Làng Nôm và bài học về văn hóa kinh doanh

Lê Minh Phụng
16:22, ngày 17-06-2008

Làng Nôm hay còn gọi là làng Đại Đồng, trước đây có tên là làng Đồng Cầu, nay thuộc xã Đại Đồng,Văn Lâm, Hưng Yên, được coi là làng có cảnh quan, kiến trúc đẹp nhất tỉnh Hưng Yên. Làng có từ đầu Công Nguyên, nhưng đến cuối thế kỷ XV dân cư mới đông đúc, dân cư làng Nôm gồm các dòng họ Lê, Tạ, Trần, Đan, Nguyễn, Phùng, Đỗ sống đan xen với nhau đời này qua đời khác. Và, làng Nôm gắn với câu ca dao: “Đồng nát thì về cầu Nôm, con gái nỏ mồm về ở với cha”.

1. Cảnh quan và quần thể di tích làng Nôm

Làng Nôm là một làng nhỏ (hiện có diện tích tự nhiên là 43,7ha, 175 gia đình với 612 nhân khẩu), nhưng có cảnh quan đẹp, nhiều công trình kiến trúc truyền thống thuần Việt còn được lưu giữ đến nay. Làng Nôm xưa kia là một làng buôn bán sầm uất. Dân làng mua nguyên liệu đồng để bán lại cho các lò đúc đồng ở tại địa phương, Đại Bái (Bắc Ninh), Trúc Bạch (Hà nội), làng Chè (Thanh Hóa)...

Cổng làng Nôm

Làng có một cổng chính được xây dựng bề thế, có 8 trục vuông, trên vòm cổng đắp một đại tự với 3 chữ nổi “Đồng Cầu Môn” (cổng làng Đồng Cầu). Cách cổng làng vài trăm mét có một cầu đá 9 nhịp đầu rồng bắc qua con sông Nguyệt Đức, nối đường làng với chợ Cầu Nôm và chùa Đại Đồng (chùa Nôm) - tên tự là Linh thông cổ tự. Giữa làng có một hồ lớn, dài 300m, rông khoảng 80 m, ở giữa hồ có một chiếc cầu đá bắc qua. Quanh hồ là những ngôi nhà mái ngói cổ, đặc biệt có 7 nhà thờ của 7 dòng họ xây liền nhau, được kiến trúc theo kiểu dáng cổ vùng đồng bằng Bắc Bộ. Cuối hồ có cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi trùm lên ngôi đình Nôm, thờ Thành hoàng làng là Tam Giang - người đã có công giúp Hai Bà Trưng đánh giặc Tây Hán và hiển linh giúp Lê Đại Hành đánh thắng giặc Tống, được vua phong “Hộ Quốc Phúc Thần”. Đường đi quanh hồ, từ cổng làng đến cầu đá tới chợ Nôm và vào chùa Nôm được vỉa gạch nghiêng.

Chùa Nôm, đình Nôm, cầu Nôm, chợ Cầu Nôm, cổng làng, sông Nguyệt Đức, cùng với những ngôi nhà cổ là những di sản văn hoá tạo nên quần thể làng Nôm có một vẻ đẹp cổ thuần Việt có một không hai ở vùng đồng bằng sông Hồng. Đây chính là một quần thể di tích lịch sử văn hoá có các yếu tố cơ bản tạo thành một làng quê tiêu biểu của Việt Nam. Ngày 12-2-1994, Bộ Văn hoá - Thông tin đã cấp bằng công nhận Di tích lịch sử văn hoá cho quần thể di tích làng Nôm.

                                                                     

Đình làng Nôm

Ngoài di sản văn hoá vật thể, người làng Nôm có đời sống tín ngưỡng, tâm linh phong phú. Trong một năm, nhiều lễ hội được tổ chức: 12 tháng Giêng hội làng, 13 tháng Giêng các dòng họ làm lễ tế Xuân, 15 tháng Giêng làm lễ Thượng nguyên, 15 tháng Tư lễ Trung nguyên, 15 tháng Bảy lễ Hạ nguyên và 21 tháng Chạp là lễ Tất niên. Trong ngày hội làng, đàn ông trong làng đến tuổi 55 được khao lão, người đi xa không về thì phải nộp lệ trình làng. Con gái làng đi lấy chồng phải cung tiến vào đình 20 mâm đồng hoặc xây dựng vài chục mét đường làng bằng gạch (ngày nay, tập tục này đã được bãi bỏ).

2. Bài học về văn hóa kinh doanh

Khi mới hình thành, nghề chính của làng Nôm là làm nông nghiệp, sau này dân trong làng đi mua đồng phế liệu (đồng nát) bán cho các làng nghề đúc đồng trong vùng, mua đồ đồng gia dụng bán lại cho các địa phương trong cả nước; và câu nói: “Đồng nát thì về Cầu Nôm” là như vậy.

Xác định được nghề, tích lũy được vốn, người làng Nôm tỏa đi khắp nơi để phát triển nghề; dấu chân người làng Nôm đã in đậm ở nhiều tỉnh, thành, như: Hải Dương, Hải Phòng, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An, kinh thành Thăng Long. Đến thời Pháp thuộc, nghề buôn phế liệu đồng của người làng Nôm vươn đến tận Sài Gòn. Những địa danh kể trên, chỗ nào cũng có phố Hàng Đồng và ở đó đều có người làng Nôm buôn bán phát đạt.

Chỉ bằng đôi quang gánh, từ thế kỷ XVII, XIII, đầu thế kỷ XIX người làng Nôm đã làm chủ thị trường từ Bắc vào Nam về về nguyên liệu đồng nát và đồ đồng gia dụng. Tại sao người làng Nôm làm được như vậy trong gần 3 thế kỷ? Qua tìm hiểu lịch sử làng Nôm, thì có thể khẳng định rằng, văn hóa trong kinh doanh đã tạo cho làng Nôm cả thế và lực để duy trì và phát triển; chứ không phải như nhiều người nói: “Lịch sử đã giao phó cho làng Nôm một trọng trách: cung cấp nguyên liệu cho các làng nghề đúc đồng”. Văn hóa trong kinh doanh của người làng Nôm được khái quát bằng những luận giải sau:

Một là, giáo dục truyền thuyết để làm việc thiện

Người làng Nôm truyền đời kể cho con cháu nghe rằng: “Làng Nôm hình con thuyền. Đã là thuyền thì phải ra đi. Trời lại đặt ở giữa làng một cái cân. Cán cân là con đường xuyên giữa làng. Cổng làng có cây đa hình mũ đồng cân. Quả cân là mô đất cao phía Tây - đây là Văn chỉ của làng. Vì thế, làng Nôm là làng buôn bán. Người làng càng đi xa, càng kinh doanh phát đạt”. Vẫn biết đó là truyền thuyết tâm linh, nhưng nó giáo dục con cháu phải hiểu “phi thương bất hoạt” và trong kinh doanh phải trọng chữ tín, không “Đong đầy, bán vơi; mua rẻ, bán đắt”. Ở Làng Nôm, nếu có ai gian lận trong kinh doanh, dù chỉ một lần cũng bị người làng nguyền rủa, có thể phải bỏ làng mà đi nơi khác.

Hai là, xác định rõ mục đích kinh doanh

Không như bây giờ, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của Đảng, Nhà nước cho từng giai đoạn được các phương tiện thông tin đại chúng tuyên truyền sâu rộng đến mọi người dân. Ở làng Nôm, cách đây vài trăm năm làm gì có thông tin về thị trường, vua chúa thời đó đâu có quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội cho từng vùng, từng địa phương. Nhưng, người dân làng Nôm đã xác định được mục tiêu kinh doanh của làng là buôn bán đồng. Trong khi đó, ở các vùng lân cận nghề đúc đồng rất phát triển, nhưng người làng Nôm không “chạy theo” mà vẫn kiên trì buôn “đồng nát”, nghề rất thấp hèn theo quan niệm phong kiến: Sỹ, Nông, Công Thương để cung cấp nguyên liệu cho các lò đúc đồng. Thế mới biết người làng Nôm thời đó đã hiểu rất sâu sắc tính chuyên môn hóa trong sản xuất, kinh doanh. Người dân nơi đây đã tự ý thức được nhu cầu sản xuất trong xã hội mà nắm bắt thị trường và vươn lên làm chủ sản xuất và cuộc sống của mình. Thế mà đến nay, ở một số nơi vẫn tổ chức sản xuất theo kiểu “phong trào”, khi được giá thì đổ xô vào đầu tư nuôi, trồng; khi mất giá thì lại ồ ạt chặt bỏ. Và rồi lại “kêu trời” và kiến nghị Nhà nước hỗ trợ! Nếu cứ như vậy, không biết đến bao giờ mới thoát khỏi cung cách làm ăn “chộp giật”, tự phát.

Thiết nghĩ, bài học về văn hóa kinh doanh của làng nghề Việt Nam như làng Nôm cần được đúc kết lại và phổ biến sâu rộng hơn.

