan đến đầu tư xây dựng, phát triển đô thị còn thiếu đồng bộ, phạm vi điều chỉnh chưa phủ kín, bỏ trống nhiều lĩnh vực, có chỗ chồng chéo, chế tài xử lý vi phạm chưa rõ. Bên cạnh đó, quá trình quản lý Nhà nước về xây dựng còn bất cập so với yêu cầu phát triển. 760 đô thị trên cả nước đều có quy hoạch chung, nhưng quy hoạch chậm hơn so với yêu cầu đặt ra. Có những nơi đô thị phát triển rồi mới xong quy hoạch, quy hoạch phải cập nhật hiện trạng đã có.

Vấn đề thứ hai, còn nhiều quy hoạch có chất lượng thấp, thiếu nhiều quy hoạch, đặc biệt là quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết. “Thiếu một quy hoạch phân khu, nên các đô thị phát triển có tính chất chia cắt, riêng rẽ, vấn đề kết nối hạ tầng giữa các khu dự án là rất khó khăn.”- Bộ trưởng nói.

Hơn nữa, hạ tầng xã hội của một khu vực phát triển chưa được quan tâm, trong một dự án đô thị chỉ có các hạ tầng của khu, thiếu hạ tầng của vùng, nên chất lượng đô thị bị ảnh hưởng.

Một vấn đề nữa, theo Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng là hiện nay phát triển đô thị nhưng thiếu quy hoạch chi tiết, đặc biệt thiếu thiết kế đô thị, điều lệ quản lý đô thị; công tác thiết kế đô thị còn lúng túng; nhiều khi điều chỉnh quy hoạch không vì yêu cầu khách quan mà do yêu cầu của nhà đầu tư, gây bức xúc của dư luận, ảnh hưởng phát triển bền vững.

Công tác quản lý thực hiện quy hoạch nhiều bất cập, thiếu sự kiểm soát thống nhất từ Trung ương, phân cấp quá nhiều cho địa phương. Do đó, các dự án phát triển đô thị tự phát, phong trào, việc tăng cường kiểm tra kiểm soát chưa được quan tâm, thiếu những cơ quan quản lý thống nhất, vai trò nhạc trưởng kết nối dự án còn thiếu… Mặt khác, phát triển thiếu kế hoạch, cứ có đất là phát triển, không căn cứ vào việc tăng dân số tự nhiên và cơ học để có lộ trình phát triển phù hợp, đảm bảo tiết kiệm tài nguyên, đặc biệt là tài nguyên đất đai và phù hợp nhu cầu, đảm bảo về nguồn lực.

Bộ trưởng cũng khẳng định: Trách nhiệm này thuộc về những cơ quan quản lý Nhà nước về xây dựng nói chung, trong đó có Bộ Xây dựng.

Theo Bộ trưởng, để giải bài toán về quy hoạch, trước hết cần hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan, đặc biệt là về quản lý phát triển đô thị. Bộ đang hoàn thiện dự thảo Nghị định về quản lý đầu tư phát triển đô thị thay cho Nghị định 02 về khu đô thị mới trước đây; hướng dẫn các Luật liên quan như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Bảo vệ tài nguyên môi trường… Đây là nghị định tổng hợp với mục tiêu lập lại trật tự quản lý đô thị, phát triển đô thị theo quy hoạch, kế hoạch; đảm bảo tiết kiệm nguồn lực, đặc biệt là đất đai; đảm bảo hạ tầng tốt cho đô thị; đảm bảo môi trường tốt để đô thị phát triển bền vững…

Để xảy ra thất thoát, lãng phí trong xây dựng là có lỗi lớn

Về vấn đề thất thoát lãng phí trong xây dựng, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho rằng thất thoát, lãng phí là vấn đề bức xúc, nhức nhối, được cả xã hội quan tâm và để xảy ra thất thoát, lãng phí là lỗi lớn.

Theo Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng, có hai loại thất thoát, lãng phí: một là hữu hình (ăn cắp, bớt xén) chủ yếu là chủ động từ phía con người do mục đích vụ lợi cá nhân; hai là vô hình (do năng lực hạn chế của những người tham gia đầu tư xây dựng của tất cả các khâu). Chẳng hạn, chất lượng quy hoạch kém hoặc quy hoạch chậm, như một đô thị đã phát triển rồi mới tính chuyện mở rộng đường phố thì rất tốn kém… Thậm chí, với những công trình làm xong không sử dụng đến thì thất thoát, lãng phí bao nhiêu phần trăm? Đây là thất thoát, lãng phí bị động. Còn với những công trình thất thoát, lãng phí 1, 2… phần trăm thì phải có kiểm tra cụ thể. Tuy nhiên, về dư luận thất thoát lãng phí trong xây dựng nhiều năm tới 10-20% thậm chí lớn hơn thì Bộ trưởng cũng cho biết hiện chưa có một nghiên cứu tổng thể nào để khẳng định con số trên là đúng hay sai?

Song, theo Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng, thất thoát, lãng phí rõ ràng là không nhỏ và phải có giải pháp. Theo đó, trước hết, phải hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan, tăng cường trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước, đặc biệt là với các công trình sử dụng nguồn vốn ngân sách… Bộ Xây dựng đang soạn thảo nghị định cấp phép xây dựng và quản lý chất lượng công trình xây dựng, trong đó yêu cầu các cơ quan quản lý Nhà nước phải tham gia thẩm định thiết kế và dự toán, thậm chí thẩm định cả dự án, chứ không giao toàn quyền cho chủ đầu tư. Hiện một số chủ đầu tư năng lực kém phải thuê tư vấn, dễ dẫn đến thông đồng giữa các bên để tiêu cực…

Thứ hai, cần tăng cường kiểm tra, giám sát, tăng cường trách nhiệm của các chủ thể tham gia quá trình đầu tư xây dựng…

Khơi thông nguồn vốn tín dụng cho thị trường bất động sản

Theo Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng, thị trường bất động sản của nước ta hiện đang đóng băng, yếu kém do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân về nguồn vốn tín dụng. Nếu nguồn vốn tín dụng dồi dào, lãi suất thấp thì sẽ có ảnh hưởng tốt đến thị trường, nếu vốn ít, lãi suất cao thì có tác động không tốt.

Nguyên nhân thứ hai là cầu của thị trường bất động sản thấp cho nên bất động sản dư thừa, hàng hóa không phù hợp với khả năng chi trả của thị trường. Vì vậy, rất khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm.

Để giải quyết bài toán này, Bộ trưởng cho rằng vốn tín dụng cho thị trường là rất quan trọng nhưng phải với nguồn cung tín dụng ổn định và lãi suất thấp và đặc biệt là phải hướng tới người mua nhà. Với lãi suất ưu đãi thì người mua mới có khả năng tiếp cận nguồn vốn. Đồng thời, phải cơ cấu lại hàng hóa bất động sản, tăng tỷ trọng nhà ở có quy mô vừa và nhỏ cho phù hợp với nhu cầu thị trường.

Lần đầu tiên có Chiến lược nhà ở

Đề cập đến các nội dung trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 30/11/2011, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho biết: Có thể nói, đây là lần đầu tiên chúng ta có một chiến lược nhà ở. Với cách tiếp cận tổng thể và toàn diện, với những quan điểm khoa học và mục tiêu cụ thể, thể hiện quyết tâm chính trị cao, trong chiến lược lần này đã khẳng định rõ quan điểm giải quyết nhà ở là trách nhiệm của nhà nước, của xã hội và của người dân, thay vì còn những ý kiến cho rằng phát triển nhà ở chủ yếu theo cơ chế thị trường.

Chiến lược cũng đã phân loại rõ 2 loại nhà ở: thứ nhất là thị trường nhà ở hàng hóa, đây là nhà ở thương mại phục vụ các đối tượng có khả năng thanh toán theo cơ chế thị trường.

Loại nhà ở thứ 2 - nhà ở xã hội còn gọi là nhà ở thị trường phi hàng hóa - là loại nhà ở có sự can thiệp và hỗ trợ của nhà nước cho những người khó khăn về nhà ở không có điều kiện mua nhà ở theo cơ chế thị trường.

Trong chiến lược cũng phân rõ 8 nhóm đối tượng cần sự hỗ trợ của nhà nước để cải thiện nhà ở, trong đó có người nghèo ở khu vực nông thôn, người có công với nước, người nghèo ở khu vực đô thị, cán bộ, công chức, viên chức, văn nghệ sĩ, trí thức, sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp trong lực lượng vũ trang có khó khăn về nhà ở, nhà ở cho sinh viên, nhà ở cho công nhân ở các nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp, nhà ở cho những đối tượng đặc biệt khó khăn không nơi nương tựa như người tàn tật, nhiễm chất độc màu da cam...

Theo Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng, chiến lược đã phủ kín những nhóm đối tượng xã hội cần được Nhà nước hỗ trợ để cải thiện nhà ở./.