Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến 2 dự án luật
Ngày 17-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào các dự án: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật Tố tụng dân sự và Luật Phòng, chống mua bán người.
Bộ Luật Tố tụng dân sự có hiệu lực thi hành 1-1-2005. Sau hơn 5 năm thi hành, bộ luật đã góp phần quan trọng trong việc bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức.
Tuy nhiên, qua thực tiễn thi hành trong những năm qua cho thấy một số quy định của bộ luật đã bộc lộ những hạn chế, bất cập; có những quy định mâu thuẫn với các văn bản quy phạm pháp luật khác; có những quy định chưa phù hợp (hoặc không còn phù hợp), chưa đầy đủ, thiếu rõ ràng và còn có những cách hiểu khác nhau… Do vậy, việc xây dựng Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật Tố tụng dân sự là cần thiết nhằm tiếp tục thực hiện chiến lược cải cách tư pháp, từng bước hoàn thiện căn bản hệ thống pháp luật tố tụng.
Chủ trì thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận về các vấn đề: sự tham gia tố tụng dân sự của Viện Kiểm sát Nhân dân; thời hiệu khởi kiện, thời hiệu yêu cầu; quyền khởi tố của Viện Kiểm sát; thời hạn đề nghị kháng nghị và thời hạn kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm; cơ chế giải quyết theo thủ tục giám đốc thẩm đối với quyết định của Hội đồng thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao.
Thảo luận về việc quy định sự tham gia tố tụng dân sự của Viện Kiểm sát Nhân dân, đa số ý kiến của Ủy ban Tư pháp cho rằng, quy định Kiểm sát viên phát biểu quan điểm về việc giải quyết vụ việc dân sự tại phiên tòa, phiên họp sơ thẩm là không phù hợp, vì theo quy định của pháp luật, Viện kiểm sát có chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật của người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng.
Theo đó, kiểm sát viên tham gia các phiên tòa, phiên họp để thực hiện nhiệm vụ kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động xét xử của Tòa án Nhân dân từ khi lập hồ sơ, thu thập chứng cứ, bảo đảm quyền bình đẳng, quyền tranh luận của các bên đương sự, người có quyền, lợi ích liên quan… Vì vậy, khi tham gia phiên tòa, phiên họp sơ thẩm, kiểm sát viên không phát biểu về việc giải quyết vụ việc mà chỉ có thể thực hiện được thẩm quyền kiểm sát các bản án, quyết định của Tòa án sau khi Hội đồng xét xử đã tuyên bản án, quyết định đó.
Khi Hội đồng xét xử chưa ra bản án, quyết định, kiểm sát viên không nên phát biểu quan điểm về việc giải quyết vụ án để tránh tình trạng quan điểm của kiểm sát viên tham gia phiên tòa và người có thẩm quyền kháng nghị không thống nhất với nhau.
Đối với các phiên tòa, phiên họp phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm, kiểm sát viên tham dự phiên tòa, phiên họp có quyền phát biểu quan điểm của mình về việc giải quyết vụ, việc dân sự để thực hiện nhiệm vụ kiểm sát việc tuân theo pháp luật của người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng, kiểm sát bản án, quyết định của Tòa án và bảo vệ kháng nghị trong trường hợp Viện trưởng Viện kiểm sát có kháng nghị.
Quan điểm này của Ủy ban Tư pháp nhận được sự tán thành của nhiều đại biểu trong phiên thảo luận này. Cũng về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội Nguyễn Văn Thuận có ý kiến, kiểm sát viên không phát biểu quan điểm về việc giải quyết vụ việc dân sự tại tất cả các phiên tòa từ sơ thẩm, phúc thẩm, đến giám đốc thẩm, tái thẩm chứ không phân ra hai loại như đề xuất của Ủy ban Tư pháp.
Về thời hiệu khởi kiện, thời hiệu yêu cầu, Ban soạn thảo có hai quan điểm khác nhau.
Quan điểm thứ nhất cho rằng cần rà soát để bỏ quy định về thời hiệu đối với một số quan hệ dân sự có tính đặc thù và bổ sung một số loại quan hệ dân sự cần có quy định về thời hiệu cho phù hợp với thực tiễn.
Quan điểm thứ hai cho rằng thời hiệu khởi kiện, thời hiệu yêu cầu đã được quy định tại các văn bản pháp luật chuyên ngành tương ứng nên không cần thiết quy định vấn đề thời hiệu trong bộ luật. Dự thảo luật thể hiện quan điểm thứ hai.
Ủy ban Tư pháp đề xuất giữ nguyên về thời hiệu khởi kiện, thời hiệu yêu cầu trong bộ luật, đồng thời rà soát để bỏ và bổ sung quy định về thời hiệu đối với một số quan hệ dân sự có tính đặc thù. Ủy ban Tư pháp nêu lên thực tiễn áp dụng bộ luật trong thời gian qua cho thấy những vướng mắc về thời hiệu không phải do vấn đề thời hiệu được quy định trong bộ luật mà chủ yếu vướng mắc về thời hiệu đối với một số loại quan hệ dân sự có tính chất đặc thù như tuyên bố mất tích, tuyên bố hạn chế năng lực hành vi dân sự, thuê tài sản, đòi quyền sở hữu...
Trước hai luồng quan điểm này, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị sẽ đưa ra để Quốc hội thảo luận và có quyết định cuối cùng.
Tại phiên họp, các đại biểu thảo luận dự án Luật phòng, chống mua bán người, tập trung vào các vấn đề: tên gọi và phạm vi điều chỉnh; mua bán người và các hành vi liên quan; các biện pháp phòng ngừa mua bán người; việc giao cho các cơ sở bảo trợ xã hội thực hiện các biện pháp hỗ trợ nạn nhân bị mua bán; trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương trong phòng, chống mua bán người...
Việc giao cho các cơ sở bảo trợ xã hội thực hiện các biện pháp hỗ trợ nạn nhân bị mua bán, dự thảo Luật quy định các cơ sở bảo trợ xã hội hiện có được giao nhiệm vụ thực hiện các biện pháp hỗ trợ nạn nhân bị mua bán.
Một số ý kiến nhất trí với quy định của dự thảo Luật và cho rằng, hiện nay cơ sở bảo trợ xã hội đều được thành lập ở 63 tỉnh, thành phố trên địa bàn cả nước, do Sở Lao động, Thương binh và Xã hội quản lý, nếu bổ sung thêm chức năng, nhiệm vụ hỗ trợ nạn nhân bị mua bán và tăng cường đầu tư thêm cho các cơ sở này nhất là nơi thuộc địa bàn trọng điểm về mua bán người hoặc có nhiều nạn nhân sẽ tận dụng được các cơ sở hiện có và hoạt động hiệu quả, tiết kiệm.
Về việc hỗ trợ nạn nhân, Chương V của dự thảo Luật quy định về 6 loại chế độ hỗ trợ đối với nạn nhân bị mua bán; xác định từng loại đối tượng được hưởng các chế độ hỗ trợ tùy theo điều kiện, hoàn cảnh cụ thể và nhu cầu cần được hỗ trợ của nạn nhân.
Ủy ban Tư pháp tán thành với quy định này trong dự thảo và cho rằng không phải mọi nạn nhân đều được hưởng tất cả các chế độ hỗ trợ được quy định trong Luật này mà tùy từng trường hợp, giai đoạn, hoàn cảnh và nhu cầu thực tế để có chế độ hỗ trợ phù hợp; việc thực hiện các chế độ hỗ trợ đối với nạn nhân bị mua bán còn phải đảm bảo sự cân đối với chế độ hỗ trợ cho các đối tượng được hỗ trợ khác trong xã hội nhưng vẫn góp phần tạo điều kiện để nạn nhân bị mua bán tái hòa nhập cộng đồng...
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận cho rằng vấn đề hỗ trợ nạn nhân cần phải có nội dung cụ thể, quy định rõ vấn đề kinh phí, cơ sở vật chất thế nào để phục vụ việc hỗ trợ nạn nhân..., tất cả cần phải tính đến và quy định cho rõ trong dự thảo Luật./.
Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa có Phó Chủ tịch mới  (17/09/2010)
Hội thảo nhân Ngày quốc tế bảo vệ tầng ô-dôn  (17/09/2010)
Xuất khẩu hơn năm triệu tấn gạo  (17/09/2010)
Đồng chí Đào Tấn Lộc tái đắc cử Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên  (17/09/2010)
Đồng chí Trần Quốc Huy đã được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy Đắk Nông  (17/09/2010)
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 2)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay