Mỹ ngày càng bị cô lập tại OAS
Không thể ra tuyên bố chung vì Washington
Tổ chức các nước châu Mỹ (Organization of American States - OAS) là tổ chức quốc tế nhóm các nước cùng khu vực lâu đời nhất, được hình thành từ cuối thế kỷ XIX, gồm 35 quốc gia độc lập ở châu Mỹ. Tuy nhiên, cho đến nay OAS mới chỉ có thể tổ chức 6 hội nghị cấp cao. Tổng thống Mỹ B. Obama là người may mắn nhất trong số những người đứng đầu nước Mỹ, đã hai lần được tham dự hội nghị cấp cao của tổ chức này.
Hội nghị cấp cao OAS lần thứ sáu được tiến hành trong tháng 4 vừa qua tại thành phố Cartagena (Colombia) có chủ đề “Kết nối châu Mỹ: Ðối tác vì sự thịnh vượng”. Nhưng rút cục, giữa Washington và các nước láng giềng Mỹ Latin lại thiếu vắng sự kết nối về chính trị đến mức không có được một tuyên bố chung sau hai ngày nhóm họp. Ngoại trưởng Colombia, bà Maria Angela Holguin, người điều hành các cuộc thảo luận tại Hội nghị, cho biết đã không đạt được sự đồng thuận nào về cả hai yêu cầu của các nước Mỹ Latin: Một là, Cuba sẽ được tham gia các hội nghị thượng đỉnh giữa Mỹ và Mỹ Latin trong tương lai; hai là, đưa vào tuyên bố cuối cùng của Hội nghị một đoạn văn kiện: “Ủng hộ các tuyên bố về chủ quyền của Argentina đối với quần đảo Falkland/Malvinas, hiện do Anh nắm giữ”. Mỹ đã phản đối cả hai yêu cầu này.
Ngay từ đầu, vấn đề Cuba lại “bùng” lên dữ dội. Trong diễn văn khai mạc Hội nghị, Tổng thống nước chủ nhà Juan Manuel Santos đã công khai chỉ trích cuộc bao vây cấm vận của Mỹ chống Cuba là “lỗi thời” và nhấn mạnh rằng, việc Cuba tiếp tục vắng mặt tại Hội nghị cấp cao OAS là điều “không thể chấp nhận được”.
Trên thực tế, sau những nỗ lực hàn gắn mâu thuẫn giữa các quốc gia trong khu vực đối với Mỹ, ông J.M. Santos đã nhận được sự đồng thuận của các quốc gia thành viên OAS là sẽ tham dự Hội nghị cấp cao Cartagena. Mặc dù vậy, các quốc gia này vẫn khẳng định sẽ không tham dự các hội nghị tiếp theo của tổ chức này, nếu Cuba vẫn không được mời tham gia. Tại hội nghị này, Tổng thống J.M. Santos đánh giá cao tiến trình thực hiện mô hình kinh tế ở Cuba và những thay đổi tích cực hiện nay tại quốc đảo này. Ông cho rằng, Cuba đã tỏ rõ vai trò không thể thiếu trong sự nghiệp phát triển của khu vực Mỹ Latin. Các nước châu Mỹ cần ủng hộ Cuba, đồng thời thúc giục OAS tăng cường quan hệ và hợp tác với Cuba.
Nhà cầm quyền Mỹ đã đánh mất tín nhiệm ở khu vực vốn được coi là “sân sau” của mình. Thế giới vẫn nhớ rất rõ, tại Hội nghị cấp cao OAS lần thứ năm, ở Port of Spain (Thủ đô của Trinidad và Tobago), năm 2009, Tổng thống Mỹ B. Obama đã từng cam kết sẽ tạo ra không khí “cởi mở và hợp tác”. Các nhà lãnh đạo Mỹ Latin đã hoan nghênh bài phát biểu của Tổng thống B. Obama tại hội nghị cấp cao lần đó, khi ông bày tỏ mong muốn bắt đầu “một trang mới” trong các quan hệ Mỹ - Mỹ Latin dựa trên cơ sở “đối tác bình đẳng, không có quan hệ đối tác cấp cao hay cấp thấp và tôn trọng lẫn nhau, có cùng lợi ích vì giá trị chung”. Tổng thống B. Obama cam kết chính sách này sẽ được thực thi trong suốt thời gian ông cầm quyền. Ông cũng bày tỏ sẵn sàng đối thoại với Cuba và cho biết đã nhìn thấy những dấu hiệu tích cực tiềm ẩn trong việc cải thiện quan hệ giữa Mỹ với Cuba.
Thế nhưng, hành động thực tế của Washington đã làm các nhà lãnh đạo Mỹ Latin hết sức thất vọng. Ba năm qua, chính sách của Mỹ đối với khu vực Mỹ Latin vẫn chưa có chuyển biến. Washington vẫn duy trì chính sách cấm vận chống Cuba và thờ ơ, lạnh nhạt trong quan hệ với các nước Mỹ Latin. Trong suốt quá trình diễn ra Hội nghị cấp cao Cartagena, Tổng thống B. Obama chỉ nhấn mạnh đến việc ông “mong muốn được nhìn thấy một sự thay đổi dân chủ ở quốc đảo Cuba”, mà phớt lờ yêu cầu của các thành viên Mỹ Latin về việc “Cuba cần phải được tham gia hội nghị OAS kể từ lần tới vào năm 2015”.
Tổng thống J.M. Santos cũng kêu gọi Mỹ chuyển sự chú ý sang khu vực Mỹ Latin và bày tỏ mong muốn các nước gạt sang bên các khác biệt về chính trị. Ông nói: “Nếu Mỹ nhận ra rằng lợi ích chiến lược lâu dài của họ không phải ở Afghanistan hay Pakistan, mà ở Mỹ Latin, và nếu nhận ra rằng bằng sự hợp tác, chúng ta có thể kích thích sự thịnh vượng mà chúng ta đang tìm kiếm, thì sẽ thu được những kết quả tốt đẹp”.
Mỹ Latin ngày càng rời xa Washington
Giới quan sát quốc tế cho rằng, Hội nghị cấp cao OAS ở Cartagena cho thấy một khu vực Mỹ Latin đang ngày càng rời xa nước Mỹ, ngày càng hành động một cách độc lập và tự chủ hơn, trong khi Mỹ không còn sức mạnh và quyền lực như trước kia đối với các nước này. Tuy nhiên, trong các vấn đề trọng tâm, Mỹ lại không thay đổi cách hành xử, đặc biệt là trong việc phủ quyết sự tham gia của Cuba, cũng như đã im lặng trong vấn đề chủ quyền của Argentina đối với quần đảo Falkland/Malvinas. Khi tất cả các nước Mỹ Latin đều đứng về một phía, đoàn kết, gắn bó và ủng hộ nhau hơn rất nhiều thì rõ ràng, điều đó đã không còn mang lại lợi ích gì và trở thành rất bất lợi cho nước Mỹ.
Ngay cả Colombia, cho tới gần đây vẫn còn là một đồng minh đáng tin cậy của Mỹ, cũng đã đứng sang phía Cuba, ủng hộ nước này tham gia vào các hội nghị cấp cao OSA trong tương lai. Có thể nói, tại Hội nghị cấp cao Cartagena, lần đầu tiên Tổng thống J.M. Santos đã tỏ thái độ cứng rắn như vậy đối với Washington. Theo ông, “do không đạt được sự đồng thuận giữa các nước thành viên”, nên có tới hơn nửa trong số 35 nước thành viên, đứng đầu là Venezuela, Ecuador, Bolivia, Nicaragua, Antigua, Barbuda, Saint Vincent, Grenadines... bày tỏ sự phản đối kịch liệt trước việc Mỹ muốn diễn “bài dân chủ” ở OAS và áp đặt lệnh cấm vận vô lý đối với Cuba. Tổng thống Ecuador Rafael Correa tuyên bố tiếp tục tẩy chay hội nghị cấp cao OAS vì sự vắng mặt của Cuba. Còn Tổng thống Brazil Dilma Rousseff đề nghị Tổng thống Mỹ B. Obama đối xử với các quốc gia Mỹ Latin một cách công bằng.
Đây là hội nghị cấp cao OAS thứ hai mà Tổng thống Mỹ B. Obama tham dự, kể từ khi lên nắm quyền. Tuy nhiên, cũng như hội nghị cấp cao OAS lần trước tại Port of Spain, năm 2009, mong muốn xích lại gần với Mỹ Latin hơn của ông B. Obama đã không thể thực hiện được, bởi lập trường trái ngược của các bên trong vấn đề Cuba tham dự hội nghị cấp cao OAS, cũng như chủ quyền của Argentina đối với quần đảo Falkland/Malvinas. Thậm chí, lần này nhiều nước Mỹ Latin đã thẳng thừng tuyên bố không tin tưởng Tổng thống B. Obama có thể làm được gì nhiều để thay đổi mối quan hệ với Mỹ Latin.
Việc các nước thành viên Liên minh Bolivia (ALBA, gồm các nước: Bolivia, Cuba, Ecuador, Nicaragua, Dominica, San Vicente và Las Granadinas, Antigua và Barbuda, Venezuela) đều khẳng định sẽ không tham dự bất kỳ hội nghị cấp cao OAS nào trong tương lai nữa, nếu Cuba không được mời, không chỉ là một minh chứng về sự ủng hộ Cuba, mà còn là một tuyên bố hùng hồn nhằm chấm dứt sự bá quyền của Mỹ ở khu vực Mỹ Latin. Rõ ràng, trước những tuyên bố cứng rắn như vậy của nhiều nước, kể cả Tổng thống nước chủ nhà Colombia - một đồng minh thân cận của Mỹ, Tổng thống B. Obama trở nên kín tiếng hơn và rơi vào thế phòng thủ trong Hội nghị cấp cao Cartagena. Nếu Mỹ tiếp tục giữ lập trường cứng rắn trong vấn đề Cuba, nhiều khả năng đây sẽ là dấu chấm hết cho một hội nghị cấp cao OAS sắp tới, bởi sẽ là một thất bại cay đắng nếu một hội nghị như vậy lại thiếu vắng rất nhiều nguyên thủ các nước trong khu vực. Hơn nữa, các nước Mỹ Latin cũng quyết tâm rời xa sự sắp đặt của Mỹ, bằng việc vào cuối năm 2011 đã thành lập Cộng đồng các nước Mỹ Latin và vùng Caribe (CELAC), một tổ chức hội tụ đầy đủ các nước châu Mỹ, ngoại trừ Mỹ và Canada.
Tổ chức OAS có trụ sở tại Washington, lâu nay thường bị Mỹ thao túng, đang phải đối mặt với sự cạnh tranh từ các diễn đàn khác trong khu vực như Liên minh Bolovia (ALBA), Liên minh các nước Nam Mỹ (UNASUR) và nhất là Cộng đồng Mỹ Latin và vùng Caribe (CELAC) mới thành lập. Từng một thời bị coi là khối phụ thuộc vào sự hỗ trợ của Mỹ, giờ đây khu vực Mỹ Latin đang trở thành những điểm đầu tư có sức hấp dẫn lớn, có hệ thống tài chính hùng mạnh, cùng nhiều lĩnh vực có tiềm năng lớn như nông nghiệp, thủy hải sản, lâm nghiệp, năng lượng, dầu lửa, khai khoáng, giao thông đường bộ, đường sắt, đường không. Với mong muốn được khai thác dầu khí, thu hoạch đậu tương và xây dựng hạ tầng cơ sở rất cần thiết tại khu vực Mỹ Latin, nhiều công ty của Trung Quốc và các nước trong khu vực đã đưa ra những đề nghị về đầu tư và hỗ trợ tài chính khá hấp dẫn. Trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ vẫn phải vật lộn để phục hồi và ngân sách viện trợ nước ngoài của Mỹ đang giảm mạnh, rõ ràng là Washington không còn ở “thế thượng phong” như nhiều năm trước. Ông Geoff Thale, Giám đốc Chương trình Washington về Mỹ Latin nhận xét: “Hội nghị cấp cao Cartagena là lời nhắc nhở và cảnh tỉnh rằng phương thức kinh doanh trực diện theo truyền thống trước đây trong khu vực đã và đang bị xói mòn”. Các nước Mỹ Latin đã không còn mặn mà hướng tới Washington như thế kỷ trước nữa./.
Sudan: Không dễ tháo ngòi xung đột Bắc - Nam  (11/05/2012)
Công tác phát triển Đảng ở huyện Đức Phổ  (11/05/2012)
“Phong bì sạch”, “phong bì bẩn”  (11/05/2012)
- Kinh nghiệm quản lý thị trường vàng của một số quốc gia và hàm ý chính sách cho Việt Nam
- Thu hút trí thức người Việt Nam ở nước ngoài cho phát triển nguồn nhân lực khoa học - công nghệ
- Chiến lược triển khai quyền chỉ huy, kiểm soát biển của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và một số tác động
- Một số chính sách lớn nhằm nâng cao hiệu quả ứng phó, giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống, an ninh mạng ở Việt Nam hiện nay
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên