Sáng 17-1, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 Nguyễn Sinh Hùng đã tới dự và chỉ đạo phiên họp của Thường trực Ban Chỉ đạo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Cùng dự có Ủy viên bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu và các đồng chí ủy viên thường trực.


Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực của các thành viên Ban Chỉ đạo, các bộ, ngành, các chuyên gia, nhà khoa học trong việc tổ chức tổng kết việc thi hành Hiến pháp năm 1992 thời gian vừa qua.

Để bảo đảm tiến độ tổng thể của dự án, Chủ tịch Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đề nghị các thành viên trong Ban Chỉ đạo tập trung cho ý kiến, nhận xét, đánh giá vào Dự thảo Báo cáo Tổng kết thi hành Hiến pháp 1992; đặc biệt cần đi sâu phân tích, cho ý kiến vào việc xây dựng dự thảo định hướng những vấn đề lớn cần sửa đổi của Hiến pháp.

Đánh giá khách quan và đúng đắn những giá trị tư tưởng chính trị - pháp lý được thể hiện trong Hiến pháp; những thành tựu đạt được, những hạn chế, tồn tại và nguyên nhân. Định hướng sửa đổi cũng phải tính đến những yêu cầu, nội dung đặt ra phù hợp với xu hướng phát triển của thời đại; thể chế hóa kịp thời các đường lối, chủ trương, chính sách lớn của Đảng đã được khẳng định trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội và các văn kiện khác của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng.

Hiến pháp năm 1992 được ban hành trong bối cảnh lịch sử thời kỳ đầu thập kỷ 90 của thế kỷ 20, thể chế hóa Cương lĩnh xây dựng đất nước năm 1991.

Để đáp ứng yêu cầu phù hợp với tình hình đất nước trong thời kỳ mới, hoạt động nghiên cứu sửa đổi Hiến pháp đã được Trung ương Đảng và Quốc hội thống nhất thông qua với sự tham gia của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân. Kết quả tổng kết sẽ là cơ sở quan trọng để Trung ương và Quốc hội đưa ra quyết định về phạm vi sửa đổi Hiến pháp./.