Ngày 16-9, tại Hà Nội, Cục Khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) tổ chức Hội thảo nhân Ngày quốc tế bảo vệ tầng ô-dôn (16-9) với chủ đề "Ðiều hành và tuân thủ tốt nhất, bảo vệ tầng ô-dôn".

Báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết: Năm 1987, tại Mông-rê-an (Ca-na-đa), 196 quốc gia ký kết Nghị định thư về các chất làm suy giảm tầng ô-dôn. Từ đó đến nay, các nước phát triển luôn đi đầu trong hoạt động loại trừ các chất độc hại làm suy giảm tầng ô-dôn, đồng thời hỗ trợ các nước đang phát triển thực hiện nghiêm túc Nghị định thư này. Ðến ngày 1-1-2010, toàn bộ các chất CFC, halon, CTC đã được loại trừ hoàn toàn trên thế giới (trừ một lượng nhỏ được sử dụng trong nghiên cứu khoa học và sản xuất thuốc hen). Việc loại trừ hoàn toàn các chất CFC, halon và CTC đã góp phần làm giảm khoảng 20 triệu ca ung thư, và 130 triệu trường hợp bị đục thủy tinh thể trên thế giới. Mặt khác hạn chế tác hại của tia cực tím đến hệ thống miễn dịch của con người, ảnh hưởng đến động vật hoang dã và sản xuất nông nghiệp... Thực hiện nghiêm túc Nghị định thư Mông-rê-an, Việt Nam đã triển khai đồng bộ các biện pháp kỹ thuật, bảo đảm các chính sách, cho nên đến đầu tháng 1-2010, chúng ta đã hoàn thành việc loại trừ các chất CFC, halon, CTC. Hiện nay, nước ta đang phối hợp Ngân hàng Thế giới, xây dựng "Kế hoạch quốc gia quản lý, loại trừ các chất HCFC", các dự án loại trừ HCFC - 141b trong sản xuất xốp, loại trừ HCFC - 22 trong làm lạnh và điều hòa không khí. Với nguồn kinh phí khoảng 20 triệu USD, Việt Nam phấn đấu trong 15 đến 20 năm tới có thể loại trừ việc sử dụng các chất HCFC, nhằm góp phần bảo vệ tầng ô-dôn như đã cam kết./.