Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giám sát cán bộ, công chức, đảng viên, góp phần nâng cao hiệu lực hệ thống chính trị cơ sở

Nguyễn Văn Pha Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
23:24, ngày 30-05-2012
TCCS - Trong thời kỳ mới, tiếp tục phát huy tốt hơn và hiệu quả hơn quyền làm chủ của nhân dân, nhất là sự giám sát, kiểm tra của nhân dân đối với hoạt động của cơ quan và cán bộ, công chức nhà nước, chính là môi trường để nhân dân nâng cao quyền và nghĩa vụ tham gia xây dựng và bảo vệ Nhà nước.

Đảng và Nhà nước ban hành nhiều chủ trương, nghị quyết, chính sách, pháp luật để thực hiện dân chủ ở cơ sở, nhằm xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 3 (khóa VIII) đề ra yêu cầu nghiên cứu, thực hiện từng bước chế độ dân chủ trực tiếp, trước hết ở cấp cơ sở; Chỉ thị số 30-CT/TW, ngày 18-2-1998, của Bộ Chính trị khóa VIII, về xây dựng và thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở; Nghị định số 29/NĐ-CP, ngày 11-5-1998, của Chính phủ ban hành Quy chế thực hiện dân chủ ở xã (sau này được thay thế bởi Nghị định số 79/2003/NĐ-CP, ngày 07-7-2003); Pháp lệnh về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XI; Nghị quyết liên tịch giữa Chính phủ và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ban hành “Quy chế Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giám sát cán bộ, công chức, đảng viên ở khu dân cư”...

Các chỉ thị, nghị quyết, văn bản quy phạm pháp luật nêu trên quy định khá chi tiết về vai trò và nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong công tác giám sát nói chung và giám sát cán bộ, công chức, đảng viên ở khu dân cư nói riêng.

Về thực hiện dân chủ ở cơ sở

Theo quy định của các văn bản pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giám sát thực hiện những nội dung công khai để nhân dân biết, những nội dung nhân dân bàn và quyết định, những nội dung nhân dân tham gia ý kiến trước khi cơ quan có thẩm quyền quyết định. Việc giám sát của Mặt trận thông qua hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng; thông qua việc giải quyết khiếu nại, tố cáo; thông qua việc lấy phiếu tín nhiệm đối với cán bộ thuộc các chức danh theo quy định của Quy chế Dân chủ ở cơ sở.

Ban Thanh tra nhân dân và Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng ở xã, phường, thị trấn (gọi chung là cơ sở) do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cơ sở tổ chức, hướng dẫn và chỉ đạo hoạt động. Đến nay tất cả các xã, phường, thị trấn trên toàn quốc đều có Ban Thanh tra nhân dân; Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng đang được triển khai thành lập ở nhiều địa phương.

Theo quy định, Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng là công cụ để người dân ở cơ sở thực hiện quyền giám sát trực tiếp việc thực hiện Quy chế Dân chủ. Thực tiễn những năm qua cho thấy, ở những nơi Ban Thanh tra nhân dân và Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng hoạt động tốt đã phát hiện được nhiều vi phạm pháp luật của cán bộ cơ sở, góp phần hạn chế những tiêu cực ở cơ sở trên các lĩnh vực, như đất đai, giao thông, thu chi ngân sách, việc thực hiện chế độ, chính sách đối với các đối tượng được hưởng ưu đãi của Nhà nước, v.v..

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham gia giám sát cán bộ, đảng viên ở khu dân cư

Ngày 16-11-2004, Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa IX) ra Thông báo số 161-TB/TW về đề án Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham gia giám sát cán bộ, đảng viên ở khu dân cư với yêu cầu xây dựng cơ chế để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham gia giám sát cán bộ, đảng viên ở khu dân cư.

Thực hiện Thông báo số 161-TB/TW, ngày 21-4-2006, Chính phủ và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã ký kết Nghị quyết liên tịch số 05, ban hành “Quy chế Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giám sát cán bộ, công chức, đảng viên ở khu dân cư”. Quy chế này được áp dụng thí điểm ở một số xã, phường, thị trấn tại Thủ đô Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh Ninh Bình, Quảng Bình và Tiền Giang từ tháng 6-2006.

Các cấp ủy, chính quyền các cấp ở các địa phương được chọn làm điểm đã nghiêm túc chỉ đạo, phối hợp và tạo điều kiện tích cực,  qua đó phát huy được sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong quá trình triển khai thực hiện. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp đã tích cực, chủ động làm tốt công tác tham mưu, hướng dẫn tổ chức thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ, đúng quy trình; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc để uốn nắn và rút kinh nghiệm kịp thời.

Những nơi tiến hành công tác này một cách thực chất đã nâng cao ý thức, trách nhiệm, tinh thần gương mẫu chấp hành chủ trương, chính sách, pháp luật, những quy định ở khu dân cư của đội ngũ cán bộ, công chức, đảng viên ở cơ sở. Kết quả phát hiện và giải quyết các vụ việc đã góp phần thúc đẩy thực hiện dân chủ ở cơ sở hiệu quả, thiết thực hơn; tác động tích cực đến nhận thức của nhân dân, nhân dân đã chủ động phát hiện, tố giác những hành vi vi phạm của cán bộ, công chức, đảng viên trên địa bàn. Hoạt động giám sát của Mặt trận Tổ quốc ở cơ sở ngày càng có hiệu quả, thiết thực, được nhân dân tin tưởng và ủng hộ.

Qua gần hai năm triển khai thực hiện (đến hết năm 2007), 5 tỉnh, thành phố đã nhận được hàng ngàn đơn giám sát và ý kiến phản ánh trực tiếp của nhân dân. Nội dung đơn thư phần lớn tập trung phản ánh, phát hiện những vi phạm về quản lý đất đai, liên quan đến đền bù; giải phóng mặt bằng; quản lý trong xây dựng; về môi trường; chính sách xã hội; vi phạm Quy chế Dân chủ ở cơ sở; biểu hiện tham nhũng...; số đơn thư còn lại đề cập đến tư cách, thái độ của đảng viên, cán bộ, công chức cơ sở trong việc tiếp xúc, giải quyết công việc của nhân dân.

Tuy nhiên có thể thấy, mặc dù các quy định không giới hạn lĩnh vực công tác cũng như đối tượng cán bộ, đảng viên chịu sự giám sát của Mặt trận, nhưng chủ yếu Mặt trận mới giám sát được đối tượng là cán bộ, đảng viên đang công tác ở chính quyền cấp xã và thôn; đối tượng là cán bộ, đảng viên các cơ quan đóng trên địa bàn thì ngoài việc giám sát theo quy định ở một số văn bản pháp luật về bầu cử, bổ nhiệm thẩm phán, kiểm sát viên..., còn lại hầu như không giám sát được, do nhiều lý do cả về khách quan và chủ quan.

Về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức vụ chủ chốt do hội đồng nhân dân xã bầu và trưởng thôn

Năm 2007, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn (Pháp lệnh số 34) trong đó mở rộng đối tượng cần lấy phiếu tín nhiệm bao gồm chủ tịch, phó chủ tịch hội đồng nhân dân, chủ tịch, phó chủ tịch ủy ban nhân dân cấp xã.

Năm 2008, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các địa phương đã triển khai thực hiện việc lấy phiếu tín nhiệm theo Pháp lệnh số 34. Theo báo cáo của 49 tỉnh, thành phố, đã có 8.112/9.035 xã, phường, thị trấn tổ chức lấy phiếu tín nhiệm, chiếm tỷ lệ 89,78%. Những xã, phường, thị trấn còn lại triển khai trong năm 2009 hoặc tại những nơi mà các chức danh là chủ tịch, phó chủ tịch hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân cấp xã mới được kiện toàn chưa đủ thời gian hai năm, nên không lấy phiếu tín nhiệm đối với đội ngũ này. Kết quả, có 442 người đạt số phiếu tín nhiệm dưới 50%, chiếm tỷ lệ 1,34%; trong đó, có 183 người là chủ tịch, phó chủ tịch hội đồng nhân dân cấp xã (chiếm tỷ lệ 41,4%) và 259 người là chủ tịch, phó chủ tịch ủy ban nhân dân cấp xã (chiếm tỷ lệ 58,6%)

Năm 2010, có 2.052/11.116 xã, phường, thị trấn đã tổ chức lấy phiếu tín nhiệm cho 7.401 người là chủ tịch, phó chủ tịch hội đồng nhân dân, chủ tịch, phó chủ tịch ủy ban nhân dân. Có 87 người đạt tỷ lệ tín nhiệm dưới 50%, trong đó 57 người là chủ tịch, phó chủ tịch hội đồng nhân dân (65,5%) và 30 người là chủ tịch, phó chủ tịch ủy ban nhân dân (34,5%).

Năm 2011, tuy chưa đủ 2 năm theo quy định nhưng ở một số địa phương, như Quảng Trị, Ninh Bình, Phú Yên..., Ủy ban Mặt trận Tổ quốc đã xin ý kiến cấp uỷ cho phép tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với chủ tịch, phó chủ tịch hội đồng nhân dân, chủ tịch, phó chủ tịch ủy ban nhân dân cấp xã. Kết quả đợt lấy phiếu tín nhiệm này giúp cho địa phương có cơ sở để đánh giá chất lượng đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp xã, chuẩn bị cho việc giới thiệu nhân sự ứng cử trong cuộc bầu cử đại biểu hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2011-2016.   

Việc giao cho Mặt trận Tổ quốc chủ trì lấy phiếu tín nhiệm nêu trên là một chủ trương đúng đắn, được đông đảo nhân dân hoan nghênh và đồng tình ủng hộ, góp phần xây dựng chính quyền cơ sở ngày càng vững mạnh, mối quan hệ giữa nhân dân với chính quyền ngày càng mật thiết hơn; cán bộ chính quyền cơ sở gần dân, sát dân và lắng nghe ý kiến, kiến nghị của nhân dân hơn.

Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình thực hiện có những khó khăn, hạn chế. Ở một số nơi, Mặt trận còn chưa thật sự chủ động trong việc tham mưu cho cấp ủy và phối hợp với chính quyền cùng cấp trong việc triển khai thực hiện; công tác tuyên truyền chưa được quan tâm đúng mức nên chưa thu hút được đông đảo nhân dân tham dự các hội nghị góp ý vào bản kiểm điểm của những người được lấy phiếu tín nhiệm. Một số nơi, bản kiểm điểm và tự phê bình của chủ tịch hội đồng nhân dân và chủ tịch ủy ban nhân dân cấp xã còn hình thức, chung chung, chưa đúng với yêu cầu là kiểm điểm và tự phê bình trước nhân dân; việc tổ chức hội nghị của thôn khi góp ý vào bản kiểm điểm của người được lấy phiếu tín nhiệm còn đơn giản, các ý kiến góp ý còn dè dặt, né tránh, ngại va chạm. Do đó, kết quả lấy phiếu tín nhiệm vẫn chưa thật sự đánh giá chính xác và đúng thực chất đối với người được lấy phiếu tín nhiệm.   

Từ việc triển khai công tác này thời gian qua, có thể rút ra một số kinh nghiệm:

Thứ nhất, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp phải làm tốt công tác tham mưu cho các cấp ủy và phối hợp chặt chẽ với chính quyền trong tất cả các giai đoạn của quá trình tổ chức lấy phiếu tín nhiệm.

Thứ hai, tổ chức tốt công tác tuyên truyền, phổ biến nội dung, ý nghĩa, mục đích của chủ trương lấy phiếu tín nhiệm cho cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân; vì đó thực chất là thực hiện quyền giám sát của nhân dân thông qua Mặt trận Tổ quốc. 

Thứ ba, việc lấy phiếu tín nhiệm phải được tổ chức đúng quy trình hướng dẫn: thực sự khách quan, dân chủ và bảo đảm sự lãnh đạo của cấp ủy đảng. Các hội nghị lấy ý kiến nhân dân phải được tổ chức chu đáo, dân chủ, thiết thực, tôn trọng và lắng nghe ý kiến đóng góp của nhân dân.

Với những kết quả đã đạt được trong thời gian qua trong  hoạt động giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” giao cho “Ban Dân vận Trung ương chủ trì phối hợp với Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, cơ chế để Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, trình Bộ Chính trị ban hành”./.