Nhằm thúc đẩy phát triển việc làm bền vững và giảm nghèo trong lĩnh vực du lịch thông qua đối thoại giữa các nhà hoạch định chính sách và các bên hữu quan, trong hai ngày 7 và 8-5, tại thành phố Hội An (Quảng Nam), Văn phòng Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Nam tổ chức Hội thảo về giảm nghèo và tạo việc làm bền vững trong lĩnh vực du lịch.

Tại Hội thảo các đại biểu đã tập trung phân tích tình hình du lịch Việt Nam và các cơ hội việc làm, đặc biệt đối với người nghèo trong lĩnh vực du lịch. Trong những năm qua, ngành du lịch được coi là ngành mũi nhọn, phát triển nhanh và đem lại doanh thu 5 tỉ USD mỗi năm cho đất nước. Tiềm năng tạo việc làm của ngành du lịch trong nước được dự báo sẽ tiếp tục tăng bởi Việt Nam liên tiếp được xếp hạng thứ 6 trên thế giới về tăng trưởng du lịch và lữ hành. Với mục tiêu đón 10 triệu lượt khách quốc tế mỗi năm và tạo doanh thu 18-19 tỉ USD, đến năm 2020 ngành du lịch Việt Nam sẽ cần khoảng 900 nghìn lao động trực tiếp… Tuy nhiên, sự phát triển về nhân lực của ngành du lịch hiện nay chưa đồng đều, phần lớn tập trung ở một số khu vực trọng điểm trong khi những vùng nông thôn hầu hết chưa được hưởng những lợi ích mà du lịch đem lại.

Tỉnh Quảng Nam là một ví dụ điển hình. Mặc dù có lợi thế về phát triển du lịch với 2 di sản văn hóa thế giới, Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm cùng 125 km đường biển và tuyến đường mòn Hồ Chí Minh với nền văn hóa truyền thống độc đáo đồng bào dân tộc thiểu số ở phía Tây. Tỉnh Quảng Nam cũng đã thực hiện nhiều quy hoạch du lịch trên địa bàn như: hồ Phú Ninh, Hội An, du lịch ven biển Hội An - Điện Bàn; toàn tỉnh đã có 110 dự án về du lịch được đầu tư và đến nay đã đi vào hoạt động. Thế nhưng lợi ích do du lịch mang lại cho người dân địa phương vẫn chưa được cao. Trong năm 2011, hoạt động kinh doanh du lịch Quảng Nam chỉ thu hút được hơn 2,5 triệu lượt khách, bao gồm cả khách quốc tế và nội địa; số ngày lưu trú bình quân cũng chỉ 2 ngày và tổng số lao động trực tiếp trong ngành du lịch là 7.600 người…

Hiện, du lịch Quảng Nam chỉ giới hạn ở những tour trong ngày từ khu vực bãi biển khiến khu vực sâu trong đất liền hầu như không mấy phát triển. Ngay cả khu vực di sản Thánh địa Mỹ Sơn người dân địa phương cũng không được hưởng lợi gì nhiều từ hoạt động du lịch do nhiều nguyên nhân khác nhau. Điều này đã khiến cho tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo ở Quảng Nam vẫn chiếm một tỷ lệ khá cao tới 24%, mặc dù sở hữu một tiềm năng phát triển về du lịch lớn.

Để hiện thực hóa lợi ích về kinh tế và xã hội từ du lịch, ILO đang triển khai dự án "Tăng cường hoạt động du lịch vào các huyện sâu trong đất liền tỉnh Quảng Nam" với tổng vốn đầu tư khoảng 1,35 triệu USD do Chính phủ Luxembourg tài trợ. Đối tượng hỗ trợ của dự án chủ yếu bao gồm thanh niên, phụ nữ. Hiện ILO đang hỗ trợ chính quyền và người dân địa phương tìm tòi và phát triển hai chuỗi giá trị quan trọng đối với ngành du lịch và lữ hành ở đây là điểm đến sâu trong đất liền và các sản phẩm địa phương.

Tại Hội thảo, các đại biểu cũng đã tập trung tìm hiểu công ước 172 của ILO về điều kiện làm việc tối thiểu trong lĩnh vực khách sạn và nhà hàng; thảo luận những nhu cầu của ngành du lịch và giới thiệu các biện pháp thúc đẩy phát triển du lịch bền vững, đặc biệt nhằm mục đích giảm nghèo. ILO đã kêu gọi phát triển việc làm bền vững trong lĩnh vực du lịch, tạo thu nhập xứng đáng cho người lao động. Điều này được tổ chức lao động quốc tế hy vọng sẽ giúp các nhà hoạch định chính sách Việt Nam và các bên liên quan hướng đến chiến lược du lịch quốc gia phát triển bền vững hơn./.