TCCSĐT - Sáng 27-11-2011, tỉnh Hưng Yên đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 180 năm thành lập tỉnh (1831-2011), 70 năm thành lập Đảng bộ tỉnh (7-1941 - 7-2011), 15 năm ngày tái lập tỉnh Hưng Yên (1-1-1997 - 1-1-2011) và đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh.

Tới dự Lễ mít tinh có các đồng chí: Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ chính trị, Chủ tịch nước; Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ; Trung tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an; Trung tướng Ngô Xuân lịch, Bí thư Trung ương Đảng; Uông Chu Lưu, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội... cùng nhiều đồng chí lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương và các tỉnh: Hà Nội, Hải Dương, Long An, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nam, Thái Bình, Bắc Ninh, Ninh Bình, Nam Định, Thái Nguyên, Quảng Nam, Phú Yên, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hòa Bình, Bộ tư lệnh Quân khu III...

Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười đã gửi lẵng hoa chúc mừng. Trên 10.000 đại biểu là các tầng lớp nhân dân tỉnh Hưng Yên đã tham dự Lễ kỷ niệm.


 

Mở đầu Lễ mít tinh là diễu binh, diễu hành với sự tham gia của hơn 2.000 người thuộc 36 đoàn

Tại Lễ kỷ niệm, đồng chí Nguyễn Văn Cường, Bí thư Tỉnh ủy  Hưng Yên đã ôn lại những trang sử hào hùng, khắc ghi truyền thống yêu nước nồng nàn của nhân dân Hưng Yên trong 180 năm qua. Từ năm Minh Mệnh thứ 12 (1831), tỉnh Hưng Yên được thành lập gồm hai phủ: phủ Khoái Châu (gồm các huyện Đông Yên, Kim Động, Ân Thi, Phù Cừ của trấn Sơn Nam) và phủ Tiên Hưng (gồm các huyện Tiên Lữ, Thần Khê, Hưng Nhân, Duyên Hà của trấn Nam Định). Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Hưng Yên là đơn vị hành chính cấp tỉnh, trực thuộc Ủy ban Hành chính Bắc Bộ. Ngày 26-11-1968, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ra Nghị quyết số 504-NQ/TVQH phê chuẩn hợp nhất hai tỉnh Hưng Yên và Hải Dương thành tỉnh Hải Hưng, tỉnh lỵ đặt tại Thị xã Hải Dương. Ngày 6-11-1996, tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa IX đã phê chuẩn việc tách tỉnh Hải Hưng thành hai tỉnh Hưng Yên và Hải Dương. Ngày 1-1-1997, tỉnh Hưng Yên được tái lập.

Từ xuất phát điểm khó khăn, cơ sở vật chất nghèo nàn, kết cấu hạ tầng kém, đời sống nhân dân còn thiếu thốn... sau 15 năm tái lập tỉnh, Hưng Yên đã đạt được những thành tựu vượt bậc về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng, đặc biệt là phát triển công nghiệp. Năm 1997 thu nhập bình quân đầu người là 205 USD thì đến năm 2010 đã tăng lên 1.110 USD, số hộ nghèo hiện chỉ còn 3%; thu ngân sách từ 82 tỉ đồng, sau 15 năm đã tăng lên 3.300 tỉ đồng.

Đậi hội Đảng bộ tỉnh Hưng Yên lần thứ XVII đã xác định mục tiêu tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, toàn diện và đồng bộ - nhất là công cuộc quy hoạch và đào tạo cán bộ; huy động nguồn lực chủ động hội nhập, đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa, xây dựng đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế; xây dựng nền văn hóa mang đậm đà bản sắc dân tộc, trong đó mang đặc trưng của địa phương... tất cả nhằm tạo nền tảng vững chắc để Hưng Yên cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp trước năm 2020. Theo đó, mục tiêu mà Đảng bộ tỉnh Hưng Yên đặt ra là đến năm 2015, thu nhập bình quân đầu người đạt 2.500 USD, tổng thu ngân sách đạt 6.000 tỉ đồng; 100% số xã đạt chuẩn quốc gia về y tế; thành phố Hưng Yên cơ bản đạt các tiêu chí của đô thị loại II, xây dựng Phố Nối thành thị xã công nghiệp; tạo nền tảng vững chắc để Hưng Yên cơ bản thành tỉnh công nghiệp trước năm 2020; tỉ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 1%; tạo thêm việc làm mới cho 11 vạn lao động...


Để thực hiện hiệu quả các mục tiêu, Ban Thường vụ Tỉnh ủy cùng lãnh đạo các địa phương đề ra nhiều giải pháp đồng bộ, thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, trước tiên phải tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng gắn với công nghiệp hóa, đô thị hóa; chú trọng công tác quy hoạch. Và điều quan trọng nhất là, hằng tháng lãnh đạo tỉnh luôn có sự kiểm tra, đôn đốc; hằng quý tất cả các ngành, các địa phương có báo cáo kết quả thực hiện; sáu tháng có sơ kết, đánh giá kết quả thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu. Những khó khăn, thách thức trên con đường phát triển của Hưng Yên vẫn còn ở phía trước, nhưng những thành quả mà địa phương đạt được hôm nay là mốc son thể hiện sự đoàn kết, nỗ lực cao của toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh. Nhìn lại chặng đường phát triển đã qua, và nhân kỷ niệm 180 năm ngày thành lập tỉnh, những người dân Việt Nam và nhất là người con của xứ nhãn, dù đang lập nghiệp ở trong hay ngoài nước, đều có quyền kiêu hãnh và tự hào khi giới thiệu về vùng đất Hưng Yên của mình, vùng đất gắn liền biết bao truyền thống văn hóa, lịch sử.

 

Dưới nền quân nhạc hùng tráng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã long trọng gắn Huân chương Hồ Chí Minh lên lá cờ truyền thống của tỉnh Hưng Yên

Ghi nhận và biểu dương sự đóng góp to lớn của Đảng bộ và quân dân Hưng Yên trong suốt chặng đường xây dựng và phát triển; biểu dương sự nỗ lực phấn đấu và những đóng góp to lớn của Hưng Yên vào sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và của dân tộc, thay mặt Đảng và Nhà nước, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh, phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước cho Đảng bộ và nhân dân tỉnh Hưng Yên vì đã có nhiều thành tích xuất sắc góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
 

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh Hưng Yên trân trọng đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch nước nêu rõ, là tỉnh có truyền thống cách mạng hào hùng, có nguồn lao động dồi dào, chất lượng cao, có những lợi thế về vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên, hệ thống giao thông đa dạng, thuận lợi, nối liền với các địa phương khác trong khu vực, vì vậy, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hưng Yên cần nhận thức đầy đủ và phát huy lợi thế, chọn những khâu trọng tâm, đột phá để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XI của Đảng với mục tiêu cơ bản là đến năm 2020 đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp hiện đại. Góp phần cơ cấu lại nền kinh tế, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với trọng tâm là tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng.

Tự hào là một tỉnh có những bước đi đột phá trong phát triển kinh tế, người dân Hưng Yên còn mang trong mình niềm hãnh diện về một vùng đất văn hiến, hiếu học và rất trọng nhân tài, nơi sản sinh ra nhiều anh hùng hào kiệt, các nhà văn hóa lớn của đất nước. Văn Miếu Xích Đằng (phường Lam Sơn - Thành phố Hưng Yên) hiện vẫn được gìn giữ gần như nguyên vẹn, với 9 tấm bia ghi danh 138 vị đỗ Đại khoa từ thời Trần đến năm 1919 - khoa thi cuối cùng của khoa cử Nho học. Trong suốt quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước, vùng đất Hưng Yên thời nào và lĩnh vực nào cũng có những nhân tài mà sử sách còn ghi danh như Triệu Quang Phục, Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Thiện Thuật, Hoàng Hoa Thám, Lê Hữu Trác... Trong lịch sử đấu tranh cách mạng, vùng đất Hưng Yên cũng tự hào là nơi sinh ra những nhà hoạt động chính trị, những người chiến sĩ kiên trung như Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, Lê Văn Lương, Tô Hiệu, Bùi Thị Cúc... Thêm vào đó, Hưng Yên cũng là vùng đất có mật độ di tích văn hóa - lịch sử dày đặc so với những địa phương ở khu vực đồng bằng châu thổ Sông Hồng với những đền, chùa nổi tiếng như đền Chử Đồng Tử - Tiên Dung, đền thờ Tống Trân, đền Phù Ủng, chùa Chuông, chùa Phố Hiến... Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định, với truyền trống văn hiến, hiếu học, truyền thống cách mạng kiên cường, những thành tựu kinh tế - xã hội vượt bậc, Hưng Yên đã ghi dấu và góp phần không nhỏ vào lịch sử dân tộc, vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Sau 15 năm tái lập, Hưng Yên đã có sự phát triển mạnh mẽ, toàn diện, bộ mặt của tỉnh ngày càng đẹp hơn, khang trang hơn.


Thay mặt tỉnh Hưng Yên, đồng chí Nguyễn Văn Thông, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh đã trân trọng cảm ơn và tiếp thu các ý kiến động viên, chỉ đạo của Chủ tịch nước; hứa sẽ thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả chỉ đạo của Chủ tịch nước, quyết tâm xây dựng Hưng Yên giàu đẹp văn minh và sớm trở thành tỉnh công nghiệp trước năm 2020.
Đại diện cho các thế hệ, tầng lớp nhân dân Hưng Yên, Đại tá Phan Khắc Thuận, cán bộ lão thành cách mạng và em Bùi Thị Lê, sinh viên Trường Cao đẳng Sư phạm Hưng Yên đã lên phát biểu cảm tưởng tại buổi lễ.


Tối cùng ngày, vào lúc 20h30 phút, cũng tại quảng trường Nguyễn Văn Linh ở thành phố Hưng Yên diễn ra chương trình nghệ thuật với chủ đề "Hưng Yên - Một vùng văn hóa" và bắn pháo hoa chào mừng. Chương trình nghệ thuật do các diễn viên Trường Văn hóa Quân đội, Nhà hát Chèo Trung ương, Nhà hát Ca múa nhạc Trung ương, Nhà hát Chèo Hưng Yên và Trường Cao đẳng Sư phạm Hưng Yên phối hợp biểu diễn.


Nằm ở tả ngạn sông Hồng, trong vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc và tam giác tăng trưởng Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, tỉnh Hưng Yên từ lâu đã được biết đến với nhiều đặc sản nổi tiếng như nhãn lồng, bánh đa, làng thuốc đông y... Điều nổi bật của Hưng Yên, từ thế kỷ XVI, XVII, phố Hiến - Hưng Yên đã được xem là chốn phồn hoa đô hội nổi tiếng với câu ca truyền đời của người Việt "thứ nhất Kinh Kỳ, thứ nhì Phố Hiến”, bởi nơi đây sớm mang diện mạo của một đô thị kinh tế, nhộn nhịp cảnh trên bến, dưới thuyền, phố phường san sát... Giờ đây, Hưng Yên đã và đang phát triển trên nền tảng bề dày truyền thuyết và truyền thống lịch sử...


Nối tiếp niềm tự hào của một trung tâm kinh tế, nhiều thập kỷ qua trong suốt quá trình xây dựng và phát triển, Hưng Yên luôn có những bước đi đột phá trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Nhờ khai thác tiềm năng sẵn có và lợi thế một cách hiệu quả, nhiều năm trở lại đây, Hưng Yên đã có bước phát triển vượt bậc trên hầu hết các lĩnh vực, trở thành địa phương có tốc độ tăng trưởng cao, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, đời sống của đại bộ phận người dân được cải thiện, góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc./.