Tạp chí Đỏ

14:08, ngày 15-05-2007

Theo biên bản vắn tắt của Hội nghị hợp nhất Đảng (bản dịch) đề ngày 7-2-1930 hiện được lưu giữ tại Cục lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng[1] , thì cùng với việc thông qua các văn kiện quan trọng của Đảng, Hội nghị đã quyết định: "Ban trung ương có thể xuất bản một tạp chí lý luận và ba tờ báo tuyên truyền của ba xứ".

Thực hiện quyết định của Hội nghị thành lập Đảng, Tạp chí Đỏ được xuất bản, mà người sáng lập và chủ biên đầu tiên là đồng chí Nguyễn Ái Quốc. Tạp chí Đỏ số 1 ra mắt bạn đọc ngày 5-8-1930, với khổ 13x19 cm, chữ đánh máy, in rônêô. Hiện nay Cục lưu trữ Trung ương Đảng còn lưu giữ Tạp chí Đỏ số 1 (ra ngày 5-8-1930), số 2 (không đề ngày tháng), số 3 (ra ngày 25-8-1930), số 9 (không đề ngày tháng).

Lời nói đầu trong số 1 của tạp chí Đỏ ghi rõ :

"1. Tạp chí này sau sẽ tiếp tục in mãi, hoặc nhiều hoặc ít, hoặc một tuần, hoặc 10 ngày, nửa tháng, không nhất định.

2. Tài liệu trong tạp chí: hoặc là cách làm việc, hoặc là kinh nghiệm cách mạng các nước, hoặc là tin tức thế giới, hoặc là phê bình công việc của mình, v.v.. sẵn gì in nấy.

3. Trách nhiệm các cơ quan đối với tạp chí:

a) Đem làm tài liệu huấn luyện và nghiên cứu cho đảng viên.

b) Lấy tài liệu trong này mà làm báo.

c) Bài nào nên truyền bá cho đa số quần chúng thì kiếm cách in thêm ra.

d) Xem chỗ nào có tâm đắc, chỗ nào khó hiểu, chỗ nào nên sửa đổi, chỗ nào không hợp với hoàn cảnh riêng của địa phương mình, v.v.. thì phải phê bình, phải hỏi.

Nói tóm lại là các đồng chí phải hết sức truyền bá và giúp cho tạp chí được hoàn toàn và phát triển".

Sau Lời nói đầu, Tạp chí Đỏ số 1 dành toàn bộ nội dung nói về bí mật trong công tác. Với lối viết ngắn, gọn, theo lối đặt câu hỏi và trả lời, bài "Bí mật công tác", đăng suốt 12 trang báo đã đề cập đến các vấn đề: Vì sao phải bí mật; vì sao các cơ quan thường bị bắt; các khuynh hướng sai lầm đối với vấn đề giữ bí mật. Tiếp đó bài viết nêu rõ 12 điều khuôn phép của công việc bí mật, và nêu vắn tắt 10 cách bí mật cần lưu ý, cần tùy hoàn cảnh, tùy cơ ứng biến cho khéo.

Số 2 cũng gồm 12 trang. Ngoài bìa đề tên là “Xuân hoa thu nguyệt”, nhằm đánh lạc hướng bọn mật thám. Tuy vậy, mở đầu trang 1 vẫn ghi rõ Tạp chí Đỏ - số 2. Số này dành toàn bộ 12 trang đăng bài viết về kinh nghiệm bãi công xe điện ở Thượng Hải, đề cập đến các vấn đề: nguyên nhân bãi công; những điều khốn nạn và cách đối phó; những ý kiến sai về cuộc bãi công; những điều thắng lợi về chính trị ... Bài viết cũng đã nêu lên bảy kinh nghiệm trong lúc bãi công.

Tạp chí Đỏ số 3 đề ngày 25-8-1930. Số này gồm có hai bài chính. Bài thứ nhất đề cập đến các vấn đề của cách mạng tư sản dân quyền. Sau những lời phê phán cách mượn tiếng nước ngoài mà không cắt nghĩa cho quần chúng thợ thuyền và dân cày rõ, bài viết đã bằng những lời lẽ ngắn gọn, giản dị, trình bày các vấn đề: vì sao đã cách mạng lại còn tư sản; tính chất, cách làm và mục đích của tư sản dân quyền cách mạng; xã hội cách mạng và dân quyền cách mạng khác nhau thế nào; vì sao các thuộc địa và nửa thuộc địa phải làm dân quyền cách mạng mà không làm ngay xã hội cách mạng.
Bài thứ hai viết về cách rải truyền đơn và phát sách báo. Sau khi nói rõ tính chất quan trọng của việc rải truyền đơn và phát sách báo, bài viết đã nêu những khuyết điểm của cá nhân các đảng viên và những khuyết điểm của các tổ chức Đảng trong công việc đó. Tiếp đó trình bày các cách làm và cách tổ chức việc phát hành.

Tạp chí Đỏ số 3 còn có mục tin tức, đưa tin ngắn gọn về đại hội đại biểu toàn quốc của công nông Philíppin, tin về đại hội công nông các dân tộc da đen ở châu Phi và châu Mỹ, tin về cuộc bãi công của công nhân máy sợi ở Pháp và công nhân máy sợi ở Thượng Hải.

Tạp chí Đỏ số 9 có sáu trang, chỉ gồm một bài viết về công xưởng ủy viên hội. Sau khi giải thích rõ "Công xưởng ủy viên hội là nhóm tất cả các công nhân trong một xưởng (bất kỳ đã hiểu hay là chưa hiểu giai cấp) lại thành một đoàn thể, cùng nhau đứng vào một mặt trận để mưu lợi ích chung cho nhau, ... là lợi dụng cách đấu tranh để huấn luyện cho tất cả công nhân, làm cho người rụt rè cũng tấn tới, làm cho họ đều hiểu ý nghĩa chính trị và giai cấp đấu tranh"; bài báo đã đề cập tiếp các vấn đề: công xưởng ủy viên hội và hành động ủy viên hội; ai lãnh đạo công xưởng ủy viên hội; cách tổ chức và công việc công xưởng ủy viên hội; cách làm cho công xưởng ủy viên hội phát triển; trách nhiệm công xưởng ủy viên hội bây giờ và về sau.

Theo lời ghi trong hồ sơ lưu trữ của Quốc tế cộng sản thì Tạp chí Đỏ được xuất bản ở Trung Quốc.

Căn cứ vào nội dung những số Tạp chí Đỏ còn lưu giữ được, có thể nói rằng tạp chí đã giới thiệu một cách sơ giản những vấn đề lý luận (ví dụ vấn đề tư sản dân quyền cách mạng), trình bày những kinh nghiệm hoạt động cách mạng (như kinh nghiệm cuộc bãi công ở Thượng Hải), hoặc hướng dẫn một cách có hệ thống các mặt công tác (ví dụ việc giữ bí mật, công tác rải truyền đơn và phát hành báo v.v..). Trong năm đầu Đảng vừa mới thành lập, phần đông cán bộ, đảng viên còn bỡ ngỡ trong hoạt động, lại chưa hiểu biết gì mấy về chủ nghĩa Mác - Lê-nin, Tạp chí Đỏ đã có tác dụng tích cực trong việc hướng dẫn nhận thức, hướng dẫn công tác cho cán bộ, đảng viên. Tuy về nội dung và hình thức còn đơn giản, do phải thích ứng với điều kiện Đảng mới thành lập và còn hoạt động bí mật, Tạp chí Đỏ đã mang tính chất một tạp chí lý luận của Đảng, ở chỗ nó không làm nhiệm vụ thông tin như các tờ báo mà chủ yếu nó hướng dẫn nhận thức, nâng cao trình độ hiểu biết trong hoạt động cách mạng.
 

 
[1] Tài liệu này do mật thám Pháp lấy được khi soát nhà đồng chí Nguyễn Ngọc Vũ ngày 6-12-1930.
Nguyễn Ngọc Vũ là Bí thư Thành ủy Hà Nội năm 1930 bị mật thám bắt khi đang đi dọc đường gần Bờ Hồ. Bọn Pháp biết đồng chí là Bí thư thành ủy nên tra tấn hết sức dã man. Đồng chí đã nêu cao khí tiết người cộng sản, không chịu khai báo và đã hy sinh trong trại giam Hỏa Lò đầu năm 1932.
Mật thám Pháp đã dịch "Biên bản vắn tắt của Hội nghị" ra tiếng Pháp để nghiên cứu. Bản hiện lưu giữ tại Cục lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng là bản dịch lại ra tiếng Việt từ bản tiếng Pháp của mật thám (xin xem Tạp chí Cộng sản, số 8-1983, tr. 73).