Khai mạc lễ hội mừng Xuân mới tại nhiều địa phương
* Nằm trong chương trình Lễ hội sông nước Tam Giang (Sông Cầu- Phú Yên) lần thứ 8, sáng mùng 5 Tết, Ban tổ chức Lễ hội đã tổ chức du Xuân trên vịnh Xuân Đài và khai mạc Hội thi “Người đan lưới giỏi” tại Vũng Chào, xã Xuân Phương, thị xã Sông Cầu.
Kể từ khi vịnh Xuân Đài được công nhận là danh thắng cấp quốc gia vào cuối năm 2010, lượng khách đến tham quan, thưởng ngoạn danh thắng này ngày càng tăng, đặc biệt là vào các dịp lễ, tết. Với ngư dân Sông Cầu, đây cũng là cách họ tham gia quảng bá về nét đẹp của quê hương mình đến với du khách gần xa.
Trong ngày mùng 5 Tết, sau khi du Xuân trên vịnh Xuân Đài, du khách đã được hòa mình vào không khí vui tươi, phấn khởi của hội thi đan lưới giỏi được tổ tại Vũng Chào, xã Xuân Phương, thị xã Sông Cầu với sự tham gia của hơn 50 ngư dân thuộc 14 xã, phường trên địa bàn thị xã Sông Cầu. Hoạt động này đã thu hút sự tham gia nhiệt tình và tạo niềm hứng khởi với ngư dân trong những ngày đầu năm mới.
Cũng trong chương trình Lễ hội sông nước Tam Giang, tối mồng 5 Tết tại sân khấu nổi trên dòng Tam Giang, ngư dân Sông Cầu sẽ tái hiện lễ hội cầu ngư dưới hình thức sân khấu hoá và biểu diễn nghệ thuật tuồng.
Sáng mùng 6 Tết sẽ diễn ra các môn thi đấu thể thao trên sông nước, đặc biệt là hội đua thuyền trên sông Tam Giang và chung kết hội thi “Duyên dáng xứ dừa”. Lễ hội sông nước Tam Giang là hoạt động truyền thống được tổ chức mỗi năm một lần vào 2 ngày mùng 5 và mùng 6 tết Âm lịch
* Ngày 26-1, (mùng 4 Tết Nhâm Thìn) tại thôn Đồng Kỵ - phường Đồng Quang - thị xã Từ Sơn (Bắc Ninh), người dân Đồng Kỵ đã tưng bừng tổ chức Lễ hội rước Pháo truyền thống để cầu mong một năm làm ăn phát tài, phát lộc.
Hội rước pháo làng Đồng Kỵ diễn ra từ mồng 4-6 tháng Giêng Âm lịch hàng năm. Đây là hoạt động truyền thống lâu đời của người dân Đồng Kỵ - một làng nghề nổi tiếng với các sản phẩm đồ gỗ nội thất, mỹ nghệ nổi tiếng trong và ngoài nước còn lưu giữ được đến ngày nay.
Từ ngày mùng 3 tháng Giêng, lễ rước thỉnh Đức Thánh Thiên Cương từ Ninh Từ lên Đền Trung được thực hiện trang trọng. Tục thi pháo Đồng Kỵ trước đây có nguồn gốc từ văn minh lúa nước theo tín ngưỡng "tứ pháp" cầu cho mưa gió thuận hòa.
Lễ rước Pháo Đồng Kỵ không chỉ thu hút du khách trong nước mà còn là điểm đến với du khách nước ngoài đễn xem và thưởng ngoạn.
Ngoài tục rước Pháo còn diễn ra các các hoạt động văn hóa thể thao khác như hát quan họ trên thuyền, xem tuồng, thi đấu vật cổ truyền với nhiều đô vật đến từ các tỉnh phía Bắc về tranh tài; các môn cầu lông, bóng chuyền, cờ tướng, chọi gà...thể hiện bản sắc văn hóa đặc trưng truyền thống của lễ hội làng Đồng Kỵ nức tiếng vùng Kinh Bắc.
* Trong 2 ngày 26, 27-1 (mùng 4, 5 Tết), chùa Keo tại xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình đã tổ chức khai hội mùa xuân, thu hút hàng vạn du khách từ khắp nơi trong và ngoài tỉnh về trẩy hội.
Sau nghi thức cắt băng mở cửa thánh, làm lễ khai chỉ, các đoàn đại biểu của tỉnh, của huyện và các xã lân cận cùng các tăng ni tín đồ phật tử, du khách gần xa đã dâng hương tưởng nhớ công đức của quốc sư Dương Không Lộ cũng như những người có công xây dựng, làm nên di tích lịch sử văn hóa quốc gia đặc biệt mang đậm bản sắc kiến trúc độc đáo từ thời Lê Trung Hưng thế kỷ 17.
Hàng năm chùa Keo mở hội hai lần: hội xuân vào mùng 4 Tết Nguyên đán và hội chính vào các ngày 13, 14, 15 tháng 9 âm lịch. Chùa Keo là một trong 10 kiến trúc cổ nhất Việt Nam và là một trong 3 ngôi chùa đặc biệt. Chùa còn lưu giữ khá đầy đủ những di vật cổ, trong đó có hàng trăm pho tượng cổ thời Lê và nhiều bức trạm, bức khắc... Đặc biệt, gác chuông chùa Keo là một công trình nghệ thuật bằng gỗ độc đáo, tiêu biểu cho kiến trúc cổ Việt Nam thế kỷ 17, cao 11,04m và có 3 tầng mái. Tầng 1 có treo 1 khánh đá dài 1,87m, tầng 2 có quả chuông đúc năm 1686, tầng 3 và tầng thượng có chuông đúc.
Lễ hội chùa Keo năm nay diễn ra các hoạt động tế lễ theo đúng nghi thức truyền thống cùng nhiều hoạt động văn hoá sôi nổi, phong phú khác.
Trong những ngày đầu xuân mới, cùng với lễ hội chùa Keo, Thái Bình còn có hàng chục lễ hội xuân khác diễn ra trong tháng Giêng như Hội đình Vạn Đồn (Thái Thụy), hội làng Bạt Trung (Kiến Xương), hội đền Quan (TP Thái Bình), hội chùa Thiên Quý và đình Kênh (Đông Hưng)… Đây là dịp để người dân vùng đất nông nghiệp đua tài, làm lễ cầu may đầu năm mới.
* Ngày 26-1, tức mùng 4 Tết Nhâm Thìn, tại hai xã An Hải và An Vĩnh, huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) tổ chức khai mạc Lễ hội đua thuyền truyền thống đầu năm.
Lễ hội nhằm tri ân các vị thần linh, cầu quốc thái dân an, nông dân được mùa hành, tỏi; ngư dân đánh bắt dược nhiều hải sản.
Đây là lễ hội đua thuyền được tổ chức quy mô hàng năm của nhân dân huyện đảo, thể hiện nét sinh hoạt văn hóa độc đáo của cư dân vùng biển đảo mang tính truyền thống được duy trì hàng trăm năm nay.
Lễ hội đua thuyền truyền thống ở huyện đảo Lý Sơn được tổ chức vào dịp Tết Nguyên đán. Năm nay, vòng sơ khảo được tổ chức từ mùng 4 đến mùng 7 Tết gồm 8 đội thuyền của 2 xã An Vĩnh và An Hải.
Các thuyền này tượng trưng cho bộ tứ linh Long, Ly, Quy, Phụng. Sau vòng sơ khảo sẽ chọn 4 thuyền đua xếp thứ hạng cao nhất của xã vào vòng chung kết do huyện tổ chức vào ngày mùng 8 Tết.
Sau khi kết thúc lễ hội đua thuyền, các ngư dân mang thuyền lên cúng bái tổ tiên, báo cáo các vị thần phù hộ, che chở cho cộng đồng và làng xóm an lành, hạnh phúc.
Ông Ngô Văn Nghĩa, Trưởng Phòng Văn hóa - Thể thao huyện Lý Sơn cho biết, lễ hội đua thuyền truyền thống của huyện Lý Sơn có từ lâu đời. Lễ hội này cùng với lễ khao lề thế lính Hoàng Sa được tổ chức vào giữa tháng 2 đến giữa tháng 3 âm lịch hàng năm là một trong hai lễ hội lớn nhất của huyện đảo.
* Ngày 26-1 (tức mồng 4 tháng giêng năm Nhâm Thìn), Ban quản lý di tích huyện Lạc Thủy, Hòa Bình đã tổ chức Lễ khai hội Chùa Tiên Phú Lão năm 2012.
Hàng ngàn phật tử cùng du khách thập phương nô nức trẩy hội Chùa Tiên Phú Lão, tham gia vào các hoạt động lễ hội mang đậm tính truyền thống dân tộc, tâm linh hướng thiện như dâng hương, hát Cung văn nhằm ca ngợi con người, cầu tài, cầu lộc, cầu mùa màng bội thu.
Du khách đã đến dâng hương tại đền Trình thờ tam vị đức Thánh ông có công khai phá vùng đất Nhượng Lão (nay là thôn Lão Ngoại); đền Mẫu, nơi thờ Mẹ - một tín ngưỡng bản địa nguyên thủy của người Việt cổ; động Mẫu Long (còn gọi là động Mẫu Âu Cơ), động Tam Tòa, động Linh Sơn Địa Mẫu, thờ Địa Mẫu, động Người Xưa (Hang Hồ) cùng nhiều hang động kỳ thú khác.
Nằm cách chùa Hương, Mỹ Đức-Hà Nội 5km đường chim bay, Chùa Tiên Phú Lão có 15 điểm động thuộc khu di tích được Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch xếp hạng cấp quốc gia, hàng năm thu hút trên trên 300.000 lượt khách đến tham quan, vãn cảnh, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Trong ngày khai hội có gần 5.000 du khách đến trẩy hội, hành hương. Nhiều du khách nhận xét rằng khâu tổ chức lễ hội năm nay khá tốt, đảm bảo an ninh trật tự và vệ sinh môi trường.
* Chùa Trăm Gian thuộc tỉnh Hà Tây là một trong những ngôi chùa cổ nổi tiếng vào bậc nhất ở Việt Nam, được Bộ Văn hóa Thông tin công nhận là Di tích Lịch sử - Văn hóa quốc gia.
Ở chùa Trăm Gian, Phật giáo đã hòa nhập với tín ngưỡng địa phương nên Chùa còn thờ cả Thánh. Hội chùa Trăm gian kỷ niệm đức Thánh Nguyễn Bình An, trụ trì chùa Trăm Gian vào cuối đời Trần, là người đón thợ khéo về mở rộng cảnh chùa.
Lễ hội chùa Trăm Gian được tổ chức từ ngày mùng 4 đến mùng 6 tháng Giêng âm lịch. Trong hội có rước kiệu thánh, thi cỗ chay, trình rối cạn; ngoài ra còn có các trò vui như đánh cờ người, đấu vật, múa rối nước. Vào trước ngày hội, làng có dán bảng giấy hội ở nhiều nơi để mời khách thập phương về dự.
Chùa Trăm Gian là một trong những ngôi chùa cổ nhất miền Bắc Việt Nam. Mở hội ở chùa là hình thức tổ chức sớm hơn kiểu tổ chức ở đình. Do vậy, lễ hội chùa Trăm Gian còn vọng lại nhiều âm thanh và màu sắc điển hình của một quá khứ xa xưa với những nét hùng tráng mang tính nghệ thuật độc đáo của dân tộc Việt Nam.
* Tối 25-1 (mùng 3 Tết), tại khu chùa Phật Tích (làng Phật Tích – xã Phật Tích - huyện Tiên Du - tỉnh Bắc Ninh), Ủy ban Nhân dân, Sở Văn hóa thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh tổ chức Lễ hội Khán hoa Mẫu đơn chùa Phật Tích.
Theo Đại đức - Tiến sỹ Thích Đức Thiện, Phó ban tổ chức lễ hội, đây là một trong những lễ hội lớn nhất của tỉnh Bắc Ninh, có từ hàng nghìn năm gắn liền với ngôi chùa Phật Tích có bề dày lịch sử và chiều sâu tâm linh.
Lễ hội chính là hình ảnh thu nhỏ đời sống văn hóa người Việt Nam nói chung và con người Bắc Ninh nói riêng. Lễ hội khai mạc vào ngày mùng 3 tết, nhưng năm nào cũng vậy du khách thập phương đến dâng hương, cầu phúc tấp nập từ ngày mùng 1.
Lễ hội diễn ra trong 4 ngày, từ 25 – 28-1 (tức từ mùng 3 đến mùng 6 Tết) với nhiều chương trình văn hóa, nghệ thuật độc đáo như: “Huyền thoại Tiên Du” nói lên truyền thống, nét đẹp văn hóa của người Kinh Bắc và huyền thoại non tiên chốn Phật Tích cùng các hoạt động biểu diễn nghệ thuật, chương trình Lễ Phật, Khán hoa Mẫu đơn và các trò chơi dân gian, tổ chức thi giọng hát quan họ tuổi thiếu niên, Đại lễ cầu quốc thái dân an khai xuân Nhâm Thìn...
Chùa Phật Tích là di tích lịch sử văn hóa quốc gia gắn liền với trung tâm Phật giáo Luy Lâu và sự du nhập của Phật giáo Ấn Độ gắn liền với nhà sư Khâu-Đà-La. Hiện nay ngôi chùa còn lưu giữ nhiều di vật cổ có giá trị.
* Rạng sáng 25-1, mặc dù trời mưa, hàng nghìn người dân trong và ngoài tỉnh đã kéo về tham dự lễ hội Chợ Đình Bích La được tổ chức tại khu di tích Đình làng Bích La, xã Triệu Đông, huyện Triệu Phong (Quảng Trị).
Lễ hội bao gồm phần Lễ, Hội và phần Chợ. Hoạt động Lễ, Hội và Chợ thống nhất trong một không gian gồm khu vực Miếu thờ, khu vực Đình làng và khu vực Chợ.
Phiên Chợ Đình Bích La được tổ chức duy nhất một lần trong năm, diễn ra vào từ 1 giờ đến rạng sáng ngày mùng 3 Tết Âm lịch. Khác với các phiên chợ khác, phiên chợ này chỉ bày bán các nông sản của người dân Bích La như: lá chè, cành cây phát lộc, cây mía, cau trầu, muối, cá chép… Ai đến chợ cũng cố mua cho được một thứ gì đó với mục đích cầu may mắn.
Sau phiên chợ đêm, phần Lễ được tổ chức với các phần dâng hương cúng tạ trời đất, các vị tiên linh khai thiên lập ấp và Lễ cầu thần Kim Quy.
Từ hàng trăm năm nay, Lễ hội Chợ Đình Bích La đều đặn được tổ chức từ chiều mồng 2 đến hết ngày mồng 3 Tết âm lịch cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, dân làng đoàn kết góp sức chung tay xây dựng quê hương ngày càng ấm no hạnh phúc.
Lễ hội Chợ Đình Bích La là một nét văn hóa độc đáo mang bản sắc của làng quê Bích La, nơi sinh của Cố Tổng Bí thư Lê Duẩn.
* Sáng 25-1 (tức mùng 3 Tết Nhâm Thìn), tại cửa biển Sa Huỳnh, Đảng ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân, Ủy ban Mặt trận tổ quốc và Chi hội nghề cá xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi đã tổ chức lễ hội ra quân nghề cá đầu năm 2012.
Đây là lễ hội truyền thống của ngư dân xã Phổ Thạnh, được tổ chức vào ngày mùng 3 Tết Nguyên đán hàng năm, mang đậm nét văn hóa truyền thống của ngư dân địa phương. Lễ hội này đã tồn tại hàng trăm năm nay với mong ước một năm mưa thuận gió hòa, trời yên biển lặng, tàu thuyền đánh bắt được nhiều hải sản.
Lễ hội ra quân nghề cá năm nay của xã Phổ Thạnh được tổ chức trong khí trời se lạnh, mưa xuân. Sau lễ cúng tế thần Nam Hải tại Lăng Ông có tổ chức hát bả trạo, hát sắc bùa, múa lân… chương trình văn nghệ với các ca khúc mừng Đảng - mừng Xuân mới... tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho ngư dân địa phương dịp đầu Xuân với sự tham gia của hàng ngàn người dân dự lễ.
Trong ngày lễ hội ra quân nghề cá năm nay do biển động, cửa biển bị bồi lấp nặng nên chỉ có gần 20 chiếc tàu thuyền của ngư dân xã Phổ Thạnh lần lượt xuất bến ra khơi trong tiếng trống thúc giòn giã.
Năm nay ngư dân xã Phổ Thạnh sẽ thành lập hợp tác xã đánh bắt hải sản xa bờ nhằm hỗ trợ, giúp đỡ, bảo vệ lẫn nhau khi gặp thiên tai trên biển, góp phần bảo vệ vùng biển, hải đảo của Tổ quốc.
Đây là xã có số lượng tàu thuyền lớn nhất tỉnh, chiếm gần 25% tổng công suất tàu thuyền trong tỉnh Quảng Ngãi, sản lượng khai thác thủy sản hàng năm chiếm hơn 33% sản lượng thủy sản của toàn tỉnh.
* Lễ hội Xuân Cao Lãnh 2012 với chủ đề “Cá hóa rồng - Sen hồng tỏa sắc,” tổ chức từ ngày 20 – 26-2 (tức từ ngày 27 tháng Chạp đến ngày mùng 4 Tết), tại Quảng trường và Công viên Văn Miếu, thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp.
Tại lễ hội năm nay sẽ có nhiều hoạt động thú vị phục vụ nhân dân trong những ngày đầu năm như các chương trình nghệ thuật đón giao thừa, triển lãm tranh và trang trí lồng đèn. Không gian từ quảng trường Văn Miếu đến hồ Khổng Tử được trang trí đặc sắc và hấp dẫn chắc chắn sẽ mang đến cho người dân những giây phút tận hưởng không khí Tết tuyệt vời.
Điểm nhấn của Không gian văn hóa Xuân năm nay sẽ là đường hoa Xuân Nhâm Thìn 2012. Với chiều dài 250m, đường Đặng Văn Bình sẽ khoác lên mình một dáng vẻ mới rực rỡ sắc hoa như hình ảnh con rồng đang bay lên. Xuyên suốt con đường là các cụm tiểu cảnh bằng hoa kết hợp với nghệ thuật sắp đặt xây dựng quá trình một con cá từ ao sen vượt qua những thử thách của không gian - thời gian biến thân thành một con rồng uy mãnh theo đúng chủ đề “Cá hoá rồng - Sen hồng tỏa sắc.”
Vẻ đẹp của đường hoa không chỉ là nơi trưng bày nghệ thuật sắp đặt hoa mà qua đó còn thể hiện tình cảm nguyện vọng của người dân thành phố Cao Lãnh tin tưởng vào một năm mới tươi sáng, thành công của thành phố.
Không gian văn hóa Xuân thành phố Cao Lãnh 2012 mang đến cho người dân cũng như du khách ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, du khách cả nước tận hưởng những ngày Tết đầy niềm vui.
* Từ 23 đến 25-1 (tức ngày 1 và 3 Tết Nhâm Thìn 2012), Sở văn hóa - Thể thao và Du lịch Bình Định phối hợp với huyện Tây Sơn tổ chức Hội đánh bài chòi cổ - một loại hình nghệ thuật dân gian đặc sắc phục vụ nhân dân vui xuân.
Ông Nguyễn An Pha, nguyên phó giám đốc Sở văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Định là thành viên Ban Tổ chức cho biết, Hội đánh bài chòi cổ dân gian là dịp để người dự hội và người tham gia chơi bài được hòa mình vào một hội vui xuân, được nghe các Hiệu hô, được xem các Hiệu diễn trò, chúc tết và còn là dịp để người chơi bài cầu lộc, cầu may đầu năm, cũng như trút bỏ những điều phiền muộn của năm cũ để cầu chúc một năm mới an khang, thịnh vượng.
Hội đánh bài chòi cổ chỉ diễn ra trong dịp tết cổ truyền dân tộc, thường được tổ chức từ mùng một đến mồng 5 Tết âm lịch. Vì vậy còn gọi là “Hội Chòi Xuân.”
Theo các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Bình Định, hội đánh bài chòi cổ ra đời tại Bình Định kể từ khi cụ Đào Duy Từ, rời nhà Lê vào Nam theo chúa Nguyễn và ông cũng là người sáng kiến và ứng dụng vào trò chơi đánh bài chòi, dần dần có tên gọi là Hội đánh bài chòi và các thế hệ sau này gọi là Hội đánh bài chòi cổ dân gian.
Trong nhiều năm qua, hội đánh bài chòi bị dần dần mai một qua thăng trầm biến thiên của lịch sử dân tộc. Vì vậy, việc từng bước phục hồi lại Hội đánh bài chòi cổ tại Bình Định là một việc làm hết sức có ý nghĩa. Nó bồi đắp thêm nếp văn hóa dân gian đượm màu sắc dân tộc độc đáo và trở thành một món ăn tinh thần, hấp dẫn, lành mạnh không thể thiếu được cho nhân dân nhất là các dịp tết đến xuân về.
Giám đốc sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Bình Định Văn Trọng Hùng cho biết, để giới thiệu và quảng bá trò chơi dân gian hấp dẫn này với nhân dân Thủ Đô Hà Nội, từ ngày 20 – 31-1 (tức từ 27 tháng Chạp đến 9 tháng Giêng), tỉnh Bình Định tham gia tổ chức Hội đánh bài chòi cổ tại Hà Nội./.
Điện mừng Chủ tịch Hạ viện nước Cộng hòa Ai Cập  (26/01/2012)
Điện mừng kỷ niệm thiết lập quan hệ Việt Nam - Belarus  (26/01/2012)
Lãnh đạo gửi điện mừng ngày Cộng hòa của Ấn Độ  (26/01/2012)
Điện mừng Quốc khánh lần thứ 224 của Australia  (26/01/2012)
Kiều bào tích cực đóng góp xây dựng Tổ quốc  (26/01/2012)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên