Lấy độc trị độc

Phan Lang
12:12, ngày 02-02-2012

TCCSĐT - Cả trên biểu hiện bề ngoài lẫn trong thực chất, kể từ trước tới nay chưa khi nào, quan hệ giữa Iran và phương Tây lại căng thẳng và đối đầu như hiện tại. Sau việc EU cấm vận nhập khẩu dầu lửa và Mỹ cô lập Iran trên thị trường tài chính và ngân hàng, Mỹ và EU dường như không còn biện pháp gây áp lực nào khác nhằm buộc Iran phải từ bỏ chương trình hạt nhân trước khả năng cuối cùng là sử dụng bạo lực quân sự.

Trên thực tế, Iran không chỉ dọa sẽ phong tỏa eo biển Hormus, mà còn đang suy tính tiến một bước trước các biện pháp cấm vận của EU đối với dầu lửa của Iran bằng chủ định ngừng ngay lập tức việc cung ứng dầu lửa cho EU. Cả hai phía đều nhằm vào điểm yếu nhất của nhau khi xuất khẩu dầu lửa là nguồn thu nhập chính của Iran và EU là thị trường nhập khẩu dầu lửa lớn thứ 2 của nước này. Những biện pháp gây áp lực mới của Mỹ và EU lần đầu tiên nhằm vào toàn bộ nền kinh tế Iran chứ không còn chỉ vào những lĩnh vực liên quan đến chương trình hạt nhân.

Đối sách của Iran là biến chuyện liên quan đến mình thành chuyện chung của các đối tác. Phong tỏa eo biển Hormus nhiều khả năng dẫn đến việc đối đầu quân sự giữa Mỹ và Iran nhưng sẽ kéo theo hàng loạt quốc gia khác bị vạ lây. EU nói chung không phụ thuộc nhiều vào nguồn cung ứng dầu lửa từ Iran, nhưng nếu Iran thực hiện ngay chủ định ngừng cung ứng dầu lửa cho EU thì những thành viên EU hiện đang “sống dở chết dở” bởi khủng hoảng tài chính và nợ công là Hy Lạp, Tây Ban Nha hay Italy sẽ chịu tác động nặng nhất và tiêu cực nhất nên càng khó có thể thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng sớm.

Nhật Bản và Hàn Quốc là những khách hàng quan trọng về dầu lửa của Iran và có thể ủng hộ các biện pháp cấm vận và trừng phạt của Mỹ và EU đối với Iran, nhưng Trung Quốc và Ấn Độ còn là những nước nhập khẩu dầu lửa của Iran nhiều hơn cả Nhật Bản và Hàn Quốc, không những không cùng quan điểm với Mỹ và EU, mà còn có cơ hội nhập khẩu nhiều hơn, với giá cả thuận lợi hơn dầu lửa của Iran từ các nước khác. Lợi đấy, đồng thời cũng hại thế, đối với cả hai bên. Xem ra, kiểu ăn miếng trả miếng nhau như vậy không đưa hai bên xích gần lại với các giải pháp chính trị bao nhiêu.

Rất có thể Mỹ và Israel thực sự trù tính việc sử dụng biện pháp quân sự và chắc chắn là Iran đã chuẩn bị, phòng ngừa khả năng này. Nhưng một khi đối đầu không chỉ riêng trên lĩnh vực hạt nhân nữa mà đã lây sang cả những lĩnh vực khác thì đối đầu quân sự cũng chẳng giúp bên này hay bên kia giải quyết dứt điểm vấn đề. Hai bên làm găng nhau đến vậy, thật ra là để ngăn ngừa khả năng xô đẩy nhau đến đụng độ quân sự. Cho nên, hai bên vẫn sẽ còn dền dứ nhau, trả đũa nhau về chính trị lẫn kinh tế, tăng cường chiến tranh tâm lý và tranh thủ dư luận, tất cả đều theo phương châm: “Lấy độc trị độc”./.