Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự Hội nghị cấp cao Hợp tác Tiểu vùng Mekong mở rộng lần thứ tư
TCCSĐT - Trong hai ngày từ 19 đến 20-12, Hội nghị cấp cao Hợp tác Tiểu vùng Mekong mở rộng lần thứ tư (GMS-4) đã diễn ra tại Nay Pyi Taw, Cộng hòa Liên bang Myanmar. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng lãnh đạo các nước Tiểu vùng là Vương quốc Campuchia, Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào, Vương quốc Thái Lan, Cộng hòa dân chủ nhân dân Trung Hoa, Cộng hòa Liên bang Myanmar tham dự hội nghị.
Phát biểu tại hội nghị, Tổng thống nước chủ nhà Thein Sein cho rằng bất chấp những bất ổn kinh tế toàn cầu, các chương trình hợp tác kinh tế của GMS vẫn tiến triển tốt đẹp, đạt những kết quả tích cực.
Nhằm ứng phó với các thách thức trong khu vực, Tổng thống Thein Sein nhấn mạnh các thành viên GMS cần tăng cường hợp tác hiệu quả, tập trung vào các lĩnh vực như ứng phó biến đổi khí hậu, sử dụng năng lượng và tài nguyên thiên nhiên hiệu quả, an ninh lương thực, phát triển nguồn nhân lực. Thực tế những thảm họa thiên nhiên thời gian qua tại khu vực cho thấy các thành viên GMS dễ bị tổn thương bởi biến đổi khí hậu.
Tổng thống Thein Sein bày tỏ hưởng ứng phát triển hành lang vận tải GMS trong tuyến hành lang kinh tế gồm Đông - Tây, Bắc - Nam và miền Nam, làm nền tảng tăng cường sức cạnh tranh của các nước thành viên, tăng cường kết nối trong khu vực.
Theo Tổng thống Thein Sein, trong 10 năm tới, các nước phải nỗ lực hơn nữa để thực hiện tiến trình hợp tác với nhiều nội dung phức hợp. Khung Chiến lược 2012-2022 sẽ định hướng hợp tác GMS trong giai đoạn mới và đi theo Khung Chiến lược này cần phải có một kế hoạch hành động với các dự án và hoạt động cụ thể.
Dưới chủ đề “Hướng tới một thập kỷ mới về quan hệ đối tác phát triển chiến lược GMS,” hội nghị đã kiểm điểm lại kết quả đạt được trong thời gian qua và đề ra định hướng cho hợp tác trong 10 năm tới. Các nhà lãnh đạo bày tỏ hài lòng về những kết quả đã đạt được trong việc triển khai các hoạt động và chương trình hợp tác của Khung Chiến lược hợp tác Tiểu vùng GMS 2002-2012, nhất là trong các lĩnh vực hợp tác về giao thông, năng lượng, thông tin, thuận lợi hóa thương mại và đầu tư, nông nghiệp, du lịch, môi trường.
Tại hội nghị, các nhà lãnh đạo nhấn mạnh việc sử dụng và quản lý bền vững nguồn nước sông Mekong có ý nghĩa quyết định đối với sự phát triển chung của khu vực.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng một lần nữa khẳng định sự ủng hộ mạnh mẽ của Việt Nam đối với Hợp tác Tiểu vùng Mekong mở rộng.
Về định hướng tương lai, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường huy động vốn đầu tư để phát triển cơ sở hạ tầng cũng như củng cố và hoàn thiện về mặt thể chế hợp tác Tiểu vùng; thúc đẩy sự phối hợp giữa các bên liên quan từ trung ương đến địa phương, giữa chính phủ và khu vực tư nhân trong việc phát triển hành lang kinh tế.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định để phát triển hành lang kinh tế thành công, cần tăng cường năng lực của các nhà hoạch định chính sách, tăng cường phối hợp giữa các cơ quan trung ương và địa phương, phát triển các mạng lưới kết nối các vùng kinh tế với các hành lang nhằm thúc đẩy giao lưu thương mại và đầu tư.
Trong bối cảnh thiên tai lũ lụt xảy ra và gây hậu quả nặng nề đối với các nước Tiểu vùng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu sử dụng bền vững nguồn nước sông Mekong vì sự phát triển chung của khu vực, trong đó có cả các nước thượng nguồn cũng như các nước hạ nguồn, và đề nghị quản lý và sử dụng bền vững nguồn nước sông Mekong phải là một nội dung có ý nghĩa quyết định trong chiến lược hợp tác phát triển Tiểu vùng trong 10 năm tới.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh để bảo đảm nguồn vốn cho các hoạt động hợp tác Tiểu vùng, chính phủ các nước GMS cần nỗ lực hơn nữa và có giải pháp hữu hiệu để huy động vốn từ các tổ chức quốc tế, các đối tác phát triển cũng như bảo đảm sân chơi bình đẳng, môi trường kinh doanh hiệu quả và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để huy động vốn đầu tư của khu vực tư nhân.
Các nhà lãnh đạo GMS đã chứng kiến lễ ký ba Biên bản ghi nhớ (MOU) giữa các nước GMS về phối hợp hành động nhằm giảm thiểu tác động của HIV đối với đi lại của dân cư, hợp tác phát triển hệ thống siêu xa lộ thông tin trong tiểu vùng GMS và Thành lập Hiệp hội Vận tải GMS (FRETA).
Sau 2 ngày làm việc tích cực và khẩn trương, ngày 20-12, Hội nghị cấp cao các nước Tiểu vùng Mekong mở rộng lần thứ tư (GMS-4) tại thủ đô Naypyitaw của Myanmar đã bế mạc và thông qua Tuyên bố chung “Sau năm 2012: Hướng tới một thập kỷ mới về quan hệ đối tác chiến lược GMS.” Các nhà lãnh đạo cũng thống nhất tổ chức hội nghị cấp cao GMS-5 tại Thái Lan trong năm 2014.
Trong Tuyên bố chung, người đứng đầu Chính phủ Vương quốc Campuchia, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, Cộng hòa Liên bang Myanmar, Vương quốc Thái Lan và Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam khẳng định lại cam kết với hợp tác GMS và quyết tâm mạnh mẽ hướng tới giai đoạn tiếp theo của các hành động chung như đã chỉ ra ở khung chiến lược mới đã được xây dựng.
Hội nghị đã thông qua Khung Chiến lược GMS giai đoạn 2012-2022 làm cơ sở và định hướng cho phát triển hợp tác kinh tế tiểu vùng. Các nhà lãnh đạo đã tập trung thảo luận về những nội dung quan trọng như chuyển đổi hành lang giao thông thành hành lang kinh tế; huy động nguồn lực thực hiện các hoạt động, chương trình dự án ưu tiên tiểu vùng; bảo vệ các nguồn tài nguyên thiên nhiên vì sự phát triển bền vững; huy động sự tham gia tích cực của các địa phương để hiện thực hóa các hành lang kinh tế.
Hội nghị đã thông qua Khung hợp tác giai đoạn hai từ 2012-2016 của Chương trình Môi trường trọng điểm (CEP) - Sáng kiến hành lang bảo tồn đa dạng sinh học; Tầm nhìn mới và chiến lược chung cho Chương trình hỗ trợ nông nghiệp trọng tâm giai đoạn 2011-2015; và Chiến lược và Lộ trình của Du lịch GMS giai đoạn 2011-2015.
Các nhà lãnh đạo đã thông qua khung cho giai đoạn hai của Chương trình Môi trường trọng điểm - Sáng kiến Hành lang Bảo tồn Đa dạng Sinh học (CEP-BCI) trong giai đoạn 2012- 2016, và sẽ củng cố và thúc đẩy những kết quả đã đạt được ở giai đoạn đầu tiên của chương trình; thông qua tầm nhìn mới và chiến lược tổng thể thể hiện trong giai đoạn 2 của Chương trình Hỗ trợ Nông nghiệp trọng điểm giai đoạn 2011-2015 và sẵn sàng triển khai các công việc đang được thực hiện để mở rộng hơn nữa thương mại tiểu vùng đối với các sản phẩm nông nghiệp.
Các nước cũng thông qua việc thúc đẩy khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, bao gồm việc sử dụng công nghệ thân thiện với khí hậu và đáp ứng các yêu cầu về giới; đảm bảo phát triển nông nghiệp bền vững cũng như an toàn và an ninh lương thực.
Tuyên bố chung nhấn mạnh Khung Chiến lược 10 năm GMS (2012-2022) cần tiếp tục quan tâm tới đầu tư cơ sở hạ tầng cứng, tập trung hơn tới phần mềm bao gồm việc củng cố thể chế và chính sách, các vấn đề liên quan đến kiến thức và tăng cường sự điều phối liên quốc gia; quan tâm hơn tới sự phối hợp đa ngành và mối liên kết liên ngành, bao gồm sự cân đối cẩn thận giữa phát triển và vấn đề môi trường…
Để chuẩn bị cho khung đầu tư và thực hiện có hiệu quả Khung Chiến lược 10 năm, các nhà lãnh đạo nhấn mạnh một số vấn đề như cần liên kết chặt chẽ với chiến lược tiểu vùng và chiến lược phát triển kinh tế quốc gia dựa trên đánh giá tổng thể của các phương thức hợp tác hiện nay cũng như các trở ngại; các nhu cầu đầu tư phải mang tính khả thi, phù hợp và thực tế; huy động nguồn lực một cách mạnh mẽ và sáng tạo hơn nữa để thực hiện khung chiến lược.
Các nhà lãnh đạo tin tưởng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và các đối tác phát triển khác sẽ tiếp tục hỗ trợ các quốc gia tiểu vùng thực hiện các mục tiêu, tham vọng trong giai đoạn phát triển mới phía trước.
* Bên lề hội nghị cấp cao GMS-4, Hội nghị Đầu tư và Kinh doanh GMS với sự tham gia của khoảng 150 đại diện các doanh nghiệp GMS đã được tổ chức trong ngày 19-12./.
Mở rộng quan hệ hữu nghị song phương Việt - Trung  (20/12/2011)
Năm 2011 và 2012: từ góc nhìn tài chính  (20/12/2011)
Ban hành danh mục chương trình mục tiêu quốc gia  (20/12/2011)
Chủ tịch Thượng viện Thái Lan sẽ thăm chính thức Việt Nam  (20/12/2011)
Chủ tịch nước tiếp các chiến sỹ quyết tử Liên khu I  (20/12/2011)
Việt Nam - CPC tăng cường hợp tác thông tin, truyền thông  (20/12/2011)
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay