Chương V: Quá trình xây dựng Bộ biên tập
Thời kỳ từ 1930 đến 1945, Đảng ta phải hoạt động bí mật. Mọi công việc có quan hệ đến việc xuất bản tạp chí, từ biên tập đến in ấn, phát hành ... đều phải tổ chức hết sức đơn giản, gọn nhẹ cho phù hợp với hoàn cảnh và điều kiện cực kỳ khó khăn, thiếu thốn, nguy hiểm lúc bấy giờ. Lúc ấy chưa có Bộ biên tập chuyên trách, chưa có Tổng biên tập. Người phụ trách tạp chí thường là Tổng Bí thư. Một số đồng chí trong Ban thường vụ Trung ương cùng một số đồng chí khác kiêm nhiệm việc biên tập. In ấn và phân phối tạp chí, có các đồng chí khác đảm nhận.
Sau khi Đảng ta lãnh đạo nhân dân giành được chính quyền chưa bao lâu, thì lại phải lo kháng chiến chống Pháp xâm lược, cho nên việc xuất bản tạp chí của Đảng cũng gặp khó khăn. Tuy nhiên thời kỳ này đã có một số đồng chí chuyên lo công việc của tạp chí ; số đồng chí tham gia viết bài còn chưa nhiều nhưng đã đông hơn trước ; điều kiện in ấn, phát hành khá hơn ; việc tổ chức quản lý tạp chí cũng có nề nếp hơn ...
Kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, bước sang năm 1955, sau khi có Nghị quyết của Trung ương Đảng về việc xuất bản Tạp chí Học tập, một ban biên tập đã được thành lập gồm bốn đồng chí :
- Trường Chinh, Tổng biên tập
- Võ Nguyên Giáp, ủy viên
- Hà Huy Giáp, ủy viên
- Trần Quang Huy, thư ký tòa soạn
Ngoài đồng chí Trần Quang Huy chuyên trách, quán xuyến mọi công việc của Bộ biên tập, các đồng chí khác đều kiêm nhiệm.
Thực hiện nghị quyết của Trung ương, Bộ biên tập gấp rút chuẩn bị về tổ chức và cơ sở vật chất để tạp chí kịp ra số 1 vào cuối năm 1955 ; sau đó vừa xuất bản tạp chí, vừa tiếp tục xây dựng, nên 5 năm sau đã hoàn thành về cơ bản việc xây dựng về tổ chức. Từ đó, công việc này được hoàn thiện từng bước để tạp chí ngày càng làm tốt hơn nhiệm vụ của mình.
Trụ sở Bộ biên tập lúc đầu đóng tại nhà số 61 Nguyễn Du, Hà Nội. Tháng 2-1959 chuyển sang 59 Nguyễn Du. Tháng 9-1962 chuyển đến 26-28 Trần Bình Trọng. Từ tháng 1-1977 đến nay trụ sở tạp chí đóng tại số 1 Nguyễn Thượng Hiền. Năm 1997, trụ sở đó được nâng cấp xây dựng và được trang bị một bước các phương tiện cần thiết cho hoạt động báo chí.
Từ khi Tạp chí Học tập ra đời cho đến đầu năm 1982, đồng chí Trường Chinh thay mặt Bộ Chính trị chỉ đạo công tác của Bộ biên tập, cho chỉ thị về phương hướng biên tập của tạp chí, thông qua chương trình biên tập hằng năm và duyệt các xã luận.
Giữa năm 1957 Ban Bí thư chỉ định đồng chí Trần Quang Huy làm Tổng biên tập tạp chí.
Để giúp Tổng biên tập trong việc chỉ đạo các mặt công tác của cơ quan, đồng chí Trần Quang Huy đã lập một hội đồng biên tập gồm Tổng biên tập và tổ trưởng các tổ trong Bộ biên tập tạp chí. Các thành viên trong hội đồng biên tập còn được phân công luân phiên mỗi tháng chịu trách nhiệm chữa tất cả các bài của tạp chí trước khi Tổng biên tập duyệt. Đây cũng là một cách kèm cặp, bồi dưỡng cán bộ, thiết thực chuẩn bị điều kiện cho việc thành lập ban biên tập chuyên trách.
Ngày 2-7-1960 Ban bí thư Trung ương Đảng ra Quyết định số 118/NQ-NS-TW chính thức thành lập Ban Biên tập tạp chí gồm các đồng chí :
- Trần Quang Huy, Tổng biên tập
- Trần Hồng Chương, Thư ký tòa soạn
- Tô Văn Lâm, ủy viên
- Lê Trung Việt, ủy viên
Tại Đại hội III của Đảng (9-1960) đồng chí Trần Quang Huy được bầu là ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Tháng 12-1960, Kỳ Vân, tức Phạm Văn Đông được điều về làm ủy viên Ban Biên tập tạp chí.
Tháng 2-1961 đồng chí Trần Quang Huy được phân công chuyên trách công tác tuyên giáo. Đồng chí Trần Quỳnh được cử làm Tổng biên tập tạp chí, nhưng chưa bao lâu thì được điều đi nhận công tác khác. Tháng 4-1961 đồng chí Tô Văn Lâm được điều động vào miền Nam công tác. Tháng 6-1961 đồng chí Lê Trung Việt thôi giữ chức Ủy viên Ban Biên tập.
Cũng trong tháng 6-1961 Bộ Chính trị chỉ định đồng chí Trần Hồng Chương làm quyền Tổng biên tập tạp chí (Quyết định số 459/NQ-NS-TW, ngày 24-6-1961).
Tháng 9-1962 Ban Bí thư cử đồng chí Vũ Tuân làm Tổng biên tập tạp chí (Quyết định số 646/NQ-NS-TW, ngày 14-9-1962). Đồng chí Trần Hồng Chương làm Thư ký tòa soạn.
Cuối năm 1963 Kỳ Vân thôi giữ chức Ủy viên Ban Biên tập.
Tháng 3-1965 đồng chí Vũ Tuân chuyển sang công tác khác. Bộ Chính trị cử đồng chí Trần Quang Huy làm Tổng biên tập tạp chí, (Quyết định số 1077/NQ-NS-TW, ngày 24-3-1965).
Tháng 8-1965 đồng chí Đào Duy Tùng được Bộ Chính trị cử làm Tổng biên tập tạp chí (Quyết định số 1210/NQ-NS-TW, ngày 28-8-1965) thay đồng chí Trần Quang Huy trở lại chuyên trách công tác tuyên giáo.
Tháng 11-1965, đồng chí Nguyễn Văn Đặng và đồng chí Nguyễn Xuân Dung được Ban Bí thư đề bạt làm Ủy viên Ban Biên tập (Quyết định số 1244/NQ-NS-TW và 1245/NQ-NS-TW, ngày 24-11-1965).
Ban Biên tập lúc này gồm các đồng chí :
- Đào Duy Tùng, Tổng biên tập
- Trần Hồng Chương, Thư ký tòa soạn
- Nguyễn Xuân Dung, ủy viên
- Nguyễn Văn Đặng, ủy viên
Tháng 2-1967 Ban Bí thư đề bạt đồng chí Trần Hồng Chương làm Phó tổng biên tập tạp chí (Quyết định số 1416/NQ-NS-TW, ngày 17-2-1967).
Tại Đại hội IV của Đảng (tháng 12-1976) đồng chí Đào Duy Tùng được bầu là ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Tháng 4-1982 đồng chí Trần Hồng Chương được Bộ Chính trị cử làm Tổng biên tập tạp chí (Quyết định số 70/NQ-NS-TW, ngày 30-4-1982) thay đồng chí Đào Duy Tùng về làm Trưởng ban tuyên huấn Trung ương.
Cũng trong tháng 4-1982 Ban Bí thư đề bạt đồng chí Vũ Văn Tiên và đồng chí Nguyễn Văn Lộc làm ủy viên Ban Biên tập (Quyết định số 41/NQ-NS-TW). Như vậy từ tháng 4-1982, Ban Biên tập tạp chí gồm các đồng chí :
- Trần Hồng Chương, Tổng biên tập
- Nguyễn Xuân Dung, ủy viên
- Nguyễn Văn Đặng, ủy viên
- Vũ Văn Tiên, ủy viên
- Nguyễn Văn Lộc, ủy viên
Đầu năm 1984, đồng chí Nguyễn Xuân Dung nghỉ hưu.
Tháng 12-1984 Ban Bí thư đề bạt đồng chí Vũ Văn Tiên và đồng chí Nguyễn Văn Đặng làm Phó tổng biên tập tạp chí (Quyết định số 965/NQ-NS-TW, ngày 28-12-1984).
Sau Đại hội VI của Đảng, đồng chí Hà Xuân Trường, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, được Bộ Chính trị cử làm Tổng biên tập tạp chí thay đồng chí Trần Hồng Chương nhận công tác khác. Lúc này Ban Biên tập tạp chí gồm các đồng chí :
- Hà Xuân Trường, Tổng biên tập
- Vũ Văn Tiên, Phó tổng biên tập
- Nguyễn Văn Đặng, Phó tổng biên tập
- Nguyễn Văn Lộc, ủy viên
Tháng 3-1989, đồng chí Nguyễn Phú Trọng và đồng chí Nguyễn Thiện Nhân được đề bạt làm ủy viên Ban Biên tập.
Tháng 5-1990, Ban Bí thư đề bạt đồng chí Nguyễn Phú Trọng làm Phó tổng biên tập tạp chí (Quyết định số 923/NQ-NS-TW, ngày 18-5-1990).
Trong năm 1990 và đầu năm 1991 các đồng chí Vũ Văn Tiên, Nguyễn Văn Lộc và Nguyễn Văn Đặng lần lượt nghỉ hưu.
Từ đầu năm 1991 Ban Biên tập gồm các đồng chí :
- Hà Xuân Trường, Tổng biên tập
- Nguyễn Phú Trọng, Phó tổng biên tập
- Nguyễn Thiện Nhân, ủy viên
Tháng 8-1991, đồng chí Hà Xuân Trường thôi giữ chức Tổng biên tập. Bộ Chính trị cử đồng chí Nguyễn Phú Trọng làm Tổng biên tập tạp chí (Quyết định số 24/NS-TW, ngày 24-8-1991).
Như vậy, từ tháng 8-1991 Ban Biên tập tạp chí gồm các đồng chí :
- Nguyễn Phú Trọng, Tổng biên tập
- Nguyễn Thiện Nhân, ủy viên
Tháng 1-1992 đồng chí Nguyễn Thiện Nhân được Ban Bí thư đề bạt làm Phó tổng biên tập (Quyết định số 173/NS-TW, ngày 14-1-1992).
Tháng 1-1994, tại Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ của Đảng (khóa VII), đồng chí Nguyễn Phú Trọng được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Tháng 2-1995, đồng chí Nguyễn Tiến Hải và đồng chí Vũ Hiền được Ban Bí thư đề bạt làm Phó tổng biên tập (Quyết định số 581/NS-TW, ngày 25-2-1995 và Quyết định số 582/NS-TW cùng ngày). Ban Biên tập tạp chí lúc này gồm đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng biên tập và ba phó tổng biên tập là các đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Nguyễn Tiến Hải và Vũ Hiền.
Tháng 8-1996, Bộ Chính trị Trung ương Đảng cử đồng chí Hà Đăng làm Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản (Quyết định số 26/QĐ-NS-TƯ ngày 26-8-1996), thay cho đồng chí Nguyễn Phú Trọng được điều đi công tác khác.
Ngày 27-2-1999, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân được nghỉ hưu (Quyết định số 583/QĐ-NS-TƯ ngày 27-2-1999). Như vậy, từ tháng 3-1999, Ban Biên tập gồm ba đồng chí :
- Hà Đăng, Tổng biên tập
- Vũ Hiền, Phó tổng biên tập
- Nguyễn Tiến Hải, Phó tổng biên tập
Ngày 30-5-2001, Bộ Chính trị Trung ương Đảng cử đồng chí Vũ Văn Hiền (tức Vũ Hiền), Ủy viên Trung ương Đảng, Phó tổng biên tập Tạp chí Cộng sản giữ chức Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản (Quyết định số 49/QĐ-NS-TW, ngày 30-5-2001) thay cho đồng chí Hà Đăng được điều đi công tác khác.
Tháng 7-2001, Ban Bí thư Trung ương Đảng đề bạt đồng chí Trần Quang Nhiếp làm Phó tổng biên tập Tạp chí (Quyết định số 161/QĐ-NS-TW, ngày 30 tháng 7 năm 2001).
Tháng 8-2001, đồng chí Nguyễn Đăng Tiến, đồng chí Phạm Tất Thắng được đề bạt làm ủy viên Ban biên tập.
Như vậy, từ tháng 8-2001, Ban Biên tập gồm năm đồng chí :
- Vũ Văn Hiền, Tổng biên tập, kiêm Bí thư đảng ủy
- Nguyễn Tiến Hải, Phó tổng biên tập
- Trần Quang Nhiếp, Phó tổng biên tập
- Nguyễn Đăng Tiến, ủy viên Ban biên tập
- Phạm Tất Thắng, ủy viên Ban biên tập
Tháng 5-2002, đồng chí Vũ Văn Hiền được điều đi công tác khác. Đồng chí Trần Quang Nhiếp, được cử giữ chức Phó tổng biên tập Phụ trách Tạp chí Cộng sản (Quyết định số 281/QĐ-NS-TW ngày 10-6-2002).
Như vậy từ tháng 6 năm 2002 đến tháng 5 năm 2003 Ban biên tập gồm 4 đồng chí :
- Trần Quang Nhiếp - Phó tổng biên tập phụ trách
- Nguyễn Tiến Hải - Phó tổng biên tập
- Nguyễn Đăng Tiến, ủy viên Ban biên tập
- Phạm Tất Thắng, ủy viên Ban biên tập
Ngày 1-1-2003, đồng chí Nguyễn Tiến Hải được nghỉ công tác để chuẩn bị nghỉ hưu (Quyết định số 503/QĐ-NS-TW ngày 10-12-2002).
Tháng 5-2003, Bộ Chính trị cử đồng chí Lê Hữu Nghĩa, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó giám đốc thường trực Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh giữ chức Phó chủ tịch thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương kiêm giữ chức Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản (Quyết định số 653/QĐ-NS-TW ngày 08-4-2003).
Như vậy, từ tháng 5-2003, Ban Biên tập gồm 4 đồng chí :
- Lê Hữu Nghĩa, Tổng biên tập
- Trần Quang Nhiếp, Phó tổng biên tập thường trực, kiêm Bí thư Đảng ủy
- Nguyễn Đăng Tiến, ủy viên Ban biên tập
- Phạm Tất Thắng, ủy viên Ban biên tập
Bộ biên tập Tạp chí Học tập lúc đầu gồm 5 tổ biên tập : tổ nông thôn, tổ thành thị, tổ sinh hoạt đảng, tổ mặt trận, tổ quốc tế ; và một văn phòng phụ trách các công việc hành chính, trị sự. Việc trình bày mỹ thuật, sửa morát, tổ chức in cũng nằm trong văn phòng. Cơ quan còn tổ chức nhà ăn tập thể và nhà giữ trẻ cho cán bộ cơ quan, do văn phòng quản lý. Ngoài ra, cơ quan còn có một thư viện nhỏ, ban đầu chỉ có vài trăm cuốn sách, với hơn chục tờ báo và tạp chí xuất bản trong nước. Đến nay thư viện của tạp chí đã có một khối lượng sách, báo và tạp chí tiếng Việt và tiếng nước ngoài khá phong phú.
Năm 1956, tổ hướng dẫn học tập ra đời. Cuối năm 1956, tổ văn nghệ - giáo dục (gọi tắt là văn giáo) được thành lập. Đồng thời, bộ phận thông tín viên và bạn đọc cũng được hình thành và đặt trong văn phòng. Năm 1957 tổ nông thôn và tổ thành thị nhập lại thành tổ kinh tế ; tổ mặt trận đổi thành tổ chính trị ; phòng tư liệu ra đời. Đầu năm 1957 Trung ương Đảng đồng ý cho Ban Biên tập tạp chí Học tập xuất bản tập san Học tập - Tài liệu dịch nhằm đáp ứng nhu cầu của cán bộ và trí thức tìm hiểu lý luận, đường lối, chính sách và kinh nghiệm cách mạng của các nước, và nghiên cứu có hệ thống chủ nghĩa Mác - Lê-nin. Phòng tài liệu được tăng cường cán bộ để làm nhiệm vụ chọn bài và dịch đăng trên tập san. Đến năm 1962, tập san này đình bản.
Từ tháng 9-1958, Trung ương Đảng giao cho tạp chí Học tập nhiệm vụ dịch và xuất bản ở Việt Nam tạp chí Những vấn đề hòa bình và chủ nghĩa xã hội, cơ quan lý luận và thông tin của các đảng cộng sản và công nhân mà Đảng ta là một trong những người sáng lập. Một tổ chuyên trách công việc này đã được thành lập. Đến năm 1978, nhiệm vụ này được chuyển giao cho Ban nghiên cứu lý luận của Trung ương Đảng (sau đổi là Viện nghiên cứu chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, nay đã sáp nhập vào Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh).
Từ năm 1960, các tổ biên tập được gọi là tiểu ban biên tập.
Tháng 1-1961 tạp chí lập thêm tiểu ban triết học và tiểu ban thư ký văn học.
Năm 1962 tiểu ban triết học nhập vào tiểu ban chính trị.
Từ năm 1962, Ban Biên tập thử nghiệm việc chia cán bộ phòng tư liệu về làm công tác tư liệu ở từng tiểu ban biên tập nên giải thể phòng tư liệu, giao thư viện cho văn phòng phụ trách.
Tháng 10-1963 các tiểu ban biên tập được tổ chức như sau :
- Tiểu ban kinh tế gồm các bộ phận : nông nghiệp, công nghiệp, tài chính - thương nghiệp.
- Tiểu ban chính trị : nhà nước - pháp luật, quân đội - quốc phòng, mặt trận, dân tộc, tôn giáo, triết học.
- Tiểu ban văn giáo : văn hóa chung, giáo dục, văn học nghệ thuật.
- Tiểu ban sinh hoạt đảng : xây dựng Đảng về tư tưởng, xây dựng Đảng về tổ chức.
- Tiểu ban miền Nam : chính trị miền Nam, kinh tế miền Nam, văn hóa miền Nam.
- Tiểu ban quốc tế : hệ thống xã hội chủ nghĩa, hệ thống tư bản chủ nghĩa, phong trào giải phóng dân tộc.
Năm 1965, phòng tư liệu được lập lại và phụ trách cả thư viện.
Sau mấy lần sắp xếp lại, năm 1966 bộ máy của Bộ biên tập tạp chí gồm các bộ phận sau đây :
- Tiểu ban kinh tế.
- Tiểu ban chính trị (bao gồm cả tiểu ban miền Nam mới sáp nhập vào).
- Tiểu ban văn giáo.
- Tiểu ban sinh hoạt đảng (Sau đổi thành tiểu ban xây dựng Đảng).
- Tiểu ban quốc tế.
- Tiểu ban thư ký văn học.
- Phòng tư liệu.
- Văn phòng.
Sau khi miền Nam được hoàn toàn giải phóng, năm 1976 Bộ biên tập lập Ban thường trú ở miền Nam (đóng tại 19 đường Duy Tân - sau đổi thành đường Phạm Ngọc Thạch, quận 3, TP. Hồ Chí Minh). Năm 2002, lập thêm Ban Thường trú ở miền Trung tại Đà Nẵng.
Năm 1979 các tiểu ban và phòng (tư liệu) được gọi là ban.
Bộ phận công tác bạn đọc trước kia do văn phòng, rồi Ban thư ký văn học phụ trách ; năm 1987 được tách riêng và trở thành ban bạn đọc.
Năm 1989 các ban thư ký văn học, tư liệu, bạn đọc hợp nhất thành Ban thư ký ; Ban Văn giáo đổi thành Ban Văn xã.
Như vậy là từ năm 1989 Bộ biên tập tạp chí gồm có :
Ban Kinh tế
Ban Chính trị
Ban Văn xã
Ban Xây dựng Đảng
Ban Quốc tế
Ban Thư ký
Ban Thường trú
Văn phòng.
Cơ cấu đó của Bộ biên tập được giữ nguyên cho đến đầu năm 2000.
Cuối năm 1999, do yêu cầu hiện đại hóa công tác biên tập và quản lý cơ quan, Tạp chí được trang bị thêm hệ thống máy vi tính. Ban Biên tập đã quyết định thành lập một tổ công nghệ thông tin trực thuộc Ban Biên tập và trên cơ sở tổ này, tháng 4-2000, đã quyết định thành lập Ban Thông tin-tư liệu với nhiệm vụ chủ yếu là quản lý toàn bộ hoạt động công nghệ thông tin của cơ quan và chuẩn bị ra Tạp chí Cộng sản điện tử trên mạng In-tơ-nét. Tháng 2-2002, Tạp chí Cộng sản điện tử được phát hành chính thức với bộ máy quản lý được ghép với Ban Thông tin - tư liệu của Tạp chí Cộng sản. Hiện nay (2003) Bộ biên tập Tạp chí Cộng sản gồm các đơn vị trực thuộc :
1 - Ban Chính trị - triết học
2 - Ban Kinh tế
3 - Ban Văn xã
4 - Ban Xây dựng Đảng
5 - Ban Quốc tế
6 - Ban Thông tin tư liệu, tạp chí điện tử
7 - Ban Thư ký bạn đọc
8 - Ban Thường trú miền Nam
9 - Ban Thường trú miền Trung - Tây Nguyên
10 - Văn phòng
11 - Công ty in Tạp chí Cộng sản
Bộ biên tập tạp chí Học tập lúc đầu chỉ có 15 cán bộ các loại, được điều về từ một số cơ quan trung ương và địa phương, trong đó có một số đồng chí mới từ miền Nam tập kết ra Bắc. Phần lớn anh chị em vốn làm công tác đảng, công tác quần chúng và công tác quân sự, chưa qua một trường lớp nào về báo chí ; trình độ văn hóa thì cao nhất là có bằng tú tài Pháp ; chỉ có một số rất ít đã được học lý luận có hệ thống ở nước ngoài.
Trước tình hình cán bộ như thế, Ban Biên tập hết sức coi trọng việc bồi dưỡng trình độ cho anh chị em. Tất cả cán bộ đều lần lượt được cử đi học lý luận và chính trị tại chức ở các trường lớp khác nhau. Ban Biên tập còn quy định mọi người phải tự học tập thêm. Cơ quan đã thu xếp cho cán bộ đi dự các hội nghị của các ngành để nâng cao hiểu biết về đường lối, chính sách của Đảng. Những anh chị em trình độ văn hóa còn thấp phải đi học bổ túc văn hóa. Khi trình độ văn hóa chung được nâng lên, cơ quan đã tổ chức riêng một khóa đại học văn tại chức ở cơ quan, mời các giảng viên Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội đến dạy. Ban Biên tập còn khuyến khích cán bộ học ngoại ngữ, nhất là những đồng chí chưa biết ngoại ngữ nào. Cơ quan rất coi trọng việc bồi dưỡng nghiệp vụ làm báo bằng nhiều hình thức. Bên cạnh đó, Ban Biên tập còn có chế độ chặt chẽ luân lưu đưa cán bộ trẻ, chưa kinh qua công tác quần chúng, đi về cơ sở trong thời gian từ 3 đến 8 tháng, giúp họ hiểu thực tế cách mạng và rèn luyện quan điểm quần chúng. Những cán bộ khác mỗi năm phải thu xếp thời giờ đi về các địa phương một tháng trở lên để nghiên cứu thực tế. Nhiều cán bộ còn được đưa đi tham gia các cuộc vận động lớn, như cải tạo công thương nghiệp, hợp tác hóa nông nghiệp, thu mua lương thực, v.v..
Theo trình độ năng lực và nhiệm vụ đảm đương, cán bộ, nhân viên tạp chí được phân loại :
- Cán bộ biên tập gồm : biên tập viên, trợ lý biên tập và cán sự biên tập.
- Cán sự chuyên môn trực tiếp phục vụ công tác biên tập (đánh máy, trình bày, morát, phát hành ...).
- Nhân viên hành chính, quản trị.
Đối với mỗi loại cán bộ, đều có quy định tiêu chuẩn và yêu cầu về chính trị, lý luận, văn hóa, nghiệp vụ. Mọi người phải cố gắng phấn đấu để khắc phục những mặt yếu và thiếu của mình.
Số cán bộ được bổ sung dần từng năm một cách có chọn lọc với tiêu chuẩn ngày càng cao. Đến năm 1960, tổng số cán bộ của tạp chí là 80 người. Từ khi số cán bộ được tăng cường, cơ quan lần lượt đưa anh chị em đi học lý luận dài hạn ở trong nước (Trường Nguyễn ái Quốc, Trường Tuyên huấn Trung ương) và ngoài nước (Liên Xô). Một số đồng chí trình độ văn hóa thấp thì đi học trường bổ túc văn hóa.
Năm 1961 số cán bộ, nhân viên của Bộ biên tập lên đến 96 người (đông nhất từ trước đến nay). Đến năm 1965, qua thực hiện chủ trương giảm biên chế, cơ quan còn lại 66 người.
Trong những năm từ 1966 đến 1976, Bộ biên tập đã tuyển nhiều cán bộ trẻ tốt nghiệp các trường đại học về công tác ở tạp chí. Ngoài việc lần lượt gửi các cán bộ trẻ đi bồi dưỡng về lý luận, Ban Biên tập còn cử những đồng chí đã công tác ở tạp chí nhiều năm, có triển vọng, đi học các lớp chuyên tu hoặc nghiên cứu sinh tại Trường Nguyễn Ái Quốc trung ương. Một số cán bộ, kể cả trẻ và đứng tuổi, do không phù hợp với công tác hoặc vì hoàn cảnh riêng, có nguyện vọng, được chuyển sang cơ quan khác. Số cán bộ của tạp chí thời kỳ này lên xuống giữa con số 63 và 83.
Từ năm 1967, Ban Biên tập tạp chí chủ trương : các cán bộ trẻ mới được tuyển về tạp chí để làm công tác biên tập đều phải qua một thời gian từ 6 tháng đến một năm thực tập ở tiểu ban thư ký văn học và phòng tư liệu. Chế độ thực tập này có tác dụng tốt : giúp anh chị em có khái niệm về những công việc "bếp núc" của người làm báo, làm quen dần với những công việc cơ bản về biên tập. Qua thời gian thực tập, Ban Biên tập sẽ xét khả năng, triển vọng phát triển của từng người mà xác định nhiệm vụ công tác sẽ giao cho họ.
Tháng 10-1969, Bộ biên tập đã tổ chức lớp học nghiệp vụ 6 tháng cho các cán bộ trẻ của tạp chí và một số cán bộ biên tập của báo Ninh Bình, của Khu ủy Vĩnh Linh gửi lên. Lớp này do các cán bộ lãnh đạo chủ chốt và một số đồng chí công tác lâu năm ở tạp chí, có nhiều kinh nghiệm, phụ trách. Ngoài ra, Ban Biên tập còn mời một số đồng chí lãnh đạo của một số cơ quan báo chí lớn đến giới thiệu kinh nghiệm làm báo của cá nhân và cơ quan mình. Cuối khóa học, sau khi đưa các học viên đi thực tế, Ban Biên tập đã tổ chức cho anh chị em làm bài thi để kiểm tra kết quả học tập.
Từ đầu những năm 80, để chuẩn bị lực lượng thay thế dần những cán bộ sắp đến tuổi nghỉ hưu, cơ quan tuyển dụng thêm nhiều cán bộ trẻ, phần lớn đã tốt nghiệp đại học ở trong nước và nước ngoài.
Tháng 2-1984, Ban Biên tập giao cho chi hội nhà báo của cơ quan tạp chí tổ chức lớp học nghiệp vụ 4 tháng cho số anh chị em nói trên. Có một số cán bộ của các tạp chí Thông tin lý luận, Những vấn đề hòa bình và chủ nghĩa xã hội, Quân đội nhân dân tham dự. Thành phần cán bộ phụ trách lớp này cũng tương tự như lớp đã mở trước đây. Cuối đợt học, cơ quan tổ chức cho các học viên đi thực tế ở một số xã.
Cơ quan còn chú ý tăng cường việc bồi dưỡng trình độ đội ngũ cán bộ kế cận. Nhiều cán bộ được cử đi học ở trường đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc (nay là Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh). Một số được cử đi nghiên cứu ở trong nước hoặc nước ngoài để bảo vệ luận án phó tiến sĩ. Ngoài ra, tạp chí còn cử một số cán bộ cấp vụ đi học các lớp bồi dưỡng ngắn hạn ở Viện hàn lâm khoa học xã hội Liên Xô ; một số khác đi học các lớp bồi dưỡng về lý luận ở Cộng hòa dân chủ Đức hoặc ở trong nước do các giáo sư Liên Xô giảng dạy.
Năm 1992, tạp chí tổ chức thi tuyển một số thanh niên đã tốt nghiệp đại học vào làm việc theo chế độ hợp đồng để qua một thời gian bồi dưỡng và thử thách, xét thấy ai đủ điều kiện sẽ chính thức bổ sung vào đội ngũ cán bộ biên tập. Tạp chí tổ chức học nghiệp vụ 2 tháng cho số anh chị em này. Cùng dự lớp học có một số cán bộ biên tập của các tạp chí Thông tin lý luận, Quốc phòng toàn dân, Văn hóa tư tưởng, Xây dựng Đảng. Sau lớp học, anh chị em được phân về các Ban để tập sự biên tập và tiếp tục học tập, đi thực tế.
Từ đầu năm 1995, tạp chí lại tuyển chọn thêm một số cán bộ trẻ, có trình độ đại học hoặc trên đại học để bổ sung cho các ban và các bộ phận. Năm 2002, đã tổ chức lớp nghiệp vụ báo chí ngắn ngày (về viết bài, kỹ thuật chụp ảnh, quay camêra v.v.) cho tất cả cán bộ, biên tập viên trong cơ quan. Tạp chí còn tiếp tục cử một số anh chị em đi học các lớp lý luận chính trị tập trung hoặc tại chức, một số đi học đại học hoặc cao học. Tính đến đầu năm 2003, số cán bộ công nhân viên trong biên chế của tạp chí là 58 người, hầu hết có trình độ đại học, trong đó có 1 giáo sư, 2 phó giáo sư, 14 đồng chí có học vị tiến sĩ và 8 đồng chí là thạc sĩ.
Về nâng cao trình độ nghiên cứu khoa học cho cán bộ biên tập thì nhiều năm trước đây, công tác đó chỉ bó hẹp trong nội bộ của tạp chí, nhằm phục vụ trực tiếp việc biên tập bài vở, và do từng người tự làm là chính. Từ 1996, với sự giúp đỡ của Ban Khoa giáo Trung ương và Bộ Khoa học công nghệ và môi trường, Tạp chí Cộng sản đã tiến hành một số đề tài nghiên cứu như : "Nâng cao tính chiến đấu và tính lý luận của Tạp chí Cộng sản trong điều kiện hiện nay" ; "Nâng cao hiệu quả đấu tranh chống diễn biến hòa bình trên các phương tiện thông tin đại chúng ở nước ta hiện nay" ; "Nâng cao năng lực và phẩm chất của phóng viên báo chí trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa" ; "Định hướng hoạt động và quản lý báo chí trong điều kiện kinh tế thị trường hiện nay". Trong các đề tài đó, một số đã hoàn thành, được Hội đồng nghiệm thu đánh giá xuất sắc và được in thành sách. Năm 2002, tạp chí tiếp tục triển khai nhiều đề tài nghiên cứu, trong đó có các đề tài : “Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, chủ động hội nhập”. “Báo chí với việc chống quan liêu, tham nhũng”. “Thực hiện dân chủ ở xã, phường”, “Xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp tỉnh, huyện trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa” v.v...
Trong những năm đế quốc Mỹ tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc, ngoài số cán bộ được cử đến các tỉnh thuộc Khu 4 cũ là nơi địch đánh phá rất ác liệt để nghiên cứu, viết bài, Ban Biên tập tạp chí còn tổ chức nhiều đoàn đi vào một số địa phương ở vùng này để tạo điều kiện cho anh em rèn luyện trong thực tế.
Khi Mỹ mở rộng chiến tranh phá hoại ở miền Bắc, Ban Biên tập đưa phần lớn cán bộ biên tập cùng bộ phận hành chính quản trị sơ tán lên Đồng Bèn thuộc tỉnh Hòa Bình. Từ thủ đô về đây, anh chị em đã nhanh chóng thích nghi với hoàn cảnh và điều kiện làm việc và ăn ở, sinh hoạt khó khăn, thiếu thốn của nơi rừng núi xa xôi này. Anh chị em cũng sớm hòa mình với đồng bào các dân tộc thiểu số ở đây, được bà con quý mến. Ngoài công tác chuyên môn, việc học tập lý luận, chính trị, nghiệp vụ, sinh hoạt đảng và các đoàn thể, luyện tập quân sự ... được duy trì đều đặn. Anh chị em còn thu xếp thì giờ giúp đồng bào nâng cao hiểu biết thời sự, chính sách, học tập văn hóa ; ngoài ra còn tổ chức sản xuất rau quả, sắn khoai, chăn nuôi lợn gà để cải thiện đời sống ...
Năm 1968, khi các cuộc ném bom, bắn phá của Mỹ giảm đi, anh chị em trở về Hà Nội. Từ tháng 5-1972, Mỹ lại ồ ạt đánh phá miền Bắc. Cơ quan phải đưa một bộ phận cán bộ, nhân viên sơ tán lên Trúc Sơn thuộc huyện Chương Mỹ, tỉnh Hà Tây. Trong 12 ngày đêm cuối năm 1972, Mỹ mở cuộc tập kích chiến lược bằng máy bay B52 vào Hà Nội và một số nơi khác, một số anh chị em vẫn trụ lại ở Hà Nội để làm việc, bảo đảm tạp chí ra đúng kỳ.
Trong suốt những năm tháng cán bộ phải đi sơ tán, tạp chí vẫn ra đều đặn.
Sau khi có quyết định xuất bản tạp chí Học tập, theo đề nghị của Ban Biên tập tạp chí, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã thông tri cho các Liên khu ủy, Khu ủy, Thành ủy, Tỉnh ủy chọn cán bộ có năng lực làm thông tin viên cho tạp chí.
Đồng thời, từng bước một tạp chí đã xây dựng được một lực lượng cộng tác viên tương đối đông - đến năm 1960 đã có trên 300 người, trong đó có khoảng 100 cộng tác viên thường xuyên, bao gồm một số đồng chí trong Bộ Chính trị, Ban Bí thư và nhiều đồng chí ủy viên Trung ương Đảng, các cán bộ chủ chốt ở các ngành, các cán bộ nghiên cứu thuộc nhiều lĩnh vực và một số cán bộ địa phương. Hằng năm số bài của cộng tác viên chiếm khoảng từ 65 đến 75% tổng số bài đăng trên tạp chí, với số trang cũng xấp xỉ như thế. Rõ ràng, cộng tác viên là một lực lượng rất quý đã có sự đóng góp rất quan trọng, không thể thiếu đối với tạp chí.
Từ khi tạp chí Học tập được xuất bản, Bộ biên tập tạp chí đã chú ý đến công tác bạn đọc, thường xuyên có mối quan hệ với bạn đọc để thu thập ý kiến đối với nội dung và hình thức của tạp chí, dưới nhiều hình thức khác nhau : trưng cầu ý kiến bằng cách gửi thư ; cử cán bộ chuyên trách trực tiếp đến các cơ quan ở trung ương và địa phương hoặc gặp các thông tín viên, cộng tác viên và các tập thể bạn đọc ở một số cơ quan để hỏi ý kiến ; đồng thời tìm hiểu tình hình phát hành tạp chí ... Khá đông bạn đọc thuộc nhiều tầng lớp khác nhau, kể cả lưu học sinh, trí thức Việt kiều ở nước ngoài đã gửi thư phát biểu ý kiến về tạp chí. Nhiều bạn đọc còn gửi tiền ủng hộ tạp chí. Đầu những năm 80, đồng chí Tổng biên tập trực tiếp viết thư gửi đích danh một số bạn đọc quen thuộc có trình độ, đề nghị nhận xét về tạp chí. Những năm sau này, bộ phận bạn đọc thường kỳ liên hệ với các cơ quan tư tưởng, văn hóa, các trường học, học viện, các cấp ủy Đảng, các địa phương ... tổ chức hội nghị bạn đọc, có đại diện Ban Biên tập đến dự để trao đổi ý kiến về tạp chí.
Từ 1992 đến nay, Bộ biên tập đã thường kỳ phối hợp với một số Tỉnh ủy, Thành ủy tổ chức hội nghị cộng tác viên và bạn đọc trong phạm vi từng tỉnh, thành hoặc một số tỉnh để lắng nghe ý kiến nhận xét, phê bình của họ (tháng 3-1993 tổ chức hội nghị cộng tác viên và bạn đọc ở Huế, có đại diện của Quảng Trị, Quảng Nam - Đà Nẵng dự. Tháng 5-1994 tổ chức hội nghị cộng tác viên và bạn đọc 10 tỉnh Tây Nguyên và cực nam trung bộ ở Nha Trang - Khánh Hòa, tháng 6-1995 tổ chức hội nghị cộng tác viên và bạn đọc khu vực Đông Bắc và khu vực đồng bằng sông Cửu Long ; tháng 6-1996, hội nghị cộng tác viên và bạn đọc ở các tỉnh miền núi phía Bắc và 4 tỉnh bắc Trung Bộ, tháng 6-1997, hội nghị công tác viên và bạn đọc tại Bà Rịa - Vũng Tàu ; tháng 5-1999, hội nghị cộng tác viên ở các tỉnh miền Trung tại Đà Nẵng, tháng 9-2000, hội nghị cộng tác viên, thông tin viên và bạn đọc ở 4 tỉnh khu vực phía Bắc miền Trung tại Hà Tĩnh, tháng 9-2001 hội nghị cộng tác viên, bạn đọc, thông tin viên ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên tại Khánh Hòa. Tháng 12-2001 Tạp chí đã phối hợp với Công ty phát hành báo chí trung ương tổ chức hội nghị sơ kết đánh giá công tác phát hành Tạp chí ở các tỉnh Tây Nam Bộ và tháng 10-2002, đã tổ chức Hội nghị bạn đọc - phát hành toàn quốc tại Đồ Sơn (Hải Phòng).
Riêng ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, hằng năm đều có họp cộng tác viên. ở Hà Nội, trước đây họp chung cho toàn cơ quan, nhưng từ năm 1998, việc tổ chức họp cộng tác viên hàng năm có lúc được giao về cho các Ban, chỉ thỉnh thoảng mới tổ chức họp chung.
Lúc đầu, tạp chí Học tập in ở nhà in Nhân dân. Hơn 10 năm sau, tạp chí chuyển sang in ở nhà in Kim Sơn. Sau đó không lâu, vào tháng 1-1968, Bộ biên tập tạp chí Học tập được giao quản lý và sử dụng nhà in Bắc Hà. Từ đó, nhà in này mang tên Nhà in Tạp chí Học tập, và từ năm 1977, đổi tên thành Nhà in Tạp chí Cộng sản, có trụ sở chính tại 38 Bà Triệu (Hà Nội). Ngoài ra, trong những năm kháng chiến chống Mỹ, Nhà in còn quản lý cả cơ sở in sơ tán tại xã Đại Phú, huyện Quốc Oai, tỉnh Hà Tây, có tên là H42. Khi cuộc chiến tranh kết thúc, cơ sở H42 tách một phần chuyển về 38 Bà Triệu. Thời kỳ đó, tuy thiết bị kỹ thuật của Nhà in còn nghèo, nhưng có nó tạp chí được chủ động trong điều hành công việc, cải tiến quy trình sản xuất, rút ngắn thời gian in. Từ năm 1976, tạp chí in ở cả Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Đến năm 1978 thì tập trung in ở Hà Nội và giao cho Bưu điện thống nhất phát hành trong cả nước. Năm 1978, Nhà in Tạp chí Cộng sản được tặng Huân chương Lao động hạng 3 ; năm 1983 được tặng Huân chương Lao động hạng 2.
Đầu năm 1990, chấp hành quyết định của Ban Bí thư trung ương Đảng về hợp nhất các Nhà in báo Nhân Dân và Nhà in Tạp chí Cộng sản thành Liên hiệp xí nghiệp in Nhân Dân trực thuộc Ban Tài chính Quản trị Trung ương, Bộ biên tập tạp chí đã giao Nhà in Tạp chí Cộng sản cho Ban Tài chính Quản trị Trung ương, và từ tháng 4-1990 tạp chí in ở Nhà in Nhân Dân Hà Nội II. Ngày 26-5-1995, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã quyết định giao Nhà in về Bộ biên tập Tạp chí Cộng sản quản lý, và ngày 14-11-1995, Bộ biên tập đã quyết định đổi tên Nhà in thành Nhà in Tạp chí Cộng sản. Năm 1998, Nhà in Tạp chí Cộng sản được tặng Huân chương Lao động hạng nhất. Đầu năm 2000, kỷ niệm 32 năm thành lập, Nhà in đã khánh thành nhà làm việc mới, khang trang hơn, hiện đại hơn, ở 38 Bà Triệu và đổi tên từ Nhà in Tạp chí Cộng sản thành Công ty in Tạp chí Cộng sản.
Khổ tạp chí lúc đầu là 17x24 cm ; từ năm 1960 mở rộng ra 19x27 cm ; từ số 1-1966, vì điều kiện kỹ thuật, rút lại còn 17x24 cm. Từ số 1-1991 khổ tạp chí mở ra 19x27 cm.
Số đầu của tạp chí Học tập (12-1955) in 68 trang ; sau đó tăng lên trên 70 trang, rồi bình quân 80 đến 90 trang. Đầu năm 1978 tăng lên 108 trang ; sang năm 1979 do khan hiếm giấy phải rút lại còn 90 trang ; từ tháng 8-1980 in 72 trang. Trong những năm 1982-1986 số trang in của các số tạp chí trong năm xê dịch giữa 72-90-108. Những năm 1987-1990 đều in 90 trang. Từ đầu năm 1991 in 64, 72 hoặc 80 trang. Từ 7-1995 đến nay, tức là từ khi ra mỗi tháng hai kỳ và sau đó ra mỗi tháng 3 kỳ, thường xuyên in 64 trang với bốn trang bìa in bốn màu.
Các số đặc biệt thường in trên 100 trang, có số in tới 184 trang (số 4-1956 về Đại hội XX Đảng cộng sản Liên xô). Năm 1969, ngoài 12 số thường lệ, tạp chí ra thêm một số đặc biệt về lễ tang Chủ tịch Hồ Chí Minh. Từ năm 2002, vào mỗi dịp đầu xuân, tạp chí ra số đặc biệt mừng Xuân, mừng Đảng, mừng Đất nước !
Số lượng phát hành năm 1955-1956 bình quân mỗi số 16.000 bản ; năm 1960 con số đó tăng lên 45.000. Những năm 1961-1965 bình quân mỗi số 34.360 bản ; những năm 1966-1975 tăng lên 43.050 bản.
Các số đặc biệt, số lượng cao hơn hẳn : số 4-1961 phục vụ cuộc vận động chỉnh huấn mùa xuân phát hành 212.585 bản ; số 9-1969 về lễ tang Chủ tịch Hồ Chí Minh : 206.855 bản ; số 7-1976 về khóa họp đầu tiên của Quốc hội cả nước : 151.786 bản ...
Sau khi miền Nam được hoàn toàn giải phóng và tạp chí Học tập đổi tên thành Tạp chí Cộng sản, số lượng phát hành tăng rõ rệt : năm 1976 bình quân mỗi số 72.000 bản ; năm 1977 tăng lên 89.256 bản ; từ năm 1978 đến năm 1985 số lượng phát hành dao động giữa con số 72.000 và 82.000. Do sự biến động về giá - lương - tiền, giá bán tạp chí tăng, từ cuối năm 1985 số lượng phát hành tạp chí giảm dần. Đến năm 1992 bình quân mỗi số còn 35.337 bản. Từ đầu năm 1993 thì nhích dần lên.
Bước sang năm 1994, số lượng phát hành mỗi tháng một tăng, đến tháng 9-1994 đạt 45.856 bản, tháng 11-1994 : 46.732 bản, tháng 12-1994 gần 47.000 bản. Từ tháng 7-1995, tạp chí ra mỗi tháng 2 kỳ đồng thời ngày càng cải tiến nội dung, cho nên số lượng phát hành tăng nhanh. Từ năm 1995 đến năm 1998, bình quân mỗi số 50.000 bản. Năm 1999, mỗi kỳ phát hành khoảng 52.714 bản. Năm 2000 khoảng 53.000 bản. Năm 2001 khoảng 54.740 bản. Từ đầu năm 2002 tạp chí ra mỗi tháng 3 kỳ, số lượng phát hành tiếp tục tăng. Năm 2002, bình quân mỗi kỳ phát hành khoảng 56.012 bản, 6 tháng đầu năm 2003 bình quân khoảng 57.320 bản.
Những năm trước đây tạp chí được bán ra nhiều nước Âu, á, Phi, Mỹ la tinh. Theo thống kê năm 1968, 25 nước có bạn đọc đặt mua tạp chí ; số lượng bán ra có năm bình quân mỗi số trên 1.400 bản. Những năm sau này số tạp chí bán ra nước ngoài giảm nhiều, một phần quan trọng là do chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và các nước Đông Âu sụp đổ.
Trước đây việc phát hành tạp chí có nhiều khó khăn và hạn chế : nhiều lúc thiếu giấy ; lắm khi bưu điện chỉ bán dài hạn, không bán lẻ ; giá bán tạp chí không đủ bù đắp tiền giấy và công in ... Những năm gần đây, do bước phát triển chung và do tạp chí nâng cao được chất lượng, thu hút được bạn đọc, cho nên tình hình đó đã được cải thiện một bước quan trọng.
Sau khi Ban Biên tập tạp chí hình thành thì chi bộ đảng cũng được thành lập, với số đảng viên ban đầu còn ít. Dần dần số cán bộ, nhân viên về nhận công tác ở cơ quan ngày một đông thì số đảng viên cũng được tăng lên. Đầu những năm 1960, được sự chấp thuận của Đảng ủy các cơ quan Chính Dân Đảng Trung ương, chi bộ tạp chí được nâng lên thành đảng bộ. Trực thuộc đảng bộ là các chi bộ nhỏ được tổ chức song song với một hoặc hai đơn vị công tác (tổ, ban) của Bộ biên tập. Từ đó, trải qua các chặng đường công tác của tạp chí, ngoài các công việc thuần tuý đảng vụ, đảng bộ mà đại diện là đảng ủy, luôn luôn phối hợp chặt chẽ với Ban Biên tập, nhất là trong công tác tư tưởng. Nhờ đó, ngay cả những lúc ở trong nước hay trên thế giới tình hình diễn biến rất phức tạp, mọi người trong cơ quan, kể cả người ngoài Đảng, đều kiên định lập trường, quan điểm, đường lối của Đảng, giữ vững nguyên tắc tổ chức, không bi quan, dao động ; các đảng viên đã phát huy tính tiên phong gương mẫu, nêu cao vai trò đầu tàu, cùng toàn thể anh chị em cán bộ, nhân viên trong cơ quan cố gắng bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ của tạp chí.
Bên cạnh đảng bộ, các tổ chức công đoàn, chi hội nhà báo, chi đoàn thanh niên, tổ nữ công, trung đội tự vệ lần lượt ra đời.
Công đoàn đã có nhiều cố gắng trong hoạt động của mình, đặc biệt đã góp phần đáng kể vào việc cải thiện đời sống vật chất và văn hóa của anh chị em trong cơ quan, nhất là trong thời kỳ còn chế độ bao cấp, đồng lương ít ỏi, hàng hóa khan hiếm.
Chi hội nhà báo đã có vai trò tích cực trong các hoạt động nghiệp vụ báo chí ở cơ quan, đóng góp vào việc xây dựng định mức công tác cho cán bộ biên tập và tham gia tích cực vào các hoạt động chung của hội nhà báo.
Trong những thời kỳ cơ quan có số cán bộ ở độ tuổi thanh niên đông, các sinh hoạt chính trị, văn hóa, thể thao do chi đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức khá sôi nổi.
Trong những năm chống Mỹ, cứu nước, anh chị em trong đội tự vệ đã hăng hái tập luyện, tích cực tham gia bảo vệ cơ quan và luôn ở tư thế sẵn sàng chiến đấu.
Năm 1988, 4 cán bộ của tạp chí được Hội đồng xét duyệt chức danh khoa học Nhà nước phong học hàm giáo sư : Trần Hồng Chương : giáo sư triết học ; Nguyễn Văn Đặng và Trần Hỗ : phó giáo sư kinh tế học ; Lê Xuân Vũ : phó giáo sư triết học. Năm 1992 đồng chí Nguyễn Phú Trọng được phong phó giáo sư khoa học lịch sử (chuyên ngành xây dựng Đảng). Năm 1996 đồng chí Vũ Văn Hiền được phong phó giáo sư kinh tế và đồng chí Trần Quang Nhiếp được phong phó giáo sư triết học.
Tổ chức quốc tế các nhà báo (O.I.J) đã tặng đồng chí Trần Hồng Chương Huy chương danh dự Julius Fucík "Vì những công lao đặc biệt trong lĩnh vực củng cố hòa bình, hợp tác quốc tế và hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc".
Từ khi Hội nhà báo Việt Nam đặt ra giải thưởng báo chí, nhiều phóng viên, biên tập viên của Tạp chí Cộng sản đã được tặng giải(*).
Năm 1977 - Về đề tài nông nghiệp :
+ Giải nhất :
1) Bài "Phát triển nông nghiệp - nhiệm vụ hàng đầu hiện nay" (xã luận số 10) của Nguyễn Văn Đặng.
2) Bài "Bài học Quỳnh Lưu" của Thanh Hà, tức Hữu Hạnh (số 10).
Năm 1980 - Về đề tài nông nghiệp :
+ Giải nhì :
- Bài "Khoán màu ở Vĩnh Phú" của Hữu Hạnh (số 7).
- Về đề tài chống tiêu cực :
+ Giải nhì :
- Bài "Nịnh" của Nguyễn Trung Thực, tức Nguyễn Tiến Hải (số 10).
Năm 1981 - Về đề tài nông nghiệp :
+ Giải ba :
- Bài "Khoán lúa" của Hữu Hạnh (số 12).
Năm 1982 - Về nhiều đề tài :
+ Giải nhất :
- Bài "Tình hình đất nước và nhiệm vụ của chúng ta" của Trần Quốc Tứ, tức Trần Hồng Chương (số 5).
+ Giải nhì :
1) Bài "Tất cả vì Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, vì hạnh phúc của nhân dân" (xã luận số 4) của Nguyễn Văn Đặng.
2) Bài "Bảo vệ hòa bình, chống chiến tranh - nhiệm vụ cấp bách của tất cả các dân tộc" (xã luận số 6) của Vũ Văn Tiên.
3) Bài "Về cuộc đấu tranh trên thị trường hiện nay" của Lê Tòng (số 10).
+ Giải ba :
- Bài "Nâng cao sức chiến đấu của đội ngũ cán bộ, đảng viên" (xã luận số 2) của Nguyễn Trọng Thụ.
Năm 1983 - Về nhiều đề tài :
+ Giải nhất :
- Bài "Phẩm chất đảng viên" (xã luận số 8) của Nguyễn Văn Lộc.
+ Giải nhì :
1) Bài "Vươn tới đáp ứng nhu cầu văn hóa ngày càng to lớn của nhân dân ta" (xã luận số 10) của Lê Xuân Vũ.
2) Bài "Xây dựng quan hệ xã hội chủ nghĩa giữa người và người" của Phong Châu (số 3).
+ Giải ba :
- Bài "Đảng nhân dân cách mạng Campuchia - đội tiên phong của giai cấp công nhân và nhân dân Campuchia" của Tô Quyên (số 11 và 12).
Năm 1982-1983 - Giải Bông lúa vàng của Hội nhà báo Việt Nam và Bộ nông nghiệp.
+ Giải nhì :
- Bài "Kinh tế xuất khẩu trên địa bàn huyện" của Hữu Hạnh (số 8).
Năm 1985 :
Nhân dịp kỷ niệm lần thứ 10 ngày thắng lợi hoàn toàn của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (30-4-1975 - 30-4-1985), Bộ Quốc phòng, Tổng cục chính trị Quân đội nhân dân và Hội nhà báo Việt Nam đã tổ chức lễ trao phần thưởng của Bộ Quốc phòng cho các cơ quan thông tấn báo chí có nhiều thành tích trong công tác tuyên truyền cho sự nghiệp củng cố quốc phòng.
Tạp chí Cộng sản được tặng một bức trướng mang dòng chữ "Vì sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa" và một bức chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh.
- Giải Bông lúa vàng của Hội nhà báo Việt Nam và Bộ Nông nghiệp.
+ Giải nhất :
- Bài "Cải tiến cơ chế quản lý hợp tác xã nông nghiệp" (xã luận số 6) của Đào Duy Tùng.
Năm 1992 - Giải báo chí toàn quốc :
+ Hai bài "Thế giới sau Liên Xô sụp đổ" và "Thời cơ đâu dễ chớp" của Vũ Hiền (số 4 và số 7).
Năm 1993 - Giải báo chí toàn quốc :
+ Bài "Nhân quyền là gì ? Ai vi phạm nhân quyền ?" của Anh Thơ tức Trịnh Cư (số 7).
Năm 1994 :
Nhân dịp Kỷ niệm lần thứ 50 ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, Bộ Quốc phòng đã trao phần thưởng cho các tác phẩm văn học nghệ thuật và báo chí về đề tài chiến tranh cách mạng và lực lượng vũ trang xuất bản trong 5 năm 1989-1994.
Tạp chí Cộng sản được tặng bức trướng mang dòng chữ "Báo chí vì sự nghiệp quốc phòng toàn dân và xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân".
Năm 1996 - Giải báo chí toàn quốc
+ Bài "Về những đòi hỏi vô lý đối với sự lãnh đạo của Đảng" bài của Bùi Ngọc Trình (Giải khuyến khích).
Năm 1997 - Giải báo chí toàn quốc :
Giải A : Bài "Vấn đề đảng viên làm kinh tế tư nhân" của Vũ Hiền.
Giải khuyến khích : Bài "Xu thế vận động tất yếu của chủ nghĩa xã hội hiện thực ngày nay" của Nhị Lê.
Năm 1998 - Giải báo chí toàn quốc.
Giải C : Bài "Mở rộng dân chủ trực tiếp, thiết thực, đúng hướng và có hiệu quả" của Vũ Hoàng Công.
Năm 1998 - Giải báo chí viết về Dân số :
Giải B : “Một số vấn đề về Dân số và Phát triển” của Vũ Hiền
Năm 1999 - Giải báo chí toàn quốc
Giải C : Bài "Phản ánh nhân tố mới, sứ mệnh cao cả của Nhà báo" của Chu Thái Thành.
Năm 2000 - Giải về cuộc thi viết về "Đảng quang vinh và công tác xây dựng Đảng" do Ban Tổ chức Trung ương và Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức.
Giải A : Bài "Vấn đề xây dựng, chỉnh đốn Đảng" của Hà Đăng.
Giải B : Bài "Tiêu chuẩn người đảng viên trong giai đoạn hiện nay" của Vũ Hiền.
Giải C : Bài "Bức xúc cấp xã" của Tiến Hải.
Giải báo chí toàn quốc
Giải B : Bài "Kinh tế trang trại Việt Nam : Ba câu hỏi nhỏ, nhưng lời đáp..." của Nhị Lê.
Ngoài ra, một số cán bộ biên tập của Tạp chí cũng đã được những giải thưởng khác nhau về các bài viết đăng ở các báo khác.
Vào dịp Khen thưởng tổng kết kháng chiến chống Mỹ cứu nước (năm 1983), nhiều đồng chí trong Bộ Biên tập Tạp chí đã được Hội Đồng Nhà nước tặng thưởng Huân chương và Huy chương các hạng, trong đó các đồng chí sau đây được tặng thưởng Huân chương Kháng chiến Hạng Nhất : Nguyễn Thị Loan Anh, Tạ Phong Châu, Trần Hồng Chương, Trịnh Cư, Nguyễn Xuân Dung, Nguyễn Tài Đáp, Nguyễn Văn Đặng, Đỗ Hữu Hạnh, Lê Thị Tâm Hương, Trần Hổ, Nguyễn Văn Lộc, Trương Công Minh (tức Trần Minh Quốc), Nguyễn Thiện Nhân, Nguyễn Minh Quảng, Nguyễn Tử Tấn, Vũ Văn Tiên, Nguyễn Thị Thái Thanh, Dương Thi, Trần Thị Kim Thoa, Dương Ngọc Kỳ, Nguyễn Trọng Thụ, Lê Tòng, Võ Xuân Tống, Lê Trì, Huỳnh Văn Trung, Lê Trung Việt, Lê Xuân Vũ, Trần Văn Vượng.
Trong những năm 1987-1991, nhiều đảng viên trong đảng bộ Tạp chí Cộng sản được tặng Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng : Trần Hồng Chương, Hà Xuân Trường, Vũ Văn Tiên, Trần Hỗ, Lê Tòng, Nguyễn Văn Lộc, Tạ Phong Châu, Lê Trì, Võ Xuân Tống, Nguyễn Văn Đặng, Nguyễn Trọng Thụ, Nguyễn Tài Đáp, Trịnh Cư (tức Lê Tịnh), Lê Xuân Vũ.
Tháng 4-1996, đồng chí Hà Xuân Trường và tháng 1-1998, đồng chí Hà Đăng được tặng Huy hiệu 50 năm tuổi đảng.
Ngoài ra, còn nhiều đồng chí đã nghỉ hưu được nhận huy hiệu này ở các địa phương.
Do "Đã có nhiều công lao đóng góp vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc" các đồng chí sau đây đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng nhất :
- Đồng chí Trần Hồng Chương (1986).
- Đồng chí Hà Xuân Trường (1994).
Tháng 8-1998, đồng chí Tô Quyên được tặng Huân chương Độc lập hạng 2.
Đến năm 1985 tạp chí Học tập đã ra liên tục 30 năm. Nhân dịp này Hội đồng Bộ trưởng đã tặng bằng khen cho một số cán bộ của tạp chí vì "Đã có nhiều thành tích trong công tác, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc" : Đỗ Hữu Hạnh, Lê Thị Tâm Hương, Nguyễn Quý Lệ, Nguyễn Thiện Nhân, Lê Tòng, Lê Trì, Lê Xuân Vũ.
Nhân dịp Kỷ niệm lần thứ 45 Cách mạng Tháng Tám và ngày thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (2-9-1945 -- 2-9-1990), Hội nhà báo Việt Nam đã quyết định tặng Huy chương "Vì sự nghiệp báo chí Việt Nam" cho các nhà báo chuyên nghiệp có từ 25 năm làm báo trở lên và đã có những đóng góp thiết thực vào sự nghiệp báo chí cách mạng.
Trong số các nhà báo được tặng huy chương đợt này có 23 đồng chí là cán bộ Tạp chí Cộng sản : Phạm Thị Hải Âu, Trần Hồng Chương (truy tặng), Trịnh Cư, Nguyễn Xuân Dung, Nguyễn Văn Đặng, Đỗ Hữu Hạnh, Lê Thị Tâm Hương, Nguyễn Quý Lệ, Nguyễn Văn Lộc, Trương Quốc Minh (Tô Quyên), Nguyễn Thiện Nhân, Nguyễn Minh Quảng, Nguyễn Tử Tấn, Hoàng Chí Thân, Nguyễn Trọng Thụ, Vũ Văn Tiên, Lê Tòng, Võ Xuân Tống, Lê Trì, Hà Xuân Trường, Lê Trung Việt, Lê Xuân Vũ, Trần Văn Vượng.
Hội nhà báo Việt Nam cũng đã trao tặng huy chương này cho đồng chí Đào Duy Tùng, nguyên Tổng biên tập tạp chí. Đồng chí Hà Đăng, lúc này là Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, cũng đã được tặng Huy chương "Vì sự nghiệp báo chí Việt Nam".
Các đợt sau có thêm một số đồng chí được tặng huy chương này :
- Tháng 6-1992 : Mai Thị Đạm, Nguyễn Tiến Hải, Nguyễn Phú Trọng.
- Tháng 6-1993 : Vũ Xuân Kiều.
- Tháng 6-1994 : Trần Thị Xuân Diệu, Nguyễn Thị Thảo.
- Tháng 6-1995 : Bùi Ngọc Trình.
- Tháng 2-2003 : Nguyễn Văn Đức, Mai Thanh Hằng, Trần Thị Hồng, Doãn Đình Huề, Đỗ Nhật Tân, Phạm Tất Thắng, Hoàng Thị Bích Yến.
Nhân Kỷ niệm lần thứ 62 ngày thành lập Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh (26-3-1931 - 26-3-1993) đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã được Trung ương Đoàn tặng Huy chương vì thế hệ trẻ, và đồng chí Nguyễn Tiến Hải được tặng Huy chương danh dự của Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh. Năm 1996, đồng chí Nhị Lê (tức Phạm Đình Đảng) và năm 2000, đồng chí Nguyễn Đăng Tiến được Trung ương Đoàn tặng Huy chương vì thế hệ trẻ. Tháng 7-1996, đồng chí Hà Đăng, Tổng biên tập và đồng chí Hà Xuân Trường, nguyên Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản được tặng Huy chương danh dự của Tổ chức Quốc tế các nhà báo (OIJ). Ngoài ra, từ năm 1995 đến nay : Các đồng chí Hà Đăng, Vũ Hiền, Nguyễn Văn Đức, Chu Thái Thành được Bộ Y tế tặng Huy chương Vì sức khỏe nhân dân. đồng chí Hà Đăng được tặng Huy chương Vì sự nghiệp xây dựng. Các đồng chí Nguyễn Tiến Hải, Vũ Hiền, Nguyễn Xuân Hải, Mai Thị Đạm được tặng Huy chương Vì sự nghiệp công đoàn. Đồng chí Vũ Xuân Kiều được tặng Huy chương vì sự nghiệp lâm nghiệp. Các đồng chí Hà Đăng, Hà Xuân Trường, Nguyễn Tiến Hải, Vũ Hiền được tặng Huy chương Cựu chiến binh. Đồng chí Nguyễn Đăng Tiến được tặng Huy chương vì sự nghiệp văn hóa - thông tin.
Nhân Kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống ngành tư tưởng - văn hóa (1-8-1930 - 1-8-2000), các đồng chí đã từng tham gia Ban biên tập Tạp chí Cộng sản và các đồng chí Vụ trưởng đã công tác, cống hiến cho Tạp chí Cộng sản và ngành tư tưởng 30 năm trở lên, gồm các đồng chí Trần Quang Huy, Đào Duy Tùng, Vũ Tuân, Trần Hồng Chương, Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Văn Đặng, Vũ Văn Tiên, Nguyễn Thiện Nhân, Vũ Văn Hiền, Nguyễn Tiến Hải, Tô Văn Lâm, Nguyễn Xuân Dung, Nguyễn Văn Lộc, Võ Xuân Tống, Lê Trì, Lê Văn Luy (Lê Xuân Vũ), Nguyễn Quý Lệ, Hoàng Chí Thân, Lưu Quyên, Nguyễn Trọng Thụ, Tạ Phong Châu, Trần Hỗ, Bùi Ngọc Trình, Vũ Xuân Kiều, Trịnh Gia Ban đã được Ban tư tưởng - văn hóa Trung ương Đảng tặng Huy chương Vì sự nghiệp tư tưởng - văn hóa (theo công văn số 2685 CV/TTVH ngày 13/7/2000 của Ban tư tưởng - văn hóa trung ương).
(*) Vì hồ sơ lưu trữ ở Hội nhà báo cũng như ở Chi hội tạp chí một số năm trước đây không còn được trọn vẹn nên các giải thưởng báo chí ghi sau đây có thể chưa đầy đủ.
Chương VI: Mấy nét về quan hệ đối ngoại của tạp chí  (15/05/2007)
Chương VII: Nhìn lại khái quát những chặng đường đã qua  (15/05/2007)
Hạ viện Mỹ lại có thêm thành tích quái gở  (11/05/2007)
Sự lựa chọn của nước Pháp - khát vọng tạo dựng một đất nước trẻ trung, năng động ở châu Âu và thế giới  (11/05/2007)
Ngày chiến thắng không thể nào quên  (11/05/2007)
“Văn hoá súng đạn” và nhân quyền của Mỹ  (10/05/2007)
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay