Xây dựng Thành phố Cần Thơ văn minh, hiện đại, trung tâm động lực của đồng bằng sông Cửu Long
TCCSĐT - Với tinh thần cầu thị, lắng nghe, tôn trọng thực tiễn và trách nhiệm trước Đảng bộ và nhân dân, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Cần Thơ khóa XI đã nghiêm túc, công phu xây dựng dự thảo Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Cần Thơ lần thứ XII và quyết định công bố toàn văn dự thảo Báo cáo chính trị này trên các phương tiện thông tin đại chúng để lấy ý kiến đóng góp rộng rãi của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Cần Thơ lần thứ XII dự kiến sẽ diễn ra vào cuối tháng 9-2010, với chủ đề: “Đoàn kết, trí tuệ, đổi mới, phát triển bền vững”.
Nhận rõ những hạn chế, yếu kém và nguyên nhân
Sau nhiệm kỳ vừa qua, bên cạnh những thành tựu nổi bật đã đạt được, bước vào nhiệm kỳ sắp tới, với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, Đảng bộ thành phố Cần Thơ đã tập trung làm rõ những hạn chế, yếu kém. Quan trọng hơn, Đảng bộ thành phố đã có sự thống nhất cao trong việc mạnh dạn chỉ ra những nguyên nhân của thực trạng.
Về những hạn chế, yếu kém trong nhiệm kỳ vừa qua, trong Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố (khóa XI) trình Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố lần thứ XII, với thái độ trung thực và khách quan đã chỉ rõ:
Một là, tốc độ tăng trưởng kinh tế, tuy đạt mức cao, nhưng năng lực cạnh tranh còn yếu. Quá trình phát triển kinh tế còn bộc lộ nhân tố chưa bền vững, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của thành phố. Vai trò trung tâm, sức lan tỏa của thành phố trong khu vực còn hạn chế, trước hết là môi trường và cơ chế, chính sách chưa thực sự hấp dẫn để thu hút đầu tư, nhất là đầu tư từ nước ngoài. Cơ cấu kinh tế tuy có sự chuyển dịch theo hướng tích cực, nhưng công nghiệp còn nhỏ lẻ, chưa có doanh nghiệp lớn. Các loại hình dịch vụ chất lượng cao chưa phát triển; sản xuất nông nghiệp còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, giá cả không ổn định, người nông dân còn chịu nhiều thiệt thòi. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội còn thiếu và yếu, chưa theo kịp với sự phát triển, đặc biệt là hạ tầng giao thông, đô thị; việc đầu tư xây dựng một số công trình trọng điểm chậm. Nguồn vốn đầu tư còn hạn chế, công tác chuẩn bị thủ tục và lập dự án để kêu gọi đầu tư còn yếu, ảnh hưởng đến tiến trình phát triển chung của thành phố.
Hai là, sự nghiệp phát triển văn hóa - xã hội của thành phố chưa tương xứng với tăng trưởng kinh tế. Chất lượng nguồn nhân lực còn thấp, đời sống của một bộ phận nhân dân lao động và cán bộ, công chức còn khó khăn, kết quả giảm nghèo chưa vững chắc, nhiều vấn đề xã hội phát sinh trong quá trình đô thị hóa như nhà ở, việc làm, khiếu kiện, tệ nạn xã hội… chưa được giải quyết một cách đồng bộ. Công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất và đời sống hiệu quả chưa cao. Chất lượng giáo dục, cả về văn hóa, chính trị, hướng nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu đào tạo nhân lực, tỷ lệ học sinh nông thôn bỏ học còn cao. Trong lĩnh vực y tế, công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân có tiến bộ, cơ sở y tế, bệnh viện được xây dựng thêm, đội ngũ y - bác sĩ được đào tạo, bổ sung nhiều, nhưng tình trạng quá tải tại các bệnh viện, nhất là bệnh viện nhi đồng thường xuyên xảy ra, dịch bệnh nguy hiểm luôn có khả năng bùng phát. Công tác dạy nghề, tạo việc làm, xuất khẩu lao động còn khó khăn. Thiết chế văn hóa cơ sở còn yếu. Cuộc vận động thực hiện tiêu chí về người Cần Thơ “Trí tuệ, năng động, nhân ái, hào hiệp, thanh lịch” theo tinh thần Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị (khóa IX) còn chậm được triển khai, v.v..
Ba là, phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, phòng chống tội phạm phát triển chưa đồng đều; xây dựng, triển khai kế hoạch phòng thủ còn chậm và chưa được đầu tư đúng mức; phát triển kinh tế gắn với quốc phòng, an ninh có mặt còn bất cập. Tình hình tội phạm và tệ nạn xã hội diễn biến phức tạp, tai nạn giao thông giảm chưa nhiều. Việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân ở một số trường hợp kéo dài. Công tác cải cách tư pháp còn một số mặt chưa đáp ứng yêu cầu.
Bốn là, hệ thống chính trị chưa chuyển kịp với sự phát triển của thành phố, công tác tư tưởng, lý luận chưa sắc bén, tính thuyết phục chưa cao. Việc triển khai quán triệt nghị quyết, chỉ thị của Đảng chưa sâu; một số tổ chức đảng xây dựng chương trình hành động, kế hoạch thực hiện chưa sát tình hình địa phương, nên hiệu quả chưa cao. Triển khai thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” khá tốt, nhưng việc “làm theo” còn hạn chế. Công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ vẫn còn có sự hẫng hụt. Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của một số tổ chức cơ sở đảng chưa ngang tầm nhiệm vụ. Việc xử lý, chấn chỉnh một số vụ việc sau khi được kiểm tra, giám sát, có kết luận còn chậm.
Năm là, quản lý nhà nước trên một số mặt còn hạn chế, nhất là quản lý quy hoạch, xây dựng, đô thị, đất đai, tài nguyên, môi trường... Cải cách hành chính, tuy có nhiều tiến bộ, nhưng chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của thành phố. Thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở có nơi còn nặng về hình thức.
Sáu là, hoạt động của hệ thống dân vận, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể chưa đều và còn lúng túng trong đổi mới nội dung, phương thức; chưa phát huy hiệu quả trong thực hiện vai trò phản biện xã hội và bảo vệ quyền lợi chính đáng của nhân dân; đội ngũ cán bộ chuyên trách trong hệ thống dân vận, mặt trận Tổ quốc, đoàn thể còn thiếu và yếu.
Trên cơ sở những hạn chế, yếu kém trên, Đảng bộ Thành phố cũng đã phân tích, làm rõ những nguyên nhân cơ bản của thực trạng.
Về nguyên nhân khách quan, thứ nhất, thành phố Cần Thơ có nền kinh tế quy mô nhỏ, công nghiệp hóa chưa cao, kết cấu hạ tầng kỹ thuật yếu kém, chất lượng nguồn nhân lực thấp. Chưa có những cơ chế, chính sách đặc thù tạo bước đột phá, nhằm đẩy nhanh tiến trình xây dựng và phát triển thành phố. Thứ hai, do ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới; bên cạnh đó là tình hình thiên tai, dịch bệnh, dịch hại trên cây trồng - vật nuôi; giá cả nông sản hàng hóa, vật tư nông nghiệp luôn biến động, gây khó khăn, thiệt hại cho sản xuất và đời sống nhân dân.
Về nguyên nhân chủ quan, Báo cáo chính trị của Đảng bộ thành phố cũng đã đề cập đến các nguyên nhân cụ thể là:
Thứ nhất, mặc dù, thành phố có quan tâm điều chỉnh, sắp xếp ổn định đội ngũ cán bộ cốt cán sau khi chia tách tỉnh, nhưng công tác quy hoạch, đào tạo, bố trí, phân công, luân chuyển cán bộ không theo kịp yêu cầu, nhất là thiếu nhiều cán bộ chuyên môn, đầu ngành, ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ chính trị.
Thứ hai, sự lãnh đạo, quản lý, điều hành của các cấp, các ngành và một bộ phận cán bộ chưa theo kịp với nhu cầu và diễn biến tình hình, chưa tận dụng và tranh thủ hết thời cơ, từng lúc, từng nơi thiếu tập trung, chạy theo những công việc trước mắt, chưa dồn sức tổ chức thực hiện các khâu đột phá mà Nghị quyết Đại hội nhiệm kỳ vừa qua đã xác định.
Thứ ba, việc vận dụng các chính sách để huy động các nguồn lực, thúc đẩy thực hiện xã hội hóa một số lĩnh vực còn chậm, thiếu linh hoạt và uyển chuyển. Các hoạt động xúc tiến đầu tư, ký kết hợp tác phát triển kinh tế - xã hội với các tỉnh, thành phố và các tập đoàn, tổng công ty kinh tế lớn tuy được quan tâm, nhưng việc tổ chức thực hiện chậm, nên hiệu quả đạt được chưa cao.
Thứ tư, nhận thức cũng như ý thức về bảo vệ tài nguyên, môi trường và phát triển bền vững của các cấp, các ngành và nhân dân chưa đầy đủ. Hoạt động kiểm tra, giám sát, xử lý việc khai thác tài nguyên và bảo vệ môi trường chưa được thực hiện đồng bộ, thường xuyên.
Xây dựng thành phố Cần Thơ văn minh, hiện đại, trở thành trung tâm động lực của đồng bằng sông Cửu Long
Trên cơ sở đánh giá khách quan về vị trí, vị thế và tiềm năng tự nhiên và kinh tế - xã hội của thành phố; từ những thành tựu đã đạt được và bài học kinh nghiệm được rút ra; nhất là từ những hạn chế, yếu kém và nguyên nhân, Đảng bộ thành phố Cần Thơ đã xác định rõ định hướng và mục tiêu của thành phố đến năm 2020 là phấn đấu “xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ trở thành thành phố đồng bằng cấp quốc gia văn minh, hiện đại, sáng, xanh, sạch, đẹp, xứng đáng là thành phố cửa ngõ của cả vùng hạ lưu sông Mê-kông; là trung tâm công nghiệp, tài chính, thương mại - dịch vụ, du lịch, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, y tế và văn hóa; là đầu mối quan trọng về giao thông vận tải nội vùng và liên vận quốc tế; là địa bàn trọng điểm giữ vị trí chiến lược về quốc phòng, an ninh trong vùng đồng bằng sông Cửu Long và cả nước”; đồng thời là “… một trong những địa phương đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và cơ bản trở thành thành phố công nghiệp trước năm 2020, là một cực phát triển, đóng vai trò động lực thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của toàn vùng”, theo tinh thần Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị (khóa IX).
Trước mắt, để bảo đảm hoàn thành thắng lợi các phương hướng, mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra trong nhiệm kỳ tiếp theo (2010 - 2015), với tinh thần đồng thuận cao, Đảng bộ thành phố xác định sẽ tập trung dồn sức lãnh đạo, chỉ đạo tốt và đạt hiệu quả cao sáu nhiệm vụ trọng tâm sau đây.
Một là, thực hiện tốt công tác quy hoạch xây dựng và phát triển thành phố trên các lĩnh vực, nâng cao chất lượng các tiêu chí đô thị loại I trực thuộc Trung ương, phục vụ yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa thành phố. Trên cơ sở đó, tập trung hoàn chỉnh quy hoạch chung đến năm 2030, quy hoạch tổng thể các đơn vị hành chính, mạng lưới đô thị và cơ sở hạ tầng phục vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của thành phố.
Hai là, huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, được coi là nhiệm vụ cấp bách để thúc đẩy nhanh quá trình phát triển của thành phố. Sử dụng, phát huy có hiệu quả nguồn lực địa phương và tranh thủ nguồn lực Trung ương, tăng cường động viên, huy động các nguồn lực toàn xã hội, các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước, kiều bào nói chung và người Cần Thơ đang sinh sống, làm ăn ở nước ngoài… nhằm tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng, cả nội thị và ngoại thành, phục vụ tốt yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và chăm lo đời sống nhân dân.
Ba là, tập trung đào tạo nguồn nhân lực, có chính sách thu hút nhân tài, xây dựng đội ngũ lãnh đạo, chuyên gia đầu ngành, cán bộ chuyên môn giỏi, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa của thành phố. Kết hợp công tác đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng với việc phân công, bố trí hợp lý, khai thác đúng mức tiềm năng trí tuệ và khả năng cống hiến của từng người, trên từng lĩnh vực công tác, nhiệm vụ được giao với chính sách thích hợp.
Bốn là, đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, cải cách tư pháp, xây dựng cơ chế, chính sách thích hợp để phục vụ sự phát triển của thành phố: tập trung xây dựng phong cách và lề lối làm việc năng động, hiệu quả, thủ tục hành chính nhanh, gọn, đúng pháp luật; thực hiện nghiêm nguyên tắc công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước; xây dựng ý thức trách nhiệm, tận tâm, tận tụy phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; kiên quyết đấu tranh với tệ tiêu cực tham nhũng, quan liêu, cửa quyền, sách nhiễu… nhằm củng cố lòng tin của nhân dân đối với các cấp ủy đảng, chính quyền.
Năm là, giải quyết tốt hơn vấn đề an sinh xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân thành phố. Kết hợp giữa tăng trưởng kinh tế với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, lấy phát triển kinh tế để chăm lo an sinh xã hội một cách đồng bộ, hợp lý; đây vừa là nhiệm vụ, vừa là mục tiêu trong quá trình phát triển toàn diện, bền vững của thành phố.
Sáu là, xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị, phát triển hài hòa, hiện đại, trở thành thành phố sáng, xanh - sạch - đẹp; xây dựng và vận động thực hiện tiêu chí con người Cần Thơ “Trí tuệ, năng động, nhân ái, hào hiệp, thanh lịch” theo Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị (khóa IX); góp phần phát huy truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc; đồng thời gián tiếp quảng bá hình ảnh tốt đẹp của thành phố Cần Thơ và mở rộng mối quan hệ hợp tác, liên kết với các địa phương trong cả nước và quốc tế.
Trước thềm Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Cần Thơ lần thứ XII sắp khai mạc, trên cơ sở nhận rõ những thành tựu và hạn chế, yếu kém; cũng như xác định rõ các phương hướng, mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra trong nhiệm kỳ tiếp theo (2010 - 2015); với tinh thần phát huy mọi nguồn lực, đoàn kết, nỗ lực vượt khó, vững tin rằng, Cần Thơ sẽ tiếp tục ổn định và phát triển bền vững, thực sự là một thành phố lớn, văn minh, hiện đại; trung tâm động lực của đồng bằng sông Cửu Long, đáp ứng sự mong đợi của Trung ương, các tỉnh, thành trong khu vực cũng như của đồng bào cả nước./.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến 2 dự án luật  (17/09/2010)
Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa có Phó Chủ tịch mới  (17/09/2010)
Hội thảo nhân Ngày quốc tế bảo vệ tầng ô-dôn  (17/09/2010)
Xuất khẩu hơn năm triệu tấn gạo  (17/09/2010)
Đồng chí Đào Tấn Lộc tái đắc cử Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên  (17/09/2010)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên