Chiều 10-1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Giám định tư pháp. Điều hành phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị các đại biểu cho ý kiến về một số vấn đề quan trọng, ý kiến còn khác nhau của dự án Luật Giám định tư pháp và dự án Luật Quảng cáo.
Đầu phiên họp buổi chiều, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Giám định tư pháp. Điều hành phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội, Uông Chu Lưu đề nghị các đại biểu tập trung cho ý kiến về 4 vấn đề lớn gồm quyền yêu cầu giám định tư pháp của đương sự; cơ cấu tổ chức của các tổ chức giám định tư pháp công lập về pháp y và pháp y tâm thần; phạm vi xã hội hóa hoạt động giám định tư pháp; giải quyết trường hợp có mâu thuẫn giữa kết luận giám định lần đầu và giám định lại.

Xung quanh phạm vi xã hội hóa hoạt động giám định tư pháp, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và an ninh Nguyễn Kim Khoa và nhiều ý kiến khác nhất trí với chủ trương xã hội hóa hoạt động giám định tư pháp nhưng đề nghị chỉ giới hạn ở một số phạm vi cho phép. Đó là những lĩnh vực có nhu cầu tương đối phổ biến như tài chính-kế toán, xây dựng, văn hóa…; đồng thời cần có lộ trình hợp lý, thực hiện thí điểm để tổng kết, rút kinh nghiệm, sau đó mới áp dụng phổ biến.

Bàn về cơ cấu tổ chức của các tổ chức giám định tư pháp công lập về pháp y, nhiều ý kiến đề nghị cần thảo luận cân nhắc kỹ lưỡng vấn đề này; một số ý kiến đề nghị nên lấy ý kiến của đại biểu Quốc hội trước khi quyết định phương án trình Quốc hội xem xét.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và an ninh Nguyễn Kim Khoa nhấn mạnh mục tiêu cuối cùng của quy định tổ chức giám định tư pháp công lập về pháp y là phải đáp ứng yêu cầu hiệu quả điều tra trong quá trình tố tụng hình sự. Đại biểu nêu rõ thực tiễn nhiều năm qua, hoạt động giám định tư pháp của đội ngũ giám định viên pháp y thuộc Công an cấp tỉnh đang phát huy hiệu quả, phục vụ kịp thời cho hoạt động tố tụng.

Đại biểu đề nghị dự thảo Luật giữ quy định về giám định viên pháp y thuộc Phòng kỹ thuật hình sự, Công an cấp tỉnh như Pháp lệnh hiện hành. Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cùng quan điểm này. Đại biểu đánh giá việc tồn tại đội ngũ giám định viên pháp y tại các Phòng kỹ thuật hình sự Công an cấp tỉnh là giải pháp trong đấu tranh phòng chống tội phạm.

Vấn đề này có quan điểm thứ hai là nhất trí với quy định dự thảo Luật và Tờ trình của Chính phủ. Theo đó, hệ thống tổ chức giám định tư pháp công lập về pháp y gồm Viện Pháp y Quốc gia thuộc Bộ Y tế; Trung tâm giám định pháp y tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thuộc ngành Y tế; Viện pháp y quân đội thuộc Bộ Quốc phòng; Trung tâm giám định pháp y của Viện khoa học hình sự, Bộ Công an. Theo quy định này, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (cấp tỉnh) sẽ không còn Giám định viên pháp y thuộc Phòng kỹ thuật hình sự Công an cấp tỉnh mà tập trung hoạt động giám định pháp y vào tổ chức giám định pháp y thuộc ngành y tế.

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị cơ quan chức năng thành lập đoàn công tác liên ngành, đi khảo sát tại các địa phương để nắm bắt tình hình, cung cấp đầy đủ thông tin cho thường vụ Quốc hội và Quốc hội trước khi quyết định.

Về dự án Luật Quảng cáo, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến tập trung vào 5 nội dung cơ quan quản lý Nhà nước về quảng cáo; những nội dung cấm trong hoạt động quảng cáo; quy hoạch quảng cáo ngoài trời; quảng cáo trên băng quảng cáo, băng rôn; quảng cáo hàng hóa đặc biệt.

Thảo luận về cơ quan quản lý nhà nước về quảng cáo, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước cho rằng nội dung quảng cáo do các bộ, cơ quan chủ quản phải chịu trách nhiệm, đồng thời liên quan đến phượng tiện truyền tải quảng cáo (gồm truyền tải trên phương tiện cố định ngoài trời, trong nhà; qua mạng, báo chí, thông tin truyền thông; qua nơi công cộng; qua phương tiện truyền tải quảng cáo di động).

Đại biểu đề nghị cần thảo luận, làm rõ việc phối hợp giữa cơ quan quản lý chủ quản với các bộ, cơ quan chịu trách nhiệm về mặt nội dung và phương thức quảng cáo.

Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn có quan điểm phân công Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chịu trách nhiệm quản lý Nhà nước về Quảng cáo và bổ sung một số điều quy định cụ thể trách nhiệm của các bộ liên quan đối với quản lý hoạt động quảng cáo./.