Ba là, doanh nhân làng Nôm

Muốn có văn hóa kinh doanh thì phải có con người kinh doanh có văn hóa. Xin nêu một vài tấm gương tiêu biểu về doanh nhân làng Nôm bằng văn hóa kinh doanh của mình đã thống trị lĩnh vực đồng phế liệu và đồng gia dụng, tạo cho làng Nôm một nét văn hóa kinh doanh mà ngày nay cần:

- Bà Phùng Thị Tám, chỉ bằng đôi quang gánh đi buôn tuyến đường Nôm - Thanh Hóa đã làm vẻ vang cho gia đình và cho làng, được vua nhà Nguyễn phong bốn chữ “Tiết hạnh khả phong”.

- Bà Tạ Thị Mai, chỉ bằng nghề kinh doanh đồng đã mua được cả dãy phố ở Hải Phòng. Vì thế nhà tư sản Ích Đại người hoa, của cải “như nước” cũng phải xếp vị trí thứ hai sau bà. Sau năm 1954, bà đã hiến cho Nhà nước 36 gian nhà kho.

- Ông Tạ Văn Tiếp (ông Tham Tiếp), quê ở làng Nôm, kinh doanh ở Hà Nội, khi có tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng, ông đã xin nhà chức trách và bỏ tiền xây dựng ga Đông Xá ở sát làng Nôm để người làng đi buôn bán thuận tiện. Ông đặt ở nhà ga một cái cân lớn để mọi người kiểm tra hàng hóa, nhằm gìn giữ sự trung thực trong kinh doanh của người làng Nôm.

- Hình ảnh bà Tạ Thị Tý, mẹ nuôi của cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ đứng trên kỳ đài gần Bác Hồ, khi Người đọc Bản Tuyên ngôn độc lập ngày 2-9-1945 tại Quảng trường Ba Đình là niềm tự hào về doanh nhân làng Nôm.

3. Bảo vệ di sản văn hóa làng Nôm cần có tiếng nói chung

Lầu Quan Âm (chùa Nôm)

Cũng như những làng Việt cổ khác, làng Nôm cần phải được tu bổ, tôn tạo lại để phát huy những giá trị văn hóa vốn có của nó trong sự nghiệp đổi mới, phát triển hiện nay và cho muôn đời con cháu mai sau. Trong điều kiện kinh phí của Nhà nước dành cho tu bổ và tôn tạo còn hạn chế, việc bảo tồn những di sản văn hóa vật thể cũng như văn hóa phi vật thể là một vấn đề vô cùng khó khăn, nhưng không phải không làm được, nếu chúng ta có tiếng nói chung. Xin đề xuất một số việc cần làm để bảo vệ quần thể di tích làng Nôm:

- Lãnh đạo các cấp trong tỉnh Hưng Yên sớm có đề án quy hoạch tổng thể về bảo tồn quần thể di tích làng Nôm. Để đề án quy hoạch được khả thi, khi xây dựng cần tham khảo ý kiến của nhân dân làng Nôm, những chuyên gia làm công tác bảo tồn, bảo tàng của tỉnh, của trung ương.

- Phát huy nội lực và ngoại lực. Từ kinh nghiệm tôn tạo, tu bổ quần thể chùa Nôm, cổng làng trong những năm vừa qua, xã Đại Đồng và làng Nôm nên phát huy truyền thống yêu quê hương của con em 7 dòng họ trong làng hiện đang làm việc tại quê, ở các tỉnh khác trong cả nước và cả ở nước ngoài công đức xây dựng làng theo khả năng kinh tế của từng người. Có thể mỗi người, hoặc gia đình, dòng tộc tự đảm nhiệm một phần công việc trong đề án tổng thể được phê duyệt (một bức tường, một cái cổng, một cái cánh cửa...).

Cầu đá làng Nôm

- Tổ chức hội thảo khoa học về làng Nôm, tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, để kêu gọi sự tài trợ của các doanh nhân, doanh nghiệp, các tổ chức từ thiện và các tổ chức quốc tế.

- Để làm tốt 3 nội dung trên, trước hết, xã Đại Đồng và làng Nôm nên tạo ra sự lưu thông nước hồ của làng với sông Nguyệt Đức. Hồ nên trồng sen và hoa súng để tạo cảnh quan, bảo vệ môi trường nước. Nước thải sinh hoạt của các nhà dân xung quanh hồ không trực tiếp đổ vào hồ như hiện nay, mà quy hoạch lại để nước thải sinh hoạt đã qua xử lý chảy ra cánh đồng lúa phía cổng làng. Quy hoạch lại đường dây điện trước cổng làng và đường trục chính của làng./.
 

* Ảnh sử dụng trong bài là của tác giả