Ngành xây dựng trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước
Trong công tác phát triển nhà ở, với tổng diện tích sàn nhà ở tăng thêm 706 triệu m2, đạt 1.415 triệu m2 sàn, tăng gần gấp đôi so với tổng diện tích nhà ở tại thời điểm năm 1999; diện tích nhà ở bình quân đầu người trong cả nước đã đạt khoảng 18,3 m2/người (năm 1999 là 9,68 m2/người(1), nhu cầu về nhà ở của xã hội được đáp ứng ngày càng tốt hơn. Cả nước, hiện có trên 2.500 dự án nhà ở, khu đô thị mới và dự án kinh doanh bất động sản khác, với diện tích đất khoảng trên 104.000 ha đã và đang được triển khai đầu tư xây dựng. Trong đó một số địa phương và và doanh nghiệp bước đầu đã quan tâm thúc đẩy phát triển dự án nhà ở xã hội. Đã có khoảng 300 dự án nhà ở thu nhập thấp và nhà ở cho công nhân khu công nghiệp đăng ký thực hiện trong giai đoạn 2009-2015, với tổng mức đầu tư khoảng 55.000 tỉ đồng. Hiện đã có 27 dự án nhà ở cho công nhân khu công nghiệp với tổng mức đầu tư trên 3.000 tỉ đồng; 42 dự án nhà ở cho người thu nhập thấp với tổng mức đầu tư 4.500 tỉ đồng đang được triển khai thực hiện. 94 dự án nhà ở cho sinh viên các trường đại học, cao đẳng với tổng mức đầu tư khoảng 8.000 tỉ đồng cũng đang được thực hiện đầu tư xây dựng.
Đánh giá năng lực của các doanh nghiệp ngành xây dựng, các đại biểu nhất trí cho rằng, các doanh nghiệp ngành xây dựng thuộc các thành phần kinh tế ngày càng phát triển mạnh mẽ. Theo số liệu thống kê năm 2010, cả nước có khoảng 36.000 doanh nghiệp thuộc ngành xây dựng, với khoảng 1,38 triệu lao động (lực lượng lao động cả nước đang làm việc trong ngành xây dựng khoảng 3,108 triệu người), trong đó 30.000 doanh nghiệp tham gia xây dựng dân dụng thông thường và 6.000 doanh nghiệp xây dựng các công trình chuyên dụng. Cơ cấu doanh nghiệp xây dựng phân theo loại hình sở hữu: nhà nước (1,6%), ngoài nhà nước (97,9%), FDI (0,5%). Tổng doanh thu của các doanh nghiệp xây dựng năm 2010 đạt khoảng 283.000 tỉ đồng, trong đó doanh nghiệp nhà nước đạt khoảng 74.000 tỉ đồng (chiếm 26%), doanh nghiệp ngoài nhà nước là 200.000 tỉ đồng(chiếm 71%) và doanh nghiệp FDI là 7.000 tỉ đồng (chiếm 3%). Mức độ tăng trưởng tính trên doanh thu của các doanh nghiệp ngành xây dựng bình quân là 25,4% (2)(trong đó doanh nghiệp nhà nước 8,2%, doanh nghiệp ngoài nhà nước 37% và doanh nghiệp FDI là 27,5%).
Các doanh nghiệp ngành xây dựng đã chú trọng phát triển toàn diện, kinh doanh theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực, đầu tư đổi mới trang thiết bị, ứng dụng công nghệ mới, đào tạo nguồn nhân lực để nâng cao năng lực và khả năng cạnh tranh, đến nay đã có thể tự thiết kế và thi công được những công trình có quy mô lớn, đòi hỏi kỹ thuật phức tạp, công nghệ tiên tiến trong các lĩnh vực: xây dựng dân dụng, hạ tầng đô thị, công nghiệp, thuỷ điện, giao thông, lắp máy, công trình ngầm. Một số doanh nghiệp trong nước đã được chọn làm thầu chính các gói thầu được đưa ra đấu thầu quốc tế hoặc các dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài có công nghệ mới và kỹ thuật hiện đại, thực hiện tổng thầu EPC các dự án lớn. Nhiều thương hiệu của doanh nghiệp ngành xây dựng đã có uy tín cao ở trong nước và với các nhà đầu tư nước ngoài như: Sông Đà, Lilama, Vinaconex, HUD, Viglacera, Vicem, Vincom, Cienco 5, PVC, Bitexco...
Nhìn nhận sự phát triển của thị trường bất động sản trong thời gian qua, các báo cáo tại hội nghị đã phân tích những đóng góp của loại hình thị trường này đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Thị trường bất động sản đã thu hút đáng kể nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước, thúc đẩy các ngành sản xuất khác phát triển. Hệ thống qui phạm pháp luật điều chỉnh hoạt động của thị trường từng bước được hoàn thiện, cơ cấu tổ chức của thị trường được hình thành, tạo điều kiện thuận lợi, môi trường đầu tư thông thoáng để thị trường bất động sản phát triển. Cùng với những kết quả đạt được trong công tác phát triển nhà ở, các sản phẩm hàng hóa bất động sản khác, như văn phòng cho thuê, khách sạn, khu nghỉ dưỡng, khu công nghiệp... cũng có bước phát triển đa dạng.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng và các đại biểu tham luận tại Hội nghị cũng phân tích khá rõ những tồn tại, bất cập của ngành xây dựng, cụ thể như:
- Hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội ở cả khu vực đô thị và nông thôn phát triển thiếu đồng bộ, nhiều dự án phát triển nhà ở, khu đô thị mới, khu dân cư được hình thành nhưng thiếu trường học, khu vui chơi, công trình y tế, văn hóa... Mạng lưới giao thông tại các đô thị lớn chưa đủ khả năng phục vụ nhu cầu đi lại và vận chuyển, tình trạng tắc nghẽn giao thông xảy ra thường xuyên. Môi trường đô thị chưa được kiểm soát chặt chẽ, các công trình xử lý nước thải sinh hoạt tại nhiều đô thị, khu công nghiệp chưa được đầu tư xây dựng, nhiều nhà máy xí nghiệp vẫn xả trực tiếp nước thải không qua xử lý, gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến phát triển bền vững của đô thị.
- Ở một số nơi còn xảy ra tình trạng phát triển đô thị, phát triển nhà ở và các khu dân cư hình thành tự phát, chưa phù hợp với nhu cầu và điều kiện cụ thể của địa phương. Một số dự án được triển khai manh mún, chậm tiến độ, dẫn đến tình trạng đô thị phát triển không đồng bộ, thiếu kết nối hạ tầng, lãng phí tài nguyên đất đai và vốn đầu tư của xã hội.
- Giá cả nhà ở hàng hóa thiếu ổn định, đặc biệt trong thời gian gần đây đã có xu hướng giảm nhưng thị trường vẫn trầm lắng, kể cả các đô thị lớn; cơ cấu sản phẩm căn hộ nhà ở phát triển chưa đảm bảo sự cân đối, thiếu hàng hóa có quy mô vừa và nhỏ phù hợp với khả năng thanh toán của đa số nhu cầu của người dân, đặc biệt thiếu loại hình nhà ở cho thuê. Thị trường nhà ở phi hàng hóa có sự can thiệp của Nhà nước để phục vụ các đối tượng chính sách xã hội, người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị chưa được đáp ứng, gây khó khăn cho việc giải quyết nhà ở cho một bộ phận lớn dân cư đô thị, đồng thời ảnh hưởng tới chủ trương và mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội.
- Việc huy động nguồn lực để triển khai các chương trình, dự án, đặc biệt là nguồn vốn ngân sách để phát triển nhà ở phục vụ các đối tượng chính sách xã hội, người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị, cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, công nhân lao động tại các khu công nghiệp... còn hạn chế; hệ thống tài chính bất động sản chưa hoàn thiện, nguồn vốn cho thị trường bất động sản chủ yếu từ hệ thống ngân hàng và huy động của người dân, chưa có nguồn tín dụng trung và dài hạn để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân trong việc tạo lập nhà ở; nguồn vốn cho vay đối với các dự án thương mại hết sức khó khăn; các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng, lãi suất cao và giao dịch bất động sản có chiều hướng giảm sút, nhất là từ quý II năm 2011 đến nay.
- Chất lượng một số công trình xây dựng, đặc biệt là công trình đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, công trình nhà ở tái định cư chưa đạt chất lượng, nhiều hạng mục công trình phải sửa chữa do chất lượng kém, các công trình xây dựng chậm tiến độ còn phổ biến.
- Năng lực tài chính, khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp trong ngành xây dựng còn thấp, đặc biệt là năng lực cạnh tranh quốc tế, hầu như chưa có doanh nghiệp xây dựng nào vươn được ra thị trường xây dựng ở nước ngoài.
Xuất phát từ lĩnh vực hoạt động của mình, các đại biểu dự Hội nghị đã nêu lên những đề xuất, kiến nghị rất cụ thể, từ việc xác định đúng cách tiếp cận dựa trên cách nhìn nhận của người có thu nhập thấp để xây dựng nhà ở phù hợp "cần một không gian làm được nhiều việc chứ không phải nhiều không gian mà không làm được việc gì", hoặc cần quy chuẩn hoá thế nào là một căn nhà dành cho người có thu nhập thấp (từ việc xác định vật liệu nội thất, các thiết bị trong nhà...), như kinh nghiệm của một số quốc gia trong khu vực để vừa dễ thi công công nghiệp loại hình nhà ở này vừa dễ kiểm soát giá cả, hạn chế đến mức thấp nhất những lãng phí, nhằm có nhà giá thấp mà chất lượng không thấp; đến việc khơi thông và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn, giảm tốc độ và tỷ trọng tín dụng bất động sản một cách hợp lý, an toàn, tránh gây "sốc" cho thị trường....
Cũng tại Hội nghị, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng đã dành khá nhiều thời gian để trả lời các câu hỏi của phóng viên về các vấn đề nhà ở, đặc biệt là nhà ở xã hội; dự báo thị trường bất động sản trong năm 2012; chất lượng các công trình xây dựng.... Bộ trưởng đặc biệt nhấn mạnh đến những điểm mới trong Quyết định Phê duyệt chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, ngày 30-11-2011 của Thủ tướng Chính phủ. Đây là lần đầu tiên có chiến lược phát triển nhà ở, trong đó khẳng định quan điểm có chỗ ở thích hợp và an toàn là điều kiện cần thiết để con người phát triển một cách toàn diện. Trong chiến lược khẳng định, phát triển nhà ở là trách nhiệm của cả Nhà nước, xã hội và người dân; phân biệt rất rõ hai loại hình phát triển nhà ở: theo cơ chế thị trường dành cho các đối tượng có khả năng thanh toán đáp ứng nhu cầu về nhà ở; đồng thời xây dựng cơ chế, chính sách để triển khai các chương trình phát triển nhà ở xã hội. Các chỉ tiêu phát triển nhà ở, trong đó có chỉ tiêu về nhà ở xã hội cần được xác định cụ thể trong nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương hàng năm và từng giai đoạn để tổ chức triển khai, đồng thời là cơ sở để cơ quan có thẩm quyền giám sát, đánh giá kết quả thực hiện./.
-----------------------------------------
(1) Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Đảng trong thời gian tới*  (18/12/2011)
Liên hợp quốc tăng cường hiện diện ở Nam và Tây Nam Á  (17/12/2011)
Trung Mỹ đẩy nhanh tiến trình hội nhập khu vực  (17/12/2011)
Châu Âu phóng tên lửa Soyuz mang vệ tinh quân sự  (17/12/2011)
Tiếp tục chính sách tiền tệ thận trọng và linh hoạt  (17/12/2011)
Xây dựng một đội ngũ cán bộ kiểm tra liêm chính  (17/12/2011)
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên