TCCSĐT - Sáng 1-6, các đại biểu Quốc hội làm việc tại tổ thảo luận, góp ý kiến vào hai dự án Luật Dự trữ quốc gia và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế.

Qua 8 năm thực hiện, Pháp lệnh Dự trữ quốc gia được ban hành ngày 29-4-2004 đã tạo khuôn khổ pháp lý cho hoạt động dự trữ quốc gia. Tuy nhiên, Pháp lệnh đã bộc lộ nhiều hạn chế. Đa số ý kiến nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật Dự trữ quốc gia bởi trước hết cần phải hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho hoạt động dự trữ quốc gia để đáp ứng yêu cầu tình hình mới; thứ hai là tạo nền tảng nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng nguồn lực dự trữ quốc gia…

Liên quan đến mục tiêu của dự trữ quốc gia, một số đại biểu thảo luận tại đoàn Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, quy định trong dự luật còn quá rộng. Về bản chất, dự trữ quốc gia là nhằm ứng phó với những trường hợp đặc biệt nghiêm trọng, cấp bách như thiên tai, dịch bệnh, phục vụ quốc phòng - an ninh…, không nên đưa vào mục tiêu bình ổn  thị trường, thúc đẩy tăng trưởng bền vững kinh tế. Vì vậy, các đại biểu đề nghị xem xét thu hẹp mục tiêu sử dụng dự trữ quốc gia dựa trên cơ sở cân đối nguồn lực, bảo đảm phù hợp với bản chất dự trữ quốc gia, không thể dàn trải. Lý giải về không nên đưa mục tiêu “bình ổn thị trường” của dự trữ quốc gia, nhiều đại biểu cho rằng như vậy là trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ, và tạo ra phức tạp trong quá trình triển khai thực hiện.

Theo quy định của dự thảo luật, phạm vi hàng dự trữ quốc gia bao gồm các loại vật tư, hàng hóa thiết yếu và tiền. Tuy nhiên, nhiều đại biểu còn có ý kiến khác nhau về dự trữ bằng tiền. Một số đại biểu cho rằng, dự trữ bằng tiền là phù hợp vì mục tiêu của dự trữ quốc gia nhằm phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, ứng phó với những tình huống đặc biệt nghiêm trọng và tiền hoàn toàn có thể sử dụng để mua hàng hóa cho những tình huống này. Một số lại cho rằng chỉ nên dự trữ bằng hàng hóa, vật tư.

Đối với nguồn hình thành dự trữ quốc gia, dự luật đề nghị dự trữ quốc gia được hình thành “từ ngân sách Nhà nước do Quốc hội quyết định”. Nhưng nhiều đại biểu có ý kiến chỉ xây dựng từ nguồn ngân sách là không đủ, nhất là trong điều kiện nguồn ngân sách Nhà nước còn hạn chế. Đại biểu đề nghị để tăng cường sức mạnh dự trữ quốc gia thì cần thiết phải quy định cơ chế để huy động toàn xã hội tham gia vào hoạt động dự trữ quốc gia, có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia vào hoạt động dự trữ quốc gia như: xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, kho chứa, cung ứng, bảo quản hàng hóa dự trữ quốc gia, nghiên cứu ứng dụng công nghệ bảo quản.

Thực tế cho thấy nếu có chính sách hợp lý thì sẽ huy động được nhiều nguồn lực ngoài Nhà nước vào dự trữ quốc gia. Đại biểu Nguyễn Phước Lộc (Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng nếu chỉ “đóng khung” nguồn từ ngân sách Nhà nước thì sẽ không thấy được trách nhiệm của toàn xã hội, không huy động được các nguồn lực đối với hoạt động quan trọng này. Đại biểu kiến nghị, trước hết cần quy định các tập đoàn, tổng công ty nhà nước có trách nhiệm tham gia tạo nguồn dự trữ quốc gia.

Tại phiên thảo luận tổ, các đại biểu cũng đã cho ý kiến về một số vấn đề khác như: mục tiêu dự trữ quốc gia, các mặt hàng thuộc diện điều chỉnh trong dự trữ quốc gia; xã hội hóa trong dự trữ quốc gia; quy định về bố trí ngân sách chi cho dự trữ quốc gia; cơ chế quản lý, điều hành quỹ dự trữ quốc gia…

* Thảo luận dự án Luật sửa đổi một số điều của Luật Quản lý thuế, các đại biểu Quốc hội cho rằng Luật Quản lý thuế sau 4 năm thực hiện đã góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý thuế, tuy nhiên, trước xu thế hội nhập kinh tế quốc tế, đạo luật đã bộc lộ nhiều hạn chế cần sửa đổi. Theo đánh giá chung, những sửa đổi của dự luật trình Quốc hội đã cơ bản đáp ứng yêu cầu đơn giản hóa thủ tục hành chính, nhưng để đạt được mục tiêu tăng cường tính hiệu lực, hiệu quả của quản lý thuế nhằm thu đúng, thu đủ, thu kịp thời, hạn chế tình trạng thất thu ngân sách Nhà nước thì dự thảo luật phải có các quy định tăng cường thanh tra, kiểm tra, đặc biệt chú trọng hậu kiểm; có chế tài, mức xử phạt đủ mạnh nhằm hạn chế, ngăn chặn hành vi vi phạm như khai man, gian lận thuế, chuyển giá giữa các doanh nghiệp; quy định cụ thể về điều kiện xóa nợ tiền thuế, tiền phạt…

Không ít đại biểu đề cập đến thực trạng các doanh nghiệp FDI có vốn đầu tư nước ngoài vào làm ăn ở nước ta, trong giai đoạn đầu được hỗ trợ trong đầu tư, miễn giảm thuế nhưng khi đã làm ăn có lãi thì chuyển số lãi về công ty mẹ và báo lỗ để tiếp tục được miễn giảm thuế. Như vậy, rõ ràng là các doanh nghiệp FDI đã trốn thuế. Và, vấn đề hậu kiểm, xử lý gian lận ở đây nằm trong vai trò quản lý nhà nước về thuế. Các đại biểu cho rằng, cần phải xuất phát từ những thực tế như thế này để xây dựng một đạo luật phù hợp, chặt chẽ, thống nhất.

Đối với đối tượng kê khai sai, trốn và gian lận thuế, các đại biểu đề nghị cần tăng xử phạt từ 10% số tiền thuế kê khai, số tiền thuế được hoàn như trong dự thảo lên 20% để tăng tính răn đe.

Ngoài ra, một số nhóm vấn đề được các đại biểu tập trung thảo luận là: sửa đổi, bổ sung để đơn giản hóa các thủ tục hành chính về thuế; hiện đại hóa phù hợp với thông lệ quốc tế; nâng cao năng lực quản lý thuế.../.