TCCSĐT - Nội các Hy Lạp đã nhất trí với kế hoạch gây tranh cãi do Thủ tướng George Papandreou đề xuất là tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân về gói cứu trợ của Liên minh châu Âu (EU).

 

Thủ tướng Hy Lạp cho biết, cuộc trưng cầu dân ý sẽ là "sự ủy nhiệm và thông điệp rõ ràng"

Trong một cuộc họp khẩn của nội các nước này vào tối 1-11-2011, Thủ tướng George Papandreou cho rằng, một cuộc trưng cầu ý dân sẽ mang đến cho nước này “sự ủy nhiệm minh bạch” trong việc thực thi những biện pháp khắc khổ mà các thành viên Eurozone yêu cầu. Thủ tướng George Papandreou: “Cuộc trưng cầu dân ý sẽ là sự ủy nhiệm và thông điệp rõ ràng từ bên trong lẫn bên ngoài Hy Lạp về tiến trình của châu Âu và sự tham gia vào đồng euro”.

Sau khi tuyên bố về cuộc trưng cầu ý dân được đưa ra tại Hy Lạp, thị trường cổ phiếu thế giới đã giảm mạnh. Thủ tướng George Papandreou cho rằng, việc tổ chức bầu cử sớm có thể đẩy Hy Lạp vào nguy cơ vỡ nợ. Chính phủ Hy Lạp phải đối mặt với một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm quan trọng vào thứ sáu tuần này.

Sau cuộc họp khẩn kéo dài 7 giờ đồng hồ, phát ngôn viên của Chính phủ Hy Lạp Elias Mossialos cho biết: “Nội các đã bày tỏ sự hậu thuẫn. Cuộc trưng cầu ý dân sẽ được tổ chức càng sớm càng tốt, ngay sau khi các điểm cơ bản của thỏa thuận cứu trợ được chốt lại”. Phải đến khi cuộc trưng cầu ý dân được công bố, nhiều bộ trưởng trong Chính phủ Hy Lạp mới hay biết về kế hoạch này. Truyền thông Hy Lạp đưa tin, ngay cả Bộ trưởng Tài chính Evangelos Venizelos cũng lấy làm kinh ngạc trước công bố trên.

Ngay sau đó, sáu nghị sĩ Quốc hội Hy Lạp đã yêu cầu Thủ tướng George Papandreou từ chức. Đảng đối lập trong quốc hội Hy Lạp đề nghị bầu cử sớm và cho rằng, cuộc trưng cầu ý dân sẽ gây ảnh hưởng đến mỗi quan hệ giữa Hy Lạp và các thành viên khác của EU.

Cuộc trưng cầu ý dân của Hy Lạp đe dọa đến việc thực thi những thỏa thuận đã đạt được tại Hội nghị thượng đỉnh EU tuần trước nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng nợ. Các nhà lãnh đạo trong khu vực này đã nhất trí cho Athens vay 100 tỉ euro (tương đương với140 tỉ USD) và xóa 50% số nợ cũ. Đổi lại, Hy Lạp phải cắt giảm mạnh chi tiêu công, quỹ hưu trí, lương bổng và giảm biên chế hàng nghìn công nhân viên chức trong bộ máy nhà nước.

Nhiều cuộc biểu tình đã nổ ra khắp Hy Lạp để phản đối những biện pháp khắc khổ này.

“Châu Âu sửng sốt”

Ngày 1-11-2011, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy cho biết, quyết định trưng cầu ý dân của Thủ tướng George Papandreou khiến “cả châu Âu sửng sốt”. Chính phủ Pháp và Đức nói rằng, họ muốn những thỏa thuận về gói cứu trợ “phải được thực thi đầy đủ trong thời gian nhanh nhất”.

Thủ tướng George Papandreou sẽ có một cuộc Hội đàm được tổ chức vội vã hôm nay với Tổng thống Nicolas Sarkozy và Thủ tướng Đức Angela Merkel bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Pháp.

Trong một tuyên bố chung, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy và Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết, các quyết định được đưa ra tại Hội nghị EU tuần trước là “quan trọng hơn bao giờ hết. Pháp và Đức tin rằng thỏa thuận này sẽ giúp Hy Lạp lấy lại được tốc độ tăng trưởng bền vững”. Hội nghị EU “chạy nước rút” tuần trước nhằm mục đích giải cứu Hy Lạp và 17 quốc gia trong khu vực khỏi bờ vực sụp đổ.

Người đứng đầu Eurozone Jean-Claude Juncker cho biết, nếu cuộc trưng cầu ý dân của Hy Lạp mà bác bỏ gói cứu trợ thì Hy Lạp có thể sẽ phá sản. “Điều này còn tùy thuộc vào cách đặt câu hỏi như thế nào và người dân Hy Lạp chính xác sẽ bỏ phiếu cho cái gì”, ông Jean-Claude Juncker nói./.