TCCSĐT  - Ngày 12 - 10 vừa qua, trong một quy trình hết sức chóng vánh, lưỡng viện lập pháp Mỹ đã thông qua Thỏa thuận mậu dịch tự do giữa Mỹ với Hàn Quốc, Panama và Columbia.

Trong số những thỏa thuận ấy, thỏa thuận với Hàn Quốc đáng được chú ý hơn cả bởi đó là thỏa thuận có quy mô và tầm vóc lớn nhất mà Mỹ đã ký kết kể từ khi Mỹ cùng với Canada và Mexico Thỏa thuận thành lập Khu vực mậu dịch tự do Bắc Mỹ North American Free Trade Agreement năm 1994.

Thỏa thuận này đã được Mỹ và Hàn Quốc nhất trí từ năm 2007, nhưng chưa được Quốc hội hai nước thông qua bởi bất đồng quan điểm giữa hai bên về việc Hàn Quốc đánh thuế vào xe ô tô nhập khẩu từ Mỹ. Cho tới nay, hai bên đã giải quyết được vướng mắc này bằng cam kết của Hàn Quốc giảm mức thuế xuống còn tối đa 4% đối với xe ô tô của Mỹ và miễn thuế hoàn toàn sau 4 năm. Trong cùng thời gian ấy, Mỹ cũng sẽ giảm dần mức thuế đối với ô tô của Hàn Quốc từ mức độ hiện tại là 2,5%. Ngoài ra, Hàn Quốc còn chấp nhận để Mỹ xuất khẩu hàng năm 25.000 ô tô và không đòi hỏi nhiều tiêu chuẩn hơn về an toàn.

Theo công bố của phía Mỹ, thỏa thuận mậu dịch tự do với Hàn Quốc có thể giúp Mỹ tăng giá trị xuất khẩu hàng năm thêm khoảng 10 tỉ USD. Hàn Quốc hiện là đối tác thương mại lớn thứ 7 của Mỹ. Kim ngạch thương mại song phương năm ngoái giữa Mỹ và Hàn Quốc đạt gần 90 tỉ USD.

Việc Quốc hội Mỹ thông qua Thỏa thuận mậu dịch tự do này trùng vào thời điểm Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak thăm Mỹ.  Ông Lee Myung-bak đánh giá thỏa thuận này là "thông điệp mạnh mẽ của Mỹ và Hàn Quốc chống bảo hộ và ủng hộ mậu dịch tự do và công bằng".

Trong một tuyên bố, Tổng thống Mỹ Barack Obama coi thỏa thuận mậu dịch tự do với ba đối tác này như một "thành quả quan trọng đối với người lao động và giới kinh tế ở Mỹ". Theo tính toán của Chính phủ Mỹ, thỏa thuận này giúp bảo tồn lâu dài ít nhất 70.000 chỗ làm việc ở Mỹ.

Điều đáng chú ý là cả Đảng Dân chủ lẫn Đảng Cộng hòa ở Mỹ đều biểu lộ sự hậu thuẫn mạnh mẽ cho thỏa thuận nói trên. Cả điều đó lẫn việc duy trì được công ăn việc làm đều có tác động thuận lợi cho cá nhân Tổng thống Barack Obama trong cuộc tranh cử tổng thống tới, nhất là sau khi bởi sự bất hợp tác và chống phá của Đảng Cộng hòa mà Thượng viện Mỹ đã không phê chuẩn kế hoạch tạo công ăn việc làm cho thời gian tới mà Chính phủ của Tổng thống Barack Obama đã đưa ra.

Thỏa thuận này còn phải được Quốc hội Hàn Quốc phê chuẩn và Tổng thống Mỹ Barack Obama ký ban hành thì mới có hiệu lực.

Trước đó, Thượng viện Mỹ đã thông qua dự luật cho phép Chính phủ tiến hành những biện pháp trừng phạt đối với những đối tác mà Mỹ cho rằng đã duy trì  việc sử dụng chính sách tiền tệ để bù trợ cho xuất khẩu, gây tổn hại đến hàng xuất khẩu của Mỹ. Tuy không nêu đích danh, nhưng đối tượng chính của dự luật này là Trung Quốc. Chính vì thế, Trung Quốc đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ, cảnh báo Mỹ về nguy cơ hai bên có thể đến bên bờ vực của chiến tranh thương mại và leo thang trả đũa.

Tuy đã được Thượng viện Mỹ thông qua, khả năng dự thảo luật này trở thành luật rất mong manh vì khó có thể được Hạ viện thông qua. Cho dù Hạ viện có thông qua thì dự thảo luật vẫn phải cần sự chấp thuận của Tổng thống Barack Obama. Tổng thống Barack Obama có quyền phủ quyết và mọi biểu hiện hiện tại cho thấy chính phủ Mỹ và cá nhân ông Barack Obama cũng không “mặn mà” gì với chủ định gây căng thẳng như vậy với Trung Quốc.