Kỉ niệm 125 năm Khởi nghĩa Ba Đình

Theo: TTXVN
14:25, ngày 27-11-2011
Ngày 26-11, hàng nghìn người dân huyện Nga Sơn (tỉnh Thanh Hóa) đã dự lễ kỷ niệm 125 năm Khởi nghĩa Ba Đình (1886 - 2011) và kỷ niệm 65 năm ngày thành lập Đảng bộ huyện Nga Sơn.
Cách đây 125 năm, tại xã Ba Đình (gồm ba làng Mỹ Khê, Thượng Thọ và Mậu Thịnh), nơi đã được Đinh Công Tráng, Phạm Bành, Hoàng Bật Đạt xây dựng làm căn cứ nhằm ngăn chặn địch từ cửa ngõ phía Đông Bắc và làm bàn đạp tiến đánh đồng bằng Bắc bộ; được nhân dân hết lòng ủng hộ, đóng góp nguyên vật liệu, lương thực cộng với tài thao lược về nghệ thuật quân sự của thủ lĩnh Đinh Công Tráng, nghĩa quân đã dùng tre tươi, rơm rạ, bùn đất và địa hình chiêm trũng của vùng đất Nga Sơn xây dựng thành pháo đài kiên cố.

Từ căn cứ Ba Đình, nghĩa quân đã đánh địch quanh vùng, gây nhiều thiệt hại. Lo sợ trước sức mạnh của nghĩa quân, thực dân Pháp đã nhiều lần điều động binh lực để tấn công căn cứ Ba Đình. Từ ngày 18-12-1886 đến 20-1-1887 quân Pháp có lúc cao điểm đã huy động đến 2.500 quân và 36 khẩu đại bác hòng tiêu diệt Ba Đình. Với tinh thần chiến đấu mưu trí, dũng cảm, nghĩa quân đã bẻ gãy hai đợt tấn công của thực dân Pháp, gây tổn thất nặng nề cho quân Pháp . Căn cứ Ba Đình vẫn như con nhím khổng lồ giữa đồng nước mênh mông, án ngữ hoạt động của quân Pháp từ Bắc bộ vào Thanh Hóa. Cánh đồng Ba Đình trở thành mồ chôn quân xâm lược và là nỗi kinh hoàng của kẻ địch.

Cùng ngày, huyện Nga Sơn cũng long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 65 năm ngày thành lập Đảng bộ huyện và đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhì. Trong cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm Pháp và Mỹ, nhân dân trong huyện đã đóng góp hàng chục vạn tấn lương thực thực phẩm. Đảng bộ và nhân dân Nga Sơn vừa làm tròn nhiệm vụ chiến đấu, bảo vệ cửa ngõ phía đông bắc của tỉnh Thanh Hóa vừa làm tròn nhiệm vụ hậu phương. Trong hai cuộc kháng chiến này đã có gần 3.000 người con ưu tú của Nga Sơn đã tham gia vào các lực lượng bộ đội, thanh niên xung phong, dân quân hỏa tuyến; trong đó có gần 2.500 cán bộ, chiến sỹ đã anh dũng hy sinh vì độc lập, tự do của tổ quốc.


Sau ngày hòa bình lập lại, Nga Sơn đã có những bước phát triển đáng kể. Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2010 đạt 11%, công nghiệp, xây dựng, dịch vụ chiếm gần 60% cơ cấu kinh tế của huyện. Nghề trồng cói, dệt chiếu đã mang lại thu nhập đáng kể cho người dân. Trong tháng 11 huyện đã được xây dựng được chỉ dẫn địa lý về cây cói Nga Sơn. Sản xuất lương thực ở Nga Sơn cũng đã tạo được phát triển đột phá và là đơn vị điển hình của tỉnh về thâm canh lúa lai, với tổng sản lượng lương thực năm 2010 đạt 55.000 tấn./